Người mở cõi và kẻ bám đất hội tụ ở ‘rừng mắm’

Xuân Trường - Thứ Ba, 28/05/2024 , 15:07 (GMT+7)

Người mở cõi và kẻ bám đất là hai đối tượng làm nên sức sống ‘rừng mắm”, được nhà văn Bình Nguyên Lộc phác thảo bằng vẻ đẹp độc đáo phương Nam.

Nhà văn Bình Nguyên Lộc (1914-1987) qua nét vẽ Huỳnh Dũng Nhân.

Người mở cõi thể hiện khát vọng, còn kẻ bám đất thể hiện ý chí, đây là hai thành tố quan trọng để có được Nam bộ dài rộng hôm nay. Người mở cõi và kẻ bám đất xuất hiện trong nhiều câu ca nao lòng nao dạ như “Hò… ơ, rồng chầu ngoài Huế, ngựa tế Đồng Nai/ Nước sông trong sao cứ chảy hoài, thương người xa xứ lạc loài đến đây.

Thế nhưng, thay vì tỉ mỉ biên khảo như nhà văn Sơn Nam (1926-2008), thì nhà văn Bình Nguyên Lộc (1914-1987) lại dùng các sáng tác văn học để phục dựng chân dung của người mở cõi và kẻ bám đất.

Nhà văn Bình Nguyên Lộc xuất thân trong một gia đình đã trải qua nhiều đời ở Tân Uyên, Bình Dương. Trong di sản của ông có khoảng 50 tiểu thuyết và hơn 1000 truyện ngắn, công chúng có thể tìm thấy chiều kích văn hóa phương Nam theo bước chân di dân.  

Tập truyện “Rừng mắm” là một tác phẩm tiêu biểu của nhà văn Bình Nguyên Lộc, mà ở đó ông dành nhiều tình cảm trìu mến cho người mở cõi và kẻ bám đất trong lịch sử khai hoang vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Truyện ngắn “Rừng mắm” in lần đầu tiên vào năm 1968, kể về một gia đình ba thế hệ, vì nghèo không có đất nên lưu lạc tới xứ U Minh để khai phá. Nơi định cư bên bờ rạch được họ đặt tên là Ô Heo vì ban đầu là hang ổ của heo rừng và thú dữ. Vùng đất không người đó vừa khắc nghiệt lại vừa rất nên thơ qua con mắt của cậu thiếu niên tên Cộc, hứa hẹn rằng những đắng cay mà gia đình Cộc phải chịu lúc này sẽ đem lại ngọt bùi khi người dân tứ xứ theo chân họ đến đây lập nghiệp, mở ra một tương lai xán lạn.

Chỉ qua một truyện ngắn, Bình Nguyên Lộc như tái hiện lại một phần lịch sử vùng Nam bộ buổi khai hoang, khi những người Việt đầu tiên tìm đến thuần hóa đất đai. Khi đó, nơi này chẳng phải là vùng trù phú mà vô cùng khắc nghiệt, sinh kế gian nan: “Để tránh nước mặn tràn bờ ngập sân, tía nó đã đóng mười hai cây cọc, làm thành bốn cái giá ba chơn tréo như giá trống của bọn đờn thổi đám ma. Trên mỗi giá, đặt một cái nồi lủng đít, và trong nồi để đầy đất mà tía nó mang từ xa về. Đất ở đây mặn chát dùng không được. Hành, ớt, rau răm, rau mồ om, được trồng trong mấy cái vườn cao cẳng đó. Đó là bốn thứ tối cần, đất mặn bao nhiêu cũng phải lập thế mà trồng cho được, không thôi không có món gia vị nào để ăn cá nữa”.

Gia đình Cộc đã cố gắng để thuần hóa đất bằng sức người và sự tháo vát, để đất đem lại cái ăn cho con người: “Ông nội nó với tía nó đốt rừng tràm từ ngoài bờ rạch. Gió thổi vô rừng, và lửa, như con vật khổng lồ, đã táp một cái vào khối thịt xanh um của rừng tràm nầy.” “Lúc ruộng chín, cây lúa cao quá, ngã rạp xuống, để lòi trăm ngàn gốc tràm lên, trông như ai đóng cọc để cất nhà sàn; năm xưa đốt rừng nhưng không đủ sức đánh những gốc tràm tươi rói không cháy được nầy, tía thằng Cộc đành cấy lúa giữa những gốc ấy”.

Họ đã cố gắng đẩy lui cái hoang dã để giành lấy từng tấc đất cho con người. Ở tuổi bắt đầu biết bâng khuâng, cậu bé Cộc “thèm người”, “thèm chè, thèm xưng xa, nhớ đám cúng đình, nhớ hát bội”, cho rằng ở đây “mình có ruộng nhưng cũng khổ cả đời” và muốn đi nơi khác.

Thế nhưng, ông nội đã bảo cho Cộc hiểu vì sao họ phải “hì hục năm năm trong đồng chua nước mặn”: “Phù sa là đất bùn mềm lủn và không bao giờ thành đất thịt được để ta hưởng nếu không có rừng mắm mọc trên đó cho chắc đất. Một khi kia cây mắm sẽ ngã rạp. Giống tràm lại nối ngôi mắm. Rồi sau mấy đời tràm, đất sẽ thuần, cây ăn trái mới mọc được… Đời cây mắm tuy vô ích, nhưng không uổng, như là lính ngoài mặt trận vậy mà. Họ ngã gục cho kẻ khác là con cháu của họ hưởng.”.

Nếu truyện ngắn “Rừng mắm” kể về lớp người mở cõi, thì truyện ngắn “Bám níu” lại được nhà văn Bình Nguyên Lộc hướng về những kẻ bám đất. Thông qua hoạt động hứng cá, tát vũng bắt cá của dân quê miền Đông Nam bộ khi qua mùa nước lũ, ông nói lên thông điệp về việc giữ đất quê hương.

Trong lúc tát vũng, nhóm nhân vật trong sách phát hiện có những con cá sông không “chạy” từ đồng ruộng ra sông lớn trong đám mưa cuối mùa mà “lội ngược dòng” ở lại trong ao vũng. Lão Nghiệm, nhân vật được mô tả là như “một tộc trưởng của thời xa xưa, rất nhiều kinh nghiệm sống và nhiều khả năng chỉ đạo”, “cả xóm cả làng đều nghe theo lão”, đã phát biểu: “Sở dĩ chúng nó không ‘chạy’ vì chúng nó thương yêu cái nơi chôn nhau cắt rún của chúng, cố lội ngược dòng, bám níu để ở lại nơi mà chúng nó chào đời. Bám níu, ông bà ta đã bám níu, tao đã bám níu mới còn xóm nầy, làng nầy. Còn làng mới còn nước mình”.

Tác phẩm "Rừng mắm" của nhà văn Bình Nguyên Lộc.

Trong tập truyện “Rừng mắm”, rất nhiều lần nhà văn Bình Nguyên Lộc bày tỏ niềm nhớ tiếc đối với cảnh cũ và người xưa qua các truyện ngắn “Xe lửa Mỹ bung vành”, “Hồn ma cũ”, “Tình thơ dại”, “Chiếc khăn kỷ niệm”, “Tiếng thời gian”, Hương gây mùi nhớ”…  Cảm hứng về thời gian, về sự biến thiên, tàn phai, thay đổi có lẽ luôn hiện diện theo suy tư ngổn ngang của tác giả.

Đồng thời, tập truyện “Rừng mắm” cũng thể hiện rõ niềm hứng thú, yêu thích mãnh liệt của nhà văn Bình Nguyên Lộc đối với ngôn ngữ và tập quán của dân tộc, đặc biệt là người dân Nam bộ. Ông say mê ghi chép lại tiếng nói địa phương và cách sinh hoạt địa phương, mô tả đầy trìu mến những khung cảnh gắn liền với lối sống một thời.

Dễ thấy nhất là những lúc Bình Nguyên Lộc trở thành một nhà sưu tầm để ghi lại định nghĩa một số từ ngữ Nam bộ: “Hứng” đây là hứng cá, một động từ địa phương, đặc biệt của miền Đông Nam- Việt. Ở miền Đông Nam- Việt, nhứt là trong tỉnh Biên Hòa, qua mùa nước lũ, con sông Đồng Nai ứa nước nguồn, bờ sông bành trướng ra, xâm lấn đồng ruộng trong xa, cá sông thích lên để đẻ… Hễ những đám mưa cuối mùa đổ xuống là chúng áp nhau mà “chạy”, tức là đổ xô nhau theo những con đường nước từ đồng ruộng cao chảy xuống các rạch, các sông, để tìm về những khoảng sinh tồn phong phú thực phẩm hơn… Dân miền Đông rủ nhau đặt những giỏ mây hoặc giỏ tre đan thật khít mặt… hứng bắt tất cả cá con đi tìm sanh lộ ấy. Họ đặt tên chung là cá lạc mạ. Mạ, có lẽ là tiếng “mẹ” nói trại bẹ ra”.

Không chỉ phác thảo chân dung người mở cõi và kẻ bám đất, tập truyện “Rừng mắm” cũng là một nguồn tư liệu phong phú về ngôn ngữ dân gian Nam Bộ. Cái tình trên trang giấy của nhà văn Bình Nguyên Lộc thuở ấy vẫn thấm vào lòng người hôm nay về ân nghĩa tiền nhân: “Ông với lại tía của con là cây mắm, chơn giẫm trong bùn. Đời con là tràm, chơn vẫn còn lấm bùn chút ít, nhưng đất đã gần thuần rồi. Con cháu của con sẽ là xoài, mít, dừa, cau”.

Xuân Trường
Tin khác
Từ đề thi tuyển sinh lớp 10 của Thanh Hóa: Bất ổn và âu lo
Từ đề thi tuyển sinh lớp 10 của Thanh Hóa: Bất ổn và âu lo1

Về một số điểm không ổn của đề thi Ngữ văn, tuyển sinh vào lớp 10 THPT tỉnh Thanh Hóa năm 2024.

Nhà báo Lưu Đình Triều giải mã băn khoăn ‘đời có yêu tôi’?
Nhà báo Lưu Đình Triều giải mã băn khoăn ‘đời có yêu tôi’?

Nhà báo Lưu Đình Triều công bố cuốn tự truyện ‘Đời có yêu tôi?”, chia sẻ những năm tháng vượt qua số phận trắc trở để gắn bó với nghề báo.

Nhà báo Lý Sinh Sự và dấu ấn thể loại tiểu phẩm
Nhà báo Lý Sinh Sự và dấu ấn thể loại tiểu phẩm

Nhà báo Lý Sinh Sự được đồng nghiệp thế hệ sau tôn vinh xứng đáng trong buổi ra mắt cuốn sách ‘Nói hay đừng’ vừa tổ chức tại Hà Nội sáng 18/6.

‘Tình ca tiếng nước ta’ ngân nga những cung bậc tiếng Việt
‘Tình ca tiếng nước ta’ ngân nga những cung bậc tiếng Việt

‘Tình ca tiếng nước ta’ của tác giả Dương Thành Truyền góp thêm một góc nhìn về tiếng Việt đa dạng và phong phú trong tâm hồn và trong đời sống người Việt.

Phan Thị Hà Dương: Tri kỷ
Phan Thị Hà Dương: Tri kỷ

Đã có nhiều ngày dài tôi băn khoăn tự hỏi khi nào và vì sao người ta là tri kỷ của nhau.

Trái tim trìu mến tương phùng ánh mắt hồn nhiên
Trái tim trìu mến tương phùng ánh mắt hồn nhiên

Trái tim trìu mến của một cô giáo nghỉ hưu, đã giúp nhà thơ Trần Hà Yên tìm được ánh mắt hồn nhiên trong thế giới trẻ em nhiều sắc màu ngộ nghĩnh.

Giáo dục, quan trọng nhất là sự trung thực và lòng nhân ái
Giáo dục, quan trọng nhất là sự trung thực và lòng nhân ái

Phỏng vấn phụ huynh có con học lớp 1 không có suất ăn trong buổi liên hoan của lớp. Trong môi trường giáo dục quan trọng nhất là sự trung thực và lòng nhân ái, thiếu hai điều này sẽ không thể hoàn thành sứ mạng giáo dục thế hệ trẻ được.

Phan Kế Bính - người có công với học giới nước nhà
Phan Kế Bính - người có công với học giới nước nhà

Ngày 31/5/1921 là ngày cụ cử Phan Kế Bính tạ thế cõi trần. Cũng trong hôm đó, báo Thực nghiệp số 177 đăng bài 'Một cái tang chung cho báo giới nước nhà'.

Tang lễ cụ cử Phan Kế Bính diễn ra như thế nào?
Tang lễ cụ cử Phan Kế Bính diễn ra như thế nào?

Nhà văn, nhà báo, dịch giả Phan Kế Bính sinh năm 1875, mất ngày 31 tháng 5 năm 1921, hưởng thọ 46 tuổi.

Nhà thơ Hà Phương biết 'rừng vẫn mãi bao la tình rừng'
Nhà thơ Hà Phương biết 'rừng vẫn mãi bao la tình rừng'

Nhà thơ Hà Phương sau mấy chục năm lặng lẽ đứng sau người chồng nổi tiếng nhà văn Nguyễn Mạnh Tuấn, vừa tái ngộ công chúng bằng tập thơ ‘Tình yêu mạnh như nước’.

Diễn giải đôi câu đối được cho là của chúa Trịnh Sâm ở Đền Hùng
Diễn giải đôi câu đối được cho là của chúa Trịnh Sâm ở Đền Hùng

Xâu chuỗi những nhận định từ đầu thế kỷ XX đến nay, có thể nói, đôi câu đối hẳn là của bậc vua, chúa chứ không phải của cấp quan lại, dân thường.