Một sạp bán thịt lợn ở chợ Ngân Hưng, Bằng Tường, Quảng Tây. Không có dấu hiệu căng thẳng hay “bão giá” từ phía người bán lẫn người mua. Ảnh: Tùng Đinh. |
Sạp thịt lợn vắng vẻ
Chợ Ngân Hưng, khu chợ lớn nhất tại Bằng Tường, Quảng Tây, Trung Quốc, những ngày này tấp nập người qua lại, mọi việc diễn ra bình thường, như thể chưa hề có “bão giá” thịt lợn.
Lý Húc Đan, một phụ nữ bán thịt lợn lâu năm tại đây, cho biết: “Người bán thịt lợn giảm 1/3 so với trước. Đầu vào cao quá, đầu ra cũng cao. Mà lợn chết hết rồi, còn đâu để bán nhiều”.
Nếu trước đây có khoảng 30 sạp thịt lợn, nay con số chỉ còn 20. Dù vậy, những người bán thịt lợn tại đây tỏ ra khá bình tĩnh. “Sau Tết, giá thịt lợn và nguồn cung sẽ trở lại bình thường. Vì lúc đó dịch tả lợn châu Phi đã dịu bớt, lợn cũng đủ lớn để thịt”, Lý nói.
Lý và các chủ sạp thịt lợn khác cho biết trước dịch tả lợn châu Phi, thịt ba chỉ khoảng 6-7 nhân dân tệ mỗi cân (1 cân Trung Quốc = 0,5 kg), còn hiện tại là 25 tệ một cân (1 tệ tương đương 3.500 đồng). Sườn lợn hiện tại 60 tệ/kg, cao gấp 3 so với trước.
Giá cao dẫn đến việc khách hàng mua lượng thịt ít đi, nếu trước bình quân mỗi khách mua một cân thịt ba chỉ, thì nay họ sẽ chọn mua 7-8 lạng (Trung Quốc). “Người mua không tăng, lượng mua giảm, hàng có bán chậm hơn chứ không gây phiền toái quá lớn”, Lý nói.
Ban quản lý chợ Ngân Hưng cho biết khoảng nửa năm qua, lượng tiêu thụ gà, vịt, cá, dê, tăng mạnh, bởi nhu cầu người dùng muốn thay thế thịt lợn. “Nếu trước kia có khoảng 100 hộ bán, thì nay con số khoảng 160-170. Để dễ hình dung, lúc xưa chỉ một dãy bán thịt gà, vịt, thì giờ đầu đầu, giữa, cuối trục đường từ cổng Tây qua cổng Bắc chợ, đều có hàng gà, vịt”, đại diện ban quản lý chợ Ngân Hưng, nói.
Hoàng Tiểu Hoa, người phụ nữ ngoài 50 tuổi, hơn nửa cuộc đời gắn với nghề bán gà tại Ngân Hưng, cười bảo: “Giá gà, vịt có nhích lên khoảng 2-4 tệ mỗi kg, lượng người bán cũng tăng lên, nên không lãi bao nhiêu so với trước. “Bão” thịt lợn ở đâu chứ ở đây vẫn bình thường”.
Trong khi đó, trên mạng xã hội Weibo của Trung Quốc, hay mạng Tiktok chuyên về video, nhiều câu chuyện về thịt lợn được dựng lên, như đi làm quen với bạn gái bằng việc đeo đầy thịt lợn trên cổ, trên tay, thay thế cho trang sức. Khi chúng tôi đưa những video này, rất đông người bán hàng ở Ngân Hưng cười khoái chí, bảo: “Ở đâu thế, Trung Quốc à? Chắc đùa thôi, nếu “bão” giá thịt lợn đến cỡ ấy, thì chúng tôi ở đây thành phú ông hết cả rồi sao?”.
Nhóm PV Báo Nông nghiệp Việt Nam phối hợp cùng một số thành viên Ban quản lý chợ Ngân Hưng làm cuộc khảo sát nhỏ với người mua, cho thấy số liệu sau: Sinh viên ăn thịt lợn giảm mạnh, một tuần mua một lần, thay vì 2-3 ngày như trước. Trong 10 phụ nữ có gia đình đi mua thịt ở Ngân Hưng, 8 người cho biết họ vẫn mua thịt lợn mỗi lần đến chợ, dù lượng mua giảm 2-3 lạng Trung Quốc.
Toàn bộ số người được hỏi, đều nói họ “không cảm thấy chính quyền có gì đáng trách” bởi dịch tả lợn châu Phi hiện còn chưa có vắc xin, trong khi giá gà, vịt, dê, cá - các thực phẩm thay thế đều giữ ở mức ổn định.
Các sạp thịt lợn ít hơn trước, một phần do giá lợn lên cao. Tuy nhiên, điều này không làm ảnh hưởng sức mua nói chung tại chợ Ngân Hưng. Ảnh: Tùng Đinh. |
Tung hàng chục nghìn tấn thịt lợn dự trữ
Ngày 22/12, báo chí Trung Quốc cho biết Bộ Công thương nước này đã tung 40.000 tấn thịt lợn đông lạnh, nhập từ Đan Mạch, Đức, Pháp, để tiếp tục hạ nhiệt giá. Dự kiến ngày 23/12, lượng thịt này sẽ ra thị trường.
Đây là lần thứ 3 chính quyền Trung Quốc phải nhập thịt lợn rồi đưa ra thị trường, chỉ riêng trong tháng 12. Tổng lượng thịt dự trữ đã đưa ra là 120.000 tấn.
Theo tờ Sina, lần nhập khẩu thịt lợn này ở Trung Quốc có một số điểm đang lưu ý. Cụ thể, gỡ bỏ hạn mức về việc mỗi doanh nghiệp không được nhập quá 600 tấn thịt lợn, ngoài ra, cũng bãi bỏ yêu cầu doanh nghiệp sau khi nhập phải bán hết số thịt nhập trong 1 tháng.
Trưởng phòng Kinh tế nông thôn, Trung tâm nghiên cứu phát triển, thuộc Quốc vụ viện Trung Quốc, ông Diệp Hưng Khánh, cho biết: “Việc nhập khẩu thịt lợn mang tính chỉ dẫn với thị trường, cũng để nói với người dân rằng hãy yên tâm, Trung Quốc có giải pháp, có cách thực thi, có niềm tin rằng sẽ ổn định giá thịt lợn trước Tết”.
Trên thực tế, đây là lần nhập khẩu thịt lợn làn thứ 5 của Trung Quốc. Hồi tháng 9, Trung Quốc nhập khẩu 3 lần, mỗi lần 30.000 tấn. Từ ngày 12/12 tới nay, mỗi lần nhập khẩu 40.000 tấn.
Các loại thịt như gà, vịt, được đông người mua hơn trước, giá cũng nhích lên 1-2 nhân dân tệ mỗi cân. Ảnh: Tùng Đinh. |
Chuyên gia dự báo thị trường thịt lợn của Bộ Nông nghiệp Nông thôn Trung Quốc, ông Vương Tổ Lực, cho biết: “Sau đợt nhập thịt lợn đầu tiên hồi tháng 12, thị trường thịt lợn sống đã có những dấu hiệu hạ nhiệt rõ rệt. Ngày 10/12, giá thịt lợn sống là 34,46 nhân dân tệ/ kg, đến ngày 15/12, giá còn 33,21 nhân dân tệ/kg”.
Người phát ngôn Bộ Công thương Trung Quốc gần đây cho biết, sắp tới nước này sẽ tiếp tục có những bước đi mạnh mẽ hơn nhằm bình ổn thị trường thịt lợn, kết hợp với việc yêu cầu các địa phương hỗ trợ trung ương bằng cách tung lượng thịt dự trữ ra bán.
Trước Tết Nguyên đán, Bộ Công thương Trung Quốc yêu cầu 36 thành phố lớn ở nước này báo cáo tình hình giá cả thị trường hằng ngày, đặc biệt là giá cả và tình hình cung cầu thịt lợn.
Các biện pháp của chính quyền Trung Quốc nhận được phản ứng tích cực từ thị trường. Riêng tại Trùng Khánh, thành phố trực thuộc trung ương, vùng tây nam, giá sườn lợn trước kia là 37-38 nhân dân tệ/0,5 kg, sau khi nhập khẩu, thúc đẩy sự vào cuộc của chính quyền địa phương, giá sườn lợn còn 27-28 tệ.
Một số cư dân thuộc diện nghèo ở Trùng Khánh còn được chính quyền hỗ trợ tiền thịt lợn từ 20-45 nhân dân tệ mỗi tháng. Theo ước tính của chính quyền Trùng Khánh, từ tháng 4 đến nay đã tiêu tốn 204 triệu nhân dân tệ (29 triệu USD) hỗ trợ cho các hoàn cảnh khó khăn vì giá thịt lợn lên cao.