Luật sư Nguyễn Mạnh Tường - Những bút ký đặc sắc

Nguyễn Mạnh Tường - Chủ Nhật, 18/02/2024 , 08:06 (GMT+7)

Luật sư Nguyễn Mạnh Tường là một trong số các nhà trí thức lớn (GS Đào Duy Anh, Học giả Phan Khôi…) viết bài tưởng nhớ Vũ Trọng Phụng.

Luật sư Nguyễn Mạnh Tường ôn lại những kỷ niệm với người thân GS Nguyễn Văn Huyên.

IV. Nhớ Vũ Trọng Phụng

Nhà văn Vũ Trọng Phụng được đồng nghiệp tôn vinh “Ông vua phóng sự Bắc Kỳ”. Con người tài hoa song yểu mệnh, qua đời khi mới 27 tuổi đời. Năm 1956, tưởng nhớ Vũ Trọng Phụng, Giám đốc Nhà xuất bản tư nhân Minh Đức – ông Trần Thiếu Bảo đã đứng ra xuất bản cuốn sách nhan đề Vũ Trọng Phụng với chúng ta. Luật sư Nguyễn Mạnh Tường là một trong số các nhà trí thức lớn lúc đó (GS Đào Duy Anh, Học giả Phan Khôi…) đã viết bài tưởng nhớ.

**

Tôi gặp Vũ Trọng Phụng vào khoảng 1937 hay 1938. Tôi không quên được một cái trán sáng, rộng, dưới mớ tóc hỗn độn đôi má hốc hác với hai gò cao, giữa cặp môi nhợt nhạt hai hàm răng đã hư hỏng, đôi mắt lúc lóng lánh, lúc mơ màng, nụ cười hiền từ nhưng đượm mùi vị chua xót, cay đắng. Anh mặc áo sơ mi tay dài, hở cổ. Khi bắt tay anh, tôi thấy phần xương lấn át phần thịt. Tất cả người anh là một lời tố khổ. Ngọn lửa cuối cùng của sinh lực đang thiêu hủy cơ thể anh. Tuy nhiên giọng anh nói ấm áp, bình tĩnh, vui vẻ là đàng khác nữa.

Hiện nay, anh yên nghỉ trong một cái mồ mà chúng ta biết là điêu tàn. Một cuộc đời đau khổ kết thúc trong một cái mồ vô danh. Tất cả một thế đồ bi đát làm ta bùi ngùi, và nêu lên một bản cáo trạng hùng hồn làm ta phẫn uất. Làm thế nào ta thương tiếc được một chế độ dồn người trí thức đi vào chỗ tuyệt lộ như vậy? Kẻ nào không ưa chúng ta, muốn thủ tiêu tinh thần tranh đấu của chúng ta để xây dựng một ngày mai tươi đẹp thường gán cho chúng ta một tội: là luyến tiếc ngày hôm qua. Chúng ta ngu đần gì mà muốn trở lại một chế độ đã cưỡng bách người trí thức, người văn nghệ sĩ phải chết ngay trong khi còn đang sống, nghĩa là phải chết hai lần? Ngày hôm nay, khóc Vũ Trọng Phụng là một thái độ chính trị. Kỷ niệm Vũ Trọng Phụng là một hành động chính trị. Đại gia đình trí thức chúng ta cương quyết không bao giờ để bánh xe lịch sử quay ngược, vòng trở về quá khứ.

Anh Phụng đứng nói chuyện với tôi trên một từng gác bao quát hồ Hoàn Kiếm. Ở đây, phố Hàng Gai, phố Hàng Đào, phố Cầu Gỗ gặp nhau trên một ngã ba đường. Ở đây, nhịp đập trái tim của Thủ đô Hà Nội. Trong khi chúng tôi đàm thoại, mắt chúng tôi nhìn xuống quang cảnh xe và người qua lại như mắc cửi. Hình ảnh náo nhiệt của một xã hội, một giai đoạn lịch sử, làm chúng tôi suy nghĩ. Tôi đợi chờ nhà văn trẻ tuổi nắm tay, giơ thẳng lên thách thức xã hội, như nhân vật của Balzac, Rastignac, sau khi an táng cụ Goriot, tuyên chiến với Paris: “Bây giờ đến lúc đôi ta chọi nhau đây”. Nhưng không. Nụ cười của anh Phụng vẫn hiền từ, mắt anh không chiếu ra một tia sáng nào, giọng anh vẫn êm ấm, nét mặt anh vẫn bình tĩnh. Mà anh bình tĩnh thật, với cái bình tĩnh của các chiến sĩ tin tưởng ở sức lực của mình ở chính nghĩa, ở tương lai.

Lúc ấy, trên vòm trời văn học Việt Nam, bao nhiêu vì sao lóng lánh! Các nhà văn lúc ấy được xã hội hoan nghênh, chính quyền phong kiến thực dân đề cao, độc giả ca tụng, tin rằng họ nghiễm nhiên, đàng hoàng tiến lên ngự các ngai vàng dành cho những người bất tử. Lúc ấy, trừ một số trí thức đòi hỏi ở mỗi tác phẩm văn nghệ một cái gì sâu sắc xuất phát từ một kinh nghiệm sống rung động con người của tác giả tới cội rễ, trừ một số ít trí thức ấy, mấy người trong các “giới am hiểu” biết Vũ Trọng Phụng? 

Tại sao như vậy? Đó là vì họ thỏa mãn với lời phán định của các vị “có thẩm quyền”, họ không như Diogène đốt đèn đi tìm người, họ chỉ mong đợi ở văn nghệ những thưởng thức nông cạn, mấy giờ phút tiêu khiển nhẹ nhàng và cảm xúc hời hợt mà thôi. Nếu họ bước chân ra khỏi đại lộ của văn học, họ sợ lạc đường, chân họ yếu, phổi họ hẹp, họ không đi xa, không trèo cao được. Tâm hồn của họ chỉ thích hợp với những đồng bằng của các sự thật công khai, chính thức, được nhà đương cục xác nhận và chuẩn y. Họ lo ngại, run sợ trước các quang cảnh hùng vĩ, núi cao, rừng rậm, trường giang đại hải của các tác phẩm thét lên những tiếng khiếp đảm làm các ông trùm văn hóa mất ăn mất ngủ.

Điều ấy, Vũ Trọng Phụng biết rõ lắm. Anh không ngại rằng chính quyền phong kiến thực dân không công nhận anh.

Sách “Niềm tự hào của trí tuệ Việt Nam”.

Anh vui với các con anh mang nặng đẻ đau. Tuy rằng khi có buổi liên hoan hay dạ hội, chúng nó phải đứng ngoài, bị cảnh sát xua đuổi, nhưng anh biết cơ thể nó khỏe, số mệnh nó hay, tương lai nó đẹp. Vì vậy anh bình tĩnh. Trên môi anh, phảng phất nụ cười diễu cợt, anh nhìn cái xã hội trong đó anh sống. Anh trông thấy cái lố lăng, cái bi đát của nó. Anh có thể lập một bản cáo trạng hùng hồn, như V.Hugo trong cuốn “Những người khốn nạn”. Nhưng không, anh chọn con đường khác. Anh chỉ muốn cười một cái cười không gắt gao, không chua chát, trái lại một cái cười lành mạnh, ròn rã, của một người lớn mục kích trò hề của đứa trẻ ngộ nghĩnh.

Cái xã hội đã chối từ không cho anh sống, dìm anh vào vòng khổ cực, có thể nói được, giết anh trên con đường tiến triển của anh, anh có quyền lên án nó một cách gắt gao, đanh thép. Nhưng anh không muốn làm nhiệm vụ một vị công tố. Anh trích cái gì chua cay, đau đời trong đời anh, biến nó thành những điệu hài hước, anh “khóc lên tiếng cười”. Ai mà nhẹ dạ, sẽ cười với anh trước tấn hài kịch anh giới thiệu. Ai mà suy nghĩ, sau khi cười, sẽ khóc với anh trên đau khổ của anh, kết án cái xã hội có thể nhẫn tâm một cách nhẹ nhàng, hầu như vô ý thức vậy. Cái cười của Vũ Trọng Phụng làm tôi nghĩ đến cái cười của Cervantès, của Molière.

Nói về Tolstoi, Lê-nine viết: “Một văn nghệ sĩ quả thực vĩ đại thế nào cũng phản ánh trong tác phẩm của mình một vài khía cạnh cốt yếu của Cách mạng”. Vũ Trọng Phụng có hiểu điều ấy không, tôi không biết. Nhưng tôi tin rằng mỗi văn nghệ sĩ nếu không nhận thức được ý kiến ấy trong lý trí thì cũng cảm thấy nội dung của nó trong tiềm thức của mình. Dù sao, Vũ Trọng Phụng đã nhận thấy rằng nếu anh thủy chung với con người của mình, không nhằm làm hài lòng khán giả, chiều ý nhà đương cục, nếu anh trung thành với thực tế mà anh đã có một kinh nghiệm thâm uyên và đau đớn, không để hoàn cảnh khách quan lôi kéo và chi phối mình, thì anh sẽ thành công. Mặc dầu, trong lúc sinh thời, không chiếm được giải nọ, phần thưởng kia, anh tin rằng nếu xây dựng tác phẩm của mình trên cơ sở vô cùng vững chắc của những hiện tượng mà mình nhận thức chu đáo, sâu sắc, mà mình phân tích và mô tả được đầy đủ và tế nhị, thì một ngày kia, tất nhiên mình sẽ được hưởng công lý phân minh của lịch sử.

Ngày ấy, theo ý tôi, đã đến. Cách mạng như cơn bão táp, khuynh đảo xã hội cũ, đang kiến lập một xã hội mới. Nhìn lại lịch sử văn học nước nhà trong giai đoạn giữa hai cuộc đại chiến, tôi không thấy một tác phẩm nào đặc sắc và tiêu biểu hơn các cuốn sách anh để lại cho chúng ta. Trong đời sống đau khổ của anh, anh có một mối an ủi lộng lẫy, huy hoàng: anh tin ở tương lai, ở anh. Vì vậy anh bình tĩnh. Đời sống bi đát của anh có thể ghi dấu vết trên cơ thể của anh, nhưng tâm hồn anh trong suốt, vui tươi, ràn rụa ánh sáng phấn khởi của hy vọng. Anh đã chết với trần gian. Nhưng tác phẩm anh sống vĩnh viễn trong lịch sử văn học, trong kỷ niệm những người bạn của anh, những người đã tin ở anh như anh tin ở sự thật của anh.

Nhà xuất bản Hà Nội – Vina book vừa cho ra mắt cuốn sách “Niềm tự hào của trí tuệ Việt Nam” do Nhà báo Kiều Mai Sơn tuyển chọn các tư liệu về GS.TS. Luật sư Nguyễn Mạnh Tường.

Cuốn sách gồm 2 phần. Phần 1 có tên gọi “Một trang thiếu niên lỗi lạc”, cung cấp thông tin cho bạn đọc về kỷ lục thi đỗ 2 bằng Tiến sĩ Văn khoa và Luật khoa của Nguyễn Mạnh Tường năm 1932 khi mới 22 tuổi. Đây là kỷ lục mà cho đến nay, tròn 90 năm, trong nền giáo dục Việt Nam và Pháp chưa có người thứ hai lập được. Phần 2 có tên gọi “Luật sư huyền thoại” ghi chép một số vụ án được luật sư Nguyễn Mạnh Tường tham gia biện hộ. Ví dụ, vụ xét xử Ông cố vấn Vĩnh Thụy (tức vua Bảo Đại thoái vị) bị Chính phủ kháng chiến truy tố về tội đào nhiệm; cùng các sự kiện Luật sư Nguyễn Mạnh Tường tham gia các Hội nghị quốc tế như Hội nghị Hòa bình Châu Á, Hội nghị Hòa bình Thế giới…

Nguyễn Mạnh Tường
Tin khác
Đàn trâu của nhà thơ Phạm Đức
Đàn trâu của nhà thơ Phạm Đức

Thơ hay thường vận vào người. Chung cuộc, cho tới khi rũ áo ra đi, nhà Thơ Phạm Đức chỉ có một mình. Gia tài ông để lại là căn nhà bên mép sông Bùi còn chưa hết nợ, một tủ sách đồ sộ mấy trăm cuốn. Và đàn trâu…, gần hai trăm con.

Tác giả trẻ có một ‘dị bản’ được trao giải thưởng văn học
Tác giả trẻ có một ‘dị bản’ được trao giải thưởng văn học

Tác giả trẻ Nguyễn Đinh Khoa với truyện dài ‘Dị bản’ vừa được Hội Nhà văn TP.HCM trao giải thưởng văn học dành cho các cây bút dưới 40 tuổi.

‘Minh đạo sách’ trong ý thức sáng tạo của một người trẻ
‘Minh đạo sách’ trong ý thức sáng tạo của một người trẻ

‘Minh đạo sách’ là tác phẩm mới của nhà thơ Khúc Hồng Thiện, vừa được Nhà xuất bản Nghệ An ấn hành, mang nhiều suy tư về tinh thần văn hóa Việt.

‘Linh khí quốc gia’ góp một ý tưởng cho bài ca giữ nước
‘Linh khí quốc gia’ góp một ý tưởng cho bài ca giữ nước

‘Linh khí quốc gia’ là ý tưởng được đại tá Trần Thế Tuyển viết thành trường ca, nhằm kêu gọi hành động thiết thực cho những người đã ngã xuống vì độc lập dân tộc.

Có 3 vua Quang Trung giả sang mừng thọ vua Càn Long 80 tuổi năm 1790?
Có 3 vua Quang Trung giả sang mừng thọ vua Càn Long 80 tuổi năm 1790?

Cuốn sách 'Danh nhân Phan Huy Ích (1751 – 1822)' do Nguyễn Tuấn Cường- Đỗ Thị Bích Tuyển (chủ biên) phát hiện thêm 2 vua Quang Trung giả trong chuyến mừng thọ vua Càn Long.

Nợ đời - tập truyện và ký gây nhiều suy nghĩ
Nợ đời - tập truyện và ký gây nhiều suy nghĩ

Trong cuốn 'Nợ đời' Lê Chín còn in những bài viết chân dung, ca ngợi những người tài, những người giàu nhiệt huyết mà tác giả ngưỡng mộ, quý mến.

Tác giả trẻ có tiểu thuyết lịch sử được xuất bản tại Ý
Tác giả trẻ có tiểu thuyết lịch sử được xuất bản tại Ý

Tác giả trẻ Võ Chí Nhất vừa có tiểu thuyết lịch sử ‘Hoàng cung’ được Nhà xuất bản Fiori D'asia Editrice dịch và in tại Ý, với nhan đề ‘Palazzo reale di Thang Long’.

Có một người tu hành như thế
Có một người tu hành như thế

Nhà văn Hồ Thị Ngọc Hoài: 'Có một người đã tu hành như thế và đã truyền cảm hứng sống tốt lành đến nhiều người'.

Lục bát thiền trong miền đồng điệu và đồng cảm thi ca
Lục bát thiền trong miền đồng điệu và đồng cảm thi ca

Lục bát thiền là nét đặc trưng cơ bản được tác giả Trần Lê Khánh chắt chiu thể hiện qua tập thơ ‘Đồng’ do Nhà xuất bản Văn Học ấn hành.

Hai người họ Tô giữa tiếng chim rừng và đất lửa Tây Ninh
Hai người họ Tô giữa tiếng chim rừng và đất lửa Tây Ninh

Hai người họ Tô là Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Tô Quyền và Nghệ sĩ Nhân dân Tô Lan Phương xuất hiện trong ‘Tiếng chim rừng và đất lửa Tây Ninh’.

Nhà văn Y Ban đã thấy gì trên đỉnh giời?
Nhà văn Y Ban đã thấy gì trên đỉnh giời?

Nhà văn Y Ban tiếp tục khẳng định một giọng nữ đặc sắc trong đời sống văn chương Việt Nam, bằng tập truyện ngắn có tên gọi ‘Trên đỉnh giời’.   

Cựu chiến binh hồi tưởng mặt trận gần phía trước
Cựu chiến binh hồi tưởng mặt trận gần phía trước

Cựu chiến binh Trần Trí Thông gửi gắm niềm riêng qua trường ca ‘Mặt trận gần phía trước’ phát hành đúng dịp kỷ niệm 80 năm thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam.