Vì sao một thầy giáo mô phạm và thâm trầm lại có thể là tri kỷ của một nghệ sĩ phóng khoáng và lang bạt hay một doanh nhân quảng giao và phiêu du? Và vì sao những người cùng sự nghiệp, cùng mong ước hướng tới cái đẹp và đấu tranh cho lẽ công bằng và sự chính trực lại không là tri kỷ.
Tất nhiên là phải có duyên rồi. Nhưng điều gì thật sự? Đó chắc chắn không phải là văn hóa, học vấn hay sự nghiệp; nhưng cũng không chỉ là thế giới quan hay quan niệm về tình bạn, tình yêu, hạnh phúc; đó có lẽ cũng không chỉ là sự đồng điệu trong cảm nhận cái đẹp hay nỗi băn khoăn về cuộc sống.
Và rồi, tôi đã nghĩ ra. Tôi đã xây dựng một lý thuyết, mà cho đến nay vẫn vững chắc. Tôi tin rằng có một thước đo, và những người tri kỷ là những người có cùng độ đo với nhau (toán học một chút). Khám phá này làm tôi vô cùng thích thú và tâm đắc, và hôm nay tôi sẽ viết ra đây.
Tôi vẫn luôn cho rằng tất cả những nỗ lực của ta trong cuộc sống, tất cả những suy tư, những trải nghiệm, những trăn trở khôn cùng để diễn đạt được ý tưởng của mình (dù đó là thơ, là toán hay là gì đi nữa) đều là những bước đi trên con đường khám phá tâm hồn mình. Toàn bộ cuộc sống nội tâm của ta là một hành trình khám phá tâm hồn mình. Vì sao lại là tâm hồn mình mà không phải là tâm hồn ai khác? Không phải vì tâm hồn mình sâu thẳm hơn, hay tịch mịch cô liêu hơn; mà chỉ vì đó là tâm hồn duy nhất mà ta có thể thấu hiểu. Và nếu như ta có thể thấu hiểu một tâm hồn thì ta có thể khám phá mọi tâm hồn, và qua đó khám phá ra thế giới.
Mỗi cuốn sách ta đọc sẽ như một tấm gương để ta soi bóng tâm hồn mình, khám phá những rung động, những linh cảm non nớt và run rẩy trong đó. Còn tình yêu chính là tấm gương trong nhất và u huyền nhất.
Vậy đó, vậy là mỗi người đi trên con đường vô tận của khám phá đó, như đi trên một đường thẳng thực. Và chính độ dài quãng đường mà người đó đã đi được là độ đo mà tôi định nghĩa.
Và chính thế, họ sẽ là tri kỷ của nhau khi nào họ còn đi được những quãng đường như nhau trên con đường khám phá tâm hồn mình ấy.