Sạt lở đe dọa dân
Điểm sạt lở ăn sâu vào chân tường rào ngoài vườn nhà, bà Ngô Thị Nông (thôn Định Hưng, xã Thạch Định, Thạch Thành, Thanh Hóa) thấp thỏm, bất an khi tình trạng hà bá nuốt đất, đe dọa an toàn của gia đình bà và các hộ dân sống xung quanh khu vực này.
“Ngày trước, khu vực hành lang sông còn có đường dân sinh rộng khoảng 3-4m, nay bị hà bá nuốt chửng. Chưa bao giờ tôi thấy tình trạng sạt lở sông Bưởi nghiêm trọng như hiện nay và chưa có dấu hiệu dừng lại. Hầu như hôm nào nước cũng xoáy vào đất liền, kéo trượt bờ bãi xuống sông. Chả mấy hôm nữa cả bức tường dài hàng chục mét bao quanh khu vườn của gia đình tôi cũng bị sông ngoạm”, bà Nông lo lắng.
Theo quan sát của phóng viên, tại xã Thạch Định có 4 điểm sạt lở nghiêm trọng tại các thôn Định Hưng, Thạch An, Tiến Thành. Tổng chiều dài các đoạn sạt lở lên tới hơn 100m; độ sâu đoạn sạt lở tính từ mặt nước sông lên bờ khoảng 6m. Các điểm sạt lở ăn sâu vào đất hành lang ven sông khoảng 7 - 8m, đe dọa an toàn của hàng chục hộ dân sống xung quanh khu vực này.
Tại hiện trường, lực lượng chức năng đã cắm biển cảnh báo nguy hiểm và cắt cử lực lượng ứng trực 24/24h để nắm tình hình và sẵn sàng ứng phó với tình trạng sạt lở nguy hiểm. Theo UBND xã Thạch Định, tình trạng sạt lở đê hữu sông Bưởi diễn ra cách đây 10 ngày và có nguy cơ sạt lở sâu vào đất liền nếu tình trạng mưa lũ kéo dài trong vài ngày tới.
Ông Nguyễn Sơn Hưng, Chủ tịch UBND xã Thạch Định (Thạch Thành) cho biết: “Nguyên nhân tình trạng sạt lở bờ sông Bưởi là do mưa lớn khiến dòng chảy xoáy sâu vào đất. Chúng tôi đã cử lực lượng cùng ăn, cùng ở với dân để xử lý các tình huống bất trắc có thể xảy ra.
Đối với các hộ dân có đất thổ cư nằm dọc khu vực sạt lở, chính quyền địa phương đã chủ động tuyên truyền, thông báo tới các hộ dân để có biện pháp đảm bảo an toàn. Trường hợp nếu lở sâu hơn thì tiến hành di dân để đảm bảo an toàn”.
Ứng phó khẩn cấp
Trước đó, trên tuyến đê sông Bưởi còn nhiều điểm sạt lở khác, cụ thể: vị trí sạt lở tại đê tả sông Bưởi từ K34+450 đến K35+850. Đây là đoạn cong của sông Bưởi, thuộc thôn Vọng Thủy, xã Thành Trực. Theo chính quyền địa phương, khi mùa mưa bão đến dòng nước chảy xiết, xoáy vào bờ khiến điểm sạt lở ngày càng khoét sâu vào bờ sông. Vài năm gần đây, quá trình sạt lở nhanh và có diễn biến ngày càng phức tạp. Nhiều vị trí sạt lở chỉ cách tuyến đường tỉnh lộ 523 từ 4 - 6m.
Đặc biệt, tình trạng sạt lở đang gây mất an toàn đối với tuyến tỉnh lộ 523 và trực tiếp 11 hộ dân thuộc thôn Vọng Thủy, xã Thành Trực đang sinh sống dọc tuyến đường. Vị trí sạt lở còn ảnh hưởng đến 21 hộ khu vực lân cận, khu vực trung tâm hành chính, khu nhà đa năng, khu nhà bia tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ... của xã Thành Trực.
Trước thực tế trên, UBND tỉnh Thanh Hóa đã công bố tình huống khẩn cấp sạt lở bờ sông Bưởi tại thôn Vọng Thủy, xã Thành Trực (Thạch Thành, Thanh Hóa). Để đảm bảo an toàn cho các hộ dân, UBND tỉnh Thanh Hóa giao UBND huyện Thạch Thành tổ chức lực lượng ứng trực tại hiện trường; theo dõi diễn biến và báo cáo kịp thời các tình huống nguy hiểm; đảm bảo an toàn cho người và tài sản theo phương châm “4 tại chỗ”; sẵn sàng sơ tán dân ở khu vực mất an toàn khi có tình huống xảy ra; thực hiện các biện pháp gia cố các vị trí sạt lở để hạn chế tình trạng sạt lở sâu vào đất liền...
Ngoài ra, theo Chi cục Thủy lợi Thanh Hóa, tình trạng mưa lớn trong vài ngày nay khiến nhiều diện tích lúa, hoa màu của người dân tại nhiều địa phương trong tỉnh nằm trong tình trạng ngập úng. Đơn cử như, tại huyện Hà Trung có khoảng 650ha lúa bị ngập 2/3 cây lúa...
Một số điểm tràn đường giao thông nhỏ trên địa bàn huyện Thường Xuân, Như Thanh đã bị ngập. Tại huyện Quan Hóa tình trạng mưa lớn khiến đoạn đường quốc lộ qua địa phận bản Bạn xã Phú Xuân đang thi công dở bị sạt lở; các tuyến phố trên địa bàn thành phố Thanh Hóa cũng bị ngập sâu trong nước, gây tắc đường cục bộ trong giờ cao điểm. Một số địa phương trong tỉnh đã cho học sinh nghỉ học để đảm bảo an toàn tính mạng cho các em.