Độc giả Lê Minh hỏi: “Hôm trước, chương trình Vua tiếng Việt kênh VTV3 có câu hỏi về tìm từ đồng nghĩa, gần nghĩa với từ “tham lam”. Đây là câu hỏi khó, người chơi không trả lời được.
Ban giám khảo có gợi ý một số câu đồng nghĩa, gần nghĩa như "tham tàn", "tham bạo", "vơ vét", "hám lợi". Xin cho biết những từ ấy có đồng nghĩa với tham lam không? “Tham” thì dễ hiểu rồi, vậy “lam” đây nghĩa là gì, nó có phải là láy của “tham” không? Xin cảm ơn!”.
Về từ đồng nghĩa với tham lam
Trước tiên, cần thống nhất về khái niệm. Từ đồng nghĩa là từ có nghĩa giống nhau, nhưng khác nhau về âm đọc, có thể thay thế cho nhau trong cùng một ngữ cảnh nào đó. Ví dụ các từ “từ trần”, “qua đời”, “tạ thế”; “khuất núi”, “quy tiên”, “trăm tuổi”... là những từ đồng nghĩa, có thể thay thế hoàn toàn cho nhau trong cùng một ngữ cảnh mà không làm thay đổi ý nghĩa của câu nói.
Vậy "tham lam" có đồng nghĩa với "tham tàn", "tham bạo" không?
“Từ điển từ láy tiếng Việt” (Viện Ngôn ngữ - Hoàng Văn Hành chủ biên) thu thập và giải nghĩa “tham lam” là “quá tham, đến mức muốn lấy hết về cho mình cả phần của người khác hoặc quá phần mình được hưởng” và lấy ví dụ “Ông chưa thấy người đàn bà nào lại tham lam tinh quái như mụ ta” (Kim Lân).
So sánh "tham lam" với hai từ đồng nghĩa là "tham tàn" và "tham bạo", ta thấy tuy chúng đều bao hàm tính chất tham, nhưng không đồng nghĩa, gần nghĩa. Bởi tham tàn, tham bạo, là do tham lam, tìm cách chiếm đoạt mà dẫn đến hung ác, tàn bạo; trong khi tham lam chỉ đơn thuần là sự ham muốn vô độ về của cải vật chất, tiền tài địa vị, hoặc tất cả những gì có thể sở hữu, lấy làm của riêng.
Có thể lấy ngay câu văn của Kim Lân: “Ông chưa thấy người đàn bà nào lại “tham lam” tinh quái như mụ ta”, làm ví dụ. Nếu ta thay từ tham lam bằng tham tàn hoặc tham bạo, thì “người đàn bà” kia, từ chỗ chỉ có thói/tính xấu tham lam, sẽ trở thành kẻ độc ác.
Trong tham tàn, tham bạo có sự tham lam; nhưng trong tham lam không bao hàm sự tàn bạo, độc ác. Kẻ ăn mày hay hạng bần cùng khố rách áo ôm đều có thể trở thành kẻ tham lam; nhưng chỉ với kẻ có sức mạnh, quyền lực, địa vị mới tham tàn, tham bạo được. Theo đây, cái tham trong tham tàn, tham bạo mang tính ức hiếp, tước đoạt; hoàn toàn không đơn thuần là tính xấu tham lam. Ví dụ:
“Bà Trưng quê ở Châu Phong
Giận người tham bạo, thù chồng chẳng quên”.
Trong trường hợp này, để chỉ sự “tham bạo” của Thái thú Tô Định, ta chỉ có thể thay thế bằng một từ đồng nghĩa khác, đó là “tham tàn”, chứ không thể thay bằng từ tham lam.
"Tham lam" có đồng nghĩa với "vơ vét", "hám lợi" không?
Vơ vét ý chỉ lấy hết, không trừ lại thứ gì. Đây là một hành động (động từ) biểu hiện cụ thể của tham lam, nhưng không hẳn mang bản chất tham lam (tính từ). Ví dụ một gã đạo chích lọt vào nhà và vơ vét, lấy đi tất cả mọi thứ, thì đó không phải tham lam, mà là cách hành nghề của hắn: đã lấy là lấy cho bằng hết!
Với hám lợi cũng vậy. Tham lam là muốn lấy hết về cho mình; trong khi hám lợi lại chỉ kẻ vì lợi lộc mà trở nên mù quáng, đến mức có thể chết vì lợi lộc.
Tham lam thuộc về bản chất, tính cách; trong khi hám lợi thiên về ám chỉ tình huống cụ thể nào đó, và không bao hàm ý lấy hết phần của người khác, lấy quá phần được hưởng.
Ví dụ, ông X vì thấy lãi cao mà tham gia “tín dụng đen”, đến nỗi mất cả chì lẫn chài; hoặc cô Y vì ham lợi lộc mà bị người đàn ông ngoại quốc lừa lấy hết tiền, thì đích xác phải gọi là hám lợi, tham lợi, chứ không phải tham lam nói chung.
Có chăng hám lợi có thể thay bằng tham với tư cách là một từ gần nghĩa. Ví dụ: Hám lợi thì cho chết! = Tham thì cho chết! Nhưng trong trường hợp này, tham cũng là một cách nói tắt, trong đó có sự ẩn ý về sự hám lợi, chứ không phải đồng nghĩa hoàn toàn với tham/tham lam.
Vậy, trong tiếng Việt, từ nào đồng nghĩa với "tham lam"?
Chỉ một từ đồng nghĩa với từ tham lam, đó là tham. Hai từ này có thể hoán đổi cho nhau trong nhiều trường hợp mà không làm thay đổi bản chất vấn đề. Ví dụ: Bà ấy có tính tham lam = Bà ấy có tính tham; Tham lam mất cả phần người khác = Tham mất cả phần người khác; Tham lam như chó = Tham như chó…
"Tham lam" có phải là từ láy không?
Như trích dẫn trên đây, thì "tham lam" được nhóm biên soạn từ điển (Hoàng Văn Hành chủ biên) xếp vào diện “từ láy”. Nhưng thực ra "tham lam 貪婪" là từ ghép đẳng lập gốc Hán. Trong đó, “tham 貪” nghĩa là ham muốn thái quá (như tham tiền; tham bạc; tham công tiếc việc); “lam 婪” cũng có nghĩa là tham (như lam làm = tham việc, siêng năng; cô ấy có tính lam làm).
“Đại Nam Quấc âm tự vị” thu thập và giải nghĩa từ lam tang là: “tham của hối hộ, ăn của dân, tội hà lạm”.
“Hán ngữ đại từ điển” giải nghĩa của từng yếu tố như sau: 1) “tham: mong cầu không biết bao nhiêu cho đủ” [cầu vô mãn túc - 求無滿足]; 2) “lam: nghĩa là tham” [tham - 貪].
Trong Hán ngữ, từ tham lam 貪婪 có nghĩa tương đương như trong tiếng Việt: “tham tiền tài, địa vị không biết chán, không biết đủ” [tham đắc vô yếm, bất tri túc - 貪得無厭, 不知足].
Như vậy, "tham lam" không đồng nghĩa, gần nghĩa với các từ "tham tàn", "tham bạo", "vơ vét", "hám lợi". Có chăng chỉ có hám lợi mang nét nghĩa “tham” mà thôi; "lam" trong "tham lam" cũng có nghĩa là tham. Theo đây, xét về nghĩa của từng yếu tố, thì "tham lam" là từ ghép đẳng lập, không phải từ láy.
Hoàng Tuấn Công
Bài viết cho chuyên mục xin được gửi về Báo Nông nghiệp Việt Nam, 14 Ngô Quyền, Hà Nội. Email: baonnvnts@gmail.com.
Hoặc liên hệ người phụ trách chuyên mục: Ông Tô Đức Huy, Trưởng ban Thư ký Tòa soạn; Điện thoại: 0913.378.918; Email: toduchuy75@gmail.com.