| Hotline: 0983.970.780

Khóa học nuôi lợn hữu cơ của Chủ tịch Tập đoàn Quế Lâm

Thứ Năm 13/10/2022 , 20:58 (GMT+7)

Hàng trăm mô hình liên kết chăn nuôi lợn hữu cơ với Tập đoàn Quế Lâm đã được tham gia một khóa đào tạo đặc biệt do Chủ tịch HĐQT Nguyễn Hồng Lam “đứng lớp”.

           

Ông Nguyễn Hồng Lam và những người nuôi lợn hữu cơ đầu tiên ở Định Quán. Ảnh: Hoàng Anh.

Ông Nguyễn Hồng Lam và những người nuôi lợn hữu cơ đầu tiên ở Định Quán. Ảnh: Hoàng Anh.

Nuôi lợn hữu cơ bằng phương pháp cho nghe nhạc, xông hơi…

Trang trại chăn nuôi lợn hữu hữu cơ của ông Huỳnh Ngọc Tây nằm trên đất nông lâm trường ngày trước rộng khoảng 9 ha ở ấp Hòa Thành, xã Ngọc Định, huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai.

Nắng chiều vàng óng ả, sánh như mật chiếu xuống những ô chuồng trại chăn nuôi sạch sẽ, ngăn nắp, xung quanh cây cối xanh ngắt, ở giữa lối vào là chậu thảo dược khói xông lên nghi ngút, tiếng nhạc du dương, đàn lợn lim dim ngủ.

Ông Tây cùng với ông Đỗ Thế Lực, cũng ngụ trong ấp này là những người đầu tiên của tỉnh Đồng Nai vừa “tốt nghiệp” khóa đào tạo chăn nuôi lợn hữu cơ an toàn sinh học ở Thừa Thiên – Huế hồi đầu năm.

Chỉ mấy tháng sau khi bắt tay vào nuôi lợn hữu cơ đến thời điểm này cả hai người đều khẳng định: Nếu biết mô hình này sớm hơn thì người chăn nuôi heo (lợn) ở đây đã không phải lao đao đến như thế.

Mô hình chăn nuôi hữu cơ của ông Đỗ Thế Lực. Ảnh: Hoàng Anh.

Mô hình chăn nuôi hữu cơ của ông Đỗ Thế Lực. Ảnh: Hoàng Anh.

Định Quán là huyện nông nghiệp miền núi của tỉnh Đồng Nai, cách Thành phố Biên Hòa hơn 90km, tổng đàn lợn khoảng hơn 115 nghìn con.

Thực hiện thỏa thuận hợp tác đồng hành phát triển nông nghiệp hữu cơ giữa Tập đoàn Quế Lam và tỉnh Đồng Nai, huyện Định Quán đã chọn ông Huỳnh Ngọc Tây và ông Đỗ Thế Lực tham gia lớp học 15 ngày tại Tổ hợp chăn nuôi an toàn sinh học 4F của Tập đoàn Quế Lâm ở tỉnh Thừa Thiên – Huế.

Đích thân ông Nguyễn Hồng Lam, Chủ tịch Hội đồng quản trị của Tập đoàn Quế Lâm, “cha đẻ” của giải pháp chăn nuôi an toàn sinh học trực tiếp đào tạo.

“Kế thừa hệ thống chuồng trại và hàng trăm con heo nái bố mẹ để lại nhưng tôi từng thề sẽ không chăn nuôi nữa. Bởi vì từ trước đến giờ mình quen với kiểu chăn nuôi truyền thống nên thường xuyên gặp phải rất nhiều vấn đề. Ô nhiễm môi trường, dịch bệnh, giá cả bấp bênh.

Mấy năm trước chạy vạy vay mượn khắp nơi để đầu tư cuối cùng bể nợ tôi quyết định bỏ không nuôi nữa. Sau đó thấy chính quyền vận động, nói có mô hình chăn nuôi an toàn sinh học của Tập đoàn Quế Lâm rất hay nên đăng ký tham gia. Đi tham quan, học tập thấy nuôi heo phương pháp này hay quá nên về quyết định tiếp tục đầu tư”, ông Đỗ Thế Lực chia sẻ.

Sử dụng thảo dược 'xông hơi' cho heo. Ảnh: Hoàng Anh.

Sử dụng thảo dược "xông hơi" cho heo. Ảnh: Hoàng Anh.

Tham gia “lớp học ông Lam” tại Thừa Thiên – Huế cùng với nhiều người nông dân đến từ các tỉnh thành khác trong cả nước, ông Lực và ông Tây được đào tạo đầy đủ trước khi quyết định ký hợp đồng liên kết.

Từ quy trình chuẩn bị nguồn thức ăn, theo dõi vật nuôi, nhận diện những đặc điểm xuất hiện trên vật nuôi để có hướng xử lý, cách xử lý chuồng trại…Đặc biệt là giải pháp cho heo nghe nhạc, sử dụng thảo dược để xông chuồng trại, dùng vi sinh xử lý phế phụ phẩm chuồng trại thành phân bón hữu cơ….

Ngay sau khóa học tập tại Tổ hợp 4F ở Thừa Thiên – Huế, ông Tây và ông Lực đã ký kết hợp đồng chăn nuôi heo hữu cơ với Tập đoàn Quế Lâm, nhập 20 con heo nái chăn nuôi theo phương pháp an toàn sinh học, dự kiến nuôi khoảng 400 con heo thịt mỗi năm.

Theo hợp đồng liên kết này, toàn bộ khâu cung ứng đầu vào và bao tiêu đầu ra đều do Tập đoàn Quế Lâm hỗ trợ. Phía Quế Lâm cũng hỗ trợ cử người hướng dẫn trực tiếp và giám sát toàn bộ quy tình kỹ thuật chăn nuôi.

Mặc dù mới chỉ ở giai đoạn chăm sóc đàn nái, tuy nhiên cả ông Lực và ông Tây đều nhận thấy sự khác biệt. Lần đầu tiên họ nuôi heo theo tiêu chuẩn 5 không. Chăn nuôi không cần dùng nước, thuốc kháng sinh, không chất tạo nạc mà chỉ sử dụng các loại thức ăn hữu cơ…

Chi phí đầu vào của mô hình chăn nuôi hữu cơ rẻ hơn chăn nuôi truyền thống vì tận dụng được 30% lượng rau xanh tại chỗ cho heo. Tất cả thức ăn được ủ, bổ sung men trước khi cho ăn nên bảo đảm về chất lượng con heo thịt.

Đặc biệt, với công nghệ sử dụng men vi sinh để xử lý nên chuồng trại nuôi heo hữu cơ khô thoáng, không có mùi hôi, không có nước thải.

Toàn bộ phế phụ phẩm được xử lý thành phân bón hữu cơ, hiện gia đình ông Tây đang sử dụng nguồn phân bón này để trồng một số loại thảo dược để làm thức ăn cho heo như: hoàng ngọc, xuyên tâm liên, chuối hột…

"Sử dụng phương pháp xông thảo dược giúp heo tăng sức đề kháng, tránh dịch bệnh còn cho heo nghe nhạc nhằm giảm tác động bởi tiếng ồn xung quanh, giúp  heo thư giãn và phát triển", ông Tây cười nói.

Chăm sóc đặc biệt là giải pháp tăng sức đề kháng cho heo hữu cơ. Ảnh: Hoàng Anh.

Chăm sóc đặc biệt là giải pháp tăng sức đề kháng cho heo hữu cơ. Ảnh: Hoàng Anh.

Ông Ngô Tấn Tài, Phó Chủ tịch UBND huyện Định Quán cho biết, mô hình chăn nuôi heo an toàn sinh học với Tập đoàn Quế Lâm đã chứng minh được hiệu quả rõ rệt. Heo sinh trưởng phát triển tốt, đặc biệt là giải quyết được bài toán môi trường. Dự kiến đến năm 2025 Định Quán sẽ nhân rộng mô hình chăn nuôi này ra toàn huyện.

Phát triển nông nghiệp hữu cơ là một trong 4 nhiệm vụ đột phá trong nhiệm kỳ 2020-2025 theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Đồng Nai lần thứ XI. Trao đổi với Báo Nông nghiệp Việt Nam, ông Cao Tiến Sỹ, Giám đốc Sở NN-PTNT Đồng Nai khẳng định: Để thực hiện mục tiêu này tỉnh Đồng Nai đã có nhiều chương trình, kế hoạch phát triển nông nghiệp hữu cơ, triển khai nhiều chương trình hỗ trợ, khuyến khích nhân rộng phát triển nông nghiệp theo hướng hữu cơ, nông nghiệp hữu cơ như: Chính sách về hỗ trợ sản xuất an toàn; Ký kết biên bản thỏa thuận hợp tác về phát triển nông nghiệp hữu cơ với Công ty CP Tập đoàn Quế Lâm; Kế hoạch thực hiện Chương trình phát triển nghiên cứu, sản xuất giống phục vụ cơ cấu lại ngành nông nghiệp; Chương trình quản lý dịch hại tổng hợp giai đoạn 2021-2025; Chương trình khuyến nông 5 năm…

"Trường học" của nông dân làm nông nghiệp tử tế

Từ các mô hình chăn nuôi, trồng trọt hữu cơ, Tập đoàn Quế Lâm đang xây dựng hệ sinh thái tuần hoàn trong nông nghiệp. Đặc biết, với việc Tổ hợp 4F ở Thừa Thiên – Huế hoàn thiện hệ sinh thái nông nghiệp tuần hoàn tiên tiến nhất, gắn kết giữa trồng trọt, chăn nuôi, khép kín đầu vào và đầu ra đã trở thành trường học cho rất nhiều nông dân ở các nhiều địa phương.

Tính đến thời điểm hiện tại, Tập đoàn Quế Lâm đã ký kết hợp tác với gần 30 tỉnh thành từ Sơn La, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Hà Tĩnh, Thừa Thiên - Huế, TP.HCM, Long An, Đồng Tháp, Sóc Trăng... Xây dựng hàng trăm mô hình liên kết với các địa phương và hàng vạn hộ nông dân để trồng thanh long, dưa hấu, hành tím, bưởi da xanh, chè, cà phê, các giống lúa, lúa tôm... và bao tiêu toàn bộ sản phẩm cho bà con nông dân từ chăn nuôi đến trồng trọt.

Ông Nguyễn Hồng Lam, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Quế Lâm chia sẻ, nông nghiệp hữu cơ đang lan tỏa như là đạo làm nông nghiệp của những người tử tế.

Từ những bài học thực tiễn thành công ở Thừa Thiên – Huế, Vĩnh Phúc, Đồng Tháp, Sóc Trăng, Hà Tĩnh… cho thấy rõ, ở nơi nào cả hệ thống chính trị vào cuộc thực sự quyết liệt, thực sự có khát vọng sẽ thành công.

Sử dụng ruồi lĩnh đen làm thức ăn chăn nuôi ở Tổ hợp 4F. Ảnh: Hoàng Anh.

Sử dụng ruồi lĩnh đen làm thức ăn chăn nuôi ở Tổ hợp 4F. Ảnh: Hoàng Anh.

Mới đây Tập đoàn Quế Lâm và tỉnh Thừa Thiên – Huế vừa tổ chức hội nghị tổng kết hợp tác về sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp hữu cơ và ký kết biên bản hợp tác xây dựng, mở rộng phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn giai đoạn 2022-2026.

Thực tiễn ở đây là bài học lớn để lan tỏa nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn trong thời gian tới.

Thừa Thiên – Huế là nơi ông Nguyễn Hồng Lam khởi phát và trực tiếp chỉ đạo Tập đoàn Quế Lâm xây dựng các mô hình chăn nuôi an toàn sinh học từ năm 2013. Các mô hình ban đầu chỉ nuôi 20-30 con chủ yếu đảm bảo nguồn cung cấp lợn sạch cho cán bộ công nhân viên và làm quà tặng.

Sau kỳ tích vượt qua dịch tả lợn Châu Phi vào các năm 2019, 2020 của các mô hình này, UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế đã hợp tác với Tập đoàn Quế Lâm để nhân rộng.

Đến nay, toàn tỉnh đã có 42 hộ dân và 2 HTX đang hợp tác về phát triển chăn nuôi lợn hữu cơ an toàn sinh học, liên kết theo chuỗi giá trị với hơn 300 lợn nái và 6.000 con lợn thịt tại các địa phương.

Ngoài ra, khoảng 500 ha diện tích lúa, ngô, đậu tương sản xuất hữu cơ theo chuỗi giá trị.

UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế cũng đã chỉ đạo các địa phương ứng dụng công nghệ sinh học trong xử lý rơm rạ, các phụ phẩm trong trồng trọt, chất thải trong chăn nuôi để chế biến phân hữu cơ vi sinh tại nhà, gia trại nhằm bảo vệ môi trường sinh thái.

Từ năm 2020, Tập đoàn Quế Lâm đã phối hợp với các HTX xử lý rơm, rạ sau thu hoạch vụ đông xuân ngay trên đồng ruộng bằng chế phẩm vi sinh của tập đoàn.

Ngoài ra đã xây dựng hàng trăm mô hình ở các địa phương trong việc xử lý rác thải hữu cơ, phân gia súc, gia cầm bằng chế phẩm vi sinh thành phần hữu cơ vi sinh để bón cho cây trồng.

Mô hình kinh tế tuần hoàn của ông Nguyễn Văn Lịch. Ảnh: Hoàng Anh.

Mô hình kinh tế tuần hoàn của ông Nguyễn Văn Lịch. Ảnh: Hoàng Anh.

Ông Nguyễn Văn Lịch Giám đốc HTX Thanh trà Phong Thu (huyện Phong Điền), đã có 5 năm tham gia liên kết chuỗi giá trị chăn nuôi với Tập đoàn Quế Lâm.

Bây giờ gia đình ông Lịch đã mở rộng quy mô lên 20 lợn nái với 300 lợn thịt/năm. Cũng cho lợn nghe nhạc, cũng xông hơi bằng thảo dược và tuân thủ quy trình chăn nuôi theo tiêu chuẩn 5 không.

Phế thải từ chăn nuôi được xử lý thành phân bón để bón phân cho 3 ha thanh trà và bưởi da xanh.

Mô hình nông nghiệp tuần hoàn của gia đình ông Lịch cho lãi ròng từ trang trại với hơn 400 triệu đồng/năm.

Từ chỗ làm một mình, bây giờ HTX ông Lịch làm giám đốc đang liên kết với 30 hộ dân tham gia, tạo thành chuỗi sản xuất khép kín từ đầu vào đến đầu ra.

Ông Nguyễn Hồng Lam, 'cha đẻ' mô hình chăn nuôi an toàn sinh học của Tập đoàn Quế Lâm. Ảnh: Hoàng Anh.

Ông Nguyễn Hồng Lam, "cha đẻ" mô hình chăn nuôi an toàn sinh học của Tập đoàn Quế Lâm. Ảnh: Hoàng Anh.

"Hành trình của Quế Lâm là xây dựng lòng tin và đồng hành với người nông dân nên không có cách nào khác ngoài việc phải làm để người nông dân thấy, đào tạo chuyên môn để nâng cao trình độ, nhận thức cho người nông dân cả.

Khát vọng của tôi khi xây dựng Tổ hợp chăn nuôi an toàn sinh học 4F (Farm - Food - Feed - Fertilizer) đầu tiên của Việt Nam, công trình tiên tiến nhất của Tập đoàn Quế Lâm là nơi đây không chỉ là trường học đào tạo người nông dân liên kết với Quế Lâm thực hiện các mô hình nông nghiệp tuần hoàn mà còn là địa chỉ để nhiều địa phương đến tham quan học tập.

Đến bây giờ điều đó đã trở thành hiện thực. Không chỉ nông dân từ các tỉnh đến đây mà cán bộ nhiều địa phương và các trường đào tạo trong lĩnh vực nông nghiệp cũng phối hợp với Tập đoàn Quế Lâm để nâng cao nhận thức, tiến bộ kỹ thuật để phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn”, ông Nguyễn Hồng Lam, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Quế Lâm.

Xem thêm
Cảnh giác với dịch tả lợn Châu Phi, bảo đảm nguồn cung thực phẩm dịp Tết

Thái Nguyên tăng cường phòng chống dịch tả lợn Châu Phi, bảo đảm nguồn cung thực phẩm các tháng cuối năm 2024, đầu năm 2025, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.

Nông dân Cao Phong chuyển đổi hàng ngàn bể phun thuốc vuông sang tròn

Hầu hết bể phun thuốc hình vuông sau một thời gian sử dụng đều bị nứt nhưng bể hình tròn thì không. Sáng kiến của ông Cường đã được hàng ngàn nhà vườn áp dụng.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.