Đại học (university) thường bao gồm một trường Khoa học và Nghệ thuật Tự do (liberal arts and sciences), các trường chuyên nghiệp và các trường chuyên nghiên cứu. Đại học khác Cao đẳng (college) ở chỗ nó thường lớn hơn, dạy nhiều lĩnh vực khác nhau hơn, và nó đào tạo cả bậc sau đại học.
“Tự học” được định nghĩa là tự tìm kiếm kiến thức hoặc kỹ năng mà không qua đào tạo chính thống có bài bản (bất kể học “chính quy” hay học “hàm thụ”). “Tự học” không có nghĩa là đến trường ghi danh đàng hoàng, được cấp bằng nhưng thầy cô giáo không hướng dẫn trực tiếp gì, bảo “tự học” đi rồi thả cho tự bơi lấy.
Hiện nay ở Hoa Kỳ người ta có thể tự học và thi lấy bằng mà không phải đến trường không? Có, nhưng đó là các chương trình học online. Chỉ tính riêng năm 2018 có đến hơn 65% những người phát triển các chương trình kỹ thuật số (digital technology) đi lên bằng con đường tự học. Điển hình là Tanmay Bakshi, một người tự học giải mã từ lúc 5 tuổi, làm chuyên gia cho nhiều công ty kỹ thuật lúc mới 14 tuổi, và sau đó trở thành chuyên gia về trí tuệ nhân tạo AI cho hãng IBM.
Hệ thống đại học công cộng của tiểu bang Florida bao gồm 12 viện đại học với 300.000 sinh viên, hơn 60.000 thầy cô giáo và công nhân viên, với chi phí vận hành hàng năm là 8 tỉ rưỡi Mỹ kim. Mấy năm nay người ta đang nhắm đến việc phổ biến các môn dạy online đủ để cho một sinh viên lấy được bằng, và họ gọi đó là Đại học thứ 13 (nhưng chưa đi đến đâu, lý do sẽ nói một chút ở dưới).
Trong số những cái lợi của việc tự học (học một chương trình online) là được làm chủ thì giờ của mình, không bị bó buộc theo thời khoá biểu. Thứ hai là học theo sức, không cảm thấy đuối trên lớp hoặc thấy chán vì “dễ quá”, và học theo cách mình muốn.
Thứ ba là tự do chọn học mảng đề tài mình thích và chỉ mảng đó thôi, không lệ thuộc vào việc trường có dạy môn ấy không, hoặc có thể chọn học các chương trình mà bình thường khó cho ghép chung. Thứ tư là họ có thể học cho dù đang ở bất kỳ nơi nào, hoặc đang đi du lịch, hoặc đang làm việc.
Chẳng hạn tuy sống ở một nơi khỉ ho cò gáy, họ vẫn có thể học những môn hiếm có nơi dạy, như tiếng Sumerian, một tiếng chắp dính, ngôn ngữ cổ nhất của loài người, từng được dùng ở nam Iraq. Chữ viết Sumerian chỉ được dùng trong thời gian ngắn ngủi hai thế kỷ, ở vùng rộng lớn nay là Iran. Chữ viết này được biết đến qua các bảng khắc trên đất sét khoảng 3.200 năm trước Công nguyên.
Tự học còn giúp người ta cập nhật kiến thức nhanh chóng, nhất là các tiến bộ về khoa học kỹ thuật thời đại hiện nay và nhờ sự phổ biến của mạng internet. Nó giúp họ bổ sung và mài sắc kiến thức học được một cách nhanh chóng hơn là phải hỏi thầy cô hàng ngày. Cuối cùng là tự học tiết kiệm được rất nhiều chi phí so với học đại học chính thống. Hiện nay mất ít nhất khoảng 100 ngàn Mỹ kim để học xong một chương trình đại học 4 năm ở Hoa Kỳ. Kết quả nghiên cứu của Viện nghiên cứu về Căng thẳng của người Mỹ (American Institute of Stress report) cho thấy nỗi lo trả nợ mượn để đi học này xếp hàng thứ hai trong các lý do căng thẳng (stress) của người Mỹ.
Tuy nhiên, người ta vẫn khuyên nếu có thể được, thì nên theo một chương trình chính thống ở trường lớp.
Vì sao? Đầu tiên là khi đi xin việc làm, giữa hai người có mọi phẩm chất như nhau, một người có bằng cấp chính thống và một người không có, người ta hầu như sẽ chọn người được đào tạo chính thống. Người tự học online không có được chất lượng công nhận chính thức (official qualifications). Có những nơi người ta có thể thi để được cấp chứng chỉ hành nghề. Nhiều nơi khác yêu cầu họ phải có bằng cấp chính quy thì mới được làm việc ở thành phố đó hay tiểu bang đó.
Các thông báo tìm việc thường phải có câu không phân biệt màu da, dân tộc, tôn giáo, tuổi tác, gốc gác, văn hoá, giới tính và xu hướng giới tính, hay thậm chí bệnh tật. Cho tới nay tiêu chí “bằng cấp” chưa nằm trong số “không phân biệt” đó. Một công ty có thể lấy một người tự học không có bằng đại học nhưng rất giỏi không?
Có chứ, tùy công việc đó là gì, và thường 99% đó không phải là công việc yêu cầu bằng cấp phức tạp, phải dùng óc suy luận và kiến thức phổ thông nền tảng. Tất nhiên là trừ khi anh thành lập công ty riêng và làm CEO, ví dụ như tỉ phú Bill Gates, hoặc Steve Jobs, người đồng sáng lập công ty máy tính Apple với Steve Wozniak (Wozniak tuy có học đại học nhưng không phải là sinh viên giỏi trong lớp nếu nhìn điểm số, an “A-student”).
Cái bất lợi lớn nhất của việc tự học là không có được nhận xét phản hồi (feedback) của thầy cô ngay tại chỗ (thầy cô rất ngại viết email vì tốn thời gian, hơn nữa có nhiều thứ không thể giải thích qua email). Không phải là chuyện chỉ mua sách giáo khoa của môn cần học, rồi tự đọc lấy. Sách giáo khoa chỉ để sinh viên đọc trước những kiến thức hoặc kỹ năng sẽ học trên lớp buổi hôm đó.
Họ đến lớp là để nghe thầy cô nói về những gì liên quan đến kiến thức ấy, những thứ không có trong sách giáo khoa, để được thảo luận sâu về nó. Sinh viên vừa được nói lên ý kiến mình, vừa được nghe ý kiến của thầy cô và bạn cùng lớp. Sinh viên học cách nhìn thấy “vấn đề” nằm ở đâu trong những điều tưởng quen thuộc và ai nấy cũng chấp nhận, học cách suy nghĩ về những giải pháp có thể, học cách lắng nghe người khác để cùng thảo luận về những cái mạnh cái yếu của mỗi giải pháp.
Vì vậy, đa phần các môn học tuy không điểm danh nhưng sinh viên nào cũng biết không nên vắng mặt, trừ lý do bất khả kháng như đau ốm hay xe hư dọc đường.
Không một chương trình tự học hoặc online nào có thể cung cấp phần thảo luận mở rộng và phản biện có hướng dẫn này, và theo tôi, nó là một trong các lý do chính mà giáo dục bậc đại học tồn tại.
Còn những cái thuận lợi khác là: chương trình học có cấu trúc hẳn hoi, học từ cơ bản đến phức tạp, học liền mạch để không có lỗ hổng kiến thức giữa chừng, có bài tập với hạn nộp, có phản hồi riêng của thầy cô cho mỗi cá nhân sinh viên, có luật lệ tuân theo để bảo đảm hoàn thành chương trình, và có sự chia sẻ, giúp đỡ nhau về tinh thần giữa thầy cô và sinh viên với nhau.
Những sinh hoạt và kinh nghiệm cuộc sống ở nhà trường, ký túc xá, các hội đoàn tham gia, các hoạt động xã hội cùng nhau, tình bạn, các buổi tiệc vui và hội hè...tất cả làm thành một ký ức quý báu và sẽ đi theo sinh viên suốt cả cuộc đời mà không tiền tài hay danh vọng gì mua được.
Để học một cách hiệu quả các buổi lên lớp, sinh viên phải đọc trước, chuẩn bị một số bài tập mà thầy cô yêu cầu họ làm trước khi đến lớp.
Để dạy một buổi trên lớp, thầy cô mất gấp ba, bốn lần số thời gian đó chuẩn bị ở nhà. Làm sao để các câu hỏi đưa ra thảo luận phải hào hứng và bao quát nội dung chính của bài. Nếu gặp nhóm sinh viên nhút nhát ít nói trên lớp, phải làm sao để họ tự nguyện vui vẻ phát biểu.
Việc này thuộc loại khó khăn nhất. Nó nằm ngoài tầm kiểm soát của thầy cô, bởi lẽ thầy cô phải tuyệt đối tôn trọng sinh viên, không thể dùng mệnh lệnh hoặc có thái độ kẻ cả. Thầy cô còn phải bảo đảm để ý kiến của ai cũng được lắng nghe, dù có phản bác sau đó. Điều này dạy sinh viên khi ra đời biết tôn trọng và học hỏi từ các ý kiến khác họ.
Tuy nhà trường có những học bổng bù đắp thì giờ và công sức, nhiều thầy cô vẫn không muốn chuyển môn của họ dạy trên lớp thành môn học online, vì thì giờ và sức lực bỏ ra để chuyển sang một hình thức học hoàn toàn khác là không tưởng tượng nổi, chưa tính đến phải biết rành cách dùng một số ứng dụng máy tính để đưa lên website bài giảng và bài tập. Nhưng điều quan trọng nhất là họ không an tâm khi kênh phản hồi trực tiếp với sinh viên bị mất đi, hoặc chí ít bị hạn chế trầm trọng.
Sinh viên cũng biết rằng “tự học”, dù chương trình online đàng hoàng, vẫn chưa thay thế nổi một lớp học truyền thống, và quan trọng hơn nữa là giá trị của cái bằng khi đi tìm việc.
Bằng cấp do đó là thứ làm người ta, một cách chính đáng, tự hào về những khó nhọc họ đã trải qua để đạt được. Nó không phải là thứ để xã hội đem ra chế giễu, không phải là cái mua đi bán lại được, hoặc học giùm, thi giúp (mà dường như đã thành một nghề có quảng cáo hẳn hoi trên báo ở Việt nam). Người dùng bằng cấp giả cũng thấy tự sỉ nhục bản thân, chưa nói đến nếu bị truy ra thì tất cả sẽ bị thu hồi, phải bồi thường vật chất tổn hại đã gây ra cho nơi làm việc, dù cho khi bị phát hiện thì họ đã về hưu.
Ở nơi thật sự làm việc bằng thực chất, hiếm có người qua mắt được nhiều người với những cái bằng giả. Frank Abagnale, a con man, kẻ lừa đảo nổi tiếng trong lịch sử Mỹ mà Steven Spielberg dựng lại trong bộ phim "Catch me if you can", mạo danh với những nghề cần học hành rất tử tế là bác sĩ, luật sư, phi công, mỗi nghề chỉ trong một thời gian rất ngắn. Sau khi bị phát hiện cùng các tội giả mạo và lừa đảo khác, Abagnale phải ở 6 tháng trong nhà tù Pháp, 6 tháng trong nhà tù Thuỵ Điển trước khi trao trả về Hoa kỳ ở tù thêm 4 năm nữa ở Atlanta, Georgia.
“Tự học” của sinh viên ở một trường đại học nếu thực sự dưới sự hướng dẫn trực tiếp (và rất hao tâm tổn lực) của thầy cô thì may ra mới cho ra được một lớp công dân mạnh dạn, thích thú với việc sáng tạo, và có trách nhiệm với đất nước.
Việc này đòi hỏi thầy cô yêu nghề mới trụ được, và sinh viên thích suy nghĩ độc lập thì mới đủ hào hứng vượt qua chướng ngại để khám phá, ứng dụng, và đóng góp vào kho tàng tri thức chung của nhân loại.