Theo Viện Quy hoạch Thủy lợi Miền Nam, số liệu của Ủy hội sông Mekong Quốc tế cho thấy, mực nước trong tháng 7/2023 tại trạm Kratie trên sông Mekong có xu thế tăng do ảnh hưởng của hoàn lưu cơn bão số 1 làm gió mùa Tây Nam hoạt động mạnh, gây mưa khá lớn trên lưu vực.
Cụ thể, mực nước tăng nhẹ trong 2 tuần đầu tháng và tăng mạnh hơn vào 2 tuần cuối tháng. Đến ngày 31/7 mực nước tại Kratie đạt 14,97m, thấp hơn trung bình nhiều năm (TBNN) 1,53m; cao hơn 0,91m so với cùng kỳ năm 2022.
Diễn biến mực nước Biển Hồ trong tháng 7 cũng ở mức thấp, có xu thế tăng nhẹ trong 2 tuần đầu tháng, và tăng mạnh hơn vào 2 tuần cuối tháng. Đến ngày 31/7 mực nước đạt 2,54m, thấp hơn TBNN 3,64m; thấp hơn 1,52m so với cùng kỳ năm 2022.
Cũng đến ngày 31/7, mực nước cao nhất tại Tân Châu đạt 1,84m, thấp hơn TBNN 0,49m; cao hơn 0,02m so với cùng kỳ năm 2022; mực nước cao nhất tại Châu Đốc đạt 1,88m, thấp hơn TBNN 0,09m; cao hơn 0,07m so với cùng kỳ năm 2022.
Dựa trên diễn biến nguồn nước sông Mekong, Viện Quy hoạch Thủy lợi Miền Nam dự báo, lũ đầu vụ đến cuối tháng 8 sẽ ở mức thấp. Cuối tháng 8 mực nước dự báo đạt 2,7m tại Tân Châu và 2,35m tại Châu Đốc. Mực nước lũ đầu vụ không cao nên ít có khả năng ảnh hưởng đến các khu vực sản xuất lúa hè thu và thu đông trên địa bàn các tỉnh ĐBSCL năm 2023.
Tuy nhiên, các khu vực sản xuất nằm ngoài ô bao trên địa bàn các tỉnh đầu nguồn sông Cửu Long như An Giang, Đồng Tháp, Long An (đặc biệt là trên địa bàn tỉnh Long An do diện tích sản xuất ngoài ô bao trên địa phương này còn khá nhiều) vẫn có nguy cơ bị ảnh hưởng, cần theo dõi chặt chẽ và có giải pháp ứng phó kịp thời.
Tuy lũ trong tháng 8 tại ĐBSCL dự báo ở mức thấp nhưng mưa và triều cường lại sẽ khá cao. Theo kết quả dự báo của Trung tâm Đại dương và Khí quyển Quốc gia Hoa Kỳ (NOAA), chuẩn sai mưa dự báo trên lưu vực hạ lưu sông Mekong trong tháng 8 hầu hết cao hơn TBNN, với chuẩn sai dương phổ biến từ 0,5 - 2,0 mm/ngày, chỉ riêng khu vực Tây Nam Campuchia lượng mưa xấp xỉ TBNN.
Viện Quy hoạch Thủy lợi Miền Nam cho biết, mưa và triều cường dự báo trong tháng 8 ở mức khá cao, nhiều khả năng gây ra ngập úng cục bộ khi xảy ra mưa lớn và mưa lớn kết hợp triều cường trên vùng ĐBSCL, đặc biệt là các khu vực có địa hình thấp trũng trên các tỉnh vùng giữa và vùng ven biển ĐBSCL.
Trong tháng 8, tại vùng giữa ĐBSCL, mực nước ở mức cao từ 1-1,96 m tập trung ở Gò Công Đông, TP Mỹ Tho thuộc tỉnh Tiền Giang; huyện Chợ Lách, Châu Thành, TP Bến Tre của tỉnh Bến Tre; huyện Cao Lãnh, Lai Vung thuộc tỉnh Đồng Tháp; huyện Tam Bình, Vũng Liêm, Trà Ôn thuộc tỉnh Vĩnh Long; huyện Càng Long thuộc tỉnh Trà Vinh; các quận thuộc TP Cần Thơ; TP Ngã Bảy thuộc tỉnh Hậu Giang; huyện Long Phú thuộc tỉnh Sóc Trăng. Trong đó, mực nước cao nhất tập trung ở khu vực ven sông chính trên địa bàn các huyện Cao Lãnh, các quận TP Cần Thơ, và huyện Long Phú tỉnh Sóc Trăng.
Tại vùng ven biển ĐBSCL, mực nước ở mức cao từ 1,29 - 1,92m tập trung ở các huyện Bình Đại, Ba Tri, Thạnh Phú thuộc tỉnh Bến Tre; huyện Châu Thành, Duyên Hải thuộc tỉnh Trà Vinh; huyện Trần Đề, Vĩnh Châu thuộc tỉnh Sóc Trăng; TP Bạc Liêu, huyện Hòa Bình, huyện Đông Hải thuộc tỉnh Bạc Liêu. Trong đó, mực nước cao nhất tập trung ở khu vực ven cửa sông chính và ven Biển trên địa bàn huyện Trần Đề tỉnh Sóc Trăng.
Viện Quy hoạch Thủy lợi Miền Nam đề nghị các địa phương cần theo dõi chặt chẽ thông tin dự báo, cảnh báo mưa, lũ, triều cường để kịp thời đưa ra các giải pháp ứng phó với nguy cơ ngập lụt trong tháng 8.