Người H’rê trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam

Hạnh phúc và sinh tồn

Lê Hồng Khánh - Thứ Ba, 28/02/2023 , 06:15 (GMT+7)

Mùa cưới của người H’rê thường vào cuối năm, khi công việc nương rẫy đã thảnh thơi, lúa thóc đã về nhà.

Thiếu nữ H’rê.

Bài liên quan

Trong xã hội người H’rê, hôn nhân một vợ một chồng đã được xác lập. Tập tục cho phép vợ góa lấy em trai chồng, chồng chết vợ có thể lấy em gái vợ (nối dây), nhưng cấm kỵ hôn nhân giữa con anh và con em (người Kinh gọi là anh em cô cậu, anh em chú bác, anh em bạn dì), con cùng cha khác mẹ hoặc cùng mẹ khác cha. Những người phạm vào điều này sẽ bị coi là hôn nhân loạn luân, phạm vào một trọng tội và phải chịu hình phạt rất nặng của cộng đồng.

Ông mai, bà mối có vai trò quan trọng trong việc hôn nhân. Đây là con người giữ vai trò xe duyên, kết tóc để các đôi nam nữ nên vợ, thành chồng. Có những trường hợp, hai bên gia đình kết bạn làm sui gia với nhau (cha mẹ sắp đặt con cái lấy vợ lấy chồng theo ý của mình) lúc con còn nhỏ, thậm chí còn đang trong bụng mẹ, song khi đến lúc chuẩn bị thành thân cho đôi vợ chồng cũng phải có người mai mối.

Để cho việc xe duyên kết tóc thuận lợi, ông mai, bà mối chủ động thăm dò tình cảm người con gái trước, rồi thăm dò người con trai sau. Nếu thấy hai người có dấu hiệu ưng ý, có cảm tình với nhau, người mai mối tiếp tục tìm hiểu ý kiến cha mẹ hai bên. Khi đã thấy có chiều thuận buồm xuôi gió thì người mai mối mới đến tận nhà hai bên gia đình, đặt vấn đề chính thức. 

Từ khi đã đồng ý làm sui với nhau, hai bên gia đình, qua người mai mối, thống nhất chọn ngày để nhà gái cõng củi cho nhà trai, gọi là “Pôơq loang unh ca proi”. Theo tập tục, nhà gái chọn lựa và nhờ các chị em phụ nữ trong làng (khoảng vài ba mươi người, tùy theo khả năng) đi lên rừng kiếm củi để cõng về cho nhà trai. Nhà trai chuẩn bị cơm ngon, rượu quý để tiếp đãi đoàn cõng củi nhà gái. Một thời gian sau nhà gái cũng tổ chức công việc gì đó (thường là việc sửa sang nhà cửa hoặc phát nương, dọn rẫy) để cho nhà trai sang làm. Đây là dịp vừa để hai bên gia đình kết thân, vừa tạo điều kiện cho chàng rể tương lai làm quen với nếp sống của gia đình bên vợ, đồng thời thể hiện tài năng, sự tháo vát của mình.

Thời gian sau đó có thể trong năm, hoặc một hai năm sau, thậm chí lâu hơn nữa, đám cưới cho đôi vợ chồng trẻ mới được tổ chức. Trong thời gian “chờ đợi”, người mai mối luôn giữ mối liên hệ mật thiết với hai bên gia đình; đồng thời theo dõi diễn biến tâm tư, tình cảm của hai đứa trẻ, phòng ngừa những dèm pha của người ngoài. Khi nào đám cưới tổ chức xong người mai mối mới được xem là đã cơ bản hoàn thành nhiệm vụ. Tuy vậy, sau khi đôi nam nữ đã thành vợ thành chồng, người làm mai mối còn có trách nhiệm vun vén cho hạnh phúc của lứa đôi.

Đập thủy lợi Thạch Nham (xã Sơn Nham, huyện Sơn Hà, Quảng Ngãi).

Mùa cưới của người H’rê thường vào cuối năm, khi công việc nương rẫy đã thảnh thơi, lúa thóc đã về nhà. Gia đình chuẩn bị sẵn một bếp lửa dành cho đôi vợ chồng mới. Đây là nơi diễn ra các nghi thức tượng trưng cho sự gắn bó hôn nhân.

Tùy theo hoàn cảnh gia đình mà sau khi lấy nhau người chồng về ở nhà bên vợ hoặc người vợ về ở nhà bên chồng. Tuy nhiên, khi đã có con, đôi vợ chồng trẻ sẽ tách ra khỏi cha mẹ, làm nhà riêng, thành đơn vị kinh tế gia đình độc lập.

Trường hợp đón dâu, nhà trai cử một cô gái đi đón, nhà gái cho một cô gái tiễn đưa. Cô dâu đi qua cửa mang (cửa trổ ở phòng cuối ngôi nhà) để vào nhà chồng. Nếu đón rể, nhà gái cho một chàng trai đi đón, nhà trai cho một chàng trai đi tiễn. Chàng trai qua cửa măk (cửa thông với phần trong nhà) để vào nhà vợ. Đêm đầu người tiễn đưa ở lại ngủ với nàng dâu hoặc chú rể, sáng hôm sau đôi tân hôn quay về nhà bố mẹ vợ (hoặc chồng) rồi cùng nhau trở lại nơi đã được hai bên gia đình thỏa thuận trước.

Theo phong tục của người H’rê, 2 gia đình phải tổ chức đám cưới giống hệt nhau. Bên nhà trai có lễ vật và phong tục gì thì bên nhà gái cũng phải làm như vậy và ngược lại. Nếu nhà trai có lễ đón dâu thì bên nhà gái có lễ đón rể. Chú rể cũng phải làm những nghi thức giống như cô dâu. Phong tục này đã có từ xa xưa và đến nay vẫn còn tồn tại.

Chiếc gùi của người H'rê.

Đám cưới tổ chức trong ba ngày. Ngày thứ nhất dọn dẹp mọi thứ trong nhà, đi đón cô dâu về. Ngày thứ hai tổ chức các nghi lễ cưới. Ngày thứ ba mời bà con, họ hàng trong làng đến nói chuyện, ăn cỗ, uống rượu. Cả nhà trai và nhà gái đều tổ chức đám cưới theo trình tự này. Nếu rước dâu về nhà trai thì nhà trai sẽ cử một nam, một nữ qua rước dâu, là những người trai tân, gái trẻ. Hai người này nói chuyện với bố mẹ nhà gái xin được dẫn dâu về. Đám rước về nhà trước ngày cưới chính thức một ngày.

Trên đường về nhà chồng, cô dâu không được quay lại đằng sau nhìn. Người lớn trong gia đình dặn, phải đi thẳng một mạch từ nhà mình về nhà chồng, nếu không ma quỷ trên đường sẽ theo về nhà, không tốt.

Khi tới nhà chồng, cô dâu phải để cho hai người rước vào trước, thông báo để làm nghi lễ nhận cô dâu. Ở cửa chính nhà trai sẽ đốt hương trầm trong nồi đồng để hương bay lên rồi mẹ chồng đứng trong nhà gọi con dâu vào. Cô dâu bước qua hương trầm vào nhà để xua đi mọi xui xẻo. Mẹ chồng sẽ đeo vào cổ con dâu chín sợi chỉ và một cái còng. Sợi chỉ màu trắng tượng trưng cho sự ràng buộc, thể hiện cô gái này đã là người trong nhà, hồn cô gái sẽ về ở nhà chàng trai luôn. Chiếc còng là vật đính hôn của hai người.

Khi cưới đám cưới tổ chức ở nhà gái thì chú rể cũng được đeo những vật tương tự, chỉ có số lượng sợi chỉ là khác, bảy (7) sợi chứ không phải chín (9) sợi. Ba ngày kể từ ngày cưới, những sợi chỉ sẽ được tháo ra, cột vào cái gùi. Gùi là vật dụng gắn bó với người phụ nữ H’rê, sẽ đi theo họ suốt cả cuộc đời nên những sợi chỉ buộc vào gùi nhắc nhở người phụ nữ giữ gìn hạnh phúc gia đình.

Đã đón dâu, làm lễ nhận dâu, thế nhưng đám cưới chính thức thì phải đợi ngày hôm sau. Tối hôm đó, họ sẽ làm một đám cưới giả. Cô dâu và chú rể phải tự tay chế biến một con gà để ăn cùng nhau tại gian phòng riêng của hai người sau khi chính thức thành vợ chồng. Thịt gà phải ăn cho hết, không được để thừa. Theo quan niệm của người H’rê, để thừa là không may mắn. Trong đám cưới giả này cũng có một thầy cúng cho hai vợ chồng giống như trong đám cưới thật.

Vào ngày cưới chính thức, khi vào lễ có một nhóm người làm những nắm cơm, xé gà cúng ra trộn đều vào nắm cơm rồi chia cho cả gia đình, gọi là lễ nhận người thân. Lễ nhận người thân là thời điểm đánh dấu việc chàng trai, cô gái chính thức trở thành người trong gia đình người bạn đời của mình. Sau lễ nhận người thân này, mọi người mới vào tiệc chính, uống rượu cần, nhảy múa, đánh chiêng.

Ngày nay, một số tập tục trong việc hôn nhân của người H’rê đã có thay đổi cho phù hợp với điều kiện xã hội, song về cơ bản, những nghi thức cổ truyền như lễ đón dâu, lễ nhận mặt người thân vẫn còn được bảo lưu trong cộng đồng và được bà con xem như là những nghi thức tượng trưng cho mơ ước lứa đôi hạnh phúc cũng như sự vun đắp của gia đình hai bên và cộng đồng cho một gia đình mới.

Lê Hồng Khánh
Tin khác
Những người đàn bà đi máy bay Pháp tìm chồng qua vùng giới tuyến
Những người đàn bà đi máy bay Pháp tìm chồng qua vùng giới tuyến

Sau chiến thắng Điện Biên Phủ vào đầu tháng 5/1954, mẹ tôi và nhiều người phụ nữ ở Quảng Bình đã vào tận Huế để tìm và cùng chồng trốn lính trở về quê…

Đàn trâu của nhà thơ Phạm Đức
Đàn trâu của nhà thơ Phạm Đức

Thơ hay thường vận vào người. Chung cuộc, cho tới khi rũ áo ra đi, nhà Thơ Phạm Đức chỉ có một mình. Gia tài ông để lại là căn nhà bên mép sông Bùi còn chưa hết nợ, một tủ sách đồ sộ mấy trăm cuốn. Và đàn trâu…, gần hai trăm con.

Tác giả trẻ có một ‘dị bản’ được trao giải thưởng văn học
Tác giả trẻ có một ‘dị bản’ được trao giải thưởng văn học

Tác giả trẻ Nguyễn Đinh Khoa với truyện dài ‘Dị bản’ vừa được Hội Nhà văn TP.HCM trao giải thưởng văn học dành cho các cây bút dưới 40 tuổi.

‘Minh đạo sách’ trong ý thức sáng tạo của một người trẻ
‘Minh đạo sách’ trong ý thức sáng tạo của một người trẻ

‘Minh đạo sách’ là tác phẩm mới của nhà thơ Khúc Hồng Thiện, vừa được Nhà xuất bản Nghệ An ấn hành, mang nhiều suy tư về tinh thần văn hóa Việt.

‘Linh khí quốc gia’ góp một ý tưởng cho bài ca giữ nước
‘Linh khí quốc gia’ góp một ý tưởng cho bài ca giữ nước

‘Linh khí quốc gia’ là ý tưởng được đại tá Trần Thế Tuyển viết thành trường ca, nhằm kêu gọi hành động thiết thực cho những người đã ngã xuống vì độc lập dân tộc.

Có 3 vua Quang Trung giả sang mừng thọ vua Càn Long 80 tuổi năm 1790?
Có 3 vua Quang Trung giả sang mừng thọ vua Càn Long 80 tuổi năm 1790?

Cuốn sách 'Danh nhân Phan Huy Ích (1751 – 1822)' do Nguyễn Tuấn Cường- Đỗ Thị Bích Tuyển (chủ biên) phát hiện thêm 2 vua Quang Trung giả trong chuyến mừng thọ vua Càn Long.

Nợ đời - tập truyện và ký gây nhiều suy nghĩ
Nợ đời - tập truyện và ký gây nhiều suy nghĩ

Trong cuốn 'Nợ đời' Lê Chín còn in những bài viết chân dung, ca ngợi những người tài, những người giàu nhiệt huyết mà tác giả ngưỡng mộ, quý mến.

Tác giả trẻ có tiểu thuyết lịch sử được xuất bản tại Ý
Tác giả trẻ có tiểu thuyết lịch sử được xuất bản tại Ý

Tác giả trẻ Võ Chí Nhất vừa có tiểu thuyết lịch sử ‘Hoàng cung’ được Nhà xuất bản Fiori D'asia Editrice dịch và in tại Ý, với nhan đề ‘Palazzo reale di Thang Long’.

Có một người tu hành như thế
Có một người tu hành như thế

Nhà văn Hồ Thị Ngọc Hoài: 'Có một người đã tu hành như thế và đã truyền cảm hứng sống tốt lành đến nhiều người'.

Lục bát thiền trong miền đồng điệu và đồng cảm thi ca
Lục bát thiền trong miền đồng điệu và đồng cảm thi ca

Lục bát thiền là nét đặc trưng cơ bản được tác giả Trần Lê Khánh chắt chiu thể hiện qua tập thơ ‘Đồng’ do Nhà xuất bản Văn Học ấn hành.

Hai người họ Tô giữa tiếng chim rừng và đất lửa Tây Ninh
Hai người họ Tô giữa tiếng chim rừng và đất lửa Tây Ninh

Hai người họ Tô là Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Tô Quyền và Nghệ sĩ Nhân dân Tô Lan Phương xuất hiện trong ‘Tiếng chim rừng và đất lửa Tây Ninh’.

Nhà văn Y Ban đã thấy gì trên đỉnh giời?
Nhà văn Y Ban đã thấy gì trên đỉnh giời?

Nhà văn Y Ban tiếp tục khẳng định một giọng nữ đặc sắc trong đời sống văn chương Việt Nam, bằng tập truyện ngắn có tên gọi ‘Trên đỉnh giời’.