Là thành phố cảng phát triển công nghiệp năng động nhưng khu vực nông thôn Hải Phòng vẫn giữ được nét văn hóa truyền thống, nghệ thuật dân gian và làng nghề thủ công truyền thống. Du lịch nông thôn tại Hải Phòng đang phát triển, tạo điểm đến mới và giảm tải cho các trung tâm du lịch truyền thống như Đồ Sơn và Cát Bà. Điều này giúp tăng cường sản phẩm trải nghiệm và kéo dài thời gian lưu trú của du khách. Du lịch nông nghiệp cũng đóng vai trò quan trọng trong tạo việc làm và bảo tồn văn hóa địa phương.
“Chúng tôi có nhiều hợp tác xã và các chủ cơ sở đang tích tụ đất đai, sử dụng mô hình sản xuất trong nhà lưới, nhà kính, áp dụng khoa học công nghệ tiên tiến, công nghệ cao trong sản xuất kết hợp với các hoạt động du lịch trải nghiệm, bước đầu mang lại hiệu quả rõ rệt”, ông Nguyễn Văn Toản - Trưởng phòng NN-PTNT huyện An Dương chia sẻ.
Tại huyện Cát Hải, diện tích đất trồng rau màu, lương thực của địa phương chỉ có hơn 70ha, tuy nhiên chính quyền sở tại đã biết tận dụng thế mạnh để phát triển nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với du lịch trải nghiệm, thu hút nhiều doanh nghiệp và hộ dân tham gia. Được hỗ trợ của ngành nông nghiệp, người dân Cát Hải biết cách hài hòa giữa sản xuất nông nghiệp truyền thống với ứng dụng công nghệ cao, tạo ra những trải nghiệm đáng nhớ cho du khách.
Đơn cử như tại xã Việt Hải, trước đây chủ yếu làm ruộng, chăn nuôi với cuộc sống khó khăn. Nhưng từ năm 2015, du lịch đã phát triển mạnh mẽ, thu nhập từ du lịch chiếm 70 - 80% tổng thu nhập xã. Hội Nông dân đã thành lập Câu lạc bộ “Nông dân làm du lịch” để giúp bà con chuyển đổi cơ cấu cây trồng và xây dựng mô hình trải nghiệm nông nghiệp.
“Việt Hải thu hút khách du lịch bởi giá dịch vụ niêm yết và không chèo kéo. Địa phương tận dụng di sản để phát triển du lịch sinh thái, tạo công ăn việc làm và thu nhập cao. Năm 2024, dự kiến xã đón 100.000 lượt khách, thu nhập bình quân đầu người 90 triệu đồng/năm, giúp nhiều hộ dân đổi đời”, ông Vũ Phi Hùng, Chủ tịch UBND xã Việt Hải cho hay.
Tại huyện An Lão, khu trải nghiệm đảo Bầu được quy hoạch lại theo hướng hiện đại, gắn sản xuất với phát triển du lịch sinh thái, trở thành môi trường lý tưởng cho giáo dục và phát triển tư duy cho học sinh nhiều cấp học.
Nếu như trước đây chỉ có hoạt động sản xuất nông nghiệp đơn thuần như chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản... thì nay toàn bộ các hoạt động đó đã được nâng tầm khi kết hợp với các hoạt động như đào tạo kiến thức thực tế cho sinh viên các trường đại học, cao đẳng về nông nghiệp, thủy sản và du lịch. Đảo Bầu không chỉ là nơi sản xuất con giống thủy sản lớn nhất thành phố mà còn là điểm đến thu hút nhiều nhà khoa học và khách du lịch trong và ngoài nước.
Ông Bùi Minh Họa - chủ trang trại Đảo Bầu cho biết: “Trẻ em thành phố chưa được chứng kiến cảnh ba ba, gà ấp trứng, gà nuôi con. Các mô hình tại đây sẽ giúp trẻ em hiểu cách làm nông nghiệp ngày xưa và năng suất thu được. Với người lớn, qua tham quan mô hình sẽ có thêm kiến thức làm nông nghiệp có hiệu quả cao, từ đó chia sẻ lẫn nhau, cùng phát triển sản xuất nông nghiệp, nâng cao thu nhập”.
Tại xã Tân Tiến, huyện An Dương, Hợp tác xã Nông nghiệp hoa Mây Sanh đã và đang khẳng định vị thế của mình trong lĩnh vực sản xuất và kinh doanh hoa, cây cảnh. Với tổng diện tích đất canh tác lên đến 12,5ha, trong đó 11ha là đất thuê lại và 1,5ha là đất được nhượng quyền sử dụng, HTX đã tạo dựng được nền tảng vững chắc cho sự phát triển bền vững.
Hợp tác xã đã áp dụng các công thức luân canh hiệu quả, kết hợp với việc lựa chọn các giống hoa phù hợp để tạo ra chuỗi cung ứng hoa quanh năm, mang lại lợi ích kinh tế cao. Nhờ luân canh hoa - lúa mà môi trường canh tác và năng suất được cải thiện, hiệu quả kinh tế gấp 7 - 10 lần so với trồng lúa, đồng thời góp phần nâng cao giá trị canh tác đất nông nghiệp.
Hằng năm, từ tháng 3 đến tháng 6, đất sẽ được trồng hoa hướng dương, từ tháng 6 đến tháng 9 sẽ trồng lúa, từ tháng 10 đến tháng 2 năm sau sẽ trồng hoa hoa lay ơn… Nếu như trồng hoa giải quyết được bài toán đất nông nhàn thì trồng lúa sẽ giúp cải tạo đất, hạn chế sâu bệnh cho hoa.
Bên cạnh việc ứng dụng các công thức luân canh, Hợp tác xã Mây Sanh còn chú trọng đến việc nhập khẩu các giống hoa chất lượng cao để sản xuất hoa thương phẩm và cung cấp giống cho người dân trong vùng và các tỉnh lân cận. Các giống hoa như loa kèn, huệ tây, dơn, lily... được nhân giống, bảo quản cẩn thận, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm và đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của thị trường.
Cùng với đó, Hợp tác xã Mây Sanh cũng đang triển khai các dịch vụ, hạng mục công trình để phục vụ du khách đến tham quan, chụp ảnh, hướng đến kết hợp sản xuất và phát triển du lịch trải nghiệm nông nghiệp, nông thôn, tăng thu nhập nhiều hơn trên một đơn vị diện tích.
“Chúng tôi được đi nhiều nơi, học hỏi tại các tỉnh, thành trong nước cũng như các nước phát triển về ngành hoa và du lịch nên tôi ấp ủ ý tưởng về thành lập hợp tác xã để làm sao mở rộng khuôn viên để có phát triển triển mô hình vừa trồng hoa vừa phát triển du lịch xanh, sạch đẹp. Ủng hộ chủ trương phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn của Hải Phòng”, ông Đỗ Văn Sanh - Giám đốc Hợp tác xã Mây Sanh cho hay.
Ông Nguyễn Ngọc Đam - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hải Phòng cho biết, du lịch sinh thái trải nghiệm thu hút khách du lịch quanh năm, góp phần bảo tồn, quảng bá văn hóa truyền thống, phong tục, tập quán địa phương, cũng như giữ gìn môi trường sinh thái.
Gần đây, Trung tâm Khuyến nông Hải Phòng đã khuyến khích chuyển đổi sang các mô hình đáp ứng các tiêu chí về sản xuất trong xây dựng nông thôn mới về phát triển du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái để nâng cao giá trị trên đơn vị sản xuất, thông qua việc gắn các sản phẩm hàng hóa với sản phẩm du lịch. Đặc biệt là các hoạt động du lịch trải nghiệm, du lịch cộng đồng, hướng đến sản phẩm OCOP về du lịch.
Thành phố Hải Phòng có hơn 55% dân số ở khu vực nông thôn với hơn 55.000ha diện tích đất nông nghiệp. Từ thực tế này, những năm qua thành phố đã xác định đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị ứng dụng công nghệ cao. Mục tiêu là tạo ra sản phẩm có chất lượng và giá trị cao, tạo việc làm tăng thu nhập cho người dân.