| Hotline: 0983.970.780

Dồn lực hoàn thành các công trình chống sạt lở trước mùa mưa bão

Thứ Năm 08/06/2023 , 14:00 (GMT+7)

Trước thách thức của 2 loại hình thiên tai là sạt lở và triều cường ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống người dân, Cần Thơ gấp rút triển khai các giải pháp đảm bảo an toàn trước mùa mưa bão 2023.

Sạt lở liên miên

Sạt lở và triều cường là hai loại hình thiên tai hiện hữu tại TP Cần Thơ trong năm 2023. Theo Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ, từ nay đến cuối tháng 6, ĐBSCL sẽ có nhiều đợt mưa lớn trên diện rộng, nguy cơ ngập cục bộ ở vùng trũng, khu vực ven sông, kênh rạch.

Hiện, Sở NN-PTNT TP Cần Thơ đang tăng cường các giải pháp kiểm tra, rà soát khu vực các bờ sông, kênh, rạch trong đầu mùa mưa bão 2023. Đồng thời, có kế hoạch vận động, di dời người dân sống trong khu vực nguy cơ sạt lở, xây dựng kè tạm, kè sinh học, hạn chế tối đa sạt lở xảy ra.

Đầu mùa mưa bão 2023, TP Cần Thơ liên tiếp ghi nhận các vụ sạt lở nghiêm trọng. Ảnh: Kim Anh.

Đầu mùa mưa bão 2023, TP Cần Thơ liên tiếp ghi nhận các vụ sạt lở nghiêm trọng. Ảnh: Kim Anh.

Chỉ tính riêng tháng 5/2023, TP Cần Thơ đã ghi nhận liên tiếp 3 vụ sạt lở nghiêm trọng xảy ra trên địa bàn huyện Thới Lai và quận Bình Thủy.

Tại điểm sạt lở ở khu vực Thới Thuận, phường Thới An Đông, quận Bình Thủy xảy ra ngày 19/5, tuyến đường giao thông dọc sông Trà Nóc, vị trí từ cầu Trà Nóc 2 hướng về kênh KH8 khoảng 320m bị đổ sụp xuống sông, chia cắt hoàn toàn. Chiều dài đoạn sạt lở khoảng 50m, chiều dài đoạn có nguy cơ sạt lở 50m và chiều sâu điểm sạt lở khoảng 5m.

Chính quyền quận Bình Thủy đã thực hiện cấm biển tải trọng 1T và bảng lưu ý “khu vực có nguy cơ sạt lở bờ sông”, để cảnh báo, quản lý phương tiện lưu thông, neo đậu tàu thuyền vào các vị trí trên, đồng thời hạn chế việc tác động lực đến công trình.

Bà Nguyễn Thị Nguyên có nhà nằm cách điểm sạt lở trên khoảng 5m lo lắng chia sẻ, trước đây tuyến đường này là lộ giao thông nông thôn ở mức độ thấp, tháng triều cường dâng cao, những ngôi nhà gần bờ sông phải chịu cảnh nước tràn vào nhà. Khi tuyến đường được xây dựng, người dân vui mừng khôn xiết, việc đi lại dễ dàng, thuận tiện hơn. Thế nhưng chưa tròn 1 năm sau khi được đưa vào sử dụng, tuyến đường đã bị sạt lở, người dân nơm nớp lo sợ, ngủ không yên.

Ông Nguyễn Văn Suôl cũng buồn rầu cho hay, chỉ trong một đêm, nguyên đoạn đường phía trước nhà đổ sụp xuống sông. Theo ý kiến của ông Suôl, đoạn đường nằm ngay sông lớn nhưng không có kè bảo vệ sẽ không đảm bảo bền vững, hơn nữa tình trạng sà lan bơm cát hoạt động dọc tuyến sông cũng đe dọa đến khả năng chống chịu của tuyến đường.

Ông Nguyễn Ngọc Hè, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ yêu cầu rà soát lại toàn bộ độ sâu lòng sông tại các điểm xảy ra sạt lở, lên các phương án khắc phục sự cố khẩn cấp. Ảnh: Kim Anh.

Ông Nguyễn Ngọc Hè, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ yêu cầu rà soát lại toàn bộ độ sâu lòng sông tại các điểm xảy ra sạt lở, lên các phương án khắc phục sự cố khẩn cấp. Ảnh: Kim Anh.

“Sự cố đã xảy ra rồi, tôi mong muốn chính quyền địa phương phục hồi hiện trạng con đường, làm kè kiên cố để chống sạt lở”, ông Suôl bày tỏ mong muốn.

Vừa qua, UBND quận Bình Thủy đã có văn bản kiến nghị UBND TP Cần Thơ có phương án hỗ trợ, khắc phục điểm sạt lở trên, theo hình thức xây dựng kè bê tông kiên cố, đảm bảo tính mạng, tài sản, giao thông đi lại cho người dân. Đồng thời, điểm sạt lở đang có dấu hiệu lấn sâu vào bờ, đe dọa đến an toàn về người và nhà ở của các hộ sống phía bên trong tuyến đường.

Vài năm gần đây, tình hình sạt lở tại TP Cần Thơ nói riêng và vùng ĐBSCL nói chung trở nên báo động, không chỉ diễn ra trong mùa mưa bão, mà còn diễn biến nghiêm trọng ngay trong mùa khô.

Tại huyện Thới Lai, trong vòng 4 ngày đã ghi nhận 2 đợt sạt lở cùng xảy ra tại xã Tân Thạnh. Cụ thể, ngày 20/5, 55m đường cặp bờ sông Ô Môn thuộc ấp Thới Phước 1 bất ngờ đổ sụp xuống xông, tấn công sâu vào bờ 8m, nguy cơ sạt lở thêm đoạn đường dài khoảng 50m. Tiếp đến ngày 24/5, tại ấp Thới Khánh cũng ghi nhận đợt sạt lở 40m đường.

Ngoài lên phương án khắc phục hậu quả sạt lở, UBND huyện Thới Lai đã kiến nghị UBND TP Cần Thơ xây dựng kế hoạch đầu tư, ứng phó sạt lở theo lộ trình tại 13 điểm hiện đang tiềm ẩn nguy cơ sạt lở rất cao nằm trên đoạn sông Ô Môn, với chiều dài trên 7km.

Mới đây, trong chuyến khảo sát thực tế tại các điểm sạt lở, ông Nguyễn Ngọc Hè, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ đã yêu cầu các đơn vị chức năng liên quan thực hiện rà soát lại toàn bộ độ sâu lòng sông tại các điểm xảy ra sạt lở. Từ đó lên phương án khắc phục sự cố khẩn cấp, có thể tính đến phương án xây dựng cầu ngang hoặc kè kiên cố, đảm bảo ổn định cuộc sống người dân trong khu vực bị ảnh hưởng.

Theo Sở NN-PTNT TP Cần Thơ, từ năm 2010 - 2022, thành phố có 262 điểm sạt lở với tổng chiều dài gần 10.000m, 94 căn nhà bị hư hại hoàn toàn. Sạt lở cũng khiến 4 người chết và 5 người bị thương. Hiện nay, diễn biến của sạt lở bờ sông và các kênh rạch trên địa bàn thành phố vẫn còn phức tạp, bất ngờ, nhất là tại các khu vực có mật độ giao thông thủy lớn, những đoạn sông nằm giao thoa giữa dòng chảy sông và triều...

Tăng khả năng thích ứng của đô thị

Nhằm tăng khả năng chống chịu của TP Cần Thơ trước nguy cơ về ngập lụt và nâng cao năng lực quản lý đô thị thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH), từ tháng 6/2016, thành phố đã khởi động Dự án Phát triển TP Cần Thơ và tăng cường khả năng thích ứng của đô thị.

Dự án do Ngân hàng Thế giới (WB) tài trợ, trong đó có mục tiêu tăng cường năng lực của chính quyền thành phố Cần Thơ trong việc quản lý rủi ro thiên tai.

Ông Trần Việt Trường, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ kiểm tra tiến độ thi công một số công trình thuộc Dự án Phát triển TP Cần Thơ và tăng cường khả năng thích ứng của đô thị. Ảnh: Kim Anh.

Ông Trần Việt Trường, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ kiểm tra tiến độ thi công một số công trình thuộc Dự án Phát triển TP Cần Thơ và tăng cường khả năng thích ứng của đô thị. Ảnh: Kim Anh.

Ngày 25/5, ông Trần Việt Trường, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ đã có chuyến khảo sát thực tế, kiểm tra tiến độ thi công một số công trình thuộc dự án trên như: Gói thầu cải tạo hệ thống thoát nước khu vực trung tâm quận Ninh Kiều, Gói thầu xây dựng cầu Trần Hoàng Na.

Theo Ban quản lý dự án ODA (trực thuộc UBND TP Cần Thơ), gói thầu CT3-PW-1.11: Cải tạo hệ thống thoát nước khu vực trung tâm quận Ninh Kiều triển khai thực hiện tại 34 tuyến đường trên toàn quận.

Hiện nay, tiến độ thi công các cống đã hoàn thành đạt khoảng 65% khối lượng công việc. Do phạm vi thi công trải dài trên nhiều tuyến đường trung tâm quận, bề rộng mặt đường nhỏ, hẹp, một số tuyến đường giới hạn tải trọng xe đã làm ảnh hưởng đến tiến độ thi công.

Với gói thầu CT3-PW-2.4: Xây dựng cầu Trần Hoàng Na, khởi công từ tháng 9/2020 đến nay, khối lượng công việc đạt trên 77%. Hiện, việc thi công 3 nhịp dầm thép chính còn khó khăn. Nguyên nhân được đơn vị thi công đưa ra là do phải trực tiếp lắp đặt và hàn các khối dầm trực tiếp ngoài công trường, phụ thuộc vào thời tiết và khí hậu, nhất là trong giai đoạn mùa mưa.

Đơn vị đang tăng cường các mũi thi công, tăng ca để bù trừ và khắc phục vấn đề thời tiết. Đồng thời khẩn trương thi công 4 trụ tạm lắp đặt vòm thép trên công trường để đảm bảo trong tháng 7 tới sẽ hợp long toàn bộ vòm thép.

Đối với Dự án kè Cái Sơn, ông Trần Việt Trường, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ đề nghị UBND quận Ninh Kiều phải đảm bảo bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công trong tháng 6 để đảm đẩy nhanh đúng tiến độ.

Bởi đây là dự án được kỳ vọng giải quyết hiệu quả vấn đề sạt lở cho đoạn bờ từ cầu Cái Sơn, phường An Bình, quận Ninh Kiều đến điểm tiếp giáp với Dự án kè chống sạt lở khu vực chợ Mỹ Khánh, huyện Phong Điền.

Công trình kè chống sạt lở, chống xâm nhập mặn, ứng phó biến đổi khí hậu khu vực rạch Cái Sơn. Ảnh: Kim Anh.

Công trình kè chống sạt lở, chống xâm nhập mặn, ứng phó biến đổi khí hậu khu vực rạch Cái Sơn. Ảnh: Kim Anh.

Với khối lượng công việc còn rất lớn và tiến độ thi công hiện tại đang chậm, ông Trường yêu cầu Ban quản lý dự án ODA, nhà thầu và đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ, tập trung dồn lực, khó khăn tới đâu báo cáo tới đó để tìm hướng giải quyết.

Đặc biệt, nhanh chóng giải quyết vướng mắc liên quan đến vật tư, vật liệu, thống nhất biện pháp thi công đối với các hạng mục công việc còn lại, không để kéo dài. Trong quá trình thi công, các đơn vị phải chú ý đảm bảo tuyệt đối an toàn lao động, thi công đúng kỹ thuật, hồ sơ chặt chẽ đúng quy trình.

Ông Trường đề nghị tất cả các hạng mục công trình trên cần được tập trung hoàn thành trước thời điểm ngày 2/9/2023, đảm bảo người dân được hưởng lợi, thuận lợi cho việc đi lại, giao thương, sinh hoạt trong mùa mưa bão 2023, nâng cao năng lực ứng phó với BĐKH của TP Cần Thơ.

Xem thêm
Trà Vinh kết thúc hoạt động 8 Đảng đoàn, 3 Ban cán sự Đảng

Tỉnh này đã họp bàn tinh gọn tổ chức bộ máy, kết thúc hoạt động 8 Đảng đoàn, 3 Ban cán sự Đảng và thành lập 2 Đảng bộ trực thuộc Tỉnh ủy.

Vượt thách thức, triển khai toàn diện công tác thủy lợi, nước sạch nông thôn

Mặc dù đối diện với nhiều khó khăn, thách thức trong năm 2024, nhưng Cục Thủy lợi đã triển khai thực hiện toàn diện công tác về thủy lợi, nước sạch nông thôn.

Khánh Hòa dự báo mưa lớn, nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất

Theo dự báo, từ đêm 23 - 25/12, tỉnh Khánh Hòa có mưa vừa, mưa to, cục bộ có nơi mưa rất to và dông, nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất…