| Hotline: 0983.970.780

Ngư dân Cù Lao Xanh sống tốt nhờ chuyển đổi nghề

Thứ Sáu 04/10/2024 , 08:00 (GMT+7)

BÌNH ĐỊNH Sau khi những nghề truyền thống không còn hiệu quả, ngư dân Cù Lao Xanh (thành phố Quy Nhơn, Bình Định) chuyển sang các nghề khai thác hải sản khác cho thu nhập cao…

Cá thu không còn tự tìm về

Cù Lao Xanh - hòn đảo tiền tiêu của thành phố Quy Nhơn (tỉnh Bình Định) có địa danh hành chính là xã đảo Nhơn Châu. Từ bao đời nay, kế sinh nhai của ngư dân Cù Lao Xanh là nghề đánh bắt hải sản, “nổi đình nổi đám nhất” là nghề lưới đăng đánh bắt cá thu.

Ông Phan Văn Binh (62 tuổi), người có 17 năm làm Bí thư Đảng ủy và 5 năm làm Chủ tịch UBND xã Nhơn Châu là người được sinh ra trong gia đình có truyền thống làm nghề “ăn đằng sóng, nói đằng gió”. Hơn ai hết, ông Binh nắm rõ những thăng trầm của nghề biển ở đây. Theo ông Binh, trước đây, nghề lưới đăng đánh bắt cá thu đã mang đến cho ngư dân Cù Lao Xanh cuộc sống sung túc.

Hiện toàn đảo Cù Lao Xanh còn 73 phương tiện đánh bắt hải sản, chủ yếu làm các nghề mành mực, lưới rút và lưới cao. Ảnh: V.Đ.T.

Hiện toàn đảo Cù Lao Xanh còn 73 phương tiện đánh bắt hải sản, chủ yếu làm các nghề mành mực, lưới rút và lưới cao. Ảnh: V.Đ.T.

Trước đây, từ đầu tháng 2 đến đầu tháng 4 âm lịch hàng năm, từng đàn cá thu di trú từ ngoài khơi kéo về quần tụ ở vùng biển phía trước đảo. Các bậc tiền hiền ở Cù Lao Xanh theo dõi và biết được luồng cá đi. Cá thu đi từng đàn, từ ngoài khơi vào thì bị rạn san hô cao như căn nhà 5 - 7 tầng nằm cách đảo khoảng 2km chặn lại, do đó chúng chuyển hướng đi vào bờ. Khi vào gần đến bờ thì bị mắc cạn, lại chuyển hướng bơi qua mũi Đông để quay lại ra khơi.

Sau khi phát hiện “mỏ vàng” cá thu, thế hệ ngư dân đầu tiên ở Cù Lao Xanh nghiên cứu giàn lưới để đánh bắt cá thu. Các cụ sắm những đôi thuyền nan, đáy thuyền được đan bằng nan tre, be thuyền đóng ván. Mỗi con thuyền có chiều dài khoảng 10m, ngang 5 - 6m, thuyền không gắn máy, chỉ chèo bằng dằm tay. Cặp thuyền lưới đăng cá thu có 1 thuyền tới và 1 thuyền lui, đó là cách nói của ngư dân để phân biệt nhiệm vụ của mỗi chiếc thuyền khi hoạt động. Mỗi cặp thuyền có từ 16 - 20 bạn thuyền. Nghề lưới đăng cá thu đánh bắt gần bờ, 4 giờ chiều ra khơi, 4 giờ sáng hôm sau quay về bờ bán sản phẩm.

“Lưới đăng có chiều dài khoảng 300 sải tay, bủa từ trong ra đến gành, chặn đường đi ra biển của đàn cá thu để đánh bắt. Tùy theo đàn, có đàn 200 con, có đàn 500 con, mỗi con 3 - 4kg, con nhỏ nhất 1,5kg. Hồi ấy, nghề lưới đăng mỗi chuyến đánh bắt cá thu một người đi bạn được chia tiền có thể mua đến 1 cây vàng”, ông Binh cho hay.

Ông Phan Văn Binh, người có 17 năm làm Bí thư Đảng ủy và 5 năm làm Chủ tịch UBND xã Nhơn Châu chia sẻ về đời sống của ngư dân xã đảo. Ảnh: V.Đ.T.

Ông Phan Văn Binh, người có 17 năm làm Bí thư Đảng ủy và 5 năm làm Chủ tịch UBND xã Nhơn Châu chia sẻ về đời sống của ngư dân xã đảo. Ảnh: V.Đ.T.

Ông Nguyễn Mười ở thôn Tây, người từng tham gia nghề lưới đăng đánh bắt cá thu ở Cù Lao Xanh cho biết thêm: Cách đây 7 năm, nhà ông cũng còn hành nghề đánh bắt cá thu. Mỗi chuyến biển, đôi tàu của gia đình ông bủa được đến 2.000 con cá thu. Khi ấy, ở Cù Lao Xanh còn tồn tại 11 đôi tàu hành nghề lưới đăng. Sau đó, một ngư dân ở thôn Đông mua lại 10 đôi tàu của bạn thuyền trên đảo để “một mình một cõi”. Thế nhưng sau khi thâu tóm hết các đôi tàu lưới đăng của ngư dân Cù Lao Xanh, cá thu bỗng dưng vắng bóng trên vùng biển xã đảo.

“Khi ấy, gia đình tôi bán một đôi tàu kèm cả ngư lưới cụ chỉ 55 triệu đồng, trong lúc sắm mới đôi thuyền mất tiền đống. Nếu nghề đánh bắt cá thu cho thu nhập cao như thời vàng son thì anh ấy giàu to. Mỗi tháng có thể kiếm tiền tỷ, bởi lúc đó cá thu chỉ 17.000đ/kg, sau tăng lên 22.000đ/kg, giờ mấy trăm ngàn đồng 1kg. Thế nhưng giờ vùng biển Cù Lao Xanh đã vắng bóng cá thu, đánh bắt chuyến biển nào cũng lỗ tổn. Vậy nên hiện nay anh ấy chỉ còn hoạt động 1 đôi tàu, 10 đôi kia anh ta “xả bản” cho dân đảo tháo dỡ lấy ván”, ông Mười chia sẻ.

Ngư dân Cù Lao Xanh đan lưới cao để phục vụ chuyển đổi nghề đánh bắt. Ảnh: V.Đ.T.

Ngư dân Cù Lao Xanh đan lưới cao để phục vụ chuyển đổi nghề đánh bắt. Ảnh: V.Đ.T.

Làm nghề nhỏ, thu nhập lớn

Khi nghề truyền thống “hết ăn”, ngư dân Cù Lao Xanh lập tức chuyển đổi nghề để có thể sống được với biển. Ông Phan Văn Binh có 22 năm làm lãnh đạo xã đảo và cũng là một ngư dân thực thụ. Dù đang lo việc nước, ông Binh vẫn đảm đương nghề truyền thống của gia đình. Ngày lo việc nước, đêm về ông dong thuyền ra khơi đánh bắt gần bờ với cương vị thuyền trưởng.

Theo ông Binh, nhờ linh động chuyển đổi nghề nên những năm gần đây ngư dân Cù Lao Xanh đã được biển cho nhiều tiền hơn sau mỗi đêm đánh bắt. Trước đây ngư dân Cù Lao Xanh chỉ làm độc canh một nghề, trên mỗi phương tiện phải cần đến 7 - 8 lao động đi bạn. Những năm gần đây nguồn lợi thủy sản gần bờ ngày càng cạn kiệt, làm độc một nghề không còn hiệu quả. Nay, cũng trên phương tiện ấy, ngư dân trang bị nhiều loại ngư lưới cụ để làm đa nghề, mùa nào cá ấy, hoạt động quanh năm. Đặc biệt, bây giờ ngư dân Cù Lao Xanh không còn làm những nghề lớn, mà tập trung làm những nghề nhỏ ít cần lao động nhưng cho thu nhập cao.

Ông Binh phân tích: Nghề nhỏ thường chỉ cần 2 - 3 lao động, cha con trong nhà đã đủ hoạt động. Tối cho thuyền đi đánh bắt, sáng về bờ bán sản phẩm. Đánh được bao nhiêu cá, bán được bao nhiêu tiền chủ phương tiện hưởng trọn, không phải chia cho lao động đi bạn nên thu nhập tăng lên.

Ông Nguyễn Mười kể về thời vàng son của nghề lưới đăng đánh bắt cá thu. Ảnh: V.Đ.T.

Ông Nguyễn Mười kể về thời vàng son của nghề lưới đăng đánh bắt cá thu. Ảnh: V.Đ.T.

“Trước đây mỗi đêm một phương tiện thu nhập được 10 triệu đồng, trừ chi phí chuyến biển 2 triệu, 8 triệu còn lại chủ phương tiện hưởng một nửa là 4 triệu, 4 triệu còn lại chia cho lao động đi bạn. Tiền bán sản phẩm của một chuyến biển phải chia năm xẻ bảy nên thu nhập của ngư dân chẳng còn là bao. Làm nghề lớn thì chi phí lớn, lực lượng lao động lớn mà thu nhập thì nhỏ lại, còn làm nghề nhỏ nhưng chủ phương tiện có thu nhập lớn”, ông Binh chia sẻ.

Theo ông Hồ Nhật Lệ, Chủ tịch UBND xã Nhơn Châu, mùa đông là mùa đánh bắt chính của ngư dân Cù Lao Xanh bởi trời càng động thì vùng biển ven bờ càng xuất hiện nhiều cá. Nguyên nhân do biển càng động dữ dội thì cá ngoài khơi lũ lượt kéo nhau vào trong vịnh tránh trú, khi ấy ngư dân sử dụng lưới có chiều cao khoảng 8 sải tay đánh bọc sát đáy biển sẽ đánh bắt được cá sòng, cá hố, cá ngân, cá liệt…

Mùa đông, ngư dân Cù Lao Xanh sử dụng lưới cao đánh bắt cá hố, cá đổng, cá ngân, cá song; đến tháng Chạp đánh bắt mực, mùa hạ thì đánh bắt bằng lưới mành một que. Ảnh: V.Đ.T.

Mùa đông, ngư dân Cù Lao Xanh sử dụng lưới cao đánh bắt cá hố, cá đổng, cá ngân, cá song; đến tháng Chạp đánh bắt mực, mùa hạ thì đánh bắt bằng lưới mành một que. Ảnh: V.Đ.T.

Cũng theo ông Lệ, nguồn lợi hải sản trong mùa đông rất phong phú nên ngư dân có thu nhập khá trong mùa này. Về phương tiện đánh bắt, hiện ngư dân Cù Lao Xanh cũng đã chuyển từ vật liệu gỗ sang vật liệu composite. Tàu vỏ composite không sợ mối mọt, hà bám, tính cả ngư lưới cụ mỗi phương tiện có chi phí đóng mới từ 150 - 200 triệu đồng. Chỉ với những nghề nhỏ mà mỗi đêm một phương tiện có thể thu nhập đến 30 triệu đồng. Giá các loại hải sản hiện cũng tăng cao so với trước đây. Ví như trước đây giá 1kg mực xuất khẩu chỉ 80.000 - 100.000đ thì nay tăng đến 350.000đ.

“Một đêm hai cha con chỉ cần đánh bắt được 4 - 5kg mực là đã có thu nhập cao. Mực cơm giờ cũng 120.000 - 130.000đ/kg. Hiện nay, mùa đông ngư dân Cù Lao Xanh sử dụng lưới cao đánh bắt cá hố, cá đổng, cá ngân, cá sòng… Đến tháng Chạp đánh bắt mực, mùa hạ thì đánh bắt bằng lưới mành một que, chỉ cần 2 lao động là đã có thể hoạt động những nghề nói trên”, ông Hồ Nhật Lệ cho hay.

Theo ông Nguyễn Hạ Lào, Chủ tịch Hội Nông dân xã đảo Nhơn Châu, trước đây toàn đảo Cù Lao Xanh có gần 140 phương tiên đánh bắt hải sản. Sau thời gian đánh bắt không hiệu quả, nhiều chủ phương tiện đã giải nghệ, về bờ nuôi mực lá trong lồng bè và đang ăn nên làm ra. Hiện toàn đảo Cù Lao Xanh chỉ còn 73 phương tiện đánh bắt hải sản, chủ yếu làm các nghề mành mực, lưới rút và lưới cao.

“Sau khi nghề lưới đăng đánh bắt cá thu không còn hiệu quả, ngư dân Cù Lao Xanh linh động chuyển đổi nghề, chuyển đổi mùa vụ đánh bắt, nhờ đó mấy năm nay ai cũng sống được nhờ vào biển”, ông Nguyễn Hạ Lào, Chủ tịch Hội Nông dân xã đảo Nhơn Châu cho biết.

Xem thêm
Nuôi nhuyễn thể có thể là mũi nhọn lớn thứ 3 sau tôm, cá tra

Người tiêu dùng trong nước và trên thế giới ngày càng nhận thấy nhuyễn thể hai mảnh vỏ là thực phẩm giàu protein, ít béo…, đặc biệt việc nuôi trồng bền vững với môi trường.

Xuất khẩu thủy sản Việt Nam sẽ giữ đà tăng trưởng trong năm 2025

Theo Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân, Việt Nam có nhiều ưu điểm vượt trội về năng lực sản xuất các sản phẩm thủy sản so với các quốc gia cạnh tranh khác.

Cứu ngư dân huyện đảo Cồn Cỏ rơi xuống biển

Quảng Trị Ngư dân huyện đảo Cồn Cỏ đi hái rau mứt không may trượt chân, rơi xuống biển đã được thuyền viên tàu cá Bình Định và tổ tự quản đưa lên bờ an toàn.