Sống trên một địa bàn thời tiết khắc nghiệt, mùa mưa chỉ kéo dài 3 tháng nhưng lại chiếm phần lớn lượng mưa hàng năm, với nhiều trận mưa dữ dội, kéo dài nhiều ngày, gây lũ lụt, tàn phá đất đai, hoa màu, nhà ở, sạt lở núi; mùa nắng kéo dài trong 9 tháng còn lại và là khoảng thời gian thường xuất hiện những đợt hạn hán. Có khi, trong một năm, mùa nắng xảy ra hạn hán nghiêm trọng rồi tiếp đến lại là mùa mưa với nhiều trận lũ lớn. Hạn hán, lũ lụt kéo theo hậu quả đáng sợ là mất mùa, đói kém.
Do trình độ sản xuất còn thấp kém, gieo trồng, chăn nuôi chủ yếu dựa vào diễn biến tự nhiên của thời tiết mà rất ít có tác động của con người nhằm hạn chế những bất lợi của các hiện tượng thiên nhiên, nên tác hại của hạn hán, lũ lụt được đồng bào coi như một thứ tai họa mà con người hoàn toàn bất lực trong việc ngăn ngừa và đành cam chịu một cách nhẫn nhục, cay đắng.
Chính khi con người thấy mình bất lực trước tự nhiên thì họ quay ra vin nhờ vào các thế lực siêu nhiên, huyền bí. Đồng bào H’rê tin rằng hạn hán là do các thần trừng phạt con người vì họ đã có một hành động nào đó xúc phạm đến thần linh. Vì thế, để có mưa, con người phải cầu xin các thần xóa tội và cho phép thần mưa gió và thần sấm sét làm mưa cứu vớt trần gian.
Trong hệ thống thần linh của người H’rê, vị thần chịu tránh nhiệm làm ra mưa chính là thần tối cao Yhoắt cùng 2 vị thần phù trợ là Voray (gió mưa) và Pychuy (sấm sét). Trong tâm thức của đồng bào, ba vị thần nầy có khi đồng nhất là một, cai quản trời đất, nắng mưa… Nhưng khi cầu mưa, con người không chỉ cầu xin Yhoắt, Voray và Pychuy mà còn khấn nguyện cả những vị ở xa tắp trời cao lẫn những vị ngự trên mặt đất và rất gần với họ như thần núi, thần cây cao, thần tảng đá, thần thác nước... Người H’rê, với tín ngưỡng vạn vật hữu linh, tin rằng cầu khẩn như thế là làm đẹp lòng tất cả các vị thần, để các vị đồng tình “ủng hộ” việc ban mưa cho hạ giới.
Tuy nhiên, thần mưa - sấm sét cũng là một kẻ mang tính khí con người, ông ta có nhiệm vụ làm mưa theo lệnh đấng tối cao, nhưng có khi lại làm ra mưa theo cảm hứng của riêng mình, nhất là khi bị tức giận, trêu ngươi. Quan niệm như vậy nên khi cúng cầu mưa không hiệu quả, đồng bào lại có những lễ thức chọc giận thần mưa - sấm sét và tin rằng vì bị chọc giận nên ông ta sẽ “giáng” cho trần thế một cơn mưa. Cái mà vị thần nóng nảy này ngỡ là “trừng phạt” sẽ vô tình giúp con người giải được hạn hán.
Về hình thức, lễ cúng cầu mưa (Tàreo Bìnme) gồm 2 phần chính, đi liền nhau là cầu xin thần linh cho mưa và chọc giận thần mưa. Lễ vật gồm có: 1 con gà lông đen mới biết gáy; 1 con lợn lông đen tuyền; 1 trứng gà mới đẻ; 1 ché rượu càrỏ (rượu cần) làm bằng gạo; sáp ong để thắp sáng (như đèn cầy trong lễ cúng của người Kinh); trầm hương; rất nhiều trầu không, cau, thuốc lá... Có một nghi cụ không thể thiếu, đó là chiếc ché nhỏ hoặc nồi đất lấy từ khu nhà mồ của làng. Chiếc ché (hoặc nồi đất) này là của cải đã chia phần cho người chết theo tập tục.
Nơi tổ chức lễ cúng cầu mưa là một vực nước nào đó của con suối chính hoặc dòng sông con chạy qua làng. Vực nước này thường là nơi vắng vẻ, trên bờ có những cây cao, có bãi cát, hoặc bãi đất đá, tương đối bằng phẳng. Đây là những nơi khung cảnh thiên nhiên còn hoang vắng và đồng bào tin là vùng đất thiêng, các vị thần thường lai vãng.
Chịu trách nhiệm về toàn bộ các nghi thức trong lễ cúng là padâu còn chủ lễ là người được hội đồng già làng chọn lựa để thay mặt dân làng cầu khẩn thần linh, xin nước, xin mưa, cầu cho các con đập vững bền, ruộng nương không bị hư hại. Đặc biệt, trong lễ cúng Tàreo bìnme, có một người được chọn lựa để tiến hành nghi thức “chọc giận” thần mưa Voray. Đây phải là một người sống neo đơn, mồ côi hoặc già yếu. Đồng bào tin rằng, hành động chọc giận thần linh có thể phải gánh chịu sự trả thù lên chính đối tượng trực tiếp thực hiện hành động đó và cả gia đình. Vì thế, nếu là người mồ côi, neo đơn, già cả thì hậu quả sẽ giảm nhẹ đi nhiều.
Trước đây, các plây (làng) của đồng bào dân tộc thiểu số nói chung, người H’rê nói riêng sống tương đối độc lập, vì vậy trong nhiều nghi lễ mang tính cộng đồng, do từng plây tổ chức, người ta không để người lạ vào làng và người trong làng cũng không được ra ngoài trong ngày diễn ra nghi lễ. Lễ cúng cầu mưa cũng không ngoại lệ. Người trong làng vi phạm quy định này sẽ bị sử phạt rất nặng, người ngoài làng, người lạ sẽ bị ngăn cản nếu vô tình đi vào làng; còn trong trường hợp cố tình vi phạm do tính hiếu kỳ hoặc do một động cơ nào khác thì sẽ bị bắt giữ và hình thức xử lý sau đó thường rất nghiệt ngã, nhất là khi cuộc lễ không mang lại kết quả như người làng mong muốn.
Ngày nay do những chuyển biến trong đời sống và trong nhận thức, những quy định về kiêng cữ khắt khe trước đây đã thay đổi, giản lược đi nhiều, các hình thức xử phạt nghiệt ngã cũng được dần dần xóa bỏ. Tuy nhiên, quy định về bảo vệ sự thanh sạch của vực nước Thiêng vẫn được bảo lưu. Những hạn chế về sự có mặt của người lạ vẫn được duy trì trong khu vực hành lễ.
Lễ cúng cầu mưa thường được tiến hành chính thức vào lúc quá trưa, khi trời còn nắng gắt. Tuy nhiên việc chuẩn bị được bắt đầu từ trước đó nhiều ngày. Đầu tiên là các già làng họp lại để bàn bạc, xem xét đã đến lúc cầu mưa hay chưa: nếu thấy cần thiết thì quyết định tổ chức và thông báo quyết định này cho tất cả các thành viên trong làng được biết. Việc tiếp theo là phân công chuẩn bị, chọn người chủ lễ, mời padâu, lựa chọn địa điểm, quyết định ngày hành lễ.
Từ thời điểm này, mỗi thành viên của làng đều có ý thức giữ gìn lời ăn tiếng nói, cách ứng xử theo đúng tập tục của làng và cầu mong các thần linh sẽ tề tựu đông đủ để ăn lễ và nghe lời cầu nguyện của làng. Người ta tin rằng, càng thành tâm và giữ đúng tập tục sẽ làm cảm động các thần linh và lời cầu nguyện trong buổi lễ sẽ được các thần ghi nhận, được cho mưa để giải hạn.
Khi mọi người tề tựu đông đủ tại bãi đất dựng đàn tế bên cạnh vực nước Thiêng, theo sự hướng dẫn của padâu, các già làng, có sự hỗ trợ của trai tráng, bày dọn lễ vật lễ vật trên các páđăng.
Giờ hành lễ bắt đầu. Mọi người bước vào vị trí đúng với thân phận của mình. Sáp ong, trầm hương được đốt lên. Thêm một hồi chiêng khiến nghi lễ thêm phần trang trọng. Trong nghi ngút khói trầm hương, padâu thay mặt chủ lễ và cả làng đọc lời khấn thần Yhoắt, thần Voray, thần Pychuy cùng các vị thần núi, thần suối, thần cây cao, thần tảng đá..., rước các thần về ăn lễ và xin các vị nhận lời cầu khấn của dân làng mà cho mưa xuống trần gian, giữ gìn đập, máng vững bền. Gần cuối phần lễ cầu mưa, padâu và chủ lễ lấy bầu rượu cúng thần vẩy tung lên trên mặt đất trong tiếng cầu khấn lâm râm, với ý tưởng mong nước mưa rơi xuống mặt đất, nhuần thấm cỏ cây. Các già làng cũng dùng bầu rượu mà mình mang theo, lặp lại động tác vẩy rượu của padâu. Trong yên lặng thiêng liêng, người ta tưởng vọng, mong ước được mưa thuận gió hòa, mùa màng xanh tốt, cuộc sống sinh sôi.
Phần lễ cầu mưa kết thúc sau khi đội cồng chiêng tấu lên một đoạn nhạc để mọi người nhảy múa, tỏ lòng cảm tạ thần linh.
Tiếp theo lễ cúng cầu mưa là nghi thức chọc giận thần mưa. Trong phần nghi thức này, người đàn ông được chọn lựa sẽ dùng một đoạn dây thừng cột vào chiếc ché đất nung, hoặc chiếc nồi đất rồi ném xuống vực; trong khi đó những người khác cùng la hét, đánh chiêng tạo ra không khí náo nhiệt, quấy động cả một vùng. Đồng bào tin rằng làm như vậy để thần mưa từ trên cao nhìn thấy con người đang chòng ghẹo người tình của mình (nữ thần sông suối), sẽ tức giận, trút mưa xuống với ý đồ làm ngập úng, phá hoại mùa màng, đập nước, cây cối, đe dọa cuộc sống trần gian. Hệ quả tức thì là mặt đất có được cơn mưa, giải cơn khát cho con người và cây cối, hoa màu.
Cuộc lễ và nghi thức chọc giận thần linh tại vực nước Thiêng kết thúc, mọi người lại nhảy múa theo nhịp cồng chiêng. Sau khi ăn uống hết phần rượu thịt hiến tế ngay tại nơi cúng, mọi người lại kéo nhau về nhà chủ lễ để uống rượu cần, tiệc tùng, hát múa với niềm tin các vị thần sẽ cho mưa trong những ngày sắp đến.