| Hotline: 0983.970.780

Lực lượng mỏng và thiếu chuyên nghiệp, Cần Thơ khó phòng, chống thiên tai

Thứ Hai 24/04/2023 , 13:49 (GMT+7)

Cần Thơ Tình hình thiên tai đến cuối năm còn phức tạp, lãnh đạo TP. Cần Thơ yêu cầu các địa phương lên phương án ứng phó sát thực tế, phù hợp từng cấp độ rủi ro.

Theo thông tin từ Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự - Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn TP. Cần Thơ, trong năm 2022, trên địa bàn thành phố đã xảy ra 13 điểm sạt lở tại các quận Bình Thủy, Cái Răng, Ô Môn, Thốt Nốt, Thới Lai và Phong Điền.

Triều cường là một trong hai loại hình thiên tai được ghi nhận trong những tháng đầu năm 2023 trên địa bàn TP. Cần Thơ. Ảnh: Kim Anh.

Triều cường là một trong hai loại hình thiên tai được ghi nhận trong những tháng đầu năm 2023 trên địa bàn TP. Cần Thơ. Ảnh: Kim Anh.

Hậu quả làm sạt hoàn toàn 5 căn nhà, 16 căn nhà bị sạt một phần hoặc bị ảnh hưởng với tổng chiều dài 364m, tổng thiệt hại ước tính lên tới 3,6 tỷ đồng.

Đồng thời, người dân trên địa bàn thành phố cũng chịu ảnh hưởng của 4 đợt triều cường gây trở ngại cho nhiều hoạt động giao thông, kinh doanh buôn bán, học tập của học sinh. Triều cường cũng là một trong những tác nhân gây ra sạt lở, sụt lún một số đoạn đê bao, bờ sông, kênh rạch.

2 tháng đầu năm 2023, thành phố đã ghi nhận 2 loại hình thiên tai là sạt lở bờ sông và triều cường. Trong đó, có 2 điểm sạt lở, một điểm xảy ra trên tuyến sông Ô Môn thuộc địa bàn ấp Thới Thuận, xã Thới Thạnh, huyện Thới Lai, với chiều dài 26 mét, ăn sâu vào đất liền 12 mét và một điểm sạt lở trên tuyến kênh Thạnh Đông, khu vực Khánh Hưng, phường Phú Thứ, quận Cái Răng có chiều dài 25 mét, ăn sâu vào đất liền 3 mét. Ước tính tổng thiệt hại trên 800 triệu đồng.

Bên cạnh đó, ngay từ đầu tháng Giêng âm lịch, một đợt triều cường đạt mức xấp xỉ báo động 3 cũng xuất hiện trên địa bàn thành phố. Theo các chuyên gia khí tượng đánh giá, đây là kỳ triều cường khá bất thường, chưa từng xảy ra vào đúng những ngày Tết cổ truyền.

Theo dự báo của Đài Khí tượng thủy văn TP. Cần Thơ, mùa mưa 2023 tại thành phố có khả năng đến trễ hơn so với năm 2022. Riêng trong nửa đầu tháng 4 đã ghi nhận những cơn mưa chuyển mùa và sang nửa cuối tháng 4 này dự báo sẽ có mưa nhiều trên diện rộng và mùa mưa chính thức bắt đầu từ đầu tháng 5.

Chế độ thủy văn trên các sông rạch TP. Cần Thơ đang ở trong thời kỳ nửa cuối của mùa kiệt, mực nước trên các sông rạch tiếp tục xuống thấp cho đến tháng 6. Hiện nay, trong thời kỳ cao điểm mùa khô, độ mặn 0,5 - 1,5 ‰ có khả năng xâm nhập đến các địa phương vùng giáp ranh tỉnh Hậu Giang dọc theo sông Hậu.

Diễn biến của thiên tai và thời tiết ngày càng cực đoan, khó lường trong khi đó tại nhiều địa phương trên địa bàn TP. Cần Thơ, các điều kiện phục vụ cho công tác chỉ huy, chỉ đạo phòng chống thiên tai chưa được đảm bảo, đặc biệt là việc bố trí nhân lực.

Theo Ban chỉ huy Phòng thủ dân sự - Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn TP. Cần Thơ, khó khăn hiện nay là đội ngũ cán bộ trực tiếp làm công tác phòng chống thiên tai các cấp còn thiếu, chưa được đào tạo bài bản, do đó năng lực chưa đáp ứng được yêu cầu, chủ yếu làm công tác kiêm nhiệm nên gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ.

Hệ thống đê bao trên địa bàn TP. Cần Thơ thường xuyên được gia cố để đảm bảo sinh hoạt và sản xuất của người dân. Ảnh: Kim Anh.

Hệ thống đê bao trên địa bàn TP. Cần Thơ thường xuyên được gia cố để đảm bảo sinh hoạt và sản xuất của người dân. Ảnh: Kim Anh.

Để giải quyết khó khăn này, ông Trần Việt Trường, Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ, Trưởng Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự - Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn thành phố đã yêu cầu Ban Chỉ huy các ngành, quận, huyện tổ chức tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm về công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2022.

Đồng thời làm rõ nguyên nhân những hạn chế, yếu kém để có biện pháp chấn chỉnh, khắc phục, củng cố. Kiện toàn và phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên Ban Chỉ huy các cấp để kịp thời điều hành, xử lý các tình huống khi có thiên tai xảy ra.

Bên cạnh đó, ông Trường đề nghị các địa phương khi xây dựng kế hoạch, phương án ứng phó với thiên tai phải phù hợp theo từng cấp độ rủi ro thiên tai và tình hình thực tế. Đặc biệt cần có sự tính toán chi tiết việc huy động lực lượng, phương tiện cơ giới để di dời người dân một cách nhanh chóng, an toàn khi thiên tai xảy ra, trên tinh thần “bốn tại chỗ”.

Trên cơ sở đó, thời gian qua, Sở NN-PTNT TP. Cần Thơ đã xây dựng kế hoạch chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp, mùa vụ thích hợp đối với những vùng thường xuyên bị ảnh hưởng của thiên tai. Bên cạnh đó, hệ thống đê bao cũng thường xuyên được duy tu, sửa chữa, gia cố, đặc biệt là các đoạn đê xung yếu và nạo vét các công trình thủy lợi, đảm bảo phục vụ ngăn lũ cho lúa, vườn cây ăn trái, vùng nuôi trồng thủy sản… từ đó hạn chế được thiệt hại tới cây trồng, vật nuôi.

Theo Bộ NN-PTNT, năm 2022, thiên tai diễn biến bất thường, cực đoan, trái quy luật. Trong cả nước, thiên tai đã làm 175 người chết, mất tích, thiệt hại về kinh tế gần 19.500 tỷ đồng, tăng đáng kể so với năm 2021.

Qua 3 tháng đầu năm 2023, thiên tai đã làm 7 người mất tích trong cả nước, thiệt hại kinh tế gần 25 tỷ đồng. Theo nhận định của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, tình hình thiên tai từ nay đến cuối năm 2023 sẽ còn diễn biến phức tạp.

Xem thêm
Thủ tướng tặng quà, động viên công nhân thi công tuyến đường cao tốc huyết mạch

Thị sát các dự án đường cao tốc, Thủ tướng nhắc nhở các địa phương chú trọng xây dựng các khu tái định cư, bảo đảm người dân có cuộc sống tốt nhất.

Chia nước theo thứ tự ưu tiên

Do nắng hạn kéo dài, không có mưa đã khiến các hồ đập cạn kiệt nguồn nước, tỉnh Bình Thuận dự kiến sẽ cắt giảm hơn 15.000ha lúa trong vụ hè thu tới.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Người vùng cát trắng…

Vùng cát trắng trên miền đất lửa Quảng Trị hôm nay đã phần nào bớt đi những ám ảnh, thay vào đó là khát vọng lớn lao để vươn lên trên chính quê hương mình.

Bình luận mới nhất