Tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp
Ngày 30/12, tin từ cuộc họp báo thường kỳ Văn phòng Quốc vụ viện Trung Quốc (tương đương Văn phòng Chính phủ VN) cho biết giá bán buôn thịt lợn trung bình của quốc gia 1,4 tỷ dân này là 42,89 Nhân dân tệ/kg (khoảng 142.300 đồng/kg). Chính quyền Trung Quốc cho biết giá này giảm so với mức cao điểm nhất khoảng 18,15%. Khi đó, giá thịt lợn ở Trung Quốc đạt đỉnh 52,4 Nhân dân tệ/kg.
Lò giết mổ vịt, gà ở Trung Quốc hiện tấp nập hơn hẳn so với trước thời điểm dịch tả lợn châu Phi. Ảnh: Tùng Đinh. |
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp Nông thôn Trung Quốc, ông Vu Khang Chấn, khẳng định thị trường nông sản nước này đang “ổn định, cung đáp ứng đủ cầu”. Tuy nhiên, do ảnh hưởng từ dịch tả lợn Châu Phi, giá thịt lợn có thể vẫn tăng nhẹ trước Tết Nguyên đán, kéo theo sự tăng giá “ở mức nhất định” với thịt dê, bò, gia cầm, trứng gà...
Ông Vu cho biết thêm, giá thịt lợn ở Trung Quốc sẽ khó tăng cao hơn, bởi nước này thực hiện song song nhiều biện pháp tái đàn, nhập khẩu với mức thuế ưu đãi. Cụ thể, từ tháng 11 đến nay, mâu thuẫn cung cầu thịt lợn đã giảm bớt.
Thứ trưởng Bộ Công thương Trung Quốc, ông Vương Bân, cho biết từ trung tuần tháng 12, chính phủ nước này đã tung khoảng 100.000 tấn thịt lợn dự trữ ra thị trường, nhằm bình ổn giá trước Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán. Ông Vương nói sẽ tiếp tục đẩy mạnh biện pháp đưa thịt lợn dự trữ, chủ yếu từ nhập khẩu.
Đối với các vùng dân tộc ít người, ngoài việc vận chuyển thịt lợn dự trữ đến tận nơi, Trung Quốc cũng đưa thêm thịt bò, dê đến.
“Chúng tôi sẽ tiếp tục nhập khẩu thịt lợn, chỉ đạo các doanh nghiệp lớn tích cực khai thác thịt lợn từ nước ngoài, đa dạng hóa nguồn nhập khẩu. Đồng thời, chính phủ yêu cầu các cơ quan liên quan đơn giản hóa thủ tục, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, nâng cao hiệu quả khâu kiểm dịch, giảm tối đa chi phí nhập khẩu. Bộ Công thương cũng sẽ phối hợp các cơ quan chức năng tăng cường giám sát thị trường, kịp thời đưa thông tin định hướng đối với việc biến động giá thịt lợn thay đổi”.
Câu chuyện Thành Đô
Ổn định giá thịt lợn được coi là chủ đề thu hút nhiều sự quan tâm nhất của dư luận Trung Quốc. Trong đó, Thành Đô - thủ phủ tỉnh Tứ Xuyên, được các tờ báo chuyên về kinh tế, tài chính, ca ngợi về những giải pháp đồng loạt giúp bình ổn giá.
“Thời điểm này trong năm luôn là lúc nhu cầu mua thịt xông khói, xúc xích, tăng mạnh nhất. Nhưng đến nay, giá thịt lợn không tăng, còn có xu hướng giảm”, Tả Hoài Anh, Trưởng bộ phận thịt lợn bán buôn, Trung tâm Nông sản Thành Đô, nói.
Trung tâm Nông sản Thành Đô cung ứng 80% nông sản cho nhu cầu của thành phố này, với hơn 10 triệu dân. Bình quân mỗi ngày ở đây có 5.000 tấn rau, 3.000 con lợn, 700 con dê, bò, được tiêu thụ. Đây là công cụ giúp chính quyền thành phố khống chế không để “bão giá” xảy ra.
Mức giá thịt lợn sống tại Thành Đô hiện khoảng 42 Nhân dân tệ/kg. Giới chức Thành Đô khẳng định giá này sẽ không tăng cho tới Tết Nguyên đán.
Nhờ cơ cấu “Giỏ thức ăn”, Thành Đô không chỉ thành công bình ổn giá thịt lợn, giữ mức giá tăng chậm so với các địa phương khác khoảng 1 - 2 tháng. Điều này còn được thực hiện với các mặt hàng thực phẩm, rau củ khác.
Trong cơ cấu “Giỏ thức ăn”, Trung tâm Nông sản Thành Đô đóng vai trò chính, chịu sự chỉ đạo của chính quyền, phối hợp với đơn vị này là Công ty cổ phần Tập đoàn nông sản Thẩm Quyến và Tập đoàn Đầu tư Ích Dân Thành Đô. Sự phối hợp giữa chính quyền và doanh nghiệp ở Thành Đô trong cung cấp thực phẩm đang là hình mẫu được học hỏi tại Trung Quốc.
Giá thịt lợn tăng song không gây tâm lý hoang mang cho người bán và người mua ở Trung Quốc, nhờ sự vào cuộc của nhiều cơ quan chính phủ và sự chủ động của người dân. Ảnh: Tùng Đinh. |
Mỗi ngày Trung tâm nông sản Thành Đô giao dịch khoảng 700 con bò, 2.000 con dê (mùa cao điểm), gà, vịt, thỏ, khoảng 50.000 con. |
Ngoài việc tìm “thiên phương bách kế” để giữ giá thịt lợn, chính người Thành Đô cũng giúp chính quyền giảm gánh nặng khi chủ động tìm nguồn thịt thay thế.
Mối tương tác giữa chính quyền và sự chủ động của người dân, kết hợp cơ cấu “Giỏ thức ăn” với sự tham gia của các doanh nghiệp tầm cỡ, giúp giá thực phẩm ở Thành Đô vào dạng “dễ thở” nhất Trung Quốc, đồng thời có sự ổn định.
Ngoài các biện pháp trên, chính quyền Thành Đô cũng đưa ra “10 biện pháp ổn định thị trường thịt lợn”, chủ yếu là tăng cường an toàn vệ sinh chuồng trại, thức ăn, tăng cường phòng dịch, thúc đẩy công nghiệp chế biến, đảm bảo mỗi năm cho xuất chuồng khoảng 4 triệu con lợn. Thành Đô cũng đang đẩy nhanh công nghệ thịt lợn đông lạnh, từ từ thay đổi thói quen người dùng.
Trước kia, mỗi ngày ở Thành Đô chỉ tiêu thụ được hơn vài chục tấn thịt lợn đông lạnh, nay con số đã tăng 10 lần.