Người dân mong sớm ổn định cuộc sống
Từ đầu tháng 7/2023 đến nay, tình trạng sạt trượt ở khu vực công trình hồ chứa nước Đông Thanh (xã Đông Thanh, huyện Lâm Hà, Lâm Đồng) vẫn tiếp tục xảy ra. Theo UBND huyện Lâm Hà, cơ quan chức năng ghi nhận khu vực này có tổng cộng 4 cung sạt trượt, trong đó bao gồm 2 cung sạt trượt diễn ra từ hồi tháng 7 và 2 cung sạt trượt mới. Các cung sạt trượt này đều có diễn biến phức tạp và khó lường.
Ở các cung sạt trượt này, cung trượt đầu tiên dài 60m với 3 vết nứt lớn và mỗi vết nứt cách nhau khoảng 8m. Tại đây, cơ quan chức năng xác định chiều rộng vết nứt khoảng 5m, sâu 4m. Cung trượt thứ hai dài 58m với 2 vết nứt lớn và có độ mở rộng trên đỉnh đồi là 2m, phía giáp đường quản lý dự án hồ chứa nước rộng 5m.
Cung trượt thứ ba dài khoảng 42m và cung trượt thứ tư dài 50m. Các cung sạt trượt này xuất hiện các vết nứt tương đối lớn và chạy dài trên đỉnh đồi lẫn khu vực nhà dân.
Hồ chứa nước Đông Thanh là dự án trọng điểm của huyện Lâm Hà, với tổng vốn đầu tư gần 500 tỷ đồng. Theo thiết kế, lòng hồ rộng hơn 25ha và diện tích thu hồi đất trên 37ha. Sau khi hoàn thành, hồ chứa nước Đông Thanh sẽ phục vụ nước sinh hoạt cho khoảng 7.500 hộ dân và nước tưới tiêu trong khu vực.
Cùng với 4 cung sạt trượt trên, cơ quan chức năng ghi nhận một phần hạng mục công trình xả lũ của hồ Đông Thanh xuất hiện các vết rạn nứt, vỡ bê tông ở phần đáy. Bể tiêu năng cũng bị nghiêng khoảng 1,1m và trồi lên khoảng 0,8m.
Vấn đề sạt, trượt tại công trình hồ chứa nước Đông Thanh thời gian qua đã ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của nhiều hộ dân. Chị Nguyễn Thị Thu Hiền (người dân gần khu vực hồ chứa nước Đông Thanh) cho biết, gia đình xây dựng căn nhà mới với tổng số tiền khoảng 3,5 tỷ đồng nhưng chưa được bao lâu thì bị ảnh hưởng bởi sạt lở. Nền đất xuất hiện các vết nứt lớn, sụt sâu khiến tường và bê tông phần móng bị nứt, gãy, nhà có biểu hiện bị nghiêng.
“Từ đầu tháng 8 đến nay, gia đình 8 người phải chuyển đến ở nhờ tại một hộ dân gần nhà. Căn nhà này hiện xuất hiện vết nứt trước hiên nhưng đành chấp nhận”, chị Nguyễn Thị Thu Hiền nói.
Cũng theo chị Hiền, cuộc sống gia đình hiện đang bị đảo lộn và rất mong muốn cơ quan chức năng cũng như chủ đầu tư công trình hồ chứa nước Đông Thanh hỗ trợ, đền bù để gia đình sớm ổn định cuộc sống.
Trao đổi với Báo NNVN, lãnh đạo UBND xã Đông Thanh cho biết, hiện nay có 4 hộ dân bị ảnh hưởng trực tiếp bởi tình trạng sạt trượt và địa phương đã vận động, hỗ trợ người dân di chuyển đến nơi khác để đảm bảo an toàn. “Nguyện vọng của người dân hiện nay là đề nghị cơ quan chức năng kiểm tra xem có ở được tại vị trí đó không. Nếu không được ở thì có phương án hỗ trợ định cư nơi khác. Hiện tại, chính quyền xã đang chờ các các cơ quan chức năng khoan thăm dò địa chất để nắm bắt thông tin và phối hợp thực hiện các phương án xử lý”, cán bộ xã Đông Thanh nói.
Đề xuất thành lập tổ chuyên gia đánh giá sạt trượt
Đối với công tác xử lý sự cố tại khu vực cụm đầu mối hồ chứa nước Đông Thanh, từ tháng 7 đến nay, UBND huyện Lâm Hà đã phối hợp cùng các cơ quan chức năng tổ chức thu gom, dọn dẹp tại các khu vực thị công công trình. Tổ chức khơi thông các rãnh thoát nước mặt và dẫn nước tập trung về các cống tiêu, tạo mới các rãnh thoát nước mặt dẫn nước về phía hạ lưu công trình. Đồng thời đắp đất tạo mái taluy tường tràn vai trái đập nhằm tăng tính ổn định cho tràn xả lũ.
Trước vấn đề sạt trượt nêu trên, UBND huyện Lâm Hà đã kiến nghị UBND tỉnh Lâm Đồng các nội dung nhằm khắc phục. Ông Nguyễn Minh An, Phó Chủ tịch UBND huyện Lâm Hà thông tin, từ thời điểm xảy ra sự cố sụt lún, sạt trượt đất đến nay đã có các đoàn công tác cấp tỉnh, cấp Bộ và các chuyên gia tổ chức khảo sát hiện trường, đánh giá tình hình.
Các đoàn công tác cấp bộ cũng đã có các báo cáo đánh giá và đề xuất một số nội dung liên quan đến giải pháp xử lý. Vì vậy, để kế thừa các kết quả khảo sát, đánh giá của các đoàn công tác, tham vấn ý kiến của các chuyên gia có kinh nghiệm, UBND huyện Lâm Hà đề nghị UBND tỉnh xem xét, đề xuất Bộ NN-PTNT thành lập tổ chuyên gia hỗ trợ huyện Lâm Hà đánh giá chuyên sâu để đưa ra các giải pháp và biện pháp xử lý phù hợp đối với sự cố sụt lún, sạt trượt đất tại thôn Đông Anh (xã Đông Thanh) và các giải pháp nhằm đảm bảo ổn định, an toàn trước khi tích nước đối với dự án xây dựng hồ chứa nước Đông Thanh.
Về việc hình thành dự án để xử lý sự cố sụt lún, sạt trượt đất tại xã Đông Thanh, sau khi có kết luận của tổ chuyên gia về giải pháp và biện pháp xử lý sự cố, huyện Lâm Hà sẽ tổng hợp, lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư đề xuất Sở NN-PTNT tham mưu UBND tỉnh báo cáo, đề xuất cấp có thẩm quyền cho chủ trương đầu tư và hỗ trợ kinh phí để khắc phục hậu quả theo quy định.
Theo ông Nguyễn Minh An, Phó Chủ tịch UBND huyện Lâm Hà, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh Lâm Đồng, lãnh đạo Bộ NN-PTNT, huyện Lâm Hà đã đề nghị Công ty CP Tư vấn xây dựng Thủy lợi 3 thực hiện công tác quan trắc, khảo sát địa hình, địa chất toàn bộ khu vực sạt trượt. Đến nay, huyện Lâm Hà đã thực hiện hoàn thành công tác khảo sát.
Để có cơ sở yêu cầu đơn vị tư vấn khảo sát xuất bản chính thống kết quả khảo sát phục vụ tổ chuyên gia đánh giá chuyên sâu, đưa ra các giải pháp và biện pháp xử lý phù hợp, UBND huyện Lâm Hà đề nghị UBND tỉnh Lâm Đồng xem xét cho địa phương ký kết hợp đồng nguyên tắc thực hiện công việc khảo sát với đơn vị tư vấn là Công ty CP Tư vấn xây dựng Thủy lợi 3.
Về kinh phí thực hiện, trước mắt Công ty CP Tư vấn Xây dựng Thủy lợi 3 ứng kinh phí để thực hiện, sau đó hạch toán vào chi phí dự án khắc phục sự cố để chi trả cho đơn vị.
Từ đầu tháng 7/2023, tại khu vực công trình xảy ra tình trạng sạt trượt nghiêm trọng. Đến đầu tháng 8/2023, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp dẫn đầu đoàn công tác Ban chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai tổ chức kiểm tra tình hình sạt lở tại hồ chứa nước Đông Thanh và làm việc với UBND tỉnh Lâm Đồng cùng các cơ quan chức năng về công tác phòng, chống thiên tai trên địa bàn.
Tại cuộc làm việc, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp yêu cầu UBND tỉnh Lâm Đồng cùng các cơ quan chức năng tổ chức khảo sát, khoan thăm dò trên diện rộng để nắm bắt tình hình sạt trượt. Trong đó bao gồm cả việc khoan thăm dò ở thượng lưu. Đồng thời yêu cầu chủ đầu tư, đơn vị tư vấn phải phối hợp chặt chẽ với các chuyên gia để thực hiện các biện pháp khắc phục.