Doanh nhân Nguyễn Hồng Lam và những điều muốn nói

Hoàng Anh - Thứ Ba, 20/12/2022 , 18:40 (GMT+7)

Doanh nhân Nguyễn Hồng Lam, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Quế Lâm vừa ra mắt tự truyện 'Tôi, dòng sông và những cánh đồng' phần 2, với tựa đề 'Những điều muốn nói'.

Ra mắt tự truyện "Tôi, dòng sông và những cánh đồng phần 2: Những điều muốn nói" của doanh nhân Nguyễn Hồng Lam. Ảnh: Hoàng Anh.

1.

Buổi lễ ra mắt cuốn tự truyện diễn ra trong một không gian ấm cúng ở Vĩnh Phúc, có đông đủ bạn bè, người thân của doanh nhân Nguyễn Hồng Lam. Điều khiến ai nấy cũng phải ngỡ ngàng là sau phần một tưởng chừng đã rút hết ruột gan ra để nói hết rồi vậy mà vẫn còn gần 400 trang sách của phần hai này.

Không ngỡ ngàng sao được khi một người đã sang ngưỡng tuổi 75 vẫn cháy bừng ngọn lửa khát vọng, nhiệt huyết với nông nghiệp hữu cơ, kinh tế tuần hoàn. Tuổi 75 mà vẫn đau đáu, trăn trở và trách nhiệm với người nông dân, với nông nghiệp sinh thái, phải chăng muốn “so với ông Bành vẫn còn thiếu niên” hay như chính lời doanh nhân Nguyễn Hồng Lam chia sẻ: Đằng sau mỗi cuộc đời đều có những câu chuyện chưa được kể. Câu chuyện về thành bại trong sự nghiệp, niềm vui - nỗi buồn, hạnh phúc - khổ đau… Có những câu chuyện tôi nghĩ rằng sẽ chỉ để dành cho riêng mình, thế nhưng khi bước vào tuổi “trời cho” chẳng còn muốn giữ nữa. “Những điều muốn nói” là những gì tôi đã trải qua trong quá tình xây dựng Tập đoàn Quế Lâm và chiêm nghiệm của bản thân trong cuộc sống.

Lời giới thiệu của tác giả - doanh nhân Nguyễn Hồng Lam ngắn gọn, thế nhưng gần 400 trang sách được chia làm 8 phần lại ngồn ngộn thông tin và những câu chuyện về triết lý làm nông nghiệp tử tế, triết lý cuộc đời. Đó không chỉ là trải nghiệm của một người ngoài thất thập mà còn là hành trình gần 30 năm đồng hành với người nông dân theo đuổi mục tiêu, lý tưởng sống được gói gọn trong 3 chữ “duyên cơ, đức tin và xả thân”. Hành trình từ cánh đồng tôm Phú Trạch trong những tháng năm gian khổ với gió Lào cát trắng Quảng Bình đến hệ sinh thái nông nghiệp tuần hoàn Quế Lâm, từ những ngày tháng “khởi nghiệp” sau khi thôi làm người nhà nước đến vị trí tiên phong góp phần xây dựng nền nông nghiệp trách nhiệm.

Doanh nhân Nguyễn Hồng Lam và những người bạn có ảnh hưởng lớn trong tự truyện "Tôi, dòng sông và những cánh đồng phần 2: Những điều muốn nói". Ảnh: Hoàng Anh.

Cơ duyên là khi ông gặp Giáo sư Phạm Văn Hữu, Việt kiều Canada và cũng chính là người thầy đầu tiên đưa ông đến với công nghệ vi sinh, tác nhân tạo nên bước ngoặt cuộc đời. Cơ duyên gặp gỡ những người truyền cảm hứng, niềm tin để ông Lam dốc lòng góp sức với nền nông nghiệp như ông Nguyễn Xuân Cường, nguyên Bộ trưởng Bộ NN-PTNT; ông Nguyễn Thanh Bình, nguyên Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tổ chức Trung ương; ông Phan Xuân Dũng, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường Quốc hội; ông Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT… và nhiều người khác nữa. Cơ duyên với không biết bao nhiêu vùng đất và con người trong suốt cuộc hành trình bôn ba từ quê hương Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) đến vùng đất Quảng Bình, Thừa Thiên - Huế, Long An, Vĩnh Phúc, với bà con đồng bào dân tộc thiểu số vùng núi cao Tây Bắc đến miền sông nước Tây Nam bộ. Ông Lam nói, cơ duyên đó đã giống như ngọn lửa để mỗi việc ông làm đều cháy hết mình, để tri ân duyên gặp gỡ với người chung thủy và cả với những người ngoảnh mặt quay lưng.

Còn với đức tin, đó là giá trị cốt lõi luôn được doanh nhân Nguyễn Hồng Lam đề cao và đặt ở vị trí tiên quyết trong chiến lược hợp tác phát triển. Có đức tin mới xây dựng lòng tin với Đảng, Nhà nước, điểm tựa pháp lý và tinh thần; lòng tin của nhà khoa học, điểm tựa của tri thức; nhà nông, người bạn đường tin cậy; nhà đầu tư nước ngoài, hợp tác nhưng không lệ thuộc; nhà trường, vì tương lai đất nước và nhà của chúng ta bởi chỉ hạnh phúc khi có sức khỏe… Đức tin chính là đạo làm nông nghiệp tử tế. Là thứ giúp doanh nhân Nguyễn Hồng Lam vững bước vượt qua hành trình đơn độc làm nông nghiệp hữu cơ trên con đường hoang vắng ngày trước. Để hôm nay hành trình đó không còn đơn lẻ nữa. Quế Lâm đã nhận được sự tin tưởng, ủng hộ của Đảng, Nhà nước, các cấp chính quyền, nhà khoa học và đặc biệt là bà con nông dân.

“Năng mưa thì giếng năng đầy/ Anh năng lui tới mẹ thầy năng thương”, ông Nguyễn Hồng Lam luôn thấm thía câu ca dao người mẹ vẫn thường ru và xem đó như triết lý xây dựng lòng tin trên con đường làm nông nghiệp của mình. Một con đường nhân tâm, nhân văn và nhân ái.

Gia đình doanh nhân Nguyễn Hồng Lam chúc mừng ông dịp ra mắt tự truyện "Tôi, dòng sông và những cánh đồng phần 2: Những điều muốn nói". Ảnh: Hoàng Anh.

Và cơ duyên, đức tin chính là động lực để có một Nguyễn Hồng Lam xả thân. Đọc "Tôi, dòng sông và những cánh đồng phần 2: Những điều muốn nói" lại nhớ câu nhận xét về ông Lam của ông Nguyễn Xuân Cường, nguyên Bộ trưởng Bộ NN-PTNT: Bác Lam đã hơn 70 tuổi, có tất cả rồi, cần gì nữa đâu mà dấn thân, lao tâm khổ tứ với nông nghiệp, nông dân, nông thôn như thế? Câu trả lời chính là khát vọng.

Khát vọng thoát nghèo vốn là bản sắc của đa số người Nghệ Tĩnh, vùng đất quá nhiều khắc nghiệt, khó khăn. Khát vọng hun đúc nên trí tuệ, bản lĩnh và cá tính đặc biệt, nhất là với những người lập nghiệp bằng kinh doanh. Tuy nhiên, lựa chọn và hành trình trên một con đường riêng lẻ, khác biệt là nông nghiệp hữu cơ vi sinh như ông Nguyễn Hồng Lam ngoài khát vọng còn phải xả thân mới có thể thành công. Bởi như ông nhiều lần chia sẻ với người viết bài này, làm nông nghiệp dù ở góc độ nào cũng không thể vội vàng, đánh quả mà phải xây dựng lòng tin, sự tử tế sẽ như ngọn lửa nhỏ thổi dần lên thành vùng sáng lớn. Triết lý xây dựng Quế Lâm của tôi chính bắt đầu từ sự bình tĩnh và chân thành. Sáng tạo và phát triển. Phải luôn làm mới mình, phát minh ra những chế phẩm phục vụ nền nông nghiệp và mục tiêu tối thượng của tập đoàn là vi sinh, thứ mãi mãi là chân lý của nền nông nghiệp hiện đại và nhân văn.

Lẽ tất nhiên kinh doanh có ai không nghĩ đến lợi nhuận, đồng tiền nhưng với doanh nhân Nguyễn Hồng Lam, ông không xả thân vì mục tiêu đó. Ngày hôm nay Quế Lâm đã là tập đoàn nông nghiệp tuần hoàn hàng đầu đất nước, sáng chế ra hơn 146 sản phẩm nông nghiệp hữu cơ, doanh thu mỗi năm hàng ngàn tỷ đồng… Có người nói ông Lam giờ nằm trên đống tiền, liệu đã thỏa mãn chưa? Chắc chắn là chưa. Với khát vọng của người lính cụ Hồ, với hành trình xả thân mấy chục năm trời, ông luôn tâm niệm thỏa mãn nghĩa là dừng lại, làm nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn không thể dừng lại được.

Khát vọng phải là ngọn lửa, xả thân phải là ý chí quyết tâm. Ở tuổi 75 bây giờ nhiều người gọi ông Nguyễn Hồng Lam là thầy, người gọi doanh nhân, người là nông dân hay nhà khoa học của nhà nông… Nhưng cứ mỗi lần gặp gỡ tôi luôn thấy ông mới mẻ, dù ở góc độ nào vẫn thấy ông là người truyền lửa, truyền cảm hứng và dẫn dắt nhiều người đi chung con đường nông nghiệp trách nhiệm và tử tế.

Nhiều năm qua, Quế Lâm phối hợp với Bộ NN-PPTNT, các địa phương, hợp tác xã, người nông dân để cùng nhau chia sẻ kiến thức, trách nhiệm, thay đổi tư duy sản xuất sang kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp. Kể từ khi hệ sinh thái nông nghiệp của Quế Lâm được xây dựng, mỗi hộ nông dân liên kết được đào tạo trở thành một mô hình kinh tế tuần hoàn, khép kín từ trồng trọt đến chăn nuôi. Hàng tuần, hàng tháng Chủ tịch Quế Lâm đều đứng lớp, vừa truyền cảm hứng vừa truyền đạt kiến thức đến người nông dân. Khi có người gọi là thầy cũng thấy ông xúc động nhưng rồi lại chia sẻ chân thành, tôi hạnh phúc khi được giúp đỡ mọi người và muốn trút hết tâm huyết vì nền nông nghiệp sinh thái, không giữ lại gì cho riêng mình cả. Khát vọng hay xả thân nếu để người nông dân thành công xã hội sẽ được hưởng lợi, cớ gì chúng ta không làm. Hạnh phúc với tôi ở tuổi này là được chia sẻ thành công với càng nhiều người càng tốt, để vì một nền nông nghiệp an toàn, bền vững, vì sức khỏe cộng đồng và để không ai bị bỏ lại phía sau.

Doanh nhân Nguyễn Hồng Lam tặng sách nhân dịp ra mắt tự truyện "Tôi, dòng sông và những cánh đồng phần 2: Những điều muốn nói". Ảnh: Hoàng Anh.

2.

Đọc "Tôi, dòng sông và những cánh đồng phần 2: Những điều muốn nói" lại thấy doanh nhân Nguyễn Hồng Lam còn sáng tác cả thơ và nhạc. Đa phần trong số đó là tình cảm của “người truyền lửa” với những vùng đất ông đến, với những con người có cơ duyên gặp gỡ. Mộc mạc và chân thành. Đau đáu, trăn trở, rất đời nhưng cũng không kém phần lãng mạn. Hơn hết còn là sự sẻ chia: “Viết thêm chuyện để lại đời/ Hồng Lam in dấu một thời xuân xanh”.

Ông Lam nói, cả cuộc đời gắn bó với nông nghiệp, đeo đuổi nông nghiệp hữu cơ giúp ông chiêm nghiệm một điều, sự tử tế trong bất cứ lĩnh vực nào cũng đều là đạo, là con đường duy nhất để phát triển bền vững. Nông nghiệp lại càng cần phải tử tế. Giống như Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan trong những lần đến thăm, làm việc với Tập đoàn Quế Lâm vẫn thường chia sẻ: Phải có một hệ sinh thái của những người làm nông nghiệp tử tế để từ đó tạo ra sức lan tỏa, cốt lõi là thay đổi nhận thức, tư duy bà con nông dân. Vì lẽ ấy, làm thơ, viết nhạc hay cuốn tự truyện này cũng không ngoài mục đích lan tỏa sự tử tế đến với những người gắn bó với nông nghiệp Việt Nam. “Môi trường sạch, sức khỏe nhiều/ Nông dân thay đổi thêm yêu xóm làng”.

Mỗi doanh nghiệp đều có riêng chiến lược kinh doanh, mỗi doanh nhân đều có triết lý của mình nhằm tạo nên bản sắc. Đã rất nhiều lần ông Lam nói, tôi dấn thân vào mặt trận nông nghiệp hữu cơ trước hết là vì lợi ích cộng đồng. Lợi ích về nhận thức, kiến thức, pháp lý, lợi ích về môi trường và cả tình cảm nữa. Có lẽ vì thế trong cuốn sách này ông Lam dành phần “những cái bắt tay nồng ấm” để kiến giải thắc mắc của khá nhiều người. Rằng tại sao Quế Lâm không xuất khẩu nông sản khi thị trường đang rất cần và rộng mở? Là vì triết lý của ông và Quế Lâm chính là “nông sản Việt phục vụ người Việt”. Vì có một bi kịch mang tính tư duy cố hữu của chúng ta bao lâu nay, cái gì ngon, sạch đem bán lấy tiền, cái gì xấu, hại thì giữ lại ăn. Tư duy đó cần phải thay đổi, muốn trách nhiệm với nền nông nghiệp, trách nhiệm với người tiêu dùng trong nước hay thế giới thì lẽ nào không trách nhiệm với bản thân? Cho nên Quế Lâm chắc chắn cũng sẽ “bước ra thế giới đàng hoàng” nhưng chỉ là khi tôi phục vụ tốt đồng bào tôi cái đã, phục vụ người Việt mình ăn ngon, mặc đẹp rồi muốn đi đâu thì đi.

Qua gần 400 trang sách, chúng ta không chỉ gặp hình ảnh một doanh nhân với khát vọng cháy bỏng để lan tỏa nông nghiệp tử tế mà ở đó còn một trái tim giàu cảm xúc, tình yêu quê hương, gia đình sứ mệnh đồng hành với người nông dân đất Việt. Ảnh: Hoàng Anh.

Thay đổi tư duy chính là bắt đầu từ những việc nhỏ như thế. “Dọn tí phân rơi, nhặt từng ngọn lá”. Mỗi người làm một việc nhỏ sẽ lan tỏa đến cộng đồng. Đó là chiêm nghiệm của một người lặn lội nắng mưa, đánh đổi bằng mồ hôi, nước mắt và bước qua những chông gai thật giả lòng người. Đó là triết lý được hun đúc từ thực tiễn, là những sẻ chia bằng thơ, bằng nhạc và những câu chuyện ông Nguyễn Hồng Lam kể trong cuốn tự truyện này.

Đọc "Tôi, dòng sông và những cánh đồng phần 2: Những điều muốn nói" điều đọng lại sâu đậm chính là sự kiên gan và sáng tạo của một con người với hành trình trả lại cho đất, cho cây, cho con người những giá trị xanh và bền vững. Hữu xạ tự nhiên hương, cứ làm tốt sứ mệnh của mình niềm tin sẽ lan tỏa. Chẳng phải Chủ tịch Quốc hội Lào ông Xaysomphone Phomvihane khi đến với Quế Lâm để mời gọi sang Lào đầu tư đã nói ông biết đến Quế Lâm là tập đoàn tiên phong trong chuyển đổi sang nông nghiệp xanh, sạch, thân thiện môi trường đó hay sao?

Tự truyện "Tôi, dòng sông và những cánh đồng phần 2: Những điều muốn nói" của doanh nhân Nguyễn Hồng Lam, Chủ tịch Tập đoàn Quế Lâm. Ảnh: Hoàng Anh.

Kiên định và bền bỉ, hành trình của Quế Lâm chắc chắn sẽ tiếp tục với những giá trị mới mẻ khi con đường nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn bây giờ đã rộng lớn hơn. Và có lẽ, duyên cơ, đức tin và khát vọng xả thân của doanh nhân Nguyễn Hồng Lam cũng sẽ lớn hơn dù ở tuổi nào. Bởi như thơ ông viết:

Chỉ còn chút ít máu hồng

Hiến dâng tất cả, hương nồng đồng xanh

Để cho cuộc sống yên lành

Con dân đất Việt xứng danh cùng người.

Vì lẽ ấy, Báo Nông nghiệp Việt Nam trân trọng giới thiệu đến bạn đọc cuốn tự truyện “Tôi, dòng sông và những cánh đồng phần 2: Những điều muốn nói” của doanh nhân Nguyễn Hồng Lam. Qua gần 400 trang sách chúng ta không chỉ gặp hình ảnh một doanh nhân với khát vọng cháy bỏng để lan tỏa nông nghiệp tử tế mà ở đó còn một trái tim giàu cảm xúc, tình yêu quê hương, gia đình sứ mệnh đồng hành với người nông dân đất Việt.

Hoàng Anh
Tin khác
Ký ức không phai một thời học sinh miền Nam trên đất Bắc
Ký ức không phai một thời học sinh miền Nam trên đất Bắc

‘Ký ức không phai’ là cuốn sách ghi lại kỷ niệm gắn bó với Trường Học sinh miền Nam trên đất Bắc, nhân dịp kỷ niệm 70 năm Hiệp định Genève.

Tâm sự nghề nghiệp của một nhà giáo trường huyện
Tâm sự nghề nghiệp của một nhà giáo trường huyện

Tâm sự nghề nghiệp của những người đã và đang đứng trên bục giảng với nhiều kỷ niệm khó quên, càng trở nên ấm áp nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11.

Cô giáo Nùng khơi chuyện văn chương cùng học trò
Cô giáo Nùng khơi chuyện văn chương cùng học trò

Cô giáo người Nùng Lý Thị Thủy đang dạy văn ở Trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh Phú Yên, vừa ra mắt cuốn sách lý luận phê bình có tên gọi ‘Khơi chuyện’.

Tủ sách Văn Hóa Việt ra mắt độc giả Trung Quốc
Tủ sách Văn Hóa Việt ra mắt độc giả Trung Quốc

Tủ sách Văn Hóa Việt của Chibooks chính thức ra mắt độc giả đất nước tỷ dân tại Tuần lễ văn hóa sách Trung Quốc – Đông Nam Á 2024 tại thành phố Nam Ninh.

Ai chém đầu nhà yêu nước Lương Ngọc Quyến?
Ai chém đầu nhà yêu nước Lương Ngọc Quyến?

Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật mới cho ra mắt cuốn sách 'Nguyễn An Ninh – Không ăn mày tự do' (2024) của tác giả Trần Viết Nghĩa. Sách mới mà quá nhiều lỗi sai hết sức sơ đẳng.

Sứ mệnh người thầy gửi gắm từng trang sách nhỏ
Sứ mệnh người thầy gửi gắm từng trang sách nhỏ

Sứ mệnh người thầy luôn gắn liền với sách, được các diễn giả đề cao tại talk show diễn ra ở Đường sách TP.HCM nhân dịp kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11).

Họa sĩ Xu Man trở thành ‘Con thiêng của rừng’
Họa sĩ Xu Man trở thành ‘Con thiêng của rừng’

Họa sĩ Xu Man được nhà văn Trung Trung Đỉnh lấy làm cảm hứng sáng tác truyện dài ‘Con thiêng của rừng’ dày 124 trang, do Nhà xuất bản Trẻ vừa ấn hành.

Nhà thơ Mai Thìn lắng nghe ‘tiếng của thiên lương’
Nhà thơ Mai Thìn lắng nghe ‘tiếng của thiên lương’

Nhà thơ Mai Thìn gây ấn tượng cho người đọc, bởi một lối viết coi ý tứ là trọng, coi tổng thể nặng hơn chi tiết và rất nặng lòng trước thế thái nhân tình.

Hoa hậu H’Hen Niê đưa thư viện thân thiện về nông thôn
Hoa hậu H’Hen Niê đưa thư viện thân thiện về nông thôn

Từ khi đăng quang đến nay, Hoa hậu H’Hen Niê đã có nhiều hoạt động hỗ trợ cộng đồng, trong đó có chương trình đưa ‘Thư viện thân thiện’ về nông thôn.

Người quê lúa lặng lẽ viết lại những trang đời
Người quê lúa lặng lẽ viết lại những trang đời

Người quê lúa Đặng Đình Liêm sau chuỗi ngày tham gia quân đội và công tác xa nhà, đã trở về Thái Bình thanh thản viết lại những câu chuyện đời mình.

Thức dậy một dòng sông để thương nhớ làng quê
Thức dậy một dòng sông để thương nhớ làng quê

‘Thức dậy một dòng sông’ của tác giả Trần Nam Phong hình thành một bút pháp với những câu thơ ngân như ngọn gió không lời vừa quen vừa lạ.

Nghe tin bão lụt quê mệ Quảng Bình
Nghe tin bão lụt quê mệ Quảng Bình

Tôi nhớ tới thuật ngữ “nước khách” của vùng rốn lũ Lệ Thủy và chỉ mong nước như một vị khách quý đến rồi lại đi nhẹ nhàng, đừng để lại những đau thương, tổn thất gì cho quê hương.