Hiện nay, để ngành chăn nuôi dê, cừu phát triển bền vững, Ninh Thuận cần xây dựng các chuỗi liên kết giữa người nuôi với các cơ sở, doanh nghiệp kinh doanh giết mổ, thu mua, chế biến, bảo quản đến tiêu thụ. Từng bước đưa sản phẩm dê, cừu có mặt tại siêu thị, cửa hàng bán lẻ, bữa ăn hàng ngày và hướng đến xuất khẩu.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh tái cơ cấu ngành chăn nuôi theo hướng trang trại gắn quy hoạch đồng cỏ, các chương trình dự án sản xuất hàng hóa gắn công nghiệp chế biến, tiêu thụ sản phẩm là rất cần thiết.
Vậy nên, để hình thành các chuỗi liên kết cần có cơ chế, chính sách thu hút doanh nghiệp quy mô lớn đầu tư, phát triển chăn nuôi dê, cừu. Giữ vững và phát triển dê, cừu là sản phẩm đặc thù của Ninh Thuận, phát triển nhãn hiệu chứng nhận “Dê Ninh Thuận” và thương hiệu “Cừu Ninh Thuận”.
Ông Trương Khắc Trí, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Ninh Thuận cho biết, ngành nông nghiệp đã tham mưu cho UBND tỉnh cũng như phối hợp với các ngành chức năng để hỗ trợ tối đa trong các chương trình dự án. UBND tỉnh cũng đã chỉ đạo các hệ thống ngân hàng thương mại, ngân hàng chính sách phải tăng cường hỗ trợ vay vốn hỗ trợ chăn nuôi.
Theo ông Trí, hiện điều kiện chăn nuôi đã thay đổi nên người dân phải tự thay đổi để thích nghi. Trước hết phải thay đổi phương thức chăn nuôi không theo kiểu chăn thả như trước đây mà chăn nuôi theo kiểu quản lý được, phải cơ cấu đàn phù hợp với khả năng của mình, tạo ra sản phẩm tốt nhất cung cấp cho người tiêu dùng, thị trường.
“Cần liên kết các hộ chăn nuôi thành tổ hợp tác, liên kết họ với doanh nghiệp để tạo vùng nguyên liệu ổn định cung cấp cho thị trường. Hiện nay chuỗi liên kết dê, cừu được Ninh Thuận xây dựng để hướng tới xuất khẩu sản phẩm, do đó ngành cũng đang nỗ lực để hỗ trợ. Trong thời gian tới chúng tôi sẽ hỗ trợ các hợp tác xã, tổ hợp tác gắn kết với doanh nghiệp phát triển đối tượng gia súc có sừng”, ông Trương Khắc Trí cho hay.
Theo đó, các chính sách thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi (cung cấp con giống, thức ăn, thuốc thú y và bao tiêu sản phẩm) theo hướng tập trung, giết mổ, chế biến, tiêu thụ nhằm tạo chuỗi liên kết trong sản xuất chăn nuôi, tiêu thụ và định hướng xây dựng thương hiệu cho sản phẩm cũng được các ngành chức năng chú trọng.
Bên cạnh đó, Nhà nước có chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện để các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp hoạt động sản xuất chăn nuôi, giết mổ, chế biến tiêu thụ sản phẩm dê, cừu có điều kiện đầu tư, liên kết với các trang trại, hộ chăn nuôi đảm từ khâu đầu vào đến đầu ra tiêu thụ sản phẩm có hiệu quả, đặc biệt là chuỗi liên kết chăn nuôi khép kín.
Ông Trần Nguyễn Khắc Huy, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Nhật Thành Food cho biết, để định hướng xuất khẩu trên cơ sở đề án đã được tỉnh phê duyệt, Công ty đang xây dựng quy trình giết mổ Halal, đây là quy trình để đáp ứng yêu cầu xuất khẩu sang các nước Hồi giáo ở vùng Tây Á.
Theo ông Huy, nước ta có rất nhiều công ty tư vấn và cấp giấy chứng nhận Halal, tuy nhiên những đơn vị uy tín rất ít. Việc công nhận Halal đối với sản phẩm thịt dê, cừu rất khó bởi mang yếu tố nhân đạo theo quy định của người Hồi giáo.
“Hiện nay, Công ty đang triển khai thuê tư vấn thiết kế quy trình Halal. Công ty cũng có tờ trình gửi UBND tỉnh xin mở rộng diện tích đất để xây dựng dây chuyền Halal, bởi vì dây chuyền này phải riêng biệt, không thể gắn với các dây chuyền khác về khâu chăn nuôi, giết mổ, cách ly…”, ông Trần Nguyễn Khắc Huy nói và cho biết thêm, đối với quy trình Halal người giết mổ thịt dê, cừu phải là người Hồi giáo, trong khi đó Công ty vị trí gần cộng đồng người Hồi giáo nên thuận lợi trong việc tìm kiếm nguồn nhân lực này.