Văn học trào phúng viết dễ hay khó? Quá dễ. Bất kỳ thời buổi nào, đã nhà văn có máu cười thường trực trong suy tư ắt người đó đều có thể nhìn ra lắm hoạt cảnh để cười. Nói cách khác, sự vận hành của một xã hội, ngay trong đời thường bao giờ cũng xảy ra những yếu tố “lệch chuẩn”, từ đó, nhà văn đã vận dụng để trở thành chất liệu trong tác phẩm văn học trào phúng của mình.
Với suy nghĩ ấy, ta thấy nhà văn viết thể loại văn học trào phúng không bao giờ hụt đề tài. Cứ bám lấy thời sự mà múa bút đặng đem lại tiếng cười hả hê, tiếng nấc nghèn nghẹn cho người đọc. Rõ ràng, quá dễ.
Vâng, dễ đến độ khi thời sự đi qua thì hỡi ôi, những trang viết đó cũng “mất hút con mẹ hàng lươn”. Không một ai nhớ đến nữa. Thế đấy. Hóa ra viết văn học trào phúng cực khó. Vì rằng, từ một thời sự xảy ra trong thời điểm này nhưng rồi sau đó khi gặp sự việc tương tự người ta lại nhớ đến. Ấy mới là cái tài của nhà văn chuyên nghiệp muốn đem lại tiếng cười cho bạn đọc, từ trang viết của mình. Thật mừng, khi dòng văn học trào phúng vừa xuất hiện thêm cây bút Lê Thiếu Nhơn.
Nói như thế, vì Nhà xuất bản Tổng hợp TP.HCM ấn hành tập truyện trào phúng “Kế hoạch tỏa sáng khắp hành tinh” của tác giả Lê Thiếu Nhơn, nối tiếp tập truyện trào phúng “Cơn cao hứng đáng giá ngàn vàng” mà anh đã ra mắt năm 2019. Với tác giả Lê Thiếu Nhơn, có thể nói đây là những pha “đá giò lái” cực đẹp, vì xưa này, công chúng viết anh với tư cách nhà thơ, nhà phê bình hơn là cây bút trào phúng. Vậy mà, anh đã có những cú “làm bàn” đẹp mắt.
Có thể kề đến hàng loạt những truyện ngắn như “Chỉ tại cái khẩu trang”, “Có tiền thỏa sức mua danh”, “Thú chơi ảo giác tiền tỷ”, “Tập viết theo phong cách bác sĩ”… chứng tỏ Lê Thiếu Nhơn đã là cây bút có nghề.
Vậy, đâu là kinh nghiệm của anh? Nhà thơ Lê Thiếu Nhơn cho biết: “Truyện trào phúng dù ngắn dù dài, cũng là một thể loại văn chương dành cho những người biết cười và dám cười. Bởi lẽ truyện trào phúng lấy tiếng cười để khái quát những sự kiện nóng bỏng và nhân vât chung quanh”; anh còn suy nghĩ: “Và, biết đâu, tiếng cười giúp chúng ta trưởng thành hơn và nhân ái hơn, giữa cuộc đời bộn bề nhiễu nhương thương khó âu lo này”.
Tôi hoàn toàn đồng ý với anh, chỉ nhấn mạnh thêm cái ý của anh: “dám cười”. Có như thế may ra, các tiểu phẩm, truyện ngắn của chúng mới nên cơm cháo gì đó, bằng không một khi thời sự đã đi qua thì nó không còn dấu vết mảy may gì nữa. Hóa viết cho thể loại này không dễ “ngon ăn”.
Vì thế, chúc mừng nhà thơ Lê Thiếu Nhơn đã gia nhập vào làng cười một cách ngon lành.