| Hotline: 0983.970.780

Người H’rê trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam

Chuyện làng và chuyện nhà

Thứ Năm 23/02/2023 , 06:15 (GMT+7)

Nhà giàu có hoặc nhiều vợ thì trong nhà có nhiều bếp, trong đó có 'bếp cử', chỉ có hai vợ chồng chủ nhà mới được ngủ ở đó.

Những sơn thôn bên sườn đồi

Vùng cư trú của người H’rê chủ yếu ở vùng đồi núi thấp (có độ cao trung bình dưới 500m so với mực nước biển), nằm dọc theo lưu vực các sông nhỏ đầu nguồn, lấy kinh tế trồng lúa nước làm nghề chính. Ngoài ra họ còn làm thêm nương rẫy, săn bắt, đánh cá, và một số rất ít làm nghề thủ công (rèn, dệt, đan lát).

Empty

Ngôi làng của người H'rê bên chân đồi.

Bài liên quan

Plây (làng) H’rê là đơn vị quần cư khoảng từ 15 đến 35 hộ quần tụ ở những sườn đồi, gần nương rẫy, nguồn nước và đảm bảo các tiêu chuẩn quang đãng, cao ráo, tương đối bằng phẳng. Bà con tin rằng, những nơi có nhiều cây to, rậm rạp là nơi hay có ma quỷ, nên trong khu vực làng và vùng lân cận ít thấy bóng cây cổ thụ.

Người H'rê luôn luôn chọn vị trí làng của họ ở về phía đông, nam hoặc phía tây triền chân đồi. Họ lấy quả đồi nơi cư trú hoặc những dãy núi xung quanh để che chắn ngọn gió bấc của mùa đông khắc nghiệt. Làng luôn quay mặt về phía có gió nồm để được thoáng mát, đón ánh sáng mặt trời buổi sáng. Chạy dọc theo chiều dài mỗi plây là một con đường chính, từ đó tỏa ra những con đường nhỏ dẫn đến mỗi ngôi nhà hoặc cụm nhà tùy theo địa hình. Những ngôi nhà sàn của mỗi gia đình được bố trí theo hình rẻ quạt, hoặc theo bậc thang từ thấp lên cao dần. Mỗi nhà (có vườn) được quây lại bằng hàng rào phên tre cao ngang vai người. Quanh làng là một hàng rào cao và kiên cố hơn bằng gỗ hoặc bằng tre. Kiểu cấu trúc làng - nhà này cho thấy hình thức sinh hoạt gia đình cá thể của người H’rê đã định hình từ lâu và khá bền vững.

Nhìn chung, việc bố trí sắp xếp nhà cửa, vườn tược, đường sá trong một plây H’rê tạo ra được một tổng thể vừa chặt chẽ, vừa cân đối, hài hòa biểu hiện tính tổ chức tương đối cao, vừa chứa đựng nhiều yếu tố thẩm mỹ độc đáo.

Đứng đầu các plây là người chủ làng (krăk plây). Chủ làng có thể là người của dòng họ gốc (có công lập làng) cha truyền con nối, nhưng cũng có thể được bầu lên theo định kỳ. Nhưng dù được chọn ra bằng hình thức nào, krăk plây phải là người có uy tín, đức độ, tài năng; am hiểu phong tục, tập quán, địa giới, tín ngưỡng của làng. Người đàn ông này chịu trách nhiệm quản lý đất đai, sắp xếp làng bản, điều hành các công việc của làng, giữ vị trí chủ chốt trong các buổi lễ, giải quyết các mâu thuẫn nội bộ, tiếp xúc, quan hệ với làng lân cận... Ông cũng là người giỏi phát rẫy, làm nương để nuôi sống bản thân và gia đình mà không dựa vào bất cứ một sự cung phụng nào của dân làng.

Ngày nay vẫn còn rất nhiều plây H’rê giữ được cách bố trí nhà cửa, xây dựng làng theo truyền thống, như ở các xã Ba Thành, Ba Cung, Ba Động, Ba Vì... (huyện Ba Tơ), Sơn Thủy, Sơn Thượng, Sơn Kỳ,... (huyện Sơn Hà), Long Môn (huyện Minh Long). Ở những nơi này, làng xóm, nhà cửa, núi rừng, nương rẫy hợp thành cảnh quan đặc sắc, độc đáo của vùng H’rê miền tây Quảng Ngãi.

Empty

Nhà sàn của người H'rê ở Sơn Thành, huyện Sơn Hà (Quảng Ngãi).

Nhà sàn khói bếp

Nhà sàn (nem) của người H’rê là nơi ăn ở, cư trú của từng hộ gia đình cá thể, đảm bảo cho cuộc sống và sản xuất theo tập quán định canh, định cư của cả làng.

Người H'rê làm nhà vào khoảng tháng 8 và tháng 9 trong năm. Các loại gỗ rắn chắc như ké, mít, căm xe, trâm… được ưa chuộng, dùng làm cột sàn, cột vách, kèo, trính. Bà con thường hạ cây gỗ vào ngày tối trăng của các tháng hè và thu, vì cho rằng trong thời điểm các thớ gỗ chặt hơn, không bị mối mọt phá hoại.

Empty

Nghệ nhân dân gian Đinh Ngọc Xu - người dân tộc H'rê.

Nhà sàn H’rê có mặt sàn cao hơn mặt đất chừng một mét, vách dựng nghiêng, phía trên choãi ra, hai đầu nhà có hình thú rừng, mỗi đầu nhà sàn có gian cách với bên trong, một đầu cho đàn ông tiếp khách, đầu kia dành cho phụ nữ và trẻ con. Bộ khung nhà kết cấu đơn giản giống như nhà của nhiều cư dân khác ở Tây Nguyên và miền tây các tỉnh ven biển miền Trung. Nguyên liệu làm nhà là tre, gỗ, tranh, mây. Tám cột gỗ lớn dựng thành hai hàng hai bên có chức năng đỡ bộ khung nhà. Khoảng cách từ chân cột đến sàn nhà xấp xỉ 1,5m. Vách nhà được làm bằng tre đan phên ken dày, lò ô đạp dập hoặc dùng cây rừng tròn, có đường kính 2 - 2,4cm ghép sát vào nhau, dùng dây mây buộc chặt. Các vì kèo giao nhau, hợp với trích ngang và cột chống đỡ thượng lương (nóc) nhà. Phía trên những vì kèo là các đòn tay đỡ mái nằm theo chiều dọc ngôi nhà. Mái nhà lợp tranh hơi lượn cong, có độ dốc lớn phù hợp với điều kiện khí hậu nhiệt đới lắm nắng, nhiều mưa.

Một điểm độc đáo trong kết cấu kiến trúc nhà sàn của người H'rê là cách thức buộc mây để liên kết các bộ phận kiến trúc của ngôi nhà. Họ tạo dựng sàn bằng hệ thống cây ngang dọc, có kết cấu với nhau hết sức chặt chẽ qua hệ thống dây buộc vào cột nhà và cột nâng nhà, sau đó mặt sàn được trải lớp giát sàn bằng tre ken mây phẳng phiu.

Trên mái nhà của người H'rê còn có biểu tượng hai cặp sừng trâu bằng rơm. Hai chái ở hai đầu hồi (gọi là đầu tra), có mái che, không có vách, phân cách với gian giữa là ván hoặc phên tre có thông ra vào. Chái sau để người nhà làm việc, vui chơi, có cầu thang lên xuống. Chái trước cũng là mặt tiền ngôi nhà, rộng và thoáng đãng, có lan can bao quát với 2 cầu thang lên xuống bố trí cân đối với hai bên.

Empty

Ruộng lúa nước của người H'rê ở xã Sơn Nham, huyện Sơn Hà (Quảng Ngãi).

Nhà của người H’rê còn có một đặc điểm hiếm thấy ở nhà các tộc người khác, đó là thường thì nhà ở cửa mặt trước hoặc hai đầu hồi. Mặt trước nhà nhìn xuống phía đất thấp, lưng nhà dựa vào thế đất cao. Tục lệ H’rê khi ngủ nằm ngang sàn, đầu quay về hướng đất thấp mặt thoáng, chân hướng về phía đất cao dốc núi.

Nhà giàu có hoặc nhiều vợ thì trong nhà có nhiều bếp, trong đó có “bếp cử”, chỉ có hai vợ chồng chủ nhà mới được ngủ ở đó. Ở hai nóc đầu hồi nhất thiết có “khau cút” là hai đoạn tre, hoặc gỗ bắt chéo nhau mô phỏng hình sừng trâu, hoặc sừng trâu thật.

Nhìn chung nhà H’rê nhẹ nhàng, thanh thoát, hài hòa với quang cảnh chung quanh của cả làng và sườn đồi. Người H’rê cũng không để thóc ở nhà mà để ở nhà kho dựng trên nương rẫy. Đây cũng là nơi nghỉ tạm qua những ngày lao động, hoặc làm nơi nghỉ chân khi đi hái lượm, săn bắt đường xa.

Xem thêm
Câu chuyện thứ mười hai: Câu chuyện cây cam hạnh phúc

'Cây cam của tôi', 'Cây xoài nhà tôi', 'Cây dừa vườn tôi', 'Gạo ruộng nhà mình', v.v là những câu chuyện sáng tạo mang nhiều ý nghĩa.

Nghề làm bún 400 tuổi bên sông Bồ trở thành di sản văn hóa quốc gia

THỪA THIÊN - HUẾ Nghề làm bún Vân Cù (thị xã Hương Trà) và lễ hội điện Huệ Nam (thành phố Huế) được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia từ tháng 12/2024.

Ra mắt câu lạc bộ 'Doanh nông xanh ba miền'

Câu lạc bộ 'Doanh nông xanh ba miền' chính thức ra mắt, đánh dấu bước ngoặt phát triển nông nghiệp bền vững. 18 thành viên Ban chủ nhiệm là những doanh nông tiêu biểu.

Biến đổi khí hậu đang ảnh hưởng đến ngành đánh bắt cá của Na Uy

Đánh bắt cá là một trong những ngành kinh tế quan trọng của Na Uy. Ngành này đang bị ảnh hưởng không nhỏ bởi biến đổi khí hậu.