| Hotline: 0983.970.780

Ai về vùng tả Kiến Giang

Thứ Bảy 15/10/2022 , 17:29 (GMT+7)

Qua bao thăng trầm, cánh đồng lúa Lệ Thủy vẫn bời bời xanh và rực vàng trong mỗi mùa chin tói…

Đồng đất Lệ Thủy (Quảng Bình) phân bố thành ba vùng rõ rệt: Vùng ven biển, cát trắng, vùng chân thềm Trường Sơn núi đồi và quê tôi tả hữu sông Kiến Giang màu mỡ phù sa gọi là vùng giữa.

Năm bảy trăm năm trước, trong các cuộc di dân từ Hoan Ái (Nghệ Tĩnh) vào, đi thuyền, các cụ tổ tiếp cận cửa Nhật Lệ rồi ngược lên đổ bộ lên hai bờ Kiến Giang, khai canh lập ấp, làm nông. Vệt dân cư hai bên sông đến nay vẫn mỏng tang như… lá lúa, quay trở hướng nào cũng gặp gió và nắng.

song-kien-giang-4_1633619908

Lễ hội đua thuyền trên dòng Kiến Giang.

Sông Kiến Giang chảy hướng nam - bắc nên cánh đồng vùng tả trải rộng ngút mắt đến tận chân thềm Trường Sơn. Chừng năm tuổi, tôi được lần đầu xuống bến sông tắm, ôm một đoạn thân cây chuối vùng vẫy vài buổi trưa là biết bơi. Một hai năm sau, vào lớp một, buổi đến lớp, buổi ra đồng chăn trâu.

Hình ảnh cánh đồng lúa, đồng cỏ đi vào ký ức tuổi thơ rồi biến thiên từ đó đến giờ đã hơn 60 năm. Hồi nhỏ, mỗi năm, chúng tôi có trọn vẹn 90 ngày cùng với lũ trâu thỏa sức vùng vẫy trên đồng sâu, giữa bùn lầy như cua như cá.

Sáng, khi mặt trời chiếu rọi rực rỡ, chúng tôi là đám trẻ trâu trong đội sản xuất của Hợp tác xã Nông nghiệp mới thành lập, nón lá roi tre cùng mo cơm lên thuyền dong trâu ra tít đồng hoang thả chăn. Cánh đồng mênh mông còn hoang hóa sau kháng chiến chống Pháp, cá tôm và chim trời vô thiên lủng. Cả một mùa hè giữa không gian thần tiên ấy là sân chơi bất tận.

Chúng tôi đã chơi với cá đồng, bắt rồi thả rồi bắt, chiều mang vào nhà cả một rôộng đầy hơn chục cân cá khiến các chị gái phiền muộn vì phải xuống bến đánh vi tróc vảy xóc muối để mẹ cho vào vại ướp mắm. Và trứng chim trời, đùa vui ném trứng chim vào nhau như ném đất. Sau mùa lụt (không phải lũ) nước trên đồng mênh mang.

Chúng tôi sáng sớm lên mở chuồng lùa tuốt lũ trâu ra đồng cho chúng tự do lội ra xa tìm cỏ dập dềnh trên mặt nước, lên những cồn nổi nằm nhai lại, chiều kéo nhau về. Trong ánh hoàng hôn của những ngày đầu thu mơn man se lạnh, chúng tôi đón chúng ở mép nước, từng đứa nhận mặt trâu của mình rồi cùng dong về chuồng…

Mùa gặt, cánh đồng lộ ra bờ cỏ non và rạ còn xanh cho trâu no bụng. Trâu cái măng tơ ỏn ẻn, trâu đực phởn chí “tranh gái” bày trận húc nhau chí tử. Nhà Dung nhận chăn con trâu đực đầu đàn khiến cô bé hết khổ với những trận kịch chiến bất phân thắng bại.

“Thưở ấy làm sao thật thái bình” là câu thơ của Nguyễn Bính có thể vận vào mấy năm đầu làm ăn Hợp tác xã. Dẫu quản lý còn vụng về nhưng được đồng đất ưu đãi và con người còn hồn nhiên chưa phát sinh tham nhũng, hà lạm nên dân vùng giữa vẫn ngày ăn năm bữa cơm no oạch, cấy gặt, gánh lúa “vọt” giữa đồng sâu bùn lầy không biết mệt.

Đêm trăng đập lúa, trai gái trêu đùa, hò khoan hò hụi. Vườn không có hàng rào, ngày đi làm đêm ngủ nhà không bao giờ đóng cửa… Gặt hái xong, đội sản xuất lên “phương án ăn chia” mỗi khẩu tùy sản lượng mà tính chừng mười lăm hai chục ki lô gam thóc cho mỗi tháng, còn lại là nhập kho nhà nước. Xong rồi, nông phu ngồi chờ lễ hội bơi thuyền mừng tết độc lập và… chờ lụt.

Tháng chín, mưa “như cầm đôộc (lu) mà đổ”. Nước thượng nguồn đổ về, tràn vào đồng, dâng lên ngập nhà cửa. Nông phu chiếm trộ cất rớ (vó), chèo thuyền ra giữa dòng sông vớt củi khô trôi về. Nhà nào không có thuyền thì chặt chuối đóng bối (bè). Trẻ con thành sát thủ diệt chuột trên ngọn cây… Lụt đi để lại cánh đồng đã được thau chua rửa mặn và lớp phù sa màu mỡ, bổ sung lượng tôm cá từ thượng nguồn trảy về sinh sôi.

Rồi việc gì phải đến cũng đến. Sau sự vụng về và thiếu kiến thức nông nghiệp của hàng ngũ quản lý là tiêu cực nảy sinh, là nhập nhèm trong sổ sách công điểm và phương án ăn chia, tệ lãng phí vì “cha chung không ai khóc”…

Chiến tranh phá hoại của không quân Mỹ, tạm dẹp những mâu thuẫn mới nảy sinh, Hợp tác xã thành một đơn vị vừa sản xuất vừa chiến đấu. Đồng lúa thành “chiến tuyến phòng ngự”. Thanh niên dân quân làm đồng, súng dựng đầu bờ trong phong trào hai giỏi “chiến đấu giỏi, sản xuất giỏi”.

Cuộc chiến tranh phá hoại dần dần đẩy đến độ hủy diệt, trẻ con được nhà nước sơ tán ra các tỉnh phía bắc để giữ gìn nguồn lực cho tương lai.

Chúng tôi đi dưới tầm bom của không lực Hoa kỳ và pháo hạm đội bảy liên tục rót vào, mang theo trong ký ức thơ ngây hình ảnh cánh đồng lúa bát ngát, chim trời, tôm cá và cô bé Dung tóc tai rối bời khóc sướt mướt với con trâu đầu đàn bất trị…

Từ nơi sơ tán, chúng tôi trưởng thành, vào đại học. Nhập ngũ từ giảng đường, ra trận, đi xuyên qua quê hương vẫn đang chìm trong bom đạn của cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ hai…

images641207_1m2_x_2m_copy__1_

Mũi Viết thị trấn Kiến Giang (Lệ Thủy). Ảnh: Thành Vương.

Sau bảy lăm, định cư ở phố, tôi thường về quê, ra đồng tìm lại tuổi thơ ngọt ngào thuở trước. Cánh đồng vùng tả Kiến Giang vẫn vậy, mênh mông đến tận chân thềm Trường Sơn, nhưng hình như bắt đầu có điều gì đó khang khác.

Vẫn là ngọn gió Nam mướt mát nhớ mùa lúa chín tìm về sao không còn nghe ồn ã tiếng chim trời kêu thao thiết gọi bạn tình. Chiếc thuyền chèo qua, nước dềnh lên bờ không thấy cá tôm vùng vẫy. Đâu đó rơi rớt những chai lọ đựng thuốc trừ sâu và hóa chất. Cánh đồng đang cạn đi. Trâu không ăn cỏ theo đàn, bày trận húc nhau mỗi mùa gặt hái.

Xã viên đi làm đồng bước chân dường như không còn vội vã. Đâu đó có cảnh thợ cày đi vài đường rồi dừng trâu thong thả vấn thuốc. Phụ nữ ngồi đầu bờ xổ tóc bắt chấy. Đám ruộng “năm phần trăm” thành cứu cánh của mỗi nhà. Bộ khung Hợp tác xã chỉ còn là cái xác…

Âm thầm chịu đựng như vậy chục năm rồi cũng tìm được lối ra bằng hình thức khoán sản. Cánh đồng bừng thức nhưng… không như ngày xưa nữa. Không còn cảnh những bạn cấy bạn gặt mươi mười hai người cùng đi một đò, cùng về một bến. Khó khăn cùng chịu lợi lộc cùng chia.

Cuộc cách mạng cây con giống và phương pháp cấy trồng chăn nuôi tăng mạnh năng suất nhưng môi trường phải trả giá đắt. Đội sản xuất vẫn tồn tại nhưng lúa đã về sân mỗi nhà, tính diện tích nộp khoán. Không thấy nữa những cây rơm lừng lững ở mỗi đội sản xuất như “kim tự tháp” làng quê. Cái làng muôn thưở của người Việt dần dần trở lại thay thế cho quan hệ Hợp tác xã và từ đó dòng họ cũng phục sinh theo. Một hình hài nông thôn mới mong manh hiện ra với nhà kiểu mới, tường xây bao thay cho hàng rào chè mạn. Vĩnh viễn không còn sáng tối “Gọi nhau xin lửa qua rào”. Ngoài đồng thỉnh thoảng vang lên tiếng súng bắn đạn chì nhưng không ai giật thột. Chỉ lũ chim trời là dáo dác bay rồi năm sau không về nữa…

Lại nói chuyện dân tả hữu Kiến Giang quê tôi gặt lúa vụ tám phơi khô khén cất lên tra rồi chuẩn bị bơi thuyền mừng tết độc lập 2/9 và chờ… lụt. Bơi thuyền thì hoàn toàn chủ động nhưng lụt thì không. Năm nào lúa vụ Tám còn xanh mà lụt về thì thất bát. Cuộc cách mạng “lúa tái sinh” là dân tự phát như trước đó mươi năm từng khoán chui.

Tôi làm báo tỉnh, từng chứng kiến dân kháng cự lãnh đạo huyện để được làm lúa tái sinh tránh lụt như thế nào. Một ngày, lũ bạn tôi từ ngoài Bắc về chơi, ra đồng, thấy từ gốc rạ, lúa mọc lên kết hạt sây bông thì lạ lắm. Ấy là bà con đã phát triển từ cây “lúa con” sau vụ gặt vốn dành cho người neo đơn không ruộng vườn nhặt mót. Bây giờ, cả huyện làm lúa tái sinh. Lụt sớm đến mấy cũng chỉ còn là con nước mang về tài nguyên cho vụ sau…

Nhân sinh thất thập…! Tuổi bảy mươi, tôi dẫn theo các cháu nội ngoại về làng, ra đồng chụp ảnh "nuôi" facebook. Cánh đồng Tả Kiến Giang lúa đang thì con gái xanh ngập bờ, vẫn mướt mát đến tận chân thềm Trường Sơn. Khoa học đã khống chế vĩnh viễn nạn thiên địch để đảm bảo năng suất.

Tôi xắn quần, lội men bờ ruộng định mò hang bắt biểu diễn vài chục con cua nhỏ vừa cho lũ trẻ thành phố trải nghiệm và cũng để mang về thả vào hồ nước trồng hoa súng. Có ai tin cùng tôi không, lội dọc hết ba bờ ruộng, tuyệt nhiên không tìm thấy một hang cua nào.

Chợt giật mình, xa làng đã gần sáu mươi năm, cũng hàng trăm lần về thăm nhà, đã có bao giờ tôi thực sự mặc quần cộc lội đồng bắt cá mò cua như ngày xưa.

Vào nhà, ngỏ ý đến thăm cô bé Dung xinh xắn mà thường xuyên khóc mếu khổ sở với con trâu đầu đàn thì thằng cháu họ bảo: - “Mệ Dung già lắm rồi, chống gậy, lưng sát đất, mà nghe đâu vô Nam với đứa cháu nội để tiện thuê ô-sin”.

Hơn nửa thế kỷ, tôi có còn là tôi của ngày xưa đâu mà cứ muốn người quê, cánh đồng quê vẫn vẹn nguyên như thế… Còn chăng, chỉ là ký ức.

Có ai về thăm lại cánh đồng vùng tả Kiến Giang với tôi không?!

Xem thêm
Công tác nhân sự đại hội Đảng các cấp phải thực hiện nghiêm, đúng nguyên tắc

Ngày 20/11, Đảng ủy Bộ NN-PTNT tổ chức Hội nghị tập huấn công tác tổ chức đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2025 - 2030 cụm khu vực huyện Thanh Trì, Hà Nội.

Quảng Nam sẽ là trung tâm sản xuất, cung ứng giống sâm Ngọc Linh

Mục tiêu đến năm 2035, tỉnh Quảng Nam phấn đấu trồng 10.000ha sâm Ngọc Linh, phát triển sâm Ngọc Linh thành ngành hàng mang thương hiệu quốc tế, có giá trị xuất khẩu cao.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Ghi ở 'thủ phủ' phế liệu Hà Nội [Bài 3]: Cân bằng là thách thức!

Mặc dù có thể giảm thiểu nhưng việc loại bỏ hoàn toàn ô nhiễm song song với phát triển kinh tế tại các làng nghề hiện vẫn là thách thức lớn.