Hội thảo Truyền thông về biến đổi khí hậu ở ĐBSCL. |
Theo GS.TS Mai Trọng Nhuận, truyền thông về biến đổi khí hậu (BĐKH) có nhiều khó khăn. Trước hết là từ chính BĐKH bởi đây là những vấn đề xảy ra chậm, hàng chục năm mới thấy rõ; không dễ dàng nhận biết, đánh giá do có những tác động tiềm tàng, lâu dài và phức tạp; bị nhiều tác động nhân sinh và phi BĐKH ảnh hưởng đến, che mờ hoặc cường điệu hóa tác động BĐKH; các giải pháp thích ứng không có tác dụng ngay lập tức mà cần có thời gian; dễ giới hạn BĐKH là thiên tai/BĐKH có tác động mọi mặt từ chính trị, kinh tế, văn hóa, ngoại giao, an ninh... (mà chưa được đề cập đầy đủ)…
Trong khi đó, phóng viên chủ yếu tiếp cận tài liệu, số liệu từ các báo cáo, hội nghị, hội thảo, ít được đi thực tế; truyền thông cần rất gấp, khoa học thì cẩn trọng nên không kịp thời, không đảm bảo tính thời sự; phóng viên khó tiếp cận các nhà khoa học, khó tiếp cận các nguồn tin đủ sâu; tuyên truyền về thiên tai thường gắn với các dự án, kêu gọi hỗ trợ nên người dân liên tưởng ngay đến nhiệm vụ nhà nước phải làm, cần được hỗ trợ từ nhà nước, quốc tế…, do đó không thấy được trách nhiệm của bản thân, của đơn vị, cộng đồng mình đang sinh sống; phóng viên chưa được tập huấn, đào tạo nhiều để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao…
Ngoài những khó khăn chung, truyền thông về BĐKH ở ĐBSCL còn có những khó khăn mang tính đặc thù như BĐKH ở ĐBSCL không dữ dội (như lũ, bão… ở các vùng khác); biểu hiện BĐKH ẩn vào trong các thiên tai có từ lâu ở ĐBSCL; xâm nhập mặn còn do yếu tố tự nhiên như hệ thống sông, kênh rạch thông với biển, địa hình thấp; tác động BĐKH thường tích hợp với các tác động không phải BĐKH; cuộc sống dễ dàng (dù nay bắt đầu khó khăn), quen với văn minh sông nước nên dễ chủ quan với thiên tai, BĐKH; thói quen trồng lúa khó thay đổi để thích ứng với BĐKH, nước biển dâng, xâm nhập mặn gia tăng…