Chuyện thằng cu Ben
Một ngày cuối thu đẹp như mơ ở Đồng Hới, tôi gặp lại hai bố con thằng Ben. Bố thằng Ben là em họ tôi, làm báo. Thằng Ben sinh Mậu Thìn năm nay 34 tuổi, làm giám đốc một công ty. Thằng Ben tốt nghiệp đại học, bố nó thừa sức xin vào làm nhà nước nhưng nó không nghe, ưng làm kinh tế tư nhân giao dịch với các công ty Mỹ.
Gặp hai bố con, tôi nhớ lại câu chuyện cách nay hai mươi tám năm. Nhớ chính xác vậy là tính tuổi thằng Ben, năm ấy vào lớp một, sáu tuổi. Trường tiểu học H.Đ. trung tâm thành phố, ngày khai giảng, hai vợ chồng đưa cu Ben tới lớp. Em nào cũng cầm một quả bóng bay. Mười phút sau, thấy thằng Ben chạy về nhà mặt mày xây xát, kêu ba mua cho con cái bóng bay khác. Hỏi ra, biết, bóng thằng Ben vỡ, cô giáo bảo về nhà lấy bóng khác. Một thằng bé sáu tuổi chạy vội gần ba trăm mét không ngã mới là lạ. May mà chiếc ô tô phanh kịp.
Cậu em họ tôi gầm lên chở con đến trường… nổ. Cô hiệu trưởng sợ bị đưa lên mặt báo bèn tìm tôi nhờ dàn hòa. Tôi nói, nếu chú (em) làm ồn chuyện, sợ cháu học ở đấy bị trù dập. Cậu ta lại gầm lên: “Em không ngán, nếu cần, em đưa thằng Ben lên làng học, ở với ông bà nội”. “Lên làng học chất lượng sao bằng…”. Chưa dứt câu, nó đã lại trợn mắt: “Anh với em học vỡ lòng ở đâu? Với ai?...”.
Tôi biết, chú ấy muốn nhắc tới ai. Người ấy, đã đi vào miền mây trắng dễ gần nửa thế kỉ nhưng mỗi khi nhắc đến tên ông, những người trung tuổi trở lên đều chỉnh trang ngay thần thái.
Chuyện THẦY CƯƠNG
Cho tôi được viết in hoa hai chữ tên thầy, dẫu thầy tôi, thầy chúng tôi chỉ là một ông giáo dạy vỡ lòng ở trường làng.
Làm gì có trường. Đó là những năm cuối thập niên năm mươi đầu sáu mươi thế kỷ trước. Lớp học trong nhà thờ của làng được gọi bằng cái tên mới - cơ quan, vì những năm sau cướp chính quyền được trưng dụng làm nơi hội họp. Một ông giáo chưa già lắm nhưng dáng dấp chậm chạp, đôi mắt buồn có phần nhẫn nhục và một tốp con nít chừng năm, sáu đến chín, mười tuổi. Lớp Vỡ lòng hồi ấy được coi như lớp một bây giờ, học từ những chữ cái đầu tiên cho đến khi biết viết, biết cộng trừ để vào lớp một.
Tuổi tác chênh nhau và “trình độ” cũng chênh nhau. Có đứa đã viết được học chung với đứa mới được mạ dẫn đến còn trì lại đòi về. Thầy dạy tuốt, nắn nót từng đứa một. Tất cả đều ngồi bệt xuống đất hay một nhánh lá. Vở đặt trên ghế băng. Tuyệt nhiên không có sách. Thầy dạy chữ nào trên bảng biết chữ ấy.
Có đứa con gái đi học cõng em theo cho ngồi bên cạnh, nghịch đất, rồi cũng ê a đọc theo. Có đứa đang ngồi cắm mặt tô chữ bỗng đứng dậy chạy ra hiên… tè khiến thầy phải kêu chạy xa xa ra một tý. Mùa hè, gió nam thổi mát, thằng cu ngồi gần của sổ gục ngủ thoải mái, cũng không sao. Một hôm đang học, bỗng có một bà te tái đi tới cầm cây roi. Một trò vội quẳng vở ù chạy không hiểu vì nguyên do gì. Học tý chút buổi sáng rứa thôi rồi cả lũ về nhà ăn cơm để ra đồng đón trâu vừa xong buổi cày dẫn đi tìm cỏ.
Thầy Cương dạy không theo bài bản gì miễn sao tất cả phải biết chữ và số đếm để năm tới lên lớp một “chính quy”. Vẽ cho đứa này thì đứa kia nói chuyện, nghịch phá nên thầy sáng tác thơ cho trò đọc đồng thanh: “O tròn như quả trứng gà / Ô thì đội mũ ơ già mọc râu…”. Rồi thầy sáng tác cả bài hát. Hát rằng: “…Hai anh i tờ, đứng song song, này anh i ngắn, ơ thêm râu vào, ô mũ trên đầu, tờ có ngang…”. Nhiều lắm, bao năm rồi không nhớ nữa. Thầy còn giúp trò vững tâm với lớp học bằng câu ca dao nhiều tính triết lý:
Muốn lên cấp một, cấp hai
Trước tiên phải có phôi thai vỡ lòng.
Và nữa, không biết thầy sưu tầm ở đâu được làn điệu dân ca tận ngoài bắc gọi là Ali hò lơ dạy chúng tôi. Lạ lắm, nhưng rồi cũng thuộc. Sau này, những năm sống ở các tỉnh phía Bắc có đôi lần tôi mang góp mặt văn nghệ quần chúng khiến bà con ngạc nhiên.
Thầy Cương họ Võ, chữ lót là Trọng, nghe nói dòng dõi Thượng thư Võ Trọng Bình, một ông quan thời Nguyễn thanh liêm có tiếng. Và thầy cũng… thanh liêm. Mà hồi ấy làm gì có nạn phong bì phong bao. Hợp tác xã mới thành lập, thầy đi dạy cũng chỉ được tính điểm rồi cuối vụ chia thóc. Dân quê nghèo không ai quà cáp cho thầy được chút đỉnh gì. Tôi chỉ đến nhà thầy đúng một lần mà ám ảnh cho đến giờ.
Một khu vườn khá rộng, xơ xác. Vợ thầy, gầy đến mức tưởng như không thể gầy hơn được nữa và một lũ trẻ bằng hoặc lớn hơn tôi, có vẻ ốm đói nhưng rất ngoan. Có một điều hơi buồn là hồi ấy, bà con xã viên trong hợp tác xã hình như hơi coi thường thầy. Phong trào đang lên, những ông trong ban quản trị chiếm thế thượng phong, sự học xem ra còn bị coi thường.
Có một sự kiện này mà tôi mãi mãi không bao giờ quên. Cái sự người nhà ra gọi một trò về giữa buổi là chuyện thường, nhưng hôm đó một ông rất bặm trợn và hình như quá chén cầm cây roi gọi một trò tương đối lớn trong lớp ra, đánh liền. Thầy Cương can, ông kia cứ đánh và chửi. Cả lớp sợ xanh mắt. Bất ngờ, thầy Cương đứng vào hứng đòn dính ngay một roi khá nặng. Người kia dừng ngay, đứng nhìn thầy một lúc rồi hậm hực về…
Có một tâm lý sùng bái “thầy của mình” rất dễ thương trong đám trẻ con. Làng có hai xóm, hai lớp vỡ lòng. Cả hai thầy đều có tham gia chống Pháp và đều bị thương. Thầy Đ. bị đạn vào chân đi chấm phẩy, gọi là đi “cà lai”. Thầy Cương bị mảnh đạn xẹt qua thái dương để lại sẹo gọi là “trẹo màng tang”. Trẻ con gây nhau, ban đầu réo tên cha mẹ, nhưng tới đoạn lôi tên thầy xúc phạm - “ Đ.cà lai!”, bên kia đáp trả - “Trẹo màng tang đi mô làng đập nấy!” là bắt đầu xông vào vật nhau chí tử, bảo vệ danh dự của thầy mình…
Ôi, cái thời cổ tích!
Điều thú vị nhất là tất cả các trò đều lên lớp một, không có lưu ban. Một đám trẻ con hỗn hợp khác lại gom thành lớp vỡ lòng “khóa mới” cho thầy Cương. Cơ chừng hơn mười năm, cứ như thế. Sau khi “phôi thai vỡ lòng” tất cả lên cấp một, cấp hai rồi cấp ba. Ít ai ngoái lại nhìn thầy giáo Cương đang già đi, ngày càng tiều tụy. Hệ thống giáo dục bỏ lớp vỡ lòng, thầy không được tuyển vào biên chế phổ thông, sức khỏe yếu không thể đi làm đồng, cuộc sống ngày càng khốn khó. Rồi chiến tranh, bao lứa học trò từng qua tay thầy trưởng thành, cầm súng, một đi không trở lại. Cả tôi và ba thằng Ben đều ra chiến trường và ôm đầu máu về làng.
Năm 1973, từ trại thương binh, tôi về thăm nhà gặp thầy bước rất chậm trên đường làng. Thầy vẫn nhận ra, vẫn gọi tôi là trò, hỏi thăm đứa nọ đứa kia, ngậm ngùi cảm thương mấy đứa vừa báo tử. Thầy mất năm nào tôi không biết, nhiều trò cũng không biết. Gia tài thầy để lại là một khu vườn xơ xác và người vợ càng già càng khô héo, những đứa con bươn chải ruộng đồng sớm hôm…
***
Tôi đang ngồi viết những dòng này thì đứa em họ ở làng gọi. Tôi nói, đang bận viết cho báo tết, viết về thầy Cương, em biết thầy Cương không? Cô ấy trả lời, em mới bốn mươi, không biết, nhưng nhiều người lớn tuổi đến quán em hay kể chuyện cũ có nhắc đến thầy. Nhắc sao? Thì nhắc rứa đó, thường nghe ai cũng nói một câu hơi hơi giống nhau, là “hồi nhỏ được học với thầy Cương!”.
Có lẽ, tôi cũng như mọi người, kể xong câu chuyện tri ân này, cũng kết thúc bằng câu nói: “Hồi nhỏ, may mắn được học với THẦY CƯƠNG”.