Khi xưa Nguyễn Huy Thiệp mới về trở lại Hà Nội, xin được việc làm ở NXB giáo dục. Chỗ Thiệp làm là tòa nhà to lớn ở phố Lê Thánh Tông. Tòa nhà xây từ thuở Pháp thuộc. Thiệp làm can vẽ những hình vẽ in trong sách giáo khoa Toán, Lý, Hóa.
Khi cơ quan nhiều việc, các nhân viên làm không xuể phải chia ra mang về nhà làm ngoài giờ cho kịp kế hoạch. Thiệp mang việc về nhà làm cũng không xuể, nên tìm thuê ngoài cho kịp để không làm nhỡ việc của cơ quan. Khó khăn mới xin được chuyển từ miền núi về. Không thể để mắc bất kỳ lỗi lầm nào.
Một anh tên là Quốc Văn từng học điêu khắc nên biết tôi. Và cũng biết tôi làm tốt việc của Thiệp, nên giới thiệu tôi với Thiệp. Tôi nhớ không chính xác thời gian, nhưng chỉ đâu đó 1980 hay 1981.
Từ đó qua công việc dần dần chúng tôi thân nhau, trao đổi với nhau nhiều chuyện ngoài công việc. Mọi trao đổi cà kê dê ngỗng thường tự nhiên hướng về văn chương.
Một hôm Thiệp nói với tôi: “Tôi đang viết truyện ngắn, tôi muốn đọc ông nghe để ông xem thế nào”. Tôi nói: “Ông mang đến đọc tôi nghe”.
Tôi vừa nói xong thì Thiệp rút từ trong bụng ra tập giấy khoảng mươi tờ gấp dọc. Đó là bản thảo truyện ngắn của anh.
Anh đọc luôn, và tôi chăm chú nghe. Đọc xong anh im lặng chờ xem tôi nói gì.
Tôi nói: “Hay, nhưng nghe thêm mới có ý kiến được”.
Từ hôm đó gần như sáng nào Thiệp cũng đến nhà tôi ở 46 Trần Nhật Duật rủ tôi đi cà phê trò chuyện dông dài trời biển. Vài ba hôm lại đọc tôi nghe một truyện ngắn. Hồi đó chưa có từ “chém gió”.
Cứ thế một thời gian, có lần tôi nói với Thiệp: “Ông viết truyện ngắn hay nhất nước. Ông tập trung lại đánh máy thành nhiều tập rồi gửi đi các báo”.
Thiệp nói: “Đánh máy hai ba truyện thì được, đánh hết ra tốn tiền lắm tôi chưa có”. Tôi bảo: “Ông chọn ra mươi lăm truyện và đưa hết cho tôi đánh máy cho”.
Thế là tôi cầm tập bản thảo của Thiệp đến một ông đánh máy giỏi, nhanh, có máy đánh chữ đời mới rõ và đẹp tới tận tờ cuối táp. Mỗi táp có bốn lớp giấy kẹp với bốn lớp giấy than, nên tờ cuối cũng hay bị nhòa mờ nếu máy đánh chữ không mới.
Ông đánh máy chữ nhà ở Hàng Bồ có tên Phan Cảnh Trác. Ông Trác vừa đánh máy vừa bán sách cũ. Tôi đã mua được ở đấy trọn bộ “Thượng chi văn tập” của cụ Phạm Quỳnh.
Tôi và Thiệp đã chia đôi số bản đánh máy đó để đưa đi các báo, hay ai đó có uy tín trong giới văn chương.
Thiệp đưa báo Văn nghệ, báo Tiền Phong, và vài bạn nhà văn đàn anh mà Thiệp quen. Còn tôi đưa đến cụ Hoàng Ngọc Hiến kèm lời nói về Thiệp theo chủ quan của tôi.
Cụ Hiến lúc đó đang mê mải chuyện “nhân chi sơ tính bản ác”, nên khi xong khúc dạo đầu về “tính bản thiện và tính bản ác” với cụ, tôi bèn đặt tập bản thảo của Thiệp lên bàn, nói: “Em đọc thấy hay nhất nước anh ạ. Em nhờ anh đọc cho nó nhé. Bạn thân của em”.
Cụ mở to mắt thấy cả lòng trắng, nói “thế cơ à” rồi để luôn vào ngăn kéo đã mở sẵn 1/2. Cụ sập ngăn kéo lại nói thêm: “Hôm nay Nguyễn Đăng Mạnh hẹn mình đi ăn thịt chó, Mạnh đến bây giờ, Hưng ngồi đây lát đi cùng bọn mình”.
Hôm đó tôi tốt duyên được ăn thịt chó với hai bậc bề trên cao nhân của làng văn.
Trong khoảng thời gian đó truyện của Thiệp có được xuất hiện trên báo nhưng không tạo được tiếng tăm gì, cho đến khi tuần báo Văn nghệ của Hội Nhà văn Việt Nam in truyện ngắn “Tướng về hưu” của Thiệp.
“Tướng về hưu” là truyện tôi bảo Thiệp đọc tôi nghe ba lần. Một truyện thương tâm vượt xúc động khóc. Truyện đó 1987 được một nhà xuất bản ở TP Hồ Chí Minh chọn in cùng vài truyện khác thành tập truyện ngắn có tên “Tướng về hưu”.
Cụ Hoàng Ngọc Hiến đã kịp bay vào Sài Gòn, kịp viết tại chỗ lời giới thiệu nổi danh và còn nguyên giá trị đến hôm nay bởi câu: “Tôi không chúc bạn thuận buồm xuôi gió”.
Còn nhà văn Nguyễn Khải đàn anh cây đa cây đề văn chương thời đó (1987) thốt lên: “Sẵn sàng đánh đổi truyện ngắn này với tất cả các tác phẩm viết ra trong 30 năm cầm bút trước đây”.
Tôi cũng có một kỷ niệm đổ khuôn sống gương mặt cụ Nguyễn Khải, cụ Văn Cao và cụ Nguyên Ngọc. Nhưng đó là chuyện của điêu khắc, tôi sẽ kể vào dịp khác.
Tiếng tăm Nguyễn Huy Thiệp ngày càng lớn trên bước đường sáng tác văn chương. Nhà xuất bản Văn học đã in tuyển tập truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp với tiêu đề “Như những ngọn gió”. Tôi vui vì làm bìa cho tuyển tập đó.
Trước khi in tuyển tập “Như những ngọn gió”, Thiệp đã mang cả tập bản thảo dầy cộp đến tôi chơi chuyện trò cà kê dê ngỗng như mọi khi. Chỉ khác lần này Thiệp vui nhiều, cùng tôi hàn huyên nhiều chuyện. Khoái chí mở bản thảo đọc lại cho nhau cùng nghe những đoạn văn làm cả hai tâm đắc, cùng cười sướng. Khi gần ra về Thiệp nói: “Tôi đề tặng ông tập truyện này”. Tôi nói ngay: “Sự nghiệp lớn của ông không tặng thế được. Tôi chọn một truyện rồi ông đề tặng là được”.
Tôi đã chọn “Những ngọn gió Hua Tát”. Chùm truyện này về sau in trên các sách đều có lời đề tặng Nguyễn Hồng Hưng.
Nguyễn Huy Thiệp có viết một truyện ngắn mà tôi thích hơn cả bộ ba nổi tiếng “Vàng lửa - Phẩm tiết - Kiếm sắc”. Đó là truyện “Chú Hoạt tôi”, đăng lần đầu trên báo Nông nghiệp Việt Nam.
Lần đó tôi và Thiệp rủ nhau đi Ba Vì chơi thăm danh họa Lưu Công Nhân. Đi bằng xe máy. Chúng tôi đi hai xe. Thiệp chạy chiếc Chaly, tôi chạy Dream. Lần đi đó tôi được cụ Lưu Công Nhân giải thích cụ gốc Hoa có họ kép “Lưu Công”. Vì bố mẹ mong con nên người đã đặt tên cụ là “Nhân”. Hai chữ “Công Nhân” họ kép của cụ không hiểu như những cái tên “tin tưởng” hay “quyết thắng”.
Trên đường đi mệt đâu nghỉ đó. Chúng tôi đã ăn trưa trong một quán bên đường. Bà chủ quán cởi mở vui chuyện với khách.
Thiệp chỉ lên vách nơi treo nhiều ảnh gia đình chủ quán rồi nói “Treo nhiều ảnh thế”. Bà chủ mau mồm miệng kể hết từng người trong ảnh. Nào kỵ tôi, nội tôi, bà tôi... vị này dạy học vị kia chánh tổng...
Điều bất ngờ là những chuyện mơ hồ đó đã cho Thiệp liên tưởng viết truyện ngắn “Chú Hoạt tôi”. Nếu ai đã đọc “Chú Hoạt tôi” sẽ thấy truyện đó không hề có cốt truyện kỳ vĩ, những nhân vật xuất chúng hay những người đàn bà đẹp hút hồn người.
Truyện đó không có lòng cao thượng để xúc động ngưỡng mộ học hỏi, cũng không có tội ác ghê rợn trời tru đất diệt. Truyện thật bình dị đọc mà thấy như nhan nhản khắp nơi những gia đình khó khăn mà còn phải làm người tốt, với một người bà con tật nguyền. Một truyện hiện thực tới mức cực thực về hoàn cảnh “lá rách đùm lá nát”.
Trong mớ lá rách nát đùm vào nhau đó chi chít những chi tiết hài hước đen. “Chú Hoạt tôi” là một truyện mà từng chữ cứ như giễu cợt lòng trắc ẩn của người đọc. Một truyện bi hài người đọc không thể cười.
Nghĩ lại thấy duyên nợ gì với báo Nông nghiệp Việt Nam mà nhiều truyện của Nguyễn Huy Thiệp lần đầu đăng ở báo này: Mưa Nhã Nam, Sống dễ lắm, Chuyện ông Móng, Chú Hoạt tôi, Những người muôn năm cũ, Bài học tiếng Việt, Đưa sáo sang sông, Bài học chưa xa… Không biết có phải vì một câu Nguyễn Huy Thiệp đã viết: “Mẹ tôi là nông dân, tôi sinh ra ở nông thôn”.