| Hotline: 0983.970.780

Trở ngại cho quyết tâm chuyển 'nghề cá nhân dân sang nghề cá có trách nhiệm'

Thứ Sáu 27/03/2020 , 08:36 (GMT+7)

Thanh Hóa quyết tâm chuyển từ “nghề cá nhân dân sang nghề cá có trách nhiệm”. Tuy nhiên, quyết tâm này đang gặp nhiều trở ngại.

Nhiều chủ tàu vẫn có tâm lý trông chờ sự hỗ trợ của Nhà nước để lắp đặt thiết bị giám sát hành trình. Ảnh: VK.

Nhiều chủ tàu vẫn có tâm lý trông chờ sự hỗ trợ của Nhà nước để lắp đặt thiết bị giám sát hành trình. Ảnh: VK.

Tâm lý trông chờ hỗ trợ

Theo quy định, tàu cá có chiều dài từ 15m phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình. Tuy nhiên, tỷ lệ lắp đặt thiết bị giám sát hành trình cho các tàu đánh bắt trên biển tại Thanh Hóa hiện chỉ đạt gần 8,6%.

Ông Nguyễn Trọng Thơ, chủ tàu tại xã Hải Hòa, huyện Tĩnh Gia cho hay, tàu của ông dài 21m, theo quy định phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình và ông đã thực hiện đúng quy định kể từ cuối tháng 1/2020. Tuy nhiên, không phải chủ tàu nào cũng sẵn sàng bỏ ra gần 20 triệu đồng để lắp đặt thiết bị này.

Theo ông Thơ, những tàu có chiều dài trên 24m đều đã lắp đặt thiết bị này do được Nhà nước hỗ trợ. Những tàu có chiều dài từ 15 đến dưới 24m vẫn “cấn cá” vì hi vọng được hỗ trợ lắp đặt.

“Chúng tôi được tuyên truyền và bắt buộc phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình. Biết là tuân thủ đúng thì sẽ có rất nhiều lợi ích như giúp cơ quan quản lý Nhà nước giám sát được quá trình đánh bắt, thuận tiện hơn trong việc xác định nguồn gốc thủy sản... Thiết bị được lắp đặt trên tàu cũng sẽ giúp quá trình liên lạc với đất liền tốt hơn khi có sự cố xảy ra, giảm rủi ro, rắc rối khi hoạt động trên biển.

Tuy nhiên, bỏ ra số tiền gần 20 triệu đồng để lắp đặt thì không phải chủ tàu nào cũng sẵn sàng. Nhiều chủ tàu có tâm lý chờ xem Nhà nước có hỗ trợ gì không nên dù đã sắp hết hạn theo quy định nhưng vẫn chưa lắp.

Tôi cũng mong các chủ tàu tuân thủ theo quy định của Nhà nước để hoạt động đánh bắt trên biển thuận lợi hơn, sản lượng đánh bắt ngày càng tăng” – ông Thơ cho hay.

Cùng chung suy nghĩ trên, phải đợi đến cách đây hơn 1 tuần, ông Trần Văn Thuận, chủ tàu tại phường Quảng Tiến, TP Sầm Sơn mới lắp thiết bị giám sát hành trình. Ông Thuận cho rằng, việc lắp đặt thiết bị sẽ giúp hoạt động đánh bắt dần đi vào quy củ. Theo ông Thuận, vì lợi ích lâu dài, không chỉ ông mà các chủ tàu khác cũng nên tuân thủ quy định. 

“Cái lợi của việc lắp đặt thiết bị thì ai cũng đã rõ. Chỉ có điều, trong thời điểm đánh bắt khó khăn như hiện nay, bỏ gần 20 triệu đồng ra để gắn thiết bị, nhiều chủ tàu không muốn. Nếu không bắt buộc thì nhiều chủ tàu sẽ không lắp đâu” – ông Thuận nêu quan điểm.

Theo báo cáo của Ban chỉ đạo về IUU tỉnh Thanh Hóa, toàn tỉnh hiện có 1.331 tàu đánh bắt trên biển có chiều dài từ 15m trở lên. Tính đến giữa tháng 3/2020 mới chỉ có 114 tàu lắp đặt thiết bị giám sát hành trình theo quy định, tức là chỉ đạt 8,6%, thấp hơn rất nhiều so với bình quân cả nước (37%).

Trong số này, 107/107 tàu có chiều dài từ 24m trở lên được lắp đặt nhưng có 6 tàu không duy trì kết nối; chỉ mới 7/1.224 tàu có chiều dài từ 15m đến dưới 24m được lắp đặt.

Lý giải về vấn đề này, ông Cao Thanh Thọ, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Thanh hóa cho rằng, ngành chức năng đã tuyên truyền sâu rộng nhưng ngư dân không chấp hành. Tới đây, khi thời hạn bắt buộc lắp thiết bị giám sát hành trình đến, Thanh Hóa quyết tâm chuyển từ “nghề cá nhân dân sang nghề cá có trách nhiệm”.

Quyết tâm chuyển từ “nghề cá nhân dân sang nghề cá có trách nhiệm”

Đang xử lý công việc tại cơ quan nhưng cán bộ Chi cục Thủy sản Thanh Hóa vẫn cập nhật được lộ trình di chuyển, đánh bắt tàu cá của ông Nguyễn Trọng Thơ, chủ tàu tại xã Hải Hòa, huyện Tĩnh Gia đang hoạt động tại vùng biển Vịnh Bắc Bộ.

Hành trình di chuyển của con tàu này để lại lịch sử rõ ràng giúp cơ quan quản lý Nhà nước giám sát được hoạt động đánh bắt của ngư dân và lên phương án hỗ trợ nhanh khi cần thiết.

Nếu tàu dừng lại đánh bắt ở khu vực cấm, ra khơi mùa cá biển sinh sôi hay vi phạm lãnh hải quốc gia khác... sẽ được phát hiện và điều chỉnh ngay. Tất nhiên, đó là lúc tàu vừa lắp thiết bị giám sát hành trình vừa duy trì kết nối với đất liền.

Lắp đặt thiết bị giám sát hành trình giúp việc kiểm soát hoạt động đánh bắt của ngư dân được tốt hơn. Ảnh: Võ Dũng.

Lắp đặt thiết bị giám sát hành trình giúp việc kiểm soát hoạt động đánh bắt của ngư dân được tốt hơn. Ảnh: Võ Dũng.

Một cán bộ Chi cục Thủy sản Thanh Hóa cho hay, nếu tàu cá nào cũng được lắp đặt thiết bị giám sát hành trình thì việc quản lý đánh bắt của các tàu sẽ rất thuận lợi.

Tuy nhiên, việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình cho tàu cá tại Thanh Hóa đang gặp nhiều khó khăn; thời hạn đang đến rất gần nhưng tỷ lệ lắp đặt giám sát hành trình rất thấp. Khi đến hạn, nếu các chủ tàu không tuân thủ thì cơ quan chức năng buộc phải áp dụng chế tài xử phạt theo đúng quy định.

Theo ông Cao Thanh Thọ, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Thanh Hóa, muốn hoạt động đánh bắt hải sản bền vững không còn cách nào khác là phải chuyển từ “nghề cá nhân dân sang nghề cá có trách nhiệm”.

Thế nhưng, quyết tâm của ngành thủy sản Thanh Hóa đang đứng trước nhiều thách thức. Từ thực tế “cái khó bó cái khôn”, tỷ lệ lắp đặt thiết bị giám sát hành trình trên các tàu đánh bắt trên biển tại Thanh Hóa đang rất thấp.

“Mỗi thiết bị giám sát hành trình có giá khoảng 20 triệu đồng, hàng tháng phải nộp tiền thuê bao khoảng 400 nghìn đồng.

Ngư dân nại lý do thời gian gần đây đánh bắt khó khăn nên không có chi phí lắp đặt. 107/107 tàu có chiều dài từ 24 m đã lắp đặt một phần là nhờ có chính sách hỗ trợ của nhà nước còn các tàu có chiều dài từ 15 đến dưới 24 m thì không có chính sách hỗ trợ gì.

Tuy nhiên, đến tháng 4, nếu các tàu này không lắp đặt thì ngành chức năng phải thực hiện chế tài xử phạt theo quy định hiện hành” – ông Thọ cho hay.

Cũng theo ông Thọ, với những tàu không được hỗ trợ theo chính sách, Chi cục Thủy sản Thanh Hóa cũng có hướng đề xuất UBND tỉnh hỗ trợ một phần chi phí.

Tuy nhiên, thời điểm này ngân sách khó khăn do phải dồn cho phòng chống các loại dịch bệnh nên không thể đáp ứng. Ngư dân cần chủ động lắp đặt nếu không muốn hành trình ra khơi bị gián đoạn.

Sắp tới, ngành chức năng Thanh Hóa sẽ tiếp tục tuyên truyền, động viên ngư dân tuân thủ quy định; tăng cường công tác kiểm tra để xử lý...

Đến tháng 4/2020, những tàu đánh cá từ 15 m sẽ phải lắp thiết bị giám sát hành trình nếu muốn vươn khơi. Ảnh: Võ Dũng.

Đến tháng 4/2020, những tàu đánh cá từ 15 m sẽ phải lắp thiết bị giám sát hành trình nếu muốn vươn khơi. Ảnh: Võ Dũng.

“Đến hạn, nếu các tàu không tuân thủ quy định thì các lực lượng gồm biên phòng, các cảng cá, văn phòng đại diện nghề cá, Chi cục Thủy sản và chính quyền địa phương sẽ phối hợp để xử lý. Xử phạt sẽ là biện pháp cuối cùng nếu tuyên truyền, vận động không đạt hiệu quả.

Với những tàu không lắp thiết bị giám sát hành trình thì nhất quyết không được ra khơi, không chứng nhận nguồn gốc hải sản. Nếu ngư dân vẫn cố tình vươn khơi khi không lắp thiết bị giám sát hành trình thì chúng tôi kiên quyết xử lý” – ông Thọ cho biết.

Ông Thọ cũng cho biết thêm, để quản lý tốt hơn hoạt động đánh bắt trên biển, tỉnh Thanh Hóa đã thành lập Trung tâm Đăng kiểm tàu cá trực thuộc Chi cục Thủy sản.

Đến thời điểm này, nhân sự cho trung tâm chưa được đáp ứng nên việc đăng kiểm thời gian vừa qua phải nhở các trung tâm đăng kiểm từ Nam Định vào thực hiện.

Xem thêm
Thả 4,7 triệu con tôm giống ra biển Gành Hào

Bạc Liêu Đây là hoạt động nằm trong chuỗi sự kiện Lễ hội Nghinh Ông huyện Đông Hải lần thứ XXI năm 2024.

Xuất khẩu thủy sản 2 tháng đầu năm tăng 22,3%

Theo ước tính của Tổng cục Thống kê, trong 2 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 1,3 tỷ USD, tăng 22,3% so với cùng kỳ năm 2023.

Có máy tời kéo thuyền, ngư dân khỏe re

QUẢNG TRỊ Chiếc máy tời nhỏ gọn nổ xình xịch, kéo theo thuyền đánh cá lên bờ một cách nhẹ nhàng. Ngư dân vì thế giảm được sức người trong khai thác hải sản.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm