Trí thức là gì? Đã có nhiều định nghĩa được đưa ra trên thế giới, ở đây tôi chỉ xin dẫn ra hai định nghĩa. Một là của Tzvetan Todorov, nhà nghiên cứu văn học nổi tiếng gốc Bungary sống tại Pháp, đã đưa ra nhiều suy nghĩ về trí thức, nhất là người trí thức “dépaysé”.
Trong một đề mục “Chính trị của trí thức” ông viết: “Trí thức là gì? Cá nhân tôi dùng từ này chỉ với nghĩa sau: nhà khoa học hay nghệ sĩ (nhà văn nằm trong phạm trù này) không chỉ đơn giản làm công việc khoa học hay sáng tạo tác phẩm nghệ thuật thúc đẩy sự nhận thức chân lý hay sự nảy nở cái đẹp, mà còn không bàng quan với lợi ích xã hội, với các giá trị của xã hội họ đang sống, do đó, tham gia vào cuộc tranh luận xoay quanh các giá trị này. Trí thức, theo quan niệm như thế, là khác xa với nghệ sĩ hay nhà khoa học không quan tâm gì đến phương diện chính trị hay đạo đức của sự nghiệp sáng tạo của mình, cũng như khác xa với nhà truyền giáo hay nhà chính trị chuyên nghiệp không có khả năng sáng tạo”.
Hai là của Edgar Morin, nhà khoa học xã hội Pháp, cho thuật ngữ “trí thức” gồm có ba điều: 1) Chỉ người hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, tinh thần; 2) Các hoạt động đó có tác động đến đời sống chính trị và xã hội của xã hội quanh họ; và 3) Loại người này có ý thức tuân theo các nguyên lý phổ quát thích hợp. Điểm thứ ba trong định nghĩa “trí thức” của Edgar Morin có nghĩa là trí thức phải duy trì được “độ căng” giữa lý tưởng và thực tế. Ông viết: “Bản chất tuyệt đối của các lý tưởng của trí thức ngăn họ có những thỏa hiệp nửa vời, “nửa sự thật”, mà các nhà chính khách thấy khó tránh khỏi”.
Những cách hiểu và định nghĩa về trí thức nêu trên có thể cho thấy một quan niệm thống nhất: trí thức là người có tri thức và biết suy nghĩ khác biệt và độc lập. Trí thức, theo tôi, là người bằng cái đầu của mình giữ vị thế độc lập trong xã hội, là người độc lập bằng cái đầu của mình, và là người chỉ truy cầu một mục đích: chân lý.
Xét từ góc độ này, ở nước ta đã có những trí thức nhưng chưa có tầng lớp trí thức thực sự đúng nghĩa. Có những trí thức Việt Nam có nhân cách kẻ sĩ, nhưng không nhiều người có tư cách trí thức. Nhân cách kẻ sĩ là thừa hưởng truyền thống tiết tháo của nhà nho. Ở đây tôi nhớ tới quan điểm của giáo sư Trần Đình Hượu (1925 - 1995), một nhà nghiên cứu tư tưởng và văn hóa nổi tiếng, ông cho rằng theo hành trình của nhà nho trong lịch sử, thì từ cuối thế kỷ XVIII đến nay, chúng ta có các loại hình nhà nho - tài tử, nhà nho - cần vương, nhà nho - duy tân, nhà nho - tây học, nhà nho - cách mạng. Nho ở đây chỉ một tính chất, một loại hình, bất luận hoàn cảnh xuất thân và học vấn, và có thể nói nó là xuyên/liên thời đại nữa. Chất kẻ sĩ là sự khảng khái và bất chấp, bộc lộ rõ và có tác động mạnh về mặt đạo đức. Tư cách trí thức thì khác, đó là sự suy nghĩ độc lập và dám đi đến cùng trong sự suy nghĩ của mình trên cơ sở học vấn tri thức và khả năng tư duy khoa học, không chịu hệ lụy và ràng buộc nào từ ngoại cảnh dù nhân danh gì.
Tôi cho để trí thức Việt Nam có thể lớn mạnh thành một tầng lớp đúng nghĩa và có vai trò tích cực đối với xã hội thì chúng ta phải vận hành một thứ văn hóa chính trị tham dự. Văn hóa chính trị (political culture) là một quan niệm chỉ sự hành xử của người dân đối với chính quyền, hay chính trị nói chung. Đó là “Sự định hướng của các công dân của một quốc gia đối với đời sống chính trị, sự nhận thức của họ về tính hợp thức chính trị và các truyền thống của thực tế chính trị”.
Có nhiều thứ văn hóa chính trị khác nhau tùy theo cấp độ và kiểu loại tham dự chính trị cũng như tùy theo thái độ của người dân đối với đời sống chính trị. Theo một số nhà nghiên cứu, có thể phân ra ba kiểu loại “văn hóa chính trị” tinh ròng như sau. Một là kiểu thiển cận, nơi các công dân chỉ mơ hồ biết là có chính quyền trung ương tồn tại và họ sống gần như không quan tâm gì đến các quyết định của nhà nước. Hai là kiểu thần dân, nơi các công dân biết có chính quyền trung ương tồn tại và họ phụ thuộc nhiều vào các quyết định của nó với rất ít sự bất đồng, phản đối. Và ba là kiểu tham dự, nơi các công dân có khả năng tác động đến chính quyền bằng nhiều cách khác nhau và họ bị ảnh hưởng bởi việc đó. Ba kiểu tinh này của văn hóa chính trị có thể kết hợp với nhau, phối hợp những yếu tố đắc dụng của mỗi cái, tạo thành văn hóa dân sự. Khi văn hóa chính trị kiểu tham dự được phát huy thì trí thức mới tỏ rõ được vai trò tích cực của mình.
Để trí thức có thể phát huy được bản lĩnh đúng với bản chất của mình thì xã hội cần phải tôn trọng và đề cao họ. Đó là xóa bỏ mọi định kiến về giới trí thức; tôn trọng giới trí thức với tất cả sự khác biệt bản chất của nó; tạo hoàn cảnh tự do và dân chủ cho giới trí thức làm công việc trí thức; chịu đựng sự phản biện xã hội ngày càng đóng vai trò quan trọng của giới trí thức trong một xã hội dân sự và dân chủ. Cần biết lắng nghe trí thức, nghe với sự thành tâm và hiểu biết để thực sự thay đổi trong sạch và vững mạnh, và để chèo lái sự nghiệp lớn của dân tộc.