Nhà văn Xuân Ba: Chuyện nhà 49 [Kỳ I] Chủ nhà lâm nạn

Xuân Ba - Thứ Sáu, 19/05/2023 , 07:54 (GMT+7)

Như người ta vẫn nói kể về cái nhà mà không nói đến thứ mà ngôi nhà đã từng có, từng mang là một khiếm khuyết? Tôi đang lẩn thẩn nhớ lại vài chuyện ở nhà 49 này.

Nhà 49 trước khi cải tạo.

Công luận đang râm ran huyên náo rằng nên sử dụng gam đỏ hay vàng hoặc nâu cho cái áo tòa biệt thự 49 Trần Hưng Đạo, Hà Nội. Các nhà chức việc sẽ dần dà làm cái việc đó.

Hàng trăm tòa biệt thự cổ ở Hà Thành, mỗi một tòa nhà dường như ẩn chứa bao điều lạ?

Bài liên quan

Nhà 49 Trần Hưng Đạo, trụ sở Nhà xuất bản Văn học dần dà quen thuộc do cái duyên với nhà phê bình kiêm biên tập viên Nguyễn Văn Lưu.

Đâu như cuối những năm 80 (thế kỷ trước), thi thoảng ghé qua chỗ nhà văn Nguyễn Văn Lưu làm chén rượu thuốc, thời gian này anh đã tranh thủ vẩy một cái túp thưng bằng cót ép ngay sát cái nhà vệ sinh khủng khiếp làm chỗ ở tạm. Cái lão Lưu gù (mặc dầu Lưu tiên sinh lưng phẳng tắp, bọn tôi quen gọi thế vì có thời gian bộ phim Lưu gù thịnh hành) này cũng lạ. Đường vợ con thê thiếp hình như lận đận? Cứ tầm áp Tết, thiên hạ nháo nhào những quê kiểng về viếc. Nhưng có năm chiều 30 mà lão vẫn tha thẩn trong mớ lùng bùng cót ép hôi hám chật chội ở góc xó vườn nhà 49 ấy.

Một lần có việc gấp, tôi xộc thẳng tới nhà 49 có cái phòng làm việc chung to đoành cửa mở ra phố Hàng Bài. Ngồi chung với Lưu gù trong căn phòng khá rộng cùng mấy biên tập viên khác có nhà thơ Vũ Quần Phương mà tôi có biết. Và cũng lần ấy, tôi được Nguyễn Văn Lưu nhỏ nhẹ giới thiệu cái người ngồi cách hai cái bàn bận bộ đồ bốn túi đã bạc màu, cái trán hơi hói có cặp mắt nhìn hiền và buồn là nhà văn Hà Minh Tuân.

Hà Minh Tuân? Tác giả Trong lòng Hà Nội/ Hai trận tuyến/ Vào đời? Những năm xa ở khoa Văn Tổng hợp, chúng tôi mặc dù chưa đứa nào được đọc sách của Hà Minh Tuân cả nhưng tâm trí luôn thường trực cụm từ “lãng mạn ủy mị tiểu tư sản, yếu đuối” mà một ông thày từng cao đàm khoát luận.

*

*       *

Rồi tôi cũng được hầu chuyện với cái người áo bốn túi đóng kín cúc cổ ấy trong gian thưng cót ép của Nguyễn Văn Lưu, nhà văn Hà Minh Tuân.

Ông cười từ chối chén rượu thuốc nói là không biết uống mà tôi cố nài.

Cậu là phóng viên Tiền Phong hả? Chất giọng trầm khàn thân mật ấy đã khởi đầu cho bao thứ tò mò mà tôi từng găm sẵn. Ngoài cái lý lịch trích ngang hơi bị hoành.

Sau Nhân văn, cấp trên muốn tăng cường mặt trận tư tưởng văn hóa văn nghệ bằng việc điều chuyển những sĩ quan quân đội những người viết từng kinh qua trận mạc. Trưởng phòng Tuyên huấn Tổng Cục chính trị Hà Minh Tuân năm 1958 được chuyển ngành về nhà 49 làm Giám đốc Nhà xuất bản Văn học này.

Cũng tại tòa nhà 49, trong môi trường mới, người quản lý nghiêm cẩn Hà Minh Tuân vẫn tiếp tục mạch văn mạch đời của Hai trận tuyến, Trong lòng Hà Nội hồi nào bằng cuốn Vào đời.

Đã đành sự thật của xã hội miền Bắc cuối 50 đầu 60 lấp ló thói tha hóa của những kẻ mạo danh cách mạng, không hiếm những thân phận người lao động nghèo bị ruồng bỏ bởi định kiến đạo đức giả cần phải được bênh vực. Mệnh lệnh của cuộc sống cùng sứ mệnh của nhà văn của văn chương cần lên tiếng. Nhưng sự thật và hiện trạng đó, oái oăm lại có vẻ chưa hợp, chưa trúng thời nhưng đã được phản ánh khá là sinh động đủ đầy trong Vào đời.

Tác phẩm Vào đời.

Ông Giám đốc Nhà xuất bản Văn học kiêm nhà văn Hà Minh Tuân có lẽ bằng mẫn cảm và phản xạ của một cán bộ chính trị cũng đo lường rằng Vào đời sẽ khó mà ra mắt bạn đọc nên ông đã làm cái việc hơi bị liều là tự mình với tư cách giám đốc nhà xuất bản ký duyệt cho Vào đời xuất bản.

Cái thời ấy nó phải thế nhưng ông lại làm khác thế. Hà Minh Tuân đã lãnh đủ ngay khi Vào đời mới chào đời.

Vào đời bị thu hồi. Hà Minh Tuân phải viết kiểm điểm, sau đó bị cách chức Giám đốc Nhà xuất bản Văn học, phải chuyển công tác sang Tổng cục Thủy sản.

…Trở lại buổi sơ kiến nhà văn Hà Minh Tuân, tôi nhớ câu nói kiêm cái cười rất lành “mà thuở ấy Báo Tiền Phong là hăng lắm nhá”.

Sau lần gặp ấy, về lục lại chồng báo cũ, tôi mới tường thêm cái “hăng” mà nhà văn cười cười…

Nhiều tờ báo phê Vào đời. Những Nhân Dân, Văn Nghệ, Thống Nhất, Lao Động, Quân đội Nhân dân… Nhưng có lẽ “hăng” nhất, tờ Tiền Phong. Gần 10 bài viết dài thòng.

- 26/6/1963. Báo Tiền Phong, s. 1054, tr. 3, 4: Thanh Bình (“Vào đời”, một tác phẩm rất xấu);

- 30/6/1963. Báo Tiền Phong, s. 1056: tr. 3: Tuổi vào đời đọc cuốn “Vào đời”: Đặng Minh Hân, Nghĩa Đàn, Nghệ An (Cái xấu choán cái tốt, bóng đen trùm lên ánh sáng trong tác phẩm “Vào đời”); Nguyễn Việt Hùng, hòm thư 5856, Hà Nội (Tác phẩm “Vào đời” trái ngược hẳn với cuộc sống lành mạnh, tươi vui của chúng tôi);

- 3/7/1963: Báo Tiền Phong, s. 1057, tr. 3: Nguyễn Bình, nhà máy cơ khí Hà nội (Ý kiến của thanh niên công nhân nhà máy cơ khí Hà Nội: Hà Minh Tuân đã mô tả lệch lạc bước vào đời của chúng tôi);

- 3/7/1963: Báo Tiền Phong đưa tin. Buổi tối, tại trụ sở Hội Nhà văn Việt Nam, 65 Nguyễn Du, Hà Nội, một số nhà văn, trong đó có Nguyễn Tuân, Kim Lân, Huyền Kiêu, Nguyễn Đình Thi, Hoàng Trung Thông, Trần Hữu Thung, Vũ Tú Nam, Bùi Hiển, Thành Thế Vỹ… đã họp để góp ý phê phán cuốn Vào đời. Sau khi nghe tác giả Hà Minh Tuân trình bày, các nhà văn nói trên đã phê phán những tư tưởng sai lầm nghiêm trọng của cuốn truyện;

- 14/7/1963 Báo Tiền Phong, s. 1062: tr. 3, 2: Nguyễn Thị Hồng Tuyến, nữ công nhân xưởng cơ khí, nhà máy cơ khí Hà Nội (Ý kiến một nữ thanh niên công nhân về cuốn “Vào đời”: Ông Hà Minh Tuân đã làm tổn thương đến danh dự chúng tôi)…

Tôi lật cuốn Vào đời. Chả hiểu sao trúng cái trang ai đó đã đánh dấu?

“Bán thịt theo phiếu mà tuồn những miếng ngon cho người quen! Bán nước mắm pha nhiều nước muối và nước lá chuối! Nhiều hiệu ăn “tiến bộ giật lùi”, phở vừa đắt vừa nhạt nhẽo. Ngày chủ nhật trong chợ ngoài đường loa phóng thanh oang oang nhức óc mà mấy ai nghe? Có những buổi chiều thứ bẩy, công an đứng hàng loạt ở đường phố Tràng Tiền cứ một chút một chút lại huýt còi rinh lên, khiến mọi người trên đường phố cảm thấy kém vui đi” (trang 327).

Vào đời, đại để câu chuyện chỉ có thế. Nhưng với một ngòi bút hiện thực sắc sảo, cộng với lòng nhân đạo tha thiết, Hà Minh Tuân đã phơi bày ra trên mặt giấy cái thực trạng xã hội và đặc biệt, cái số phận bi thảm của người con gái tên Sen.

Một bữa, ngồi với ông hàng xóm áp tường trong khu tập thể nguyên là Tổng Biên tập tờ báo từng hăng hái vụ Vào đời. Chuyện thì dài nhưng lý do thật đơn giản.

Sao? Cậu đọc lại có thấy hồi ấy chúng tớ hăng không? Hăng hả? Trong cái cười thoải mái sau mồi thuốc lào cật lực, ông hàng xóm rành rẽ. Mãi sau này mới ngộ ra nhiều điều. Là cái hồi ấy nó thế. Nó phải thế cậu ạ!

Còn tôi cũng một chút rùng mình khi nhớ lại động thái lắc đầu buồn bã của tác giả Vào Đời. “Có đến vài năm tớ không dám đi đâu. Không dám ngó ngàng đến bất kỳ cuốn sách tờ báo nào cậu ạ”.

Nhà văn Nguyễn Văn Lưu có vẻ ngắc ngứ ngập ngừng khi tôi gợi một chuyện khó nói… Vẫn chất giọng nhỏ nhẹ, ông Lưu nói mình không dám chắc. Dám chắc là cái chuyện buồn gia đình nhà văn Hà Minh Tuân. Thời điểm đó, nhà văn biên tập viên Nguyễn Văn Lưu chưa về nhà 49. Nhưng sau này cũng có nghe loáng thoáng những đồn thổi này khác rằng gia đình Hà Minh Tuân tan vỡ một phần chủ yếu là cái án kỷ luật Hà Minh Tuân.

Dẫu ngồi cùng phòng được coi là thân gần nhưng chưa bao giờ Lưu gù dám vuột ra cái điều khó nói ấy với bậc đàn anh? Có lẽ nể trọng cái tính cẩn trọng mực thước nghiêm ngắn của người đồng nghiệp cao niên tài hoa chăng? Nhưng may mắn, nghị lực Hà Minh Tuân đã dám vượt thoát vực thẳm đổ vỡ mất mát ấy. Sau này ông đã tục huyền với một cô giáo đẹp người, đẹp nết và có một mái ấm tàm tạm! 

Nhà văn Hà Minh Tuân và người bạn đời (Tư liệu của nhà văn Nguyễn Văn Lưu).

Hăng nhất hồi ấy có lẽ là ông Như Phong, thời gian ông ở cương vị Trưởng ban Văn hóa văn nghệ một tờ báo lớn.

Nhưng như Lưu gù cười, cuộc đời chả biết thế nào mà lần? Cũng chính ông Như Phong khi về đảm nhận chức Giám đốc Nhà xuất bản Văn học (1965) một thời gian sau đã đích thân mời nhà văn Hà Minh Tuân đang ở Tổng cục Thủy sản về lại Nhà xuất bản Văn học. Đầu tiên với danh nghĩa là thư ký cho Giám đốc. Lại tạo điều kiện cho viết lách. Cuốn Những vẻ đẹp khác nhau được in là dưới trào Giám đốc Như Phong. Nhưng cuốn ấy cũng nhanh chóng mất tăm chìm lút trong dòng chảy của thứ hao hao na ná của văn chương một thời!

Nghĩ mà khiếp cho câu của cổ nhân kinh cung chi điểu… Cái giống chim đã một lần bị tên?

Có lẽ sau sự kiện gọi là cởi trói cho văn nghệ sĩ cuối những năm 80, rồi việc sụp đổ của Liên Xô, nhà văn Hà Minh Tuân đã gặp may trong làn gió đầu mùa Đổi mới? Bằng cớ là cuốn Vào Đời từng biệt vô tăm tích đã được tái bản ngay tại Nhà xuất bản Văn học.

Niềm vui trả lại tên cho anh ngắn chả tày gang. Hơn một năm sau việc vui ấy, trước Tết Nhâm Thân, cũng nhà văn Lưu gù kể lại, nhà văn Hà Minh Tuân như thường lệ vẫn đến nhà 49 làm việc, vẫn tới cái phòng chung mà tôi từng ghé ấy. Nhưng lần đó thay vì vẻ mau mắn mẫn tiệp cộng với nhuận khí của thứ án oan được cởi, ông tự dưng lật đật đi lại vẻ không bình thường. Mà quái, cái vật trên tay ông lại là cái… bô trẻ con! Ông cứ thế vồn vã chào hỏi chúc Tết tất thảy mọi người!

Ấn tượng với Lưu gù hôm ấy là ngó khí sắc nhà văn đã bạc bệch. Cặp mắt gần như lạc thần.

Sau lần ấy, qua Tết 1992 nhà văn Hà Minh Tuân rời bỏ cõi trần.

Đám tang ông được cử hành trọng thể tại nhà hàng xóm kế bên, Trụ sở Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam - 51 Trần Hưng Đạo.

Sau này, thi thoảng tôi lại bắt gặp động thái của Lưu gù khi lão thong thả lẩm nhẩm cất lên mấy câu của nhà thơ Trinh Đường:

Vào đời nay mới thấy lối ra

May còn cái xác để thành ma

Quan văn, quan võ giờ quan quách

Tuân lệnh u minh xuống nại hà.

Xuân Ba
Tin khác
Nhà thơ xứ Nghệ có nốt nhạc mùa trong ký ức xanh
Nhà thơ xứ Nghệ có nốt nhạc mùa trong ký ức xanh

Nhà thơ xứ Nghệ Trần Quang Khánh chắt chiu cảm xúc những ngày quân ngũ và những năm dạy học để gửi gắm vào vần điệu chân thành và sâu lắng.

Vẻ đẹp núi rừng qua trang văn của tác giả dân tộc Thái
Vẻ đẹp núi rừng qua trang văn của tác giả dân tộc Thái

Vẻ đẹp núi rừng ở miền tây xứ Nghệ được tác giả Hữu Vi phác họa sinh động và quyến rũ qua tập truyện ngắn ‘Cái chết của bầy ong’.

Nhà văn Sơn Nam đã có thêm một khách tri âm
Nhà văn Sơn Nam đã có thêm một khách tri âm

Nhà văn Sơn Nam đã được nhiều tác giả tập trung nghiên cứu, và chuyên luận ‘Khí chất Nam Bộ qua truyện Sơn Nam’ chứng minh rằng ông có thêm một khách tri âm nữa.

Học giả Nguyễn Đình Tư lần thứ hai nhận Giải thưởng sách quốc gia
Học giả Nguyễn Đình Tư lần thứ hai nhận Giải thưởng sách quốc gia

Học giả Nguyễn Đình Tư ở tuổi 104 được trao giải A của Giải thưởng sách quốc gia 2024 với công trình nghiên cứu về lịch sử đô thị phương Nam.

Đào tạo tiếng Việt được quan tâm trên đất nước Triệu Voi
Đào tạo tiếng Việt được quan tâm trên đất nước Triệu Voi

Đào tạo tiếng Việt tại Lào có thêm một địa chỉ mới ở Viên Chăn, với sự phối hợp giữa Trường Đại học Cửu Long và Viện Nghiên cứu khoa học giáo dục Lào.

Ký ức không phai một thời học sinh miền Nam trên đất Bắc
Ký ức không phai một thời học sinh miền Nam trên đất Bắc

‘Ký ức không phai’ là cuốn sách ghi lại kỷ niệm gắn bó với Trường Học sinh miền Nam trên đất Bắc, nhân dịp kỷ niệm 70 năm Hiệp định Genève.

Tâm sự nghề nghiệp của một nhà giáo trường huyện
Tâm sự nghề nghiệp của một nhà giáo trường huyện

Tâm sự nghề nghiệp của những người đã và đang đứng trên bục giảng với nhiều kỷ niệm khó quên, càng trở nên ấm áp nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11.

Cô giáo Nùng khơi chuyện văn chương cùng học trò
Cô giáo Nùng khơi chuyện văn chương cùng học trò

Cô giáo người Nùng Lý Thị Thủy đang dạy văn ở Trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh Phú Yên, vừa ra mắt cuốn sách lý luận phê bình có tên gọi ‘Khơi chuyện’.

Tủ sách Văn Hóa Việt ra mắt độc giả Trung Quốc
Tủ sách Văn Hóa Việt ra mắt độc giả Trung Quốc

Tủ sách Văn Hóa Việt của Chibooks chính thức ra mắt độc giả đất nước tỷ dân tại Tuần lễ văn hóa sách Trung Quốc – Đông Nam Á 2024 tại thành phố Nam Ninh.

Ai chém đầu nhà yêu nước Lương Ngọc Quyến?
Ai chém đầu nhà yêu nước Lương Ngọc Quyến?

Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật mới cho ra mắt cuốn sách 'Nguyễn An Ninh – Không ăn mày tự do' (2024) của tác giả Trần Viết Nghĩa. Sách mới mà quá nhiều lỗi sai hết sức sơ đẳng.

Sứ mệnh người thầy gửi gắm từng trang sách nhỏ
Sứ mệnh người thầy gửi gắm từng trang sách nhỏ

Sứ mệnh người thầy luôn gắn liền với sách, được các diễn giả đề cao tại talk show diễn ra ở Đường sách TP.HCM nhân dịp kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11).

Họa sĩ Xu Man trở thành ‘Con thiêng của rừng’
Họa sĩ Xu Man trở thành ‘Con thiêng của rừng’

Họa sĩ Xu Man được nhà văn Trung Trung Đỉnh lấy làm cảm hứng sáng tác truyện dài ‘Con thiêng của rừng’ dày 124 trang, do Nhà xuất bản Trẻ vừa ấn hành.