Đào tạo tiếng Việt được quan tâm trên đất nước Triệu Voi
Đào tạo tiếng Việt tại Lào có thêm một địa chỉ mới ở Viên Chăn, với sự phối hợp giữa Trường Đại học Cửu Long và Viện Nghiên cứu khoa học giáo dục Lào.
Tiết trọng thu Hà thành. Bồi hồi giở lại sử những ngày đầu dân quốc ấy.
… Phiên họp Hội đồng Chính phủ ngày 14/11/1945, Hồ Chủ tịch trịnh trọng tuyên bố:
“Đất nước ta lúc này cần kiến thiết:
- Kiến thiết ngoại giao. Kiến thiết kinh tế. Kiến thiết quân sự. Kiến thiết giáo dục.
Muốn vậy, phải mời các người tài, đức ra giúp nước nhà. Nhân tài nước ta dù chưa có nhiều lắm nhưng nếu chúng ta khéo lựa chọn, khéo phân phối, khéo dùng thì nhân tài càng ngày càng phát triển, càng thêm nhiều”.
Hồ Chủ tịch đề nghị Hội đồng Chính phủ cử một Ban cố vấn 10 người cho Chủ tịch nước. Trong đó Cụ Hồ trực tiếp đệ trình với Hội đồng Chính phủ 6 vị mà Cụ đã nhắm đến.
Đó là cụ Bùi Bằng Đoàn. Bác sĩ Nguyễn Văn Luyện. Giáo sĩ Lê Hữu Từ. Cụ Ngô Tử Hạ. Cụ Bùi Kỷ. Cụ Lê Tại.
Mỗi một thành viên Ban cố vấn, tùy địa vị, hoàn cảnh của từng người mà Hồ Chủ tịch đều có cách mời và ứng xử riêng để họ lần lượt về Bắc Bộ phủ mà ghé vai gánh quốc sự.
Nhưng với cụ Bùi Bằng Đoàn vị thượng thư triều Nguyễn có hơi bị khác!
Không thể không biên ra đây bức thư với lời lẽ khiêm cung, trân trọng mà Chủ tịch Hồ Chí Minh tự tay đánh máy ngày 17-11-1945 gửi cụ Bùi Bằng Đoàn.
“Thưa Ngài! Tôi tài đức ít ỏi, mà trách nhiệm nặng nề. Thấy Ngài học vấn cao siêu, kinh nghiệm phong phú. Vậy nên, tôi mời Ngài làm Cố vấn cho tôi, để giúp thêm ý kiến trong công việc hưng lợi, trừ hại cho nước nhà dân tộc. Cảm ơn và chúc Ngài mạnh khỏe. Kính thư. Hồ Chí Minh”.
Hồ Chủ tịch trao bức thư 57 chữ ấy cho người tin cẩn (sau này có tờ báo nói, người đó là Luật sư Phan Anh?) nói rằng phải trực tiếp về quê nhà cụ Bùi ở thôn Liên Bạt (Ứng Hòa, Hà Đông) trao tận tay cụ Bùi. Thời điểm đó, vị thượng thư triều Nguyễn đang an trí tuổi hưu tại quê nhà Liên Bạt.
Nhưng người đi mời đã trở về tay không.
Lần thứ hai, vẫn thư ấy, người đi mời là cụ Vũ Đình Hòe, một nhân sĩ cũng danh tiếng. Vị đại thần họ Bùi ấy cũng thẳng thắn rất cảm ơn thịnh tình của cụ Hồ. Và cũng từ chối khéo.
Lần thứ 3, cụ Hồ gọi người Bí thư thân tín Vũ Đình Huỳnh lên.
Cụ bộc bạch với Vũ Đình Huỳnh:
“Chắc là còn có điều gì ngoài lý do sức khỏe để Cụ Bùi còn lưỡng lự trước một việc trọng đại này?”.
Nói đoạn, cụ Hồ trực tiếp trao cho Bí thư Huỳnh một phong thư. Cụ ân cần dặn thêm “Chú yết kiến Cụ Bùi và trao tận tay Cụ lời tâm tri này của tôi…”.
Người Bí thư thân tín thoáng chút băn khoăn.
Hai lần mời mà chưa được? Cụ Hồ có đánh giá quá… cao cụ Bùi không nhỉ?
“Ngài học vấn cao siêu…”.
Thoáng nhanh trong tâm trí người Bí thư vài biên niên như những dòng lý lịch trích ngang.
… Khoa thi năm Bính Ngọ 1906, ba anh em ruột Bùi Bằng Phấn, Bùi Bằng Thuận và Bùi Bằng Đoàn đều ứng thí. Bùi Bằng Phấn đỗ tú tài, Bùi Bằng Thuận và Bùi Bằng Đoàn cùng đỗ Cử nhân. Ba anh em được mệnh danh là Hà Đông tam bằng (ba cánh chim bằng đất Hà Đông).
Bùi Bằng Đoàn thông thạo cả Pháp văn và Hán văn.
Năm Tân Hợi (1911) được bổ làm Tri huyện, sau đó làm Tri phủ Xuân Trường (Nam Định), Án sát tỉnh Bắc Ninh; Tuần phủ các tỉnh Cao Bằng, Ninh Bình; rồi làm đến Thượng thư Bộ Hình triều đình Huế, hàm Thái tử Thiếu bảo.
Khi làm quan, Bùi Bằng Đoàn nổi tiếng là vị quan đức độ, thanh liêm, chính trực, chăm dân. Trên công đường, ở những nơi ông làm quan, đều có treo một bảng thông báo "không nhận quà biếu".
Sáng kiến và tích cực đôn đốc thực hiện việc đắp đê Bạch Long ngăn nước mặn, tạo lập được một vùng lúa, dâu rộng lớn ở vùng Xuân Trường Nam Định, dân địa phương đã làm lễ tế sống vị "phụ mẫu chi dân" trẻ tuổi Bùi Bằng Đoàn ngay nơi nhậm chức.
Năm 1925, Chính phủ Nam triều cử Bùi Bằng Đoàn vào Nam Bộ thanh tra các đồn điền cao su của Pháp. Ông đã tiến hành sự vụ thấu đáo, viết một bản báo cáo dày đến 100 trang bằng tiếng Pháp. Những kiến nghị xác đáng trong báo cáo đã được nhà đương cục chấp nhận, giảm thiểu những chế độ hà khắc đối với công nhân đồn điền cao su thời đó.
Năm 1925, đang làm tri phủ Nghĩa Hưng (tỉnh Nam Định) do thông thạo tiếng Pháp, ông được mời lên Hà Nội làm thông ngôn cho phiên tòa đại hình xử vụ án cụ Phan Bội Châu.
Với tính cách cương trực, bênh vực lẽ phải, Bùi Bằng Đoàn đã chuyển tải rõ ràng, trung thực những lời nói, lý lẽ đanh thép của cụ Phan Bội Châu để rồi sau đó tòa án đã không khép được cụ Phan vào án chung thân mà giảm xuống hình thức "an trí ở Huế"…
Một ngày thu 1945, Bí thư Vũ Đình Huỳnh về Liên Bạt.
Tại tư thất ở quê nhà Liên Bạt, cụ Bùi Bằng Đoàn tiếp nhận từ tay người Bí thư của Chủ tịch nước phong thư hình chữ nhật, giấy phẩm điều với ba chữ Hán đá thảo, màu huyền: Ký Bùi Công (Gửi cụ Bùi).
Cụ mở phong bì.
Trong thư, chỉ vỏn vẹn có bảy chữ, thủ bút của cụ Hồ trên giấy hồng điều.
THU THỦY TÀN HÀ THÍNH VŨ THANH
(Trong làn nước thu, cụm sen tàn nghe tiếng mưa rơi)
Thế là thế nào?
Nhưng chỉ một thoáng, nhỡn lực cụ Bùi như bừng sáng sau cặp kính lão!
(Cũng cần nói thêm, từ bấy đến nay, nhiều chục năm đã qua đi, ngữ nghĩa của bảy chữ ấy cũng đã có kha khá những cắt nghĩa cùng cách hiểu này khác.
Có người đã không ngần ngại (ý chừng để tiện và thuận văn cảnh?) từng cao đàm khoát luận rằng, Quan đại thần Bùi Bằng Đoàn đã cao niên, đã hưu, đã ở ẩn nhưng nghe lời khuyên ra giúp nước của cụ Hồ đã hăng hái hưởng ứng! Ví như sen tàn mùa thu nghe tiếng mưa bỗng hồi sinh lại ra hoa vậy!).
Nhưng thông điệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi cụ Bùi đã vượt thoát khỏi ngữ nghĩa của bảy chữ ấy.
Với vị cử nhân từng là thượng thư triều Nguyễn, học rộng cùng kiến văn uyên bác như cụ Bùi đã bừng ra ý tứ của cụ Hồ!
Cụ nhớ ngay đến một tứ tuyệt Túc lạc thị đình… của nhà thơ tài danh thời vãn Đường, Lý Thương Ẩn.
Lý Thương Ẩn, một trong những thi gia cộm cán thời Vãn Đường. Thông minh học rộng, Lý Thương Ẩn từng đỗ tiến sĩ nhưng đường công danh vô cùng lận đận. Ông từng bị o ép, khốn khổ giữa các thế lực trong triều và phải cáo quan. Trong họa có phúc, tuy vắng một ông quan tên Lý Thương Ẩn nhưng đã góp cho đời Đường một thi nhân họ Lý Thương Ẩn với hàng trăm thi phẩm tài hoa xếp ngang Lý Bạch, Bạch Cư Dị, Đỗ Phủ.
Trở lại bài thơ Túc Lạc thị đình ký hoài Thôi Ung, Thôi Cổn (Ở Lạc thị đình nhớ Thôi Ung, Thôi Cổn. Ung, Cổn là hai người bạn của Lý Thương Ẩn. Lạc thị đình là ngôi nhà lớn có hoa viên của họ Lạc tại Trường An).
Trúc ổ vô trần thủy hạm thanh, Tương tư điều đệ cách trùng thành. Thu âm bất tản sương phi vãn, Lưu đắc khô hà thính vũ thanh.
(Lũy trúc không vương bụi, mái hiên xanh bên bờ nước, Nhớ nhau ở chốn xa xôi cách trở thành trì. Bóng thu râm mát không tan, sương bay hết, Chỉ còn lại sen tàn khô nghe tiếng mưa)
Điểm nhấn hay điểm nhãn, thần khí của bài thơ là câu cuối.
Tương tư lọ phải là trai gái. Bạn bè tri kỷ hiểu nhau nhớ nhau, tình cảm ấy là vi diệu thiêng liêng. Trong khung cảnh cô tịch của mùa thu, trong nỗi buồn nhớ bạn lặng thấm cái âm thanh tiếng mưa rơi trên đám sen tàn. Hiệu ứng của cảm giác cô đơn càng thấm thía theo giọt thu thánh thót cùng thảng thốt lúc mau lúc thưa như cung bậc của tiếng lòng nhớ bạn cố tri đang òa vỡ…
Khúc tứ tuyệt của Lý Thương Ẩn khiến cụ Bùi nhận ra rất nhanh sự tinh tế của cụ Hồ.
Không một dòng, một lời nhắc đến tác giả cùng bài thơ nhưng cụm từ “thính vũ thanh” đã nói lên tất cả.
Cụ Hồ đã tinh tế thay cụm từ “lưu đắc khô hà” (chỉ còn lại đám sen tàn) nghe hơi thê lương bằng mấy chữ bình thường, không trội nổi lắm cái sự công phạt “thu thủy tàn hà” (sen tàn trong làn nước thu).
Một thông điệp như vang vọng từ xa xăm.
“Tôi luôn luôn nhớ nghĩ đến cụ, đến phẩm chất tài năng của cụ. Không gặp được cụ, mỗi khi nhớ cụ thì tâm sự của tôi khác nào thi nhân Lý Thương Ẩn từng nhớ bạn như giọt thu rơi trên khóm sen tàn? Cụ ra giúp nước “giúp thêm ý kiến trong công việc hưng lợi, trừ hại cho nước nhà dân tộc” bây giờ khác lắm cái thời vãn Đường bi thương của ông quan Lý Thương Ẩn!
Cụ Bùi đã thoáng nhận ra và lĩnh hội được thông điệp ấy của cụ Hồ?
… Và từ cữ thu ấy ra giúp nước, cụ Bùi khi siêng năng cần mẫn và hiệu quả ở cương vị Trưởng ban Thanh tra đặc biệt Chính phủ. Rồi chững chạc ở vị trí Đại biểu Quốc hội và hạt nhân khối đoàn kết toàn dân - Trưởng ban Thường trực Quốc hội. Nhớ thời điểm cụ Bùi Bằng Đoàn làm việc tại chiến khu Việt Bắc. Một bằng chứng của mối thâm giao tri âm tri kỷ giữa cụ Hồ và cụ có lẽ là bài thơ cụ Hồ tặng cụ Bùi.
Khán thư sơn điểu thê song hãn
Phê trát xuân hoa chiếu nghiễn trì
Tiệp báo tần lai lao dịch mã
Tư công tức cảnh tặng tân thi
(Xem sách chim rừng vào cửa đậu
Phê văn hoa núi chiếu nghiên soi
Tin vui thắng trận dồn chân ngựa
Nhớ cụ thơ xuân tặng một bài).
Và bài thơ họa lại của cụ Bùi:
Thiết thạch nhất tâm phù chủng tộc
Giang sơn vạn lý thủ thành trì
Tri công quốc sự vô dư hạ
Thao bút nhưng thành thoái lỗ thi
(Sắt đá một lòng vì chủng tộc
Non sông muôn dặm giữ cơ đồ
Biết Người việc nước không hề rảnh
Vung bút thành thơ đuổi giặc thù).
Hai bài thơ tặng và họa lại sau này được coi là mẫu mực của thứ xướng - họa vậy!
Đến đây cũng mở thêm một cái ngoặc.
Có người con trai của cụ Bùi một thời làm ở một tờ báo lớn. Đó là nhà báo Bùi Tín.
Người viết bài này đã có thời gian được ông mời làm cộng tác viên cho tờ Nhân Dân cuối tuần.
Lần ấy ông đã cho tôi và mấy người bạn viết nữa được xem bản sao bút tích thủ bút của cụ Bùi bài thơ họa ấy.
Tiếc thay sau bao biến động, người giữ bức thủ bút ấy đã không còn! Và bức thủ bút tác phẩm độc đáo của cụ Bùi cũng không biết thất lạc đâu mất?
Đành mạo muội chép lại bài thơ họa ấy vậy. Mong các bậc cao minh bỏ qua nếu có chi sai sót!
Đào tạo tiếng Việt tại Lào có thêm một địa chỉ mới ở Viên Chăn, với sự phối hợp giữa Trường Đại học Cửu Long và Viện Nghiên cứu khoa học giáo dục Lào.
‘Ký ức không phai’ là cuốn sách ghi lại kỷ niệm gắn bó với Trường Học sinh miền Nam trên đất Bắc, nhân dịp kỷ niệm 70 năm Hiệp định Genève.
Tâm sự nghề nghiệp của những người đã và đang đứng trên bục giảng với nhiều kỷ niệm khó quên, càng trở nên ấm áp nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11.
Cô giáo người Nùng Lý Thị Thủy đang dạy văn ở Trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh Phú Yên, vừa ra mắt cuốn sách lý luận phê bình có tên gọi ‘Khơi chuyện’.
Tủ sách Văn Hóa Việt của Chibooks chính thức ra mắt độc giả đất nước tỷ dân tại Tuần lễ văn hóa sách Trung Quốc – Đông Nam Á 2024 tại thành phố Nam Ninh.
Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật mới cho ra mắt cuốn sách 'Nguyễn An Ninh – Không ăn mày tự do' (2024) của tác giả Trần Viết Nghĩa. Sách mới mà quá nhiều lỗi sai hết sức sơ đẳng.
Sứ mệnh người thầy luôn gắn liền với sách, được các diễn giả đề cao tại talk show diễn ra ở Đường sách TP.HCM nhân dịp kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11).
Họa sĩ Xu Man được nhà văn Trung Trung Đỉnh lấy làm cảm hứng sáng tác truyện dài ‘Con thiêng của rừng’ dày 124 trang, do Nhà xuất bản Trẻ vừa ấn hành.
Nhà thơ Mai Thìn gây ấn tượng cho người đọc, bởi một lối viết coi ý tứ là trọng, coi tổng thể nặng hơn chi tiết và rất nặng lòng trước thế thái nhân tình.
Từ khi đăng quang đến nay, Hoa hậu H’Hen Niê đã có nhiều hoạt động hỗ trợ cộng đồng, trong đó có chương trình đưa ‘Thư viện thân thiện’ về nông thôn.
Người quê lúa Đặng Đình Liêm sau chuỗi ngày tham gia quân đội và công tác xa nhà, đã trở về Thái Bình thanh thản viết lại những câu chuyện đời mình.
‘Thức dậy một dòng sông’ của tác giả Trần Nam Phong hình thành một bút pháp với những câu thơ ngân như ngọn gió không lời vừa quen vừa lạ.