Dù vẫn được ưu tiên khung giờ lý tưởng 20h đến 21h hàng ngày, nhưng những bộ phim được đưa lên VTV1 phải gói gọn 30 phút mỗi tập, thay vì 45 phút mỗi tập như trước đây. Đây là một quyết định cân nhắc và thận trọng của Đài truyền hình VN khi chất lượng phim truyền hình nội địa đang đứng trước nhiều thách thức không dễ vượt qua.
Bộ phim “Gạo nếp gạo tẻ” được xem là một hiện tượng trên sóng truyền hình năm 2018 |
Khái niệm “giờ Vàng phim Việt” từng khiến công chúng hào hứng, nhưng không kéo dài được bao lâu. Cách đây 10 năm, có hàng trăm đơn vị sản xuất phim truyền hình đua nhau triển khai các dự án dài tập nhằm chinh phục khán giả trên các kênh VTV3, VTV1 của Đài truyền hình VN và HTV7, HTV9 của Đài truyền hình TPHCM. Bây giờ, những công ty còn mặn mà với phim truyền hình chỉ đếm trên đầu ngón tay, dù đã thu hẹp công suất làm phim hàng năm. Nguyên nhân sụt giảm của phim truyền hình nước ta thì có thể phân tích ở nhiều góc độ khác nhau, nhưng hai yếu tố quan trọng là thiếu nhân lực và thiếu chiến lược.
Về mặt nhân lực. Đội ngũ làm phim truyền hình phần lớn đều không được đào tạo chuyên nghiệp, mà được trưng dụng theo kiểu tuỳ hứng. Đạo diễn sân khấu đi làm phim truyền hình, còn người mẫu thay vai diễn viên chính, thì chất lượng không thể đòi hỏi cao. Bẽ bàng hơn, những nhà biên kịch cũng đều chiêu mộ từ vài cây bút nhàn rỗi, không được trang bị kiến thức về phim ảnh.
Về mặt chiến lược. Khi mở rộng sân chơi cho tư nhân tham gia sản xuất phim truyền hình, hai trung tâm sản xuất chủ lực là VFC của Đài truyền hình VN và TFS của Đài truyền hình TPHCM cũng rơi vào tình trạng xao nhãng theo kiểu tranh thủ nghỉ ngơi, mà không đẩy mạnh đầu tư chiều sâu. Đến lúc mỗi tập phim với mức chi trả cào bằng 200 triệu đồng không còn đủ chi phí tối thiểu cho nhiều nhà làm phim truyền hình ung dung sáng tạo nữa, thì sự rút lui hàng loạt đối tác khiến thị trường “giờ Vàng phim Việt” trở nên ảm đạm hơn.
Bây giờ, những công ty giải trí chuyển sang sản xuất game show hoặc sản xuất phim chiếu rạp để nhanh thu hồi vốn. Phim Việt trên sóng truyền hình cả nước đành chấp nhận sự xâm lấn của những tác phẩm làm lại từ kịch bản nước ngoài, mà giới chuyên môn gọi là phim remake! Vay mượn ý tưởng, vay mượn bối cảnh, vay mượn tình huống của thiên hạ để có những bộ phim như “Người phán xử” hoặc “Gạo nếp gạo tẻ” hoàn toàn không phải con đường tìm thấy tương lai cho phim truyền hình Việt.
Giảm dung lượng phát sóng mỗi tập từ 45 phút xuống 30 phút, như kế hoạch của VTV1, có giúp vực dậy chất lượng phim truyền hình không? Chắc chắn không! Mỗi tập 45 phút, nếu trừ đi thời gian dành cho quảng cáo, thì giá trị nghệ thuật của mỗi tập càng mỏng manh hơn. Mỗi tập 30 phút chỉ thích hợp với thể loại hài tình huống sitcom, chứ không thể chuyển tải dòng phim chính luận thời sự hoặc dòng phim tâm lý xã hội.