Ông Đỗ Tùng Lâm, Phó chủ tịch UBND huyện An Lão |
Cơ quan chức năng nhận định đây là vụ phá rừng có tổ chức, quy mô lớn nhất từ trước đến nay, đối tượng “cầm đầu” không phải là người dân trong huyện.
Không phải dân địa phương?
Sau khi đi thị sát hiện trường vụ phá rừng tự nhiên tại tiểu khu 1 thuộc xã An Hưng (huyện An Lão, Bình Định) vào cuối tuần qua, sáng 11/9, UBND huyện An Lão đã triệu tập cán bộ kiểm lâm, chủ rừng, lãnh đạo địa phương tổ chức cuộc họp khẩn để rà soát, phối hợp cùng lực lượng chức năng truy tìm đối tượng đã “khai tử” hơn 43ha rừng tự nhiên.
Theo UBND huyện An Lão, diện tích rừng bị phá là do UBND xã An Hưng quản lý. Những đối tượng đã tiến hành phá rừng tại 3 địa điểm, địa điểm thứ nhất tại khoảnh 8 (tiểu khu 1) với diện tích 17,40ha. Tại hiện trường, cây rừng và thực bì bị chặt phá hoàn toàn, nằm nguyên tại hiện trường. Cây gỗ bị chặt hạ có đường kính tại vị trí mặt cắt từ 10 - 35cm, chiều cao gốc chặt từ 0,3 - 0,6m, thân có chiều dài từ 8 - 12m. Dụng cụ cưa hạ cây gỗ là cưa máy, thời gian xảy ra phá rừng cách thời điểm kiểm tra khoảng 3 đến 10 ngày, lá cây rừng còn màu xanh...
Đoàn công tác tiếp cận hiện trường |
Ông Đỗ Tùng Lâm, Phó Chủ tịch UBND huyện An Lão, cho biết: “Địa điểm rừng bị phá nằm ở khu vực rừng giáp ranh với tỉnh Quảng Ngãi và huyện Hoài Nhơn (Bình Định). Từ trung tâm An Hưng đến hiện trường đường dốc rất hiểm trở, phải đi bộ mất gần 6 tiếng nhưng xuất phát từ xã Hoài Sơn (huyện Hoài Nhơn) thì ôtô, xe máy đều có thể lưu thông. Trong 43,7ha rừng bị lâm tặc tàn phá thì có đến 13,4ha là rừng phòng hộ. Tại thời điểm kiểm tra có 2 lán trại, trong đó có 1 lán trại nghi là của lâm tặc nên lực lượng chức năng đã phá bỏ tại chỗ. Lán trại này còn đỏ lửa nhưng không có ai ở đó”.
"Qua rà soát, lãnh đạo UBND huyện An Lão nhận định đối tượng phá rừng không phải là người dân địa phương. Chúng tôi đã kiến nghị Công an tỉnh Bình Định vào cuộc, thủ phạm thực sự là ai vẫn đang chờ kết quả chính thức từ cơ quan điều tra. Đây là vụ phá rừng quy mô lớn nhất từ trước đến nay của huyện nên sai đến đâu xử lý đến đó, không bao che cho ai cả. Sắp đến, UBND huyện sẽ tiến hành kiểm điểm trách nhiệm đối với chủ rừng là UBND xã An Hưng cùng lực lượng bảo vệ rừng, kiểm lâm. Lãnh đạo UBND huyện nhận trách nhiệm, trong tuần này sẽ tiến hành kiểm điểm để báo cáo UBND tỉnh”, ông Lâm cho hay.
Phát hiện muộn
Ông Đoàn Văn Tá, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện An Lão, thừa nhận phát hiện vụ việc quá muộn. Lý do ông Tá đưa ra là vì: “Khu vực nằm ở thung lũng, địa hình hiểm trở, nhưng lỗi một phần cũng do kiểm lâm quá chủ quan. Vụ việc chỉ được phát hiện sau khi tiếp nhận thông tin từ kiểm lâm huyện Hoài Nhơn”.
Ông Phan Trọng Hổ, Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Bình Định, nêu quan điểm: “Đây là vụ phá rừng quy mô lớn và nghiêm trọng. Chúng tôi đã nhận được sự cam kết của Công an tỉnh về việc hỗ trợ tối đa lực lượng và phương tiện nhằm sớm điều ra, làm rõ đối tượng vi phạm và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Đồng thời, Sở NN-PTNT Bình Định yêu cầu Hạt Kiểm lâm huyện Hoài Nhơn phối hợp với Kiểm lâm An Lão tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng khu vực giáp ranh, chủ động ngăn chặn nguy cơ tương tự có thể tái diễn”.
Hiện trường ngổn ngang cây rừng bị cưa hạ |
|
Nhiều cây gỗ đường kính 30cm bị cưa hạ |