| Hotline: 0983.970.780

Thứ Hai 28/04/2014 , 06:55 (GMT+7)

06:55 - 28/04/2014

“Trông người lại ngẫm đến ta”

Một cái cúi đầu, những lời xin lỗi, và sau đó là lá đơn từ chức, là thước đo rằng những người có trách nhiệm để xẩy ra bê bối có còn một chút liêm sỉ nào không. Nhưng tiếc thay, chuyện đó chỉ có ở nước ngoài.

9 giờ ngày 16/4/2014, tại vùng biển ngoài khơi đảo Jindo ở tây nam Hàn Quốc khoảng 20 km, chiếc phà Sewol đã gặp nạn và bị chìm. Trong số 476 người có mặt trên phà, có 325 người là học sinh của một trường trung học ở Ansan thuộc tỉnh Gyeonggi, gần thủ đô Seoul. Tính tới 16 giờ ngày 26/4/2014, ít nhất 187 người được xác định là đã thiệt mạng và 115 người hiện vẫn đang mất tích.

Ngày 27/4/2014, tức là chỉ 11 ngày sau vụ chìm phà, trong cuộc họp báo ở Seoul, Thủ tướng Hàn Quốc Chung Hong won đã cúi đầu xin lỗi nhân dân Hàn Quốc và thông báo quyết định từ chức.

“Tôi muốn từ chức sớm hơn, nhưng xử lý vụ việc là ưu tiên hàng đầu và tôi nghĩ cần phải có trách nhiệm giải quyết trước khi ra đi. Nhưng tôi quyết định từ chức lúc này để không trở thành gánh nặng cho chính phủ. Tôi xin lỗi vì đã không thể ngăn chặn vụ tai nạn này và không xử lý thích hợp vụ việc sau đó. Tôi tin rằng là Thủ tướng, tôi chắc chắn phải nhận trách nhiệm và từ chức”, ông nói.

Nhìn hình ảnh cúi đầu trước ống kính truyền thông của vị đứng đầu Chính phủ Hàn Quốc và nghe những lời đó của ông, chắc chắn không ai không nghĩ đó là những lời gan ruột.

Giả sử (chỉ giả sử thôi) vụ chìm phà đó xảy ra ở nước ta?

Thì ngay lập tức người dân sẽ được nghe một “dàn đồng ca đổ lỗi”. Cấp trên đổ lỗi cho cấp dưới. Cấp dưới đổ lỗi cho cấp dưới nữa. Và đến cấp cuối cùng không đổ cho ai được nữa thì lỗi chắc chắn sẽ được đổ lên đầu người dân: Ai bảo các người đi trên cái phà đó làm gì? Còn việc mong một cái cúi đầu xin lỗi ư? Đừng hòng.

Mong người có trách nhiệm từ chức ư? Những kẻ mong đó chắc chắn đang nằm mơ giữa ban ngày, thậm chí còn bị coi là có dấu hiệu tâm thần. Ai không tin, thử nhìn qua lại một vài vụ việc sẽ rõ. Hàng chục năm qua, mỗi năm bình quân có trên vạn người chết và khoảng gấp 3 lần số đó nữa bị thương vì TNGT. Nhưng đã thấy ai cúi đầu xin lỗi nhân dân lấy một lần chứ đừng nói đến việc từ chức. Bởi các ông không có lỗi.

Lỗi là ở ý thức chấp hành Luật lệ giao thông của người dân kém. Vụ sập cầu vượt đường dẫn lên cầu Cần Thơ làm hơn trăm công nhân thương vong, ngoài mấy ông nhà thầu Nhật Bản cúi đầu xin lỗi nhân dân Việt Nam, đố thấy ông nào khác trong nước cất một lời xin lỗi. Vì các ông ấy có lỗi gì đâu? Lỗi là ở nền đất yếu. Và gần đây nhất là bệnh sởi khiến hơn một trăm đứa trẻ vô tội chết oan, đến mức các y bác sỹ phải trốn vào phòng vắng mà khóc vì bất lực, vì thương các cháu, thì Bộ Y tế ở đâu? Từ trụ sở Bộ đến bệnh viện Nhi Trung ương chỉ chưa đầy 2 cây số.

Nhưng chỉ sau khi Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đến thị sát tại bệnh viện, thì các vị có trách nhiệm ở Bộ mới đủng đỉnh xuống. Bởi, các vị không có lỗi. Bệnh sởi bùng phát, lỗi là do dân không chịu đưa con em mình đi tiêm vacxin...

Nực cười là sau những sự cố tang thương, có vị còn lên chức, như Dương Chí Dũng chẳng hạn. Sau lúc đẩy TCT Hàng hải Việt Nam vào cảnh làm ăn thua lỗ, nợ nần ngập cổ không có cách gì trả được. Sau lúc chi ra đến trên 500 tỷ đồng rước cái ụ nổi đồng nát 83M về chỉ để gây ô nhiễm môi trường và mỗi tháng tốn thêm cả tỷ đồng thuê bãi neo đậu.

Giờ có phá ra bán sắt vụn lấy vài chục tỷ cũng chẳng có ai mua, khiến Nhà nước thiệt hại tới 376 tỷ đồng, Dương Chí Dũng đã nhảy tót lên chức Cục trưởng Cục Hàng hải của Bộ GTVT. Bức ảnh Dương Chí Dũng ôm bó hoa tươi thắm, miệng nứt toác ra một nụ cười thỏa mãn hôm nhận quyết định bổ nhiệm làm Cục trưởng, hiện còn lưu trên nhiều trang mạng, mới đẹp làm sao. Dương Chí Dũng lên chức, vì ông ta không có lỗi. TCT thua lỗ là do khủng hoảng kinh tế thế giới. Cái ụ nổi đồng nát được mua về là do cấp dưới tham mưu…

Người đã chết không ai có thể sống lại. Tài sản của Nhà nước bị tàn phá, mười phần may ra chỉ vớt lại được một phần. Nhưng một cái cúi đầu, những lời xin lỗi, và sau đó là lá đơn từ chức, là thước đo rằng những người có trách nhiệm để xẩy ra những vụ việc đó có còn một chút liêm sỉ nào không. Nhưng tiếc thay, chuyện đó chỉ có ở nước ngoài. Ôi, trông người mà ngẫm đến ta…

 

 

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm