Những đám mây trôi qua phía cuối làng

Nguyễn Tâm Phùng - Thứ Năm, 19/01/2023 , 08:15 (GMT+7)

Lớn lên, tôi xa quê, lâu lâu mới được về, rồi khi chuyện đi về đã trở nên dễ thì tuổi lại trượt qua bên kia con dốc cuộc đời.

Ảnh mang tính minh họa.

Nhà  ông Thức ở cuối xóm Ngoài, nhà tôi ở giữa xóm Trong. Vậy mà, cứ vài ngày, ông Thức lại vác cây dao mác nhọn lừng lững đi qua xóm, vào nhà uống trà với cha tôi.

Ông Thức có người con trai mà bọn nhóc chúng tôi chỉ biết gọi là anh Thức. Anh Thức lấy vợ ra ở riêng nên nhà ông Thức chỉ còn lại hai ông bà sớm tối bên nhau. Ngôi nhà tranh vách đất nhỏ khiêm nhường nép dưới rặng cây trâm bầu um tùm ven chân đồi cát. Trước cổng nhà có cây xoan (quê tôi gọi cây thầu đâu) cổ thụ. Chẳng biết cây bao tuổi nhưng gốc, rễ xù xì, u cục nổi lên như ụ mối nhỏ. Mùa xoan ra hoa trắng cả khoảng trời. Đám nhóc chúng tôi đi học trường làng về thường kéo nhau qua đó đứng ngửa mặt nhìn lên ngàn cánh hoa nhỏ tím, trắng li ti bay như mưa xuân. Đứa nào cũng phổng mũi lên hít hà đầy ngực mùi hoa thơm dịu ngọt ấy.

Ông Thức người cao lớn, mấy người già trong làng Thạch Bắc (huyện Quảng Ninh, Quảng Bình) tựa lưng vào núi cát, nhìn mặt ra sông Kiến Giang, nơi dòng sông oằn mình lồi ra, vẫn kể, mấy thằng Tây (lính Tây) chuyên vác súng đi càn vào làng tìm Việt Minh cũng chỉ đứng ngang đầu với ông mà thôi. Có lẽ vì cái sức vóc ấy mà chánh tổng Thảo (người làng quen gọi là tổng Thảo) luôn gọi ông về làm công để… quỵt công.

Có bận, nhà tổng Thảo có việc mổ heo. Thấy ông sức vóc nên gọi vào bảo: “Mày có ăn hết cái noọng heo này không? Tao cho ăn. Nếu ăn hết, tao trả công, nếu không hết thì làm chục ngày không công nhé”. Ông Thức điềm tĩnh ngồi xổm xuống.

Cái noọng heo (khoảng 3 ký thịt) được luộc đưa ra vẫn bốc khói. Ông Thức cầm dao cắt từng miếng thịt to, chấm nước mắm. Khi cái noọng heo còn lại miếng bằng bàn tay thì ông Thức nhướng nhướng cổ lên nuốt như thể bị mắc ngang cổ họng. Tổng Thảo và đám gia nô nhìn ông Thức mà cười khoái lắm. Nhưng chẳng ngờ, ông Thức bình thản vuốt bụng, kêu cho xin hớp nước và ăn hết phần thịt còn lại.

Không kịp chào mọi người, ông ôm bụng chạy hơn 5 cây số về nhà. Chỉ kịp bảo vợ lấy cái chậu đất nung, ông nôn thốc, nôn tháo ra. Toàn những miếng thịt nuốt vội. Bà Thức chờ ông nôn hết ra, ngồi nghe ông thở từng cơn dài rồi mới bê chậu thịt ra khe nước làm sạch lại cho vào nồi, ướp thật nhiều muối để kho ăn dần.

Sau đận thua ấy, tổng Thảo hận nên mật báo lính Tây là ông Thức có quan hệ với Việt Minh. Lính Tây lên súng ống kèm riết bắt ông Thức về đồn Mỹ Trung tra khảo và đánh ông thành tật, chân đi cà nhắc từ dạo đó. Cũng sau mấy trận đòn thù, mắt ông ngày càng tệ đi chứ không còn lanh lợi như trước.

Cứ khoảng vài ngày, ông Thức lại vác cây dao mác bén ngót lên vai đi khắp đường ngang, lối tắt trong làng. Những cây tre rầy thân nhỏ, cành gai tua tủa cứ chen nhau mọc và chĩa cành ra đường. Đến đâu, ông cũng dùng cây mác chặt hết cành gai nhọn. Xong ép các cành đã chặt thành bó nhỏ xếp gọn vào trong bụi tre. Những cành mục, lá khô hay nhà ai lỡ đổ rác bên đường ông cũng dọn bằng hết.

Ông ngồi, cái chân bị tật duỗi thẳng ra và lần móc trong túi áo cái bật lửa, bật châm đốt rác. Những đụn khói trắng xanh vờn qua ngọn lùm tre um tùm tản rong trên bầu trời biêng biếc. Người làng bảo: "Có việc kiếm ông Thức thì thấy chỗ nào có đốt khói là ông đang ở đó”. Ông cứ cần mẫn làm việc đó, chỉ để cho đường làng luôn sạch, để đám con nít ham chơi khỏi bị gai tre cào rách mặt, toạc áo…

Có bữa, tôi gặp ông đầu ngõ. Vẫn cây dao mác bén sắc vác trên vai. Tôi bảo: “Chà, cái hồi ông bị tổng Thảo đánh đập ghê hì. Nghe bảo toàn lấy cây tre đực đánh vào đầu gối ông chớ gì”. Ông trở cây mác trên vai xuống làm tôi hết hồn, rồi nói: “Ừ, mấy thằng đó nó đánh ác quá, cả bọn Tây đồn đánh hôi nữa. Muốn đánh lại mà không được vì chúng nó toàn có súng”.

Như chợt nhận ra điều gì, ông Thức nhướng nhướng đôi mắt mấy cái rồi nhìn tôi: “Mà ờ ờ… Mi là con cái nhà ai. À tau biết rồi, con lão Thụn. Răng mi biết được chuyện. Để tau đến nhà méc cha mi đập cho mi một trận”. Nói rồi, ông Thức vác cây mác lên vai rảo chân.

Tôi hoảng hồn, phóng qua hàng rào tre gai nhà ông Nộ, băng qua vườn cải để về nhà trước. Tôi chui vào nhà bếp, nhóm lửa rồi múc bát nước cho vào ấm đun. Lửa bén phừng phừng còn lồng ngực tôi đập như trống trường. Tuổi như bọn tôi mà nói chuyện với các cụ thì phải xem là “trọng tội”, phải nằm úp sấp trên phản, quần tụt quá mông để phạt đòn chứ không đùa được.

Làng tôi hồi đó, không nhà ai có nổi cái phích đựng nước sôi như bây giờ. Khi nhà có khách thì phải nhanh tay xuống bếp đun nước sôi pha trà. Người vụng thì đổ đầy ấm nước để đun, khách ngồi chờ cả buổi mới có nước uống. Tôi thường nhanh hơn, chỉ đổ một bát nước đủ cho cha pha ấm trà rồi lại đổ thêm bát nữa đun tiếp nên vừa nhanh vừa luôn có nước sôi để chêm.

Khi ông Thức bước vào sân, nghiêng nghiêng đầu gọi: “Chú Thụn hay nhà không” và tiếng cha tôi đáp lời thì tôi đã xách ấm nước sôi lên. Ông lại nhướng nhướng mắt nhìn tôi rồi gật gật đầu: “Thằng ni coi bộ lanh hè. Mai mốt e đi làm cán bộ trên tổng. Mới chộ (thấy) hắn đó mà hắn lại chui lỗ nẻ đi trước tui rồi”.

Tôi xuống bếp đun nước mà hai tai cứ vểnh lên nhà trên để lóm nghe ông Thức có kể tội tôi với cha không. Nhưng ông không hề nhắc đến mà chỉ hỏi, nói với cha tôi về chuyện giống má, chuyện đội sản xuất cử người lên rừng chặt gỗ, chặt mây… để sửa sang nhà kho, chuẩn bị cho vụ gặt tới. Cha tôi là đội trưởng đội sản xuất nên cắt đặt mọi công việc cho xã viên, lo cho mùa màng, đời sống bà con. Cha tôi vẫn thường nói: “Bác Thức rứa chứ hay lo việc của làng xóm lắm. Những chuyện bác nói về việc đội sản xuất lúc nào cũng chí tình và giúp cha điều hành việc được suôn sẻ, bà con yên lòng lắm”.

Vào vụ gặt, ông Thức được chiếu cố ra đồng ít hơn vì chân đi cà nhắc. Những lúc cả xóm vắng tanh để ra đồng thì ông lại vác dao mác đi hết xóm Trong, xóm Ngoài. Hễ nhà ai có con heo, đàn ngỗng sổng chuồng ra vườn phá rau, ủi sắn… thì ông hét đằng đông, ném cây mác đằng tây để ép lùa mấy con heo sổng vào lại chuồng rồi buộc chằng cẩn thận. Nhà ai về, thấy sự khác lạ là biết ngay ông Thức đã vào giúp khi không ai có nhà.

Cũng có khi ông tham gia gặt lúa. Mấy thanh niên đẩy chiếc cộ (giống như chiếc giường nhưng chân cộ đóng trên hai cây gỗ có đầu cong lên để đẩy trên bùn ruộng. Trên cộ, ông Thức đợi mấy thanh niên lượm lúa mang đến, ông bó từng bó thật chặt. Những người đàn ông khỏe mạnh cầm đòn xóc nhọn hai đầu có mỗi bên một bó lúa to hất gọn lên vai gánh lội ào ào trên ruộng bùn lên bờ và gánh về sân kho hợp tác.

Khi cả cánh đồng ngoài rộng ngút tầm mắt được gặt hết thì đám con nít mới được phép đi mót lúa. Dù trưa nắng hay mưa, hay những hôm được nghỉ học là đám con nít chúng tôi lại ới nhau ra đồng mót lúa. Những bông lúa khi các mẹ, các chị gặt hay các anh thanh niên lượm sót lại vàng ươm lẫn trong toóc rạ thật hấp dẫn.

Đám trẻ tỏa đi khắp cánh đồng nhặt nhạnh những bông lúa như những con chim sẻ vụt tới, vụt đi. Những năm tháng đó thật khó. Hạt thóc phải dành đóng thuế. Công điểm ăn chia cho xã viên có khi chỉ được lạng thóc. Có nghĩa là ra đồng làm việc quần quật cả ngày, cuối vụ được trả công một lạng thóc nhẹ tênh. Cả một vụ, lao động chính như cha tôi cũng chỉ nhận công được chừng hai, ba thúng thóc chứ đâu đươc nhiều. Có gia đình, mấy tháng nối vụ có hạt cơm là nhờ những buổi đi mót thóc rơi trên đồng của con nít trong nhà.

Lội bùn, đạp toóc rạ trong trưa nắng trên đồng mót thóc, thi thoảng bọn trẻ lại hét lên như bắt được tiền ai đánh rơi. Đó là những bông lúa vàng gãy ra được ai đó nhặt lại và để quên vào trên mấy bụi toóc rạ được xoắn chụm đầu. Mấy bông lúa cứ ngời lên dưới nắng.

Sau này, khi đám tang ông Thức ngoài động cát về, người làng vẫn kể chuyện những khi đi làm công bó lúa, ông Thức thường cà nhắc đẩy chiếc cộ trượt trên bùn. Thấy có bông lúa rơi trong bùn đất là ông nhặt nhận rồi xoắn mấy ngọn toóc rạ bỏ lên cho đám trẻ đi mót lúa sau này. Ôi, những lúc đấy, trong cái đầu non nớt của đám trẻ lên 6 hay lên 10 thì cũng chỉ nghĩ được là do mình gặp may nhặt được của ai để quên.

Lớn lên, tôi xa quê, lâu lâu mới được về vì mỗi lần về quê biết bao cái khó. Rồi khi chuyện đi về đã trở nên dễ thì tuổi lại trượt qua bên kia con dốc cuộc đời. Gặp lại anh Thức như là hình ảnh ông Thức ngày xưa. Anh Thức cũng đã gần tuổi tám mươi, râu tóc bạc trắng. Khi cái tuổi còn sức, hễ trong làng, ngoài làng có ai mất là anh đến giúp đủ việc. Đến khi đại sự anh lại làm quản cai quản đội âm công đưa đám ra nghĩa địa làng mà chẳng hề nhận công xá chi.

Trưa nắng, anh Thức bắc ghế ngồi hóng mát dưới bụi tre đầu ngõ làng, nơi tiếp giáp với con đường lộ có ô tô chạy như gió thổi. Gặp tôi, anh cười tay ngoắc ngoác: “Chú về đó à. Chút nữa tui nói mấy đứa hái đem vô cho chục trái mướp mà ăn. Mướp nhà trồng bón phân chuồng nên tốt lắm. Ăn cho mát người”. Rồi anh lại lý giải, ngồi đây để thi thoảng nhắc mấy đứa trẻ. Bọn nó cứ phóng xe máy ào ào trèo lên lộ mà không để ý chi xe cộ đang qua về mô. Không nhắc có khi là tai nạn như chơi.

Bây giờ anh cũng thành người thiên cổ. Tôi thường xuyên về làng hơn. Dưới gốc bụi tre đầu làng chẳng còn ai ngồi hóng gió nữa. Chênh chếch ngọn tre là hàng cây cột điện khổng lồ chạy dọc đồi cát dọc xã Gia Ninh. Những cánh quạt lớn đang trôi chầm chậm trong chiều gió nhẹ thổi từ dãy Trường Sơn qua sông Kiến Giang. Những đám mây màu cánh vạc đẩy nhau đi về phía chân trời, đi chéo qua những đụn cát trắng ở phía cuối làng.

Nguyễn Tâm Phùng
Tin khác
Mạch nha Thi Phổ
Mạch nha Thi Phổ

Làng Thi Phổ thuộc huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi, là nơi sản xuất loại mạch nha thơm ngon nổi tiếng trong cả nước, gọi là 'mạch nha Thi Phổ'.

Tác phẩm Hồ Biểu Chánh vẫn được công chúng đón nhận
Tác phẩm Hồ Biểu Chánh vẫn được công chúng đón nhận

Tác phẩm Hồ Biểu Chánh không chỉ được chuyển thể thành phim truyền hình và phim điện ảnh, mà còn liên tục tái bản với số lượng lớn để phục vụ độc giả.

Khảo cứu: Bài thơ 'Bán than' không phải của Trần Khánh Dư
Khảo cứu: Bài thơ 'Bán than' không phải của Trần Khánh Dư

Trong 'Quốc văn trích diễm', giáo sư Dương Quảng Hàm trích bài thơ 'Bán than' và cho là của Trần Khánh Dư. Tuy nhiên, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng tác giả là người khác.

Nhà văn Nguyễn Quang Sáng đậm đà cốt cách Nam bộ
Nhà văn Nguyễn Quang Sáng đậm đà cốt cách Nam bộ

Nhà văn Nguyễn Quang Sáng, tác giả được giải thưởng Hồ Chí Minh, được hậu sinh kỷ niệm 10 năm ông đi xa, bằng một hội thảo tổ chức tại TP.HCM sáng 6/12.

Tinh hoa làng nghề chạm bạc Đồng Xâm
Tinh hoa làng nghề chạm bạc Đồng Xâm

Trên bia đá đền thờ tổ nghề chạm bạc Đồng Xâm có tuổi đời gần 600 năm ghi dấu ấn tinh hoa làng nghề và những điều răn dạy con cháu giữ nghiêm phép nghề.

'Hưng Hóa kí lược' - Một cuốn toàn thư về đất và người Tây Bắc
'Hưng Hóa kí lược' - Một cuốn toàn thư về đất và người Tây Bắc

Nội dung của 'Hưng Hóa kí lược' có 12 đề mục, bao gồm đầy đủ nội dung truyền thống của một cuốn địa chí.

Nhà thơ Đinh Nho Tuấn đoạt giải nhất ‘Nhân nghĩa đất phương Nam’
Nhà thơ Đinh Nho Tuấn đoạt giải nhất ‘Nhân nghĩa đất phương Nam’

Nhà thơ Đinh Nho Tuấn với chùm thơ về vẻ đẹp đô thị năng động và bao dung, đã được trao giải nhất cuộc thi thơ ‘Nhân nghĩa đất phương Nam’ năm 2024.

Nhà thơ xứ Nghệ có nốt nhạc mùa trong ký ức xanh
Nhà thơ xứ Nghệ có nốt nhạc mùa trong ký ức xanh

Nhà thơ xứ Nghệ Trần Quang Khánh chắt chiu cảm xúc những ngày quân ngũ và những năm dạy học để gửi gắm vào vần điệu chân thành và sâu lắng.

Vẻ đẹp núi rừng qua trang văn của tác giả dân tộc Thái
Vẻ đẹp núi rừng qua trang văn của tác giả dân tộc Thái

Vẻ đẹp núi rừng ở miền tây xứ Nghệ được tác giả Hữu Vi phác họa sinh động và quyến rũ qua tập truyện ngắn ‘Cái chết của bầy ong’.

Nhà văn Sơn Nam đã có thêm một khách tri âm
Nhà văn Sơn Nam đã có thêm một khách tri âm

Nhà văn Sơn Nam đã được nhiều tác giả tập trung nghiên cứu, và chuyên luận ‘Khí chất Nam Bộ qua truyện Sơn Nam’ chứng minh rằng ông có thêm một khách tri âm nữa.

Học giả Nguyễn Đình Tư lần thứ hai nhận Giải thưởng sách quốc gia
Học giả Nguyễn Đình Tư lần thứ hai nhận Giải thưởng sách quốc gia

Học giả Nguyễn Đình Tư ở tuổi 104 được trao giải A của Giải thưởng sách quốc gia 2024 với công trình nghiên cứu về lịch sử đô thị phương Nam.

Đào tạo tiếng Việt được quan tâm trên đất nước Triệu Voi
Đào tạo tiếng Việt được quan tâm trên đất nước Triệu Voi

Đào tạo tiếng Việt tại Lào có thêm một địa chỉ mới ở Viên Chăn, với sự phối hợp giữa Trường Đại học Cửu Long và Viện Nghiên cứu khoa học giáo dục Lào.