| Hotline: 0983.970.780

Trồng cây, phủ xanh quần đảo Cát Bà

Thứ Năm 28/09/2023 , 18:56 (GMT+7)

Vườn quốc gia Cát Bà tổ chức trồng cây tại những điểm đã tháo dỡ, trả lại cảnh quan cho khu dự trữ sinh quyển, di sản thiên nhiên thế giới quần đảo Cát Bà.

Lực lượng kiểm lâm Vườn quốc gia Cát Bà trồng cây tại hòn Nam Cát. Ảnh: Đinh Mười.

Lực lượng kiểm lâm Vườn quốc gia Cát Bà trồng cây tại hòn Nam Cát. Ảnh: Đinh Mười.

Sau khi quần đảo Cát Bà – vịnh Hạ Long được UNESCO công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới, tiếp tục thực hiện kế hoạch phục hồi và phát triển rừng ven biển tại quần đảo Cát Bà, Vườn quốc gia Cát Bà đã huy động 35 người, ra quân trồng hơn 500 cây xanh tại 3 vị trí gồm: Nam Cát 1, Nam Cát 2 và bãi Vạn Bội.

Đây là những khu vực trước đây có công trình xây dựng phục du lịch không có giấy phép, đã được tháo dỡ và bàn giao cho vườn. Cây được trồng là những loài bản địa, đã từng phát triển tốt tại các khu vực được trồng, bao gồm: cây phong ba, côm, gội và một số cây đặc trưng khác.

Theo ông Nguyễn Văn Thịu - Giám đốc Vườn quốc gia Cát Bà, hoạt động trồng cây nằm trong dự án “Phục hồi và phát triển rừng ven biển tại quần đảo Cát Bà”, có ý nghĩa quan trọng góp phần phủ xanh đất trống đồi trọc, nâng cao vai trò phòng hộ, độ che phủ, giữ đất đồi rừng.

Sau khi dự án hoàn thành sẽ góp phần nâng cao vai trò phòng hộ, giữ đất, làm sạch môi trường, giảm thiểu tác nhân gây biến đổi khí hậu và nước biển dâng, bảo tồn đa dạng sinh học.

Đồng thời thời tạo tiền đề phát triển du lịch sinh thái, góp phần phát triển kinh tế, xã hội, củng cố an ninh quốc phòng và nâng cao độ che phủ rừng, tạo môi trường sinh thái rừng, biển trong sạch, mở rộng môi trường sống cho khu hệ động vật hoang dã, phát huy tối đa các tiềm năng đa dạng sinh học cũng như bảo vệ, phục hồi các hệ sinh thái.

Những cây bản địa ở Cát Bà được lựa chọn để trồng, phục hồi sinh thái. Ảnh: Đinh Mười.

Những cây bản địa ở Cát Bà được lựa chọn để trồng, phục hồi sinh thái. Ảnh: Đinh Mười.

Theo Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình NN-PTNT Hải Phòng, dự án "Phục hồi và phát triển rừng ven biển tại quần đảo Cát Bà" có tổng mức đầu tư 130 tỷ đồng, trong đó chi phí trồng, làm giàu, khoanh nuôi xúc tiến, tái sinh rừng hơn 97,2 tỷ đồng và  chi phí xây dựng cơ sở hạ tầng lâm sinh là 13,9 tỷ đồng.

Trong đó ngân sách trung ương thuộc chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh hơn 109,9 tỷ đồng và ngân sách thành phố Hải Phòng hơn 20 tỷ đồng.

Thời gian thực hiện dự án bước đầu là từ năm 2018-2020, tuy nhiên do nhiều điều kiện khách quan, như nguồn lao động, dịch Covid-19, rừng ngập mặn phụ thuộc nhiều vào con nước thủy triều, khu vực trồng đồi núi hiểm trở, khó khăn trong di chuyển, vận chuyển cây giống, phát dọn thực bì, cây cối, bụi rậm, cuốc hố trồng cây,… nên việc thực hiện dự án bị chậm, đơn vị đang xin gia hạn đến năm 2025.

Vườn quốc gia Cát Bà được thành lập năm 1986, có đủ cả hệ sinh thái rừng và biển, rộng 15.200ha, thuộc địa phận hành chính của các xã: Gia Luận, Phù Long, Hiền Hào, Xuân Đám, Trân Châu, Việt Hải và thị trấn Cát Bà.

Vườn quốc gia Cát Bà có hệ sinh thái rừng trên biển độc đáo của Việt Nam. Ảnh: Nhật Quang

Vườn quốc gia Cát Bà có hệ sinh thái rừng trên biển độc đáo của Việt Nam. Ảnh: Nhật Quang

Ngoài vai trò bảo tồn đa dạng tài nguyên thiên nhiên, vườn còn có ý nghĩa lớn về an ninh - quốc phòng và phát triển du lịch sinh thái. Năm 2004, vườn quốc gia Cát Bà đã được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới.

Đây là khu rừng đặc dụng của Việt Nam, khu dự trữ sinh quyển thế giới có tổng diện tích 16.196,8 ha. Trong đó, diện tích phần đảo là 10.931,7 ha, diện tích phần biển là 5.265,1 ha. Cát Bà có hệ động, thực vật phong phú và đa dạng.

Theo thống kê, nơi đây có 620 loài thực vật bậc cao phân bố thuộc 438 chi và 123 họ, bên cạnh đó, trên đảo có 32 loài thú, 69 loài chim và 20 loài bò sát, lưỡng cư, trong đó có voọc đầu trắng là loài đặc hữu.

Trước đây vài thập kỷ, rừng đã bao phủ phần lớn diện tích đất đai của đảo. Hiện nay, rừng tự nhiên đã bị tác động nhiều, làm biến đổi sâu sắc về mặt cấu trúc, tổ thành và tầng tán của rừng. Tuy nhiên, rừng Cát Bà vẫn được coi là một khu rừng độc đáo trên núi đá vôi của cả vùng biển Đông Bắc của nước ta với nhiều cây gỗ quý như: Trai, Chò đãi, Lát hoa, Đinh, Gội nếp, Kim giao… và hơn 661 loài cây có khả năng làm thuốc.

Tại Việt Nam, khu dự trữ sinh quyển thế giới đầu tiên được công nhận là rừng ngập mặn Cần Giờ vào năm 2000. Sau 22 năm phát triển, Việt Nam đã có một hệ thống bao gồm 11 khu dự trữ sinh quyển thế giới được UNESCO công nhận.

Hiện nay, Việt Nam là nước đứng thứ hai về số lượng các khu dự trữ sinh quyển ở Đông Nam Á, Việt Nam đã và đang nỗ lực thúc đẩy sự phát triển cân bằng, hài hòa giữa con người và thiên nhiên.

Xem thêm
Quảng Nam định hướng trở thành trung tâm công nghiệp dược liệu

Tỉnh Quảng Nam sẽ có cơ chế chính sách, nguồn lực, tạo điều kiện và thu hút doanh nghiệp lớn tham gia đầu tư để phát triển cây dược liệu trên địa bàn.

Dựa vào dân để giữ rừng Pù Huống

Diện tích rừng trải rộng nhưng sức người quá nhỏ bé, để giữ vốn quý những con người tại Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống phải nỗ lực rất lớn.

Đặc sắc lễ cúng thần rừng của người Mông Nà Hẩu

Lễ cúng thần rừng là nghi lễ độc đáo được người Mông ở xã Nà Hẩu tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm.