Thủ phủ rượu men lá
Đến xã Bằng Phúc, huyện Chợ Đồn (tỉnh Bắc Kạn) vào một sáng mờ sương, nơi đây được mệnh danh là thủ phủ của nghề nấu rượu men lá truyền thống đã nổi tiếng khắp vùng.
Toàn xã hiện tại có hơn 300 hộ trực tiếp nấu rượu, trong đó tập trung nhiều nhất ở các thôn Nà Bay, Nà Pài, Bản Khiếu, Nà Hồng, Bản Chang và Nà Quân.
Chúng tôi đến thăm gia đình bà Nông Thị Tâm, một trong những hộ có truyền thống nấu rượu từ nhiều đời nay. Hợp tác xã (HTX) Thanh Tâm nơi bà Tâm làm giám đốc là đơn vị đầu tiên đưa rượu men lá Bằng Phúc xuất khẩu ra nước ngoài.
Tiếp đón chúng tôi trong không gian phảng phất hơi rượu bốc ra từ các lò nấu, bà Tâm vui vẻ kể về những ngày bắt đầu nấu rượu.
Xuất thân trong gia đình ở nông thôn, bà Tâm đã phụ giúp gia đình nấu rượu từ nhỏ. Thời điểm đó, mỗi ngày gia đình chỉ nấu được 10 đến 20 lít rượu, chủ yếu phục vụ nhu cầu người dân trong vùng.
Năm tháng trôi đi, khách đến quán nhiều người khen rượu ngon, uống không đau đầu nên dần dần nấu nhiều hơn. Cũng nhờ mọi người giới thiệu, rượu của gia đình dần bán ra các huyện lận cận, bà Tâm kể.
Năm 2017, HTX Thanh Tâm được thành lập, đến nay đã có 24 thành viên, HTX cũng liên kết với 20 hộ sản xuất rượu tại địa phương để đảm bảo số lượng rượu cung ứng ra thị trường.
Nói về bí quyết làm ra rượu ngon, bà Tâm cho biết, một quả men phải kết hợp từ 19 - 32 loại cây thuốc bắc được lấy từ trên rừng già, những loại lá cây này là bí quyết riêng biệt được truyền dạy lại. Đó cũng là “kỹ nghệ” để rượu của HTX Thanh Tâm luôn có hương vị đặc trưng riêng không giống bất cứ loại rượu nào khác.
Để có rượu ngon, có men tốt là chưa đủ, nguồn nước sạch, mát mẻ ở Bằng Phúc, nơi có độ cao trên 1.200m so với mực nước biển cũng là trời phú cho người dân nơi này.
Nước được HTX lấy từ khe nước đầu nguồn trong rừng sâu, quanh năm mát rười rượi, được dẫn về bằng ống nhựa đảm bảo sạch sẽ, giúp rượu Bằng Phúc có mùi vị khác biệt.
Một mẻ rượu nấu ra sẽ được HTX ủ chum từ 1 đến 3 tháng, việc ủ chum sẽ giúp các tạp chất được lắng và thẩm thấu ra ngoài, giúp cho rượu có vị thanh mát khi sử dụng. Ngoài ra, HTX cũng mua sắm thêm thiết bị, xây dựng nhà xưởng để đặt hệ thống lọc và đóng gói sản phẩm.
Rượu trước khi đóng chai sẽ xử lý qua 2 hệ thống lọc, máy lão hóa để khử Andehit, đảm bảo rượu đến tay người tiêu dùng ở mức 25 độ. Ở ngưỡng ngày, rượu truyền thống Bằng Phúc đạt trạng thái êm, thanh mát, dễ uống nhất.
Sau nhiều năm kiên trì xây dựng thương hiệu, năm 2018, sản phẩm rượu của HTX Thanh Tâm được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao và đạt cấp sản phẩm OCOP 4 sao vào năm 2022.
Hiện nay, mỗi ngày HTX Thanh Tâm sản xuất trung bình 600 - 800 lít rượu, trong số này sản phẩm rượu chất lượng cao phục vụ xuất khẩu, còn lại tiêu thụ ở thị trường trong nước.
Chinh phục thị trường Nhật Bản
Sau nhiều nỗ lực, niềm vui cũng đã đến với HTX Thanh Tâm khi vào năm 2022, lô hàng đầu tiên đạt tiêu chuẩn xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản.
Cụ thể, HTX Thanh Tâm đã ký kết hợp đồng bán 2.000 lít rượu đầu tiên với đối tác là Công ty KOME CO.LTD tại Nhật Bản. Cũng từ đây, rượu men lá Bằng Phúc bắt đầu hành trình chinh phục thị trường khó tính này.
Năm 2023, tổng sản lượng rượu xuất khẩu của HTX sang thị trường này là 66.000 lít đem lại doanh thu hơn 2 tỉ đồng. Sang năm 2024, HTX Thanh Tâm đã đàm phán với đối tác, dự kiến lượng rượu xuất khẩu sẽ tăng lên 30.000 lít/tháng.
Trước đây, bán tại thị trường trong nước, giá một lít rượu của HTX Thanh Tâm chỉ khoảng 20.000 đồng, nhưng khi xuất khẩu mỗi lít lên đến 40.000 đồng, tùy từng loại rượu khác nhau.
Một lít rượu được xuất khẩu có giá cao hơn từ 10.000 đến 15.000 đồng, việc bán được giá cao hơn đem lại thu nhập cao cho HTX cũng như các hộ tham gia liên kết. Để xuất khẩu, rượu men lá Bằng Phúc của HTX Thanh Tâm phải đáp ứng nồng độ, chỉ số Ethanol đạt 25%.
Hiện nay HTX vận hành quy trình sản xuất riêng biệt, từ khâu lựa chọn loại gạo để nấu, gạo phải là loại mới, ngâm qua 1 ngày rồi mới tiến hành nấu. Thời gian ủ men trung bình khoảng 30 ngày vào mùa hè, 60 ngày vào mùa đông, ủ càng lâu thì rượu càng được đậm đà.
Sau khi nấu xong, rượu được đưa vào chum ủ từ 3 đến 5 tháng mới đưa vào máy lọc để khử các tạp chất. Quan trọng nhất để rượu xuất khẩu được đảm bảo là quá trình đi qua máy lão hóa, tương tự như máy lọc rượu, máy lão hóa cũng loại bỏ triệt để các độc tố có trong rượu.
Trong đó, một số loại độc tố khi phân hủy còn tạo ra mùi vị rượu thơm ngon và êm dịu hơn. Máy lão hóa tại HTX do đối tác Nhật Bản đầu tư để đảm bảo rượu đạt chất lượng theo yêu cầu của đối tác.
Việc HTX Thanh Tâm xuất khẩu rượu ra thị trường nước ngoài là bước tiến lớn trong sản xuất nông nghiệp và chế biến các nông sản của tỉnh Bắc Kạn, chứng tỏ năng lực sản xuất của người dân ở khu vực còn nhiều khó khăn.
Doanh thu từ xuất khẩu rượu giúp HTX Thanh Tâm tạo việc làm ổn định cho 20 công nhân với thu nhập ổn định.
“Từ lúc tham gia HTX đến nay, gia đình ngày nào cũng sản xuất từ 100 - 150 lít, do không lo đầu ra nên tập trung vào nấu. Nấu được nhiều nên giờ cuộc sống cũng khá hơn, nhà cũng đang xây mới, cuộc sống đỡ vất vả hơn trước”, anh Nông Văn Luận - thành viên HTX chia sẻ.
Chị Triệu Thị Thạch tay vừa đun bếp vừa kể, nấu rượu cho HTX giá thành được cao hơn là bán ra ngoài, trước đây tự nấu để bán không dám nấu nhiều, mỗi ngày chỉ 10 - 20 lít. Từ khi tham gia HTX, đầu ra ổn định nên mình mạnh dạn đầu tư, bỏ thêm vốn liếng để sản xuất.
Để phát huy thế mạnh từ nghề nấu rượu này, tháng 9/2022, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch xây dựng làng nghề Rượu Bằng Phúc. Khi được công nhận làng nghề, các hộ, HTX nấu rượu sẽ có thêm nguồn lực đầu tư, xây dựng thương hiệu.
Ngoài ra, tỉnh Bắc Kạn còn xây dựng làng nghề nấu rượu Bằng Phúc gắn với phát triển du lịch cộng đồng. Xã Bẳng Phúc có khí hậu mát mẻ, có vùng trồng chè Shan tuyết cổ thụ rất thích hợp phát triển du lịch trong thời gian tới.
Ông Hoàng Văn Thái, Chủ tịch UBND xã Bằng Phúc cho biết, việc rượu men lá Thanh Tâm xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản là bước tiến lớn. Không chỉ nâng cao thương hiệu, việc xuất khẩu còn khích lệ những HTX, cơ sở khác nâng cao chất lượng, hướng đến nhiều thị trường tiềm năng khác.
"Hiện nay, tuyến đường thành phố Bắc Kạn - hồ Ba Bể đi qua địa bàn xã Bằng Phúc cũng đang thi công, khi tuyến đường này đi vào khai thác sẽ tạo điều kiện thuận lợi để xã phát triển du lịch, gắn với làng nghề, thúc đẩy phát triển sản xuất", ông Thái cho biết thêm.