Nguôi trồng ngày càng kém
Những năm gần đây, nuôi trồng thủy sản ở vùng ven sông, ven biển tại thành phố Hải Phòng gặp nhiều khó khăn do diện tích đất canh tác bị thu hẹp, môi trường nguồn nước bị ô nhiễm. Theo ghi nhận, nhiều hộ dân gắn bó với nuôi trồng thủy sản tại các quận, huyện như Kiến Thụy, Tiên Lãng, Dương Kinh, Đồ Sơn, Cát Hải… đều thừa nhận, năng suất nuôi trồng thủy sản giảm nhiều so với trước đây, thậm chí có nơi hiện nay chỉ đạt khoảng 30% so với những năm trước.
Cách trung tâm thành phố Hải Phòng khoảng 10km, mấy chục năm qua, cuộc sống của người dân các phường Tân Thành, Hải Thành, Anh Dũng, Hòa Nghĩa của quận Dương Kinh phần lớn phụ thuộc vào nghề đánh bắt, nuôi trồng thủy sản. Cơ bản nguồn ngư lợi từ tự nhiên đã cho bà con có thu nhập khá cao, nhưng trong quá trình đô thị hóa, diện tích đất canh tác bị thu hẹp, môi trường nguồn nước bị ô nhiễm dẫn đến hiệu quả sản xuất kém.
“Trước đây khu vực này tôm cá không phải nghĩ nhưng mấy năm gầy đây ít hẳn. Không còn nguồn lợi tự nhiên, tôi chuyển sang nuôi cua và tôm quảng canh nhưng năng suất cũng không cao, trừ đi bù lại cũng chỉ đủ ăn”, ông Nguyễn Tuấn Nần - một hộ nuôi cua tại tổ dân phố Tân Lập, phường Tân Thành cho biết.
Cũng tương tự như trường hợp ông Nguyễn Tuấn Nần, hầu hết các hộ nuôi thủy sản tại phường Tân Thành đều thừa nhận việc nuôi trồng khoảng vài năm trở lại đây đã khó khăn hơn, nguồn nước không còn được đảm bảo như trước nên tỷ lệ những vụ thất thu cao hơn.
Tại các xã vùng ven biển của huyện Tiên Lãng như Vinh Quang, Tây Hưng… việc nuôi trồng thủy sản cũng gặp nhiều khó khăn. Riêng tại xã Vinh Quang, địa phương này hiện có 450ha nuôi tôm quảng canh và 50ha nuôi tôm công nghiệp.
Những năm qua, dịch bệnh thường xuyên xảy ra, gây thất thu cho người dân. Do việc nuôi tôm không hiệu quả, nhiều hộ dân chán nản, chỉ duy trì thả vài vạn giống mỗi năm. Đáng nói, vào những năm được mùa thì giá cả lại bấp bênh, không ổn định khiến người nuôi trồng thủy sản lao đao.
“Do nguồn giống một số hộ mua trôi nổi rồi nguồn nước, cách canh tác còn lạc hậu, người dân không áp dụng kỹ thuật, hiệu quả và năng suất không cao. Do vậy, nếu người dân không kết hợp thêm các dịch vụ khác, nguồn thu khác thì việc nuôi trồng thủy sản chắc chắn lỗ”, ông Phạm Minh Hải - Chủ tịch UBND xã Vinh Quang cho biết.
Hải Phòng có diện tích tiềm năng nuôi trồng thủy sản khoảng 42.000ha. Hiện nay việc nuôi trồng thủy sản đa số vẫn ở quy mô nhỏ, hộ gia đình, hình thức nuôi chủ yếu vẫn là quảng canh cải tiến, bán thâm canh. Diện tích nuôi thâm canh chỉ chiếm 20% tổng diện tích nuôi, việc đầu tư ứng dụng khoa học và công nghệ tiên tiến, công nghệ cao để đưa nuôi trồng thủy sản thành ngành sản xuất hàng hóa tập trung còn hạn chế.
Hướng đi mới cho nông dân
Từ thực tế đó, các quận, huyện khác của Hải Phòng cũng phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng. Các khu sinh thái gần gũi thiên nhiên, nhiều dịch vụ, không gian check in. Một số hộ dân trong khu vực đã mạnh dạn đầu tư cơ sở hạ tầng phát triển mô hình du lịch sinh thái cộng đồng gắn với bảo tồn đa dạng sinh học và đã mở ra hướng đi mới cho nông dân.
Ghi nhận tại khu du lịch sinh thái Thiên Quang và Tâm Anh ở quận Dương Kinh, việc nuôi trồng thủy sản được người dân kết hợp mô hình trồng thủy hải sản với phát triển du lịch xanh bền vững. Khách đến tham quan có thể đánh thủy sản, dã ngoại, nấu ăn luôn tại chỗ..., hàng năm thu hút khoảng 12.000 lượt khách du lịch.
“Vùng ven sông Lạch Tray có hệ sinh thái rừng ngập mặn, nguồn nước gần biển nên nguồn lợi tôm cá tự nhiên rất sẵn. Câu chuyện đặt ra với chúng tôi đó là làm thế nào để kết hợp được phát triển sản xuất gắn liền với phát triển du lịch. Bản thân tôi đã gắn liền với mảnh đất này từ bé nên luôn mong muốn phát huy được thế mạnh vốn có, kết hợp giữa nuôi trồng thủy hải sản và phát triển du lịch sinh thái, bền vững”, anh Nguyễn Văn Quang - Chủ mô hình du lịch sinh thái Thiên Quang, phường Tân Thành, quận Dương Kinh cho hay.
Không chỉ tại quận Dương Kinh, tại các quận, huyện khác của Hải Phòng, mô hình du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng gắn với các làng nghề truyền thống, các vùng nuôi trồng thủy sản truyền thống, các dải rừng ngập mặn ven biển cũng được nhiều tập thể, doanh nghiệp và nhân dân địa phương khai thác, phát triển nhận được sự đồng thuận của chính quyền các cấp.
Loại hình du lịch sinh thái không những thu hút du khách đến với thành phố mà còn được người dân địa phương đặc biệt quan tâm. “Du lịch sinh thái tại những khu rừng ngập mặn ven biển cho tôi cảm giác gần gũi, hòa đồng với thiên nhiên. Tại đây có nhiều dịch vụ trải nghiệm để giết thời gian cũng như tổ chức các hoạt động kéo dài cả ngày, nhiều không gian check in rất nên thơ”, anh Nguyễn Hải Anh - một du khách chia sẻ.
Theo Sở NN-PTNT Hải Phòng, thành phố đã quy hoạch rõ ràng các vùng sản xuất nông nghiệp và vùng phát triển du lịch sinh thái. Những năm tới đây, thành phố sẽ tiếp tục triển khai các quy hoạch và định hướng này, đồng thời đẩy mạnh chiến lược tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung, ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp xanh, nông nghiệp sinh thái và nông nghiệp tuần hoàn.
Để phát triển du lịch sinh thái, du lịch nông nghiệp nông thôn, Hải Phòng đã tăng cường thành lập hợp tác xã, mở rộng khu du lịch, xây dựng nông nghiệp xanh sạch đẹp cho thành phố Hải Phòng. Tăng tích tụ đất đai, chuyển đổi sang trồng nhà lưới, nhà kính, áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất.
Bên cạnh đó, việc xây dựng mô hình du lịch cộng đồng gắn với sản phẩm OCOP, chuyển hướng sang xây dựng mô hình đáp ứng các tiêu chí mới, gắn với mô hình đạt tiêu chí về phát triển du lịch cộng đồng hoặc du lịch sinh thái cũng được quan tâm.
Thông qua đó, không chỉ nâng cao giá trị trên một đơn vị sản xuất thông qua sản phẩm hàng hóa gắn với sản phẩm du lịch, đặc biệt là các dịch vụ trải nghiệm kết hợp với du lịch cộng đồng mà còn góp phần xây dựng thành sản phẩm du lịch hướng đến sản phẩm OCOP về du lịch.
Ông Nguyễn Ngọc Tuất - Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Hải Phòng cho biết, thành phố có nhiều lợi thế để phát triển du lịch sinh thái gắn với sản xuất nông nghiệp. Hải Phòng đang tận dụng các lợi thế hiện có để phát triển nông nghiệp đô thị. Mục tiêu là phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn và xây dựng nông thôn mới bền vững.
“Du lịch sinh thái trải nghiệm tại Hải Phòng đang phát triển, thu hút khách du lịch quanh năm, góp phần bảo tồn, quảng bá văn hóa truyền thống, phong tục, tập quán địa phương, cũng như giữ gìn môi trường sinh thái. Mới đây, thành phố đã phê duyệt đề án phát triển du lịch Hải Phòng, du lịch sinh thái và du lịch nông nghiệp là nhiệm vụ chính của đề án”, ông Nguyễn Ngọc Tuất cho hay.
Theo quy hoạch chung thành phố Hải Phòng đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, mạng lưới du lịch đến năm 2030 có đủ khả năng đáp ứng cho 30 - 35 triệu lượt khách; đến năm 2040 khoảng 35 - 40 triệu lượt khách.