LTS: Bài viết của Giáo sư ngôn ngữ học Andrea Hoa Pham, hiện đang dạy tiếng Việt, Văn hóa Việt Nam và Ngôn ngữ học, Viện Đại học Florida, Hoa Kỳ.
Bài thứ hai trong loạt bài về việc học và dạy tiếng Anh ở những nước mà tiếng Anh không phải là ngôn ngữ chính thức. Phụ huynh và học sinh ở Việt Nam đang nói rất nhiều về các chương trình dạy thêm ở trường, trong đó có việc 'học tiếng Anh với người nước ngoài'.
Bài trước chúng tôi nói về những lợi hại và những điều nên để ý của việc 'học tiếng Anh với người nước ngoài' theo kiểu mặt đối mặt (in person) trong các lớp học ở Việt Nam. Bài này chia sẻ vài suy nghĩ và kinh nghiệm học online của một người từng học vài thứ tiếng như một ngoại ngữ (phần lớn là trong một thế giới còn khép kín và khoa học kỹ thuật không thuận lợi như ngày nay), và có vài chục năm giảng dạy tiếng Việt như một ngoại ngữ.
Chia sẻ một số nguồn học tiếng Anh online với người nước ngoài
Chúng tôi đưa ra một vài gợi ý về việc học tiếng Anh online, các thông tin về một số nguồn có thể bắt đầu ngay lập tức. Những nguồn này hoàn toàn miễn phí hoặc phí tổn vừa phải, tận dụng các tiến bộ và tiện lợi của mạng internet, khoa học máy tính và điện thoại thông minh hiện nay. Bài viết cũng giới thiệu vài nguồn cho những ai muốn học với thầy riêng. Giờ giấc thì tự do sắp xếp theo thời khóa biểu tiện cho mình. Học phí từ khoảng 5-10$ Mỹ kim, khoảng 130-250 ngàn đồng Việt Nam mỗi giờ.
Như bài trước đã nói, học một ngoại ngữ là học một thứ tiếng không được dùng chính thức ở nước của người học, ví dụ người Việt ở Việt Nam học tiếng Anh, Pháp, Nga, hay Hàn, v.v. Vì không được sống trong khung cảnh nói tiếng ấy, nên việc học với người nước ngoài rất hữu ích về mặt phát âm, luyện nghe và nói. Không chỉ thế, nó còn hữu ích về cách dùng từ ngữ và các cách diễn đạt phù hợp tùy vào mỗi văn hóa, chẳng hạn Anh hay Mỹ.
Về mặt luyện phát âm, người học có rất nhiều chọn lựa tùy theo lứa tuổi. Với các em còn nhỏ thì việc bắt chước phát âm là điều rất dễ dàng, tuổi càng nhỏ càng dễ bắt chước. Các chương trình hoạt hình hay chương trình phù hợp với lứa tuổi của các em nay đầy rẫy trên truyền hình trong nước.
Tôi về Việt Nam, đi làm tóc ở tiệm của một đôi vợ chồng trẻ, nghe hết từ đầu đến cuối vài chương trình, cả TV lẫn trên Youtube mà họ mở cho một bé gái khoảng ba hay bốn tuổi xem để vừa cho con học, vừa giữ bé ngồi yên. Câu chuyện hấp dẫn, các em xem là hiểu ngay, và khi thích chí thì bắt chước nói theo vài chữ hay vài câu ngắn, rồi reo hò cổ võ hoặc chuyện trò luôn với nhân vật trong phim rất tự nhiên. Học như thế không có bạn cũng không chán.
Học phát âm trên từ điển online. Đây là cách vừa dùng từ điển tra nghĩa, vừa tập phát âm. Ví dụ từ điển Farlex cho dùng miễn phí. Từ điển này cho hai cách phát âm với mỗi từ, một phát âm theo giọng Anh - Anh (hình lá cờ Anh quốc), một phát âm theo giọng Anh - Mỹ (hình lá cờ Hoa Kỳ). Nếu từ nào không biết cách đọc hoặc không chắc phát âm có đúng không thì cũng dễ dàng kiểm tra. Nghe đi nghe lại, bắt chước theo, ghi âm lại giọng mình để nghe lại rồi so sánh xem đã gần hoặc đúng như giọng mẫu chưa, vì người ta thường không 'đánh giá' được giọng nói của chính mình nếu miệng nói tai nghe. Học theo cách này sau một thời gian sẽ phát âm các từ ấy không còn hoặc rất ít chất giọng, mà không phải nỗ lực ghi nhớ các 'công thức' về phát âm, nhất là phát âm đúng trọng âm, một nét khó cho người Việt vì tiếng Việt không có trọng âm. Vì từ điển Farlex cho cả hai phương ngữ tiếng Anh, nên chỗ nào người Anh quốc phát âm khác hẳn người Mỹ thì sẽ nhận ra ngay. Ví dụ từ 'latte' (mượn từ tiếng Ý, chỉ một loại thức uống hỗn hợp cà phê và sữa nóng), viết giống nhau nhưng người Mỹ nói 'la-tê', người Anh nói 'lat'. Từ điển Farlex còn giải thích gốc gác của từ, và cho cả những từ đồng âm.
Link của từ điển là: https://www.thefreedictionary.com
Trên Tik-tok hoặc Youtube cũng có rất nhiều thanh niên người Việt dạy phát âm những từ thường hay bị sai, hoặc hướng dẫn cách dùng một số từ ngữ thông dụng, nhìn có vẻ cùng nghĩa song khác nhau một cách tinh tế. Phát âm của những người trẻ này thường không có chút accent nào của người Việt. Đấy là những người mà có thể cả tiếng Việt và tiếng Anh đều là 'ngôn ngữ thứ nhất', tuy rằng khi cần viết những đề tài sâu sắc gì thì một tiếng sẽ vượt trội hơn. Tóm lại, tùy hứng thú mà học sinh có thể chọn những trang nào theo dõi. Học mỗi thứ một chút, mỗi nơi một tí, góp gió thành bão thì kết quả tốt hơn là chỉ chăm chú vào một cuốn sách giáo khoa nào đó.
Người ta có thể nói học kiểu như trên là chắp vá lôm côm, không hệ thống. Đúng là như vậy. Chúng chỉ là những cách học thêm vào một chương trình bài bản nào đó. Rất may là có thể học tiếng Anh một cách hệ thống trên mạng bằng cách tải xuống máy những chương trình dạy tiếng. Có một số chương trình hiện nay rất được ưa chuộng và hoàn toàn miễn phí, chẳng hạn như Duolingo. Chương trình này dạy rất nhiều thứ tiếng như Arabic, Tiệp, Nhật, Hindi, Hungary, Rumani, Thái Lan... và mới thêm tiếng Việt. Các bài học được soạn từ cấp thấp nhất đến những cấp cao hơn. Có chương trình riêng cho trẻ em cũng như cho người lớn nói tiếng Việt. Từ vựng, nếu học lẻ tẻ sẽ chóng quên và không biết cách dùng. Cái quý của duolingo là dạy từ trong những câu ngắn. Học sinh có thể học theo trình tự, từ đơn giản đến phức tạp. Mỗi bài học lại rất ngắn, chỉ yêu cầu chừng mươi phút mỗi ngày. Cuối mỗi bài lại có bài kiểm tra nhỏ, vui kiểu như chơi game. Vào duolingo.com, chỉ cần địa chỉ email hay Facebook là có thể tải xuống học. Hiện trang này có 13,8 triệu người Việt đang học tiếng Anh. Trả lời vài câu hỏi như bạn muốn học tiếng Anh để làm gì, trình độ tiếng Anh hiện tại, và có thể dành bao nhiêu phút mỗi ngày để học, Duolingo sẽ chọn một chương trình thích hợp và bạn có thể bắt đầu ngay. Chỉ đơn giản như vậy.
Một trang dạy tiếng Anh miễn phí rất hay khác là EWE (Easy World of English). Trang này có nhiều chương dạy phát âm. Hiện nay chỉ có một chương dạy ngữ pháp với 17 chủ đề cho bậc đầu tiên. Mỗi bài học có tóm tắt nội dung, phần dạy ngữ pháp, và cuối cùng là các câu mẫu minh họa ngữ pháp. Chẳng hạn trong Bài học thứ nhất về cách dùng động từ "to be" (là), sau phần giải thích ngữ pháp là các câu ví dụ ngắn về cách dùng động từ này, kèm với phát âm cả câu. Bài học đơn giản, dễ hiểu, phát âm chuẩn giọng phương ngữ Anh - Mỹ. (Vào trang easyworldofenglish, chọn Grammar thì ra).
Nếu chỉ muốn học đàm thoại, không quan trọng chuyện viết, thì chương trình của Pimsleur dạy rất chuyên nghiệp, từ dễ đến khó, và dạy nhiều thứ tiếng. Mỗi cấp học có khoảng 30 bài, mỗi bài khoảng 30 phút. Cái thuận lợi là vì chỉ nghe và lặp lại, cho nên học vào lúc nào cũng được. Tôi đã tự học tiếng Tây Ban Nha bằng chương trình này. Chỉ nghe được khi ngồi trên xe trên đường đi làm hoặc về nhà, hoặc khi ở phòng gym. Chưa học hết 30 bài, đi xuống Argentina đã dùng nó hỏi giờ, hỏi đường, mua thức ăn, tìm bến xe buýt, còn mặc cả được với khách sạn để đổi phòng, thậm chí khi cộng thêm ngôn ngữ cử chỉ, còn 'tâm sự' được với chị em về gia đình, công việc, v.v. Chương trình này chỉ dạy để nói chuyện, có giảng giải rất vắn tắt ngữ pháp. Cuối bài có những kiểm tra nhỏ. Ai muốn học chữ thì họ có kèm bản ghi các mẩu đối thoại trong 30 bài. Chương trình này không miễn phí. Mỗi cấp học, để tải chương trình xuống máy thì trả mỗi cấp vài chục Mỹ kim.
Ở trên chỉ là vài ví dụ. Có rất nhiều chương trình như thế, người học chọn chương trình nào thích ứng với lứa tuổi và nhu cầu của mình. Những chương trình như EWE, Pimsleur dạy các bài học một cách có hệ thống và hoàn chỉnh cho mỗi cấp, từ dễ đến khó. Học sinh có thể rủ một hay hai người bạn thân cùng học với nhau thì vừa vui, vừa tập nói qua nói lại, chất lượng có khi không kém đi học ở các trung tâm dạy tiếng, mà lại được theo thời khóa biểu của riêng mình và hoàn toàn miễn phí. Nếu kẹt không hiểu chỗ nào đó, có thể tự tìm hiểu trên google hoặc hỏi các anh chị lớn hơn đã học tiếng Anh, hoặc hỏi thầy cô giáo trên trường. Những người sẵn lòng trả lời các em có lẽ cũng không hiếm lắm. Kinh nghiệm học ngoại ngữ là càng có ít những câu hỏi 'vì sao', càng ít thắc mắc về ngữ pháp thì càng tốt. Tiếng lóng gọi những người cầu toàn quá đáng đến từng dấu phẩy là 'grammar pedantrist' hoặc 'Grammar Nazi' (phát xít trong Ngữ pháp). Cuộc sống muôn hình vạn trạng, ngôn ngữ co giãn, bao dung, nên thi thoảng chệch 'chuẩn' một chút cũng không sao. Sớm muộn mọi thứ sẽ rơi vào dòng chảy chính. Trẻ học ngoại ngữ dễ dàng hơn người lớn vì chúng chỉ bắt chước, không thắc mắc về cấu trúc. Thì giờ ấy hãy để thuộc nằm lòng các câu mẫu, tập thay thế từng bộ phận trong câu, và thế là biết cách nói những câu tiếng Anh như người bản ngữ lúc nào không hay. Tất nhiên đây là ở các mức độ mới học và vừa phải, như bằng A, B, C của người lớn. Lên cao hơn nữa thì đọc để hoàn thiện thêm kỹ năng viết, và mở rộng phong phú vốn từ.
Ngoài học tiếng anh trực tiếp với người nước ngoài còn có thể học thêm online
Nếu có khả năng về tài chính và muốn học với người thầy cụ thể để có thể vừa tập nói, vừa có người giải đáp thắc mắc, thì có thể trả tiền theo giờ và học online. Khắp nơi trên thế giới, cả châu Âu và Bắc Mỹ, nhu cầu tìm người dạy kèm tiếng Anh online cho người nước ngoài hiện nay rất cao.
Có cầu thì có cung. Nhiều công ty đứng ra 'thầu', phân phối người dạy khi có người cần học. Học online không vướng mắc về địa lý nên các thầy cô rất đông, tha hồ chọn lựa, và không cần phải bị ép học hết học kỳ với thầy cô không hợp ý. Những công ty dạy tiếng Anh online thường cho học sinh học thử một tiết đầu miễn phí để xem có hài lòng không. Sau đó có thể thương lượng học phí với từng giáo viên dạy. Tùy nhu cầu, học sinh cũng có thể chọn thời gian học là 20 phút, nửa tiếng, 45 phút, 1 tiếng, v.v.
Đối với các thầy cô giáo, để được ghi danh vào các công ty này phải hội đủ một số điều kiện. Các điều kiện thay đổi tùy công ty, song hầu như tất cả đều yêu cầu những người dạy tiếng Anh ở những nước không dùng tiếng Anh chính thức phải có bằng TEFL (Teaching English as a Foreign Language - tức Dạy tiếng Anh như một Ngoại ngữ) hoàn thành ít nhất 120 tiết học của bằng này. Có nơi yêu cầu bằng Đại học, có kinh nghiệm dạy học, và có khả năng dạy trẻ em. Nếu dạy trong lãnh thổ Hoa Kỳ, thì người ta yêu cầu phải có bằng TESOL (Teaching English to Speakers of Other Languages - tức Dạy tiếng Anh cho những người nói các thứ tiếng không phải là tiếng Anh). Di dân từ các nơi trên thế giới đến Hoa Kỳ sinh sống, con cái của họ nói các thứ tiếng mẹ đẻ của cha mẹ, nay cần học thêm tiếng Anh để đi học hay đi làm, ví dụ trẻ Việt Nam sang Hoa Kỳ khi đã lớn. Đây là học tiếng Anh như một ngôn ngữ thứ hai. Như đã nói ở bài trước, tiếng Anh như một ngoại ngữ mang những đặc trưng khác với tiếng Anh như một ngôn ngữ thứ hai. Sự phân biệt giữa hai loại bằng cấp này cho thấy tầm quan trọng của sự khác nhau giữa việc học tiếng Anh ở Việt Nam, hay học tiếng Anh ngay tại Hoa Kỳ. Mỗi loại học sinh/học viên này có những khó khăn khác nhau, sống trong những môi trường sinh hoạt hàng ngày khác nhau về mặt ngôn ngữ, nên yêu cầu phương pháp dạy học cũng phải khác nhau.
Vì là một tổ chức và thầy cô đã đáp ứng những điều kiện cụ thể của công ty, nên học viên có thể yên tâm về nhân thân của những người dạy tiếng Anh online. Thầy cô là những người nói tiếng Anh như tiếng mẹ đẻ hoặc ngôn ngữ thứ nhất, hoặc chất lượng cũng near-native nghĩa là gần như không có chất giọng. Nếu không hài lòng với người dạy, có thể học với thầy khác. Không như một số môn như nghệ thuật hoặc võ thuật (tôi không có kinh nghiệm gì, chỉ là suy đoán), ngoại ngữ thì học càng với nhiều người khác nhau càng tốt, để nghe quen các giọng cá nhân riêng biệt, miễn là họ nói tiếng Anh như tiếng mẹ đẻ.
Link dưới đây là một bài báo giới thiệu 11 công ty cung cấp dịch vụ dạy tiếng online tốt nhất, cập nhật tháng 9/2023. Tùy theo lứa tuổi và nhu cầu, người học có thể chọn công ty thích hợp. Chẳng hạn, SkimaTalk dạy từ trẻ em đến người lớn, những doanh nhân người Nhật cần học tiếng Anh; Starkid dạy trẻ từ 6 đến 14 tuổi mỗi bài 30 phút. Công ty italki.com dạy nhiều thứ tiếng cho hơn 10 triệu học viên khắp thế giới, những học viên nói 150 ngôn ngữ khác nhau, hiện đang có 7.286 thầy dạy tiếng Anh; Lingoda chỉ dạy người lớn, nhằm vào doanh nhân, trong số họ nhiều người đang làm việc ở các đại công ty như Google, Adidas, BMW.. thời lượng học 1 tiếng.
Những gợi ý trên cốt để các phụ huynh nếu không cho con đi học tiếng Anh tăng cường hay tiếng Anh với người nước ngoài thì cũng biết có những nguồn khác mà các con vẫn học được tiếng Anh một cách tử tế, thậm chí chất lượng được thẩm định rõ ràng.
GS.TS Andrea Hoa Pham
Cuối cùng, xin lưu ý là bài này chỉ nói lý do học tiếng với người bản ngữ cốt để rèn phát âm và học một số cách nói và diễn đạt như của người bản xứ ở thể loại ngôn ngữ trò chuyện (conversational English). Song để học được cách bày tỏ suy nghĩ trong giao tiếp, việc đầu tiên là phải biết dùng từ đúng, diễn đạt một câu cho đúng ngữ pháp. Việc này thì chỉ cần chăm, không cần đến phải học với 'người nước ngoài'. Có thể tận dụng thầy cô người Việt và sách giáo khoa, hiệu quả không kém. Phát âm 'chuẩn' là để nói chuyện. Việc học tiếng 'để nói chuyện' đôi khi được quan trọng hóa lên như yếu tố duy nhất cần quan tâm, song thực ra, phát âm như người bản xứ không quan trọng bằng khả năng viết một bản văn sao cho sạch lỗi, trong sáng và khúc chiết. Điều này bất kỳ ai khi ra nước ngoài học hành hay làm việc đều thấy rõ.
Bài tiếp theo sẽ nói về mục đích học tiếng Anh, và thực tế sử dụng.