| Hotline: 0983.970.780

Nam Định mới giám sát được 24% nguồn gốc thủy sản khai thác

Thứ Ba 29/10/2024 , 07:13 (GMT+7)

10 tháng của năm 2024, Nam Định xử phạt 222 vụ tàu cá vi phạm IUU, xử phạt số tiền gần 3,5 tỷ đồng; giám sát được 24% nguồn gốc hải sản khai thác.

10 tháng của năm 2024, Nam Định kiểm soát được 5.657/46.775 tấn hải sản khai thác. Ảnh: Kiên Trung.

10 tháng của năm 2024, Nam Định kiểm soát được 5.657/46.775 tấn hải sản khai thác. Ảnh: Kiên Trung.

Sở NN-PTNT tỉnh Nam Định cho biết, từ đầu năm 2024 đến ngày 23/10, địa phương này đã xử phạt vi phạm hành chính số tiền 3,463 tỷ đồng với 222 vụ, tương đương 231 tàu cá vi phạm.

Trong đó, lực lượng Bộ đội Biên phòng đã phát hiện và xử phạt vi phạm hành chính 1,569 tỷ đồng (tương đương 86 vụ/94 đối tượng) với các lỗi vi phạm chủ yếu như: tàng trữ công cụ kích điện để khai thác thủy sản trái phép, thuyền trưởng không có chứng chỉ chuyên môn theo quy định, Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật tàu cá đã hết hạn, Giấy phép khai thác thủy sản hết hạn, không đăng ký lại tàu cá theo quy định, không viết số đăng ký tàu cá theo quy định, không duy trì hoạt động thiết bị giám sát hành trình (VMS) trong quá trình hoạt động trên biển, vi phạm vùng biển nước ngoài, không chấp hành việc kiểm tra, kiểm soát của các cơ quan chức năng...

UBND các huyện ven biển xử phạt vi phạm hành chính gần 1,5 tỷ đồng tương ứng với 57 vụ/58 đối tượng; lỗi vi phạm chủ yếu thuộc về các tàu cá có chiều dài từ 15-24 mét vi phạm quy định về thiết bị giám sát hành trình.

Sở NN-PTNT tỉnh xử phạt vi phạm hành chính 447 triệu đồng với các lỗi tàu cá vi phạm quy định về thiết bị giám sát hành trình, không thông báo các thông tin theo quy định cho tổ chức quản lý cảng cá trước khi rời cảng cá theo quy định, không viết số đăng ký tàu cá theo quy định; tàng trữ công cụ kích điện; hết hạn giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật, không có chứng chỉ thuyền trưởng, máy trưởng, không có Sổ Danh bạ thuyền viên tàu cá...

Trong năm 2024, Nam Định có 550/560 tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên đã lắp đặt thiết bị VMS, đạt trên 98%. 10 tàu đã đăng ký nhưng chưa lắp thiết bị VMS do chủ tàu mới đăng ký tàu cá hoặc chưa có nhu cầu hoạt động, hiện nay 10 tàu này đang nằm bờ không đi hoạt động.

Lực lượng chức năng tại cảng cá Ninh Cơ, Cảng cá công ty TNHH Thành Vui kiểm tra, giám sát tàu cá và sản lượng bốc dỡ qua cảng; xác nhận, chứng nhận và truy xuất nguồn gốc, xử lý hành vi khai thác IUU, với số lượt tàu thông báo cập cảng cá, bến cá 3.595 lượt; số lượt tàu/sản lượng thủy sản được giám sát là 1.382,245 tấn. Số lượt tàu/sản lượng thủy sản (theo nhật ký khai thác) tại các bến cá tư nhân, truyền thống trong tỉnh: 2.882 lượt tàu/4275,120 tấn.

Một tàu cá cập cảng cá Quần Vinh. Ảnh: Kiên Trung.

Một tàu cá cập cảng cá Quần Vinh. Ảnh: Kiên Trung.

Tuy nhiên, tỷ lệ sản lượng đã giám sát tại cảng cá/sản lượng khai thác (theo nhật ký khai thác) tại các cảng cá, bến cá tư nhân, truyền thống trên địa bàn tỉnh Nam Định mới đạt 24% (1.382,245/5.657,365 tấn).

Trong năm 2024, Sở NN-PTNT tỉnh ra quyết định thành lập Văn phòng đại diện thanh tra, kiểm tra, kiểm soát nghề cá (Văn phòng IUU) kiểm tra, kiểm soát tàu cá rời cập cảng, ban hành quy chế làm việc và phân công nhiệm vụ trực văn phòng 24/24h, thực hiện chế độ giao ca, báo cáo theo quy định.

Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Nam Định Hoàng Mạnh Hà cho biết, đơn vị phối hợp thường xuyên với lực lượng Bộ đội biên phòng kiểm tra tại khu vực các cửa sông ra biển và vùng biển tỉnh Nam Định để ngăn chặn, xử lý tàu cá có hành vi vi phạm khai thác hải sản vi phạm IUU. Đến thời điểm hiện tại, Nam Định không có tình trạng tàu cá hoạt động khai thác trái phép ở vùng biển nước ngoài hoặc bị nước ngoài bắt giữ; chưa phát hiện các vụ việc liên quan đến móc nối đưa tàu cá, ngư dân đi khai thác trái phép ở vùng biển nước ngoài.

Giai đoạn 2023 - 2025, Nam Định ký kết Kế hoạch phối hợp Kiểm tra, kiểm soát tàu cá, sản lượng khai thác và phòng, chống khai thác IUU với các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình và Thanh Hóa; ký kết Quy chế phối hợp giữa Chi cục Kiểm ngư Vùng 1 và Chi cục Thủy sản trong công tác tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, và trao đổi thông tin chống khai thác IUU.

Lực lượng tàu cá tham gia đánh bắt hải sản của Nam Định. Ảnh: Kiên Trung.

Lực lượng tàu cá tham gia đánh bắt hải sản của Nam Định. Ảnh: Kiên Trung.

Lý giải việc 10 tháng của năm 2024 chỉ giám sát được hơn 5.657/46.775 tấn hải sản khai thác, Sở NN-PTNT tỉnh Nam Định cho biết, các sản phẩm thủy sản khai thác của tỉnh xuất khẩu tiểu ngạch và tiêu thụ nội địa đến nay chưa có tổ chức, cá nhân nào có nhu cầu làm thủ tục xác nhận, chứng nhận thủy sản khai thác.

Bên cạnh đó, nhiều tàu cá hoạt động vùng khơi chưa vào cảng cá chỉ định để bốc dỡ hàng hóa thủy sản do trên địa bàn tỉnh có nhiều bến cá tư nhân nhỏ lẻ; tập quán hoạt động của tàu cá neo đậu tại các bãi ngang quá xa cảng cá chỉ định…

Thời gian tới, tỉnh Nam Định cho biết, sẽ thực hiện đồng bộ, quyết liệt hơn công tác kiểm tra, kiểm soát tàu cá trên biển và tại các cảng cá, ngăn chặn, xử lý kịp thời, có hiệu quả tàu cá vi phạm hoặc có dấu hiệu vi phạm khai thác IUU trong đó tăng cường tuần tra xử lý các vi phạm về khai thác trên các vùng biển của tỉnh, phối hợp theo dõi, giám sát, trao đổi thông tin, xử lý kịp thời tàu ca hoạt động trên biển có dấu hiệu vi phạm qua hệ thống giám sát tàu cá;

Giao trách nhiệm cho UBND các xã, thị trấn tuyên truyền vận động, nắm chắc địa bàn, kịp thời phát hiện từ sớm từ xa, ngăn chặn ngay từ trong bờ tàu cá, ngư dân có ý định đi khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài; Kiểm soát chặt chẽ việc xuất nhập bến của tàu cá kiên quyết không cho ra khơi những tàu không đảm bảo các yêu cầu theo quy định;

Chấm dứt tình trạng tàu cá không có giấy phép, không trang bị thiết bị VMS, không duy trì tín hiệu VMS, tàu không có biển số, không đánh dấu tàu cá vẫn ra khơi hoạt động khai thác, xử lý nghiêm các trường hợp cố tình vi phạm…

Xem thêm
Mở rộng nuôi tôm sú 2 giai đoạn vùng ven biển miền Trung

Mô hình nuôi tôm sú 2 giai đoạn có nhiều triển vọng mở rộng nhằm thay thế hình thức nuôi tôm thẻ chân trắng theo cách truyền thống tại các tỉnh ven biển miền Trung.

Xuất khẩu thủy sản Việt Nam 11 tháng đạt 9,2 tỷ USD

Với đà tăng trưởng hiện tại, ngành thủy sản Việt Nam năm 2024 có thể hoàn thành mục tiêu đạt 10 tỷ USD xuất khẩu, tăng 11,5% so với năm 2023.

Xây dựng nông thôn mới ở các làng, nơi ven biển thành nơi đáng sống

Đây là mục tiêu mà Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân chia sẻ về câu chuyện chuyển đổi nghề cho ngư dân vùng ven biển.