| Hotline: 0983.970.780

UNDP: Việt Nam giữ đà phát triển con người suốt 30 năm

Thứ Năm 14/03/2024 , 17:39 (GMT+7)

Bất chấp những khó khăn như đại dịch Covid-19, biến đổi khí hậu toàn cầu, Việt Nam đã tăng giá trị HDI gần 50% trong thời gian qua, theo tổ chức UNDP.

Việt Nam hiện đứng giữa bảng xếp hạng về Chỉ số Phát triển Con người.

Việt Nam hiện đứng giữa bảng xếp hạng về Chỉ số Phát triển Con người.

Trong báo cáo của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) công bố ngày 14/3, Chỉ số Phát triển Con người (HDI) của Việt Nam năm 2022 là 0,726, đứng thứ 107 trên 193 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Từ năm 1990 đến năm 2022, giá trị HDI của Việt Nam đã thay đổi từ 0,492 lên 0,726, tăng gần 50%. Vào thập niên 1990, khi UNDP lần đầu đưa ra các tham chiếu tính toán HDI, Việt Nam ở vị trí tương đối thấp trong bảng xếp hạng.

Tuy nhiên, sau hơn 30 năm, đến nay Việt Nam đã giữa bảng xếp hạng và liên tục giữ đà tiến bộ trong suốt thời gian qua.

Bà Ramla Khalidi, Trưởng Đại diện thường trú của UNDP tại Việt Nam cho biết: “Việt Nam vẫn là quốc gia có mức phát triển con người cao trong suốt những năm khó khăn của đại dịch Covid-19. Phát triển con người tiếp tục là trọng tâm trong chiến lược phát triển của đất nước và chúng tôi đã đã thấy những kết quả đáng kể trong những thập kỷ qua”.

Dù làm tốt ở một số khía cạnh như tiếp cận giáo dục và tham gia lực lượng lao động, Việt Nam vẫn cần quan tâm hơn tới sự phân công lao động theo giới, theo bà Khalidi. Lãnh đạo UNDP nhìn nhận, những công việc ổn định hơn, được trả lương cao thường được dành cho nam giới tại Việt Nam.

Bên cạnh đó, phụ nữ vẫn chiếm một tỷ lệ nhỏ trong vai trò lãnh đạo trong Chính phủ, Quốc hội và trong khu vực tư nhân.

Nằm trong đà tăng chung của toàn cầu, HDI của Việt Nam được dự đoán sẽ đạt mức cao kỷ lục vào năm 2023. Tuy nhiên, UNDP dự báo, tiến độ tăng sẽ không đồng đều trên mọi khu vực. Các nước giàu đang có mức độ phát triển con người cao kỷ lục trong khi một nửa số nước nghèo nhất thế giới vẫn ở dưới mức trước khủng hoảng.

Tổ chức này nhận xét, tiến độ phát triển không đồng đều đang khiến những người nghèo nhất bị bỏ lại phía sau, tình trạng bất bình đẳng trầm trọng hơn và gây ra sự phân cực chính trị trên quy mô toàn cầu. 

Một trong số những lý do gây nên bất bình đẳng, là sự tập trung kinh tế quá lớn. Báo cáo của UNDP cho biết, gần 40% thương mại hàng hóa toàn cầu tập trung ở 3 quốc gia hoặc ít hơn. Vào năm 2021, vốn hóa thị trường của 3 công ty công nghệ lớn nhất thế giới đã vượt qua tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của hơn 90% quốc gia trên thế giới.

Ông Achim Steiner, Tổng giám đốc toàn cầu UNDP thừa nhận: “Khoảng cách phát triển con người ngày càng lớn, cho thấy xu hướng giảm dần bất bình đẳng giữa các quốc gia giàu và nghèo trong 20 năm qua đang bị đảo ngược". 

Sự bế tắc này, theo người đứng đầu UNDP, sẽ gây nên những thiệt hại đáng kể. Trong đó, có việc thiếu hiệp lực nhằm thúc đẩy hành động về biến đổi khí hậu, số hóa hay nghèo đói. Ngoài ra, sự bất bình đẳng còn làm trầm trọng thêm sự phân cực, cũng như xói mòn thêm niềm tin vào người dân và các tổ chức trên toàn thế giới.”

Ngày 11/3, tại New York, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân đã gặp Tổng giám đốc UNDP Achim Steiner. Phía UNDP khẳng định, hai bên có chung các ưu tiên về chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, và sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam trong thực hiện cam kết đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, cũng như triển khai quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng, đẩy nhanh tiến trình phi các bon hóa và bảo đảm tiếp cận năng lượng sạch với giá phải chăng.

Phó Chủ tịch nước cảm ơn UNDP đã đồng hành, hỗ trợ Việt Nam trong gần 50 năm qua, với tổng viện trợ đạt gần 1 tỷ USD. Bà cũng đề nghị, UNDP tiếp tục hỗ trợ triển khai Kế hoạch huy động nguồn lực triển khai Quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP); chương trình phát triển kinh tế, xã hội Đồng bằng sông Cửu Long và sử dụng hiệu quả, bền vững tài nguyên nước sông Mekong.

Xem thêm
Thường vụ Tỉnh ủy Lạng Sơn, Vĩnh Long có vi phạm, khuyết điểm

Đó là kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, sau Kỳ họp thứ 52, tổ chức từ ngày 9 đến 11/12, do ông Trần Cẩm Tú chủ trì tại Hà Nội

Gượng dậy sau bão Yagi: Nơi bảo tồn nguồn gen 15 loài cá biển quý hiếm

Anh Phạm Văn Thìn - Trưởng phòng Nuôi giữ và Bảo tồn nguồn gen của Trung tâm Quốc gia Giống hải sản miền Bắc lái cano chở tôi ra khu Tai Kéo vịnh Lan Hạ.

Khát khao khôi phục vùng cam sành Tân Lĩnh

YÊN BÁI Tân Lĩnh nức tiếng một thời với những mùa cam sành sai trĩu bội thu, giờ chỉ là hoài niệm, người dân nơi đây khao khát khôi phục vùng cam đặc sản này.