Cuộc thi Văn học tuổi 20 là một địa chỉ văn chương được giới trẻ tin yêu và chờ đợi. Cuộc thi Văn học tuổi 20 được Nhà xuất bản Trẻ khởi động từ năm 1994, và lần lượt giới thiệu nhiều cây bút mới cho thị trường sách Việt Nam.
Cuộc thi Văn học tuổi 20 lần thứ 7, có thời gian nhận tác phẩm tham dự từ 1/1/2019 đến 30/10/2021, đã thu hút 511 bản thảo ứng thí. Hội đồng chung khảo đã chọn 7 tác phẩm vào vòng chung kết xếp hạng. Kết quả, không có giải nhất.
2 giải Nhì được trao cho “Vụn ký ức” của Yang Phan và “Nửa lời chưa nói” của Duy Ân. 2 giải Ba được trao cho “Vệt sáng của bụi” của Lê Quang Trạng và “Chuồng cọp trên cao” của Nguyễn Thu Hằng. 3 giải Tư được trao cho “Có thú dữ trong thành phố” của Nguyên Nguyên, “Bảy bảy bốn chín” của Hoàng Công Danh và “Chopin biến mất” của Hiền Trang.
Như vậy, đây là lần thứ hai liên tiếp, cuộc thi Văn học tuổi 20 thiếu vắng quán quân. Cuộc thi Văn học tuổi 20 lần thứ 6, cũng đã trao 2 giải nhì cho “Wittgenstein của thiên đường đen” của Maik Cây và “Người lạ” của Mai Thảo Yên.
Trước đó, từ lần thứ 1 đến lần thứ 5, cuộc thi Văn học tuổi 20 đều có quán quân. Lần thứ 1 là Nguyên Hương với “Quà muộn”, lần thứ 2 là Nguyễn Ngọc Tư với “Ngọn đèn không tắt”, lần thứ 3 là Trần Thị Hồng Hạnh với “Bài học đầu tiên”, lần thứ 4 Trương Anh Quốc với “Biển”, và lần thứ 5 là Nhật Phi với “Người ngủ thuê”.
Bất cứ một cuộc thi nào, thì mọi vinh quang đều được người đoạt giải nhất mang đi hết. Giải nhất lọt vào tầm ngắm của công chúng, và giải nhất cũng tạo áp lực không nhỏ cho chính tác giả.
Không có giải nhất, không có nghĩa chất lượng cuộc thi không đảm bảo. Có thể do sự khác biệt trong đánh giá giữa các thành viên hội đồng chung khảo, khiến “lá phiếu” đồng thuận không cao cho quán quân.
Hai tác phẩm đoạt giải Nhì cuộc thi Văn học tuổi 20 lần thứ 7 có gì đáng bận tâm? Về tác phẩm “Vụn ký ức” của Yang Phan, hai giám khảo nữ nhận định khá ngắn gọn, nhà văn Phan Hồn Nhiên chốt bằng chữ “vượt trội” còn nhà văn Nguyễn Ngọc Tư khẳng định “một cuốn sách hay, hấp dẫn, có văn”.
Về tác phẩm “Nửa lời chưa nói” của Duy Ân, thì hai giám khảo nam có học hàm, học vị lại phân tích tương đối tỉ mỉ. Phó Giáo sư – Tiến sĩ Nguyễn Thành Thi cho rằng: “Người viết truyện và người nghiên cứu ngôn ngữ thường nhập hòa làm một, kể cho bạn đọc nghe những câu chuyện về sự kỳ diệu lẫn giới hạn của ngôn ngữ và giao tiếp bằng ngôn ngữ… Từ đó, một cách nhẹ nhàng, tự nhiên, những câu chuyện kéo người đọc dự phần vào trò chơi nhận thức, khám phá về mối quan hệ phức tạp, trừu xuất giữa ngôn ngữ và nhận thức của con người.
Tập truyện mang lại một cái nhìn ít nhiều có tính phát hiện trước một số vấn đề của đời sống nhưng không chỉ là đời sống của con người, xã hội mà còn là đời sống của ngôn ngữ và văn hoá. Các truyện viết khá nhuần nhị đều tay, tuy đôi lúc hơi nặng về lý trí. Kỹ thuật trần thuật khá linh hoạt, biến hóa, làm cho điều khó hiểu trở nên hấp dẫn”.
Ở góc độ khác, Phó Giáo sư – Tiến sĩ Ngô Văn Giá chia sẻ: “Tác giả trẻ Duy Ân đã lấy ngay bộ môn khoa học về ngôn ngữ và nhận thức của con người làm đối tượng quan tâm và mô tả, với lối viết thông minh xen chất trào tiếu nhẹ nhàng, làm bật lên những phát hiện bất ngờ. Thì ra, giữa hoạt động ngôn ngữ và hoạt động nhận thức không phải bao giờ cũng xuôi chèo mát mái, mà nhiều khi chênh lệch, bất khả tri, bất khả dụng... Và đặc biệt, toàn bộ đời sống này, suy cho cùng, được tri nhận/ kiến tạo bằng ngôn ngữ, diễn giải bằng ngôn ngữ. Đây là một vấn đề của triết học ngôn ngữ, chỉ mới ra đời vào nửa sau của thế kỷ 20, và từ bấy đến nay chưa bao giờ ngừng bận tâm đối với các nhà khoa học và triết học. Các câu chuyện của Duy Ân về vấn đề này tự nó làm nên một khác biệt, độc đáo, hầu như chưa mấy ai quan tâm trong văn học Việt Nam, rất thú vị”.