| Hotline: 0983.970.780

Vì sao lợn hữu cơ Quế Lâm vẫn an toàn giữa tâm bão dịch tả Châu Phi?

Thứ Hai 01/07/2019 , 09:01 (GMT+7)

Mặc dù dịch tả lợn Châu Phi bùng phát và bao vây tứ phía nhưng hàng chục trang trại với quy mô hàng ngàn con lợn nuôi theo hữu cơ của Tập đoàn Quế Lâm vẫn an toàn, ít nhất là đến thời điểm này.

Xung quanh bị hết rồi, còn mỗi đàn nhà tôi

Cả 8 thôn trên địa bàn xã Phong Thu (huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên – Huế) đều đã xuất hiện dịch tả lợn Châu Phi. Vậy mà chuồng lợn gia đình ông Nguyễn Văn Lịch ở thôn Trạch Hữu vẫn an toàn, kể cả khi 4 hộ chăn nuôi hàng xóm, cách nhau bờ rào dậu đều đã bị hết.

 Gia đình ông Lịch liên kết chăn nuôi lợn hữu cơ với Tập đoàn Quế Lâm từ 2 năm nay. Ban đầu chỉ vì tò mò khi doanh nghiệp này tuyên truyền hình thức chăn nuôi lợn không có mùi hôi, không ô nhiễm môi trường và thu mua lại lợn cho các hộ dân với giá cao hơn thị trường.

20 hộ dân trong xã, dẫn đầu là ông Lịch đi tham quan mô hình, nhưng bước đầu, không nhiều người tin lắm, nên chỉ có 3 hộ dân thực hiện cam kết.

Lợn hữu cơ Quế Lâm vẫn an toàn dù những đàn xung quanh đã nhiễm dịch tả Châu Phi. Ảnh: Kiên Cường.

Để thực hiện mô hình chăn nuôi này, phía Tập đoàn Quế Lâm hỗ trợ cho người dân vay vốn với lãi suất 0%, cung cấp nguồn giống, hỗ trợ kỹ thuật, cung cấp thức ăn chăn nuôi và giám sát quy trình chăn nuôi bằng hệ thống camera, sau đó thu mua lợn cho người dân khi đến hạn xuất chuồng.

“Từ khi liên kết với Tập đoàn Quế Lâm chúng tôi nhận thấy có 4 sự thay đổi rõ rệt so với chăn nuôi thông thường. Thứ nhất là không dịch bệnh, từ dịch tai xanh đợt trước đến dịch tả lợn Châu Phi lần này đàn lợn đều an toàn. Thứ hai là không ô nhiễm môi trường, không có mùi hôi. Thứ ba là có nguồn phân chuồng rất phong phú.

Ngoài chăn nuôi, gia đình tôi còn làm 2 ha thanh trà và bưởi da xanh, trước đây mỗi năm phải mua 15-20 tấn phân hữu cơ nhưng kể từ khi tận dụng được lượng phân vi sinh từ trại lợn thì không cần mua nữa. Thứ tư là kinh tế, nuôi lợn hữu cơ hạch toán chi phí mỗi con lãi 500-700 ngàn. Nhờ tập đoàn bao tiêu sản phẩm nên đầu ra rất ổn định, trước đây giá lợn lên xuống khiến nông dân thường xuyên bỏ chuồng, nhưng sau khi chúng tôi thực hiện thành công, hiện rất nhiều hộ dân đăng ký tham gia nuôi lợn hữu cơ, bất chấp dịch tả đang hoành hành ở khắp nơi”, ông Lịch nói.

Ông Lịch là một trong số nhiều hộ dân liên kết với Tập đoàn Quế Lâm nuôi lợn hữu cơ, tất cả đều đang an toàn dịch bệnh và có lãi trong bối cảnh ngành chăn nuôi đang bi đát như hiện nay.

Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Quế lâm, ông Nguyễn Hồng Lam là "cha đẻ" của mô hình chăn nuôi liên kết hữu cơ. Ảnh: Kiên Cường.

Việc phát triển chăn nuôi hữu cơ theo công nghệ vi sinh của Tập đoàn Quế Lâm được khởi phát và trực tiếp chỉ đạo của Chủ tịch HĐQT Nguyễn Hồng Lam  từ năm 2013. Các mô hình ban đầu chỉ nuôi 20-30 con chủ yếu đảm bảo nguồn cung cấp lợn sạch cho cán bộ công nhân viên và làm quà tặng. Đến nay, Tập đoàn đã liên kết với các Hợp tác xã, bà con nông dân đầu tư mở rộng lên hàng ngàn con có sự kiểm soát từ đầu vào đến đầu ra và đã được ngành Nông nghiệp đánh giá và chứng nhận chuỗi sản xuất chăn nuôi hữu cơ an toàn.

Mục tiêu chăn nuôi hữu cơ an toàn của Quế Lâm đặt ra là phải đạt hiệu quả kinh tế cao, chất lượng thịt tốt, không chất cấm và kháng sinh, bảo vệ môi trường chăn nuôi. Từ ban đầu ứng dụng một mô hình nuôi 30 con/lứa/HTX đến nay đã có 14 mô hình nuôi 500 con/lứa tại gia trại của 5 huyện thị xã, đã tiêu thụ tốt tại Huế và nhiều tỉnh thành.

Những kết quả chăn nuôi lợn hữu cơ theo công nghệ vi sinh đã được nhiều đối tượng, nhiều tỉnh thành đón nhận vì chất lượng thịt thơm ngon, hiệu quả chăn nuôi cao, không dịch bệnh trong chăn nuôi, người tiêu dùng yên tâm sử dụng do quy trình chuỗi chăn nuôi đạt 5 không vừa đảm bảo ATVSTP vừa an toàn sinh học.

Ông Nguyễn Hồng Lam, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Quế Lâm khẳng định: Với mục tiêu vì một nền nông nghiệp an toàn và hiệu quả, nên Quế Lâm không ngại bỏ ra nhiều công của để cùng với tập thể các nhà khoa học bền bỉ, tìm tòi, thực hiện các nghiên cứu và thử nghiệm nghiêm túc, lặp đi lại nhiều lần trên nhiều hộ/ nhiều lứa nuôi qua nhiều năm để hoàn thiện quy trình đáp ứng cho thực tiển sản xuất chăn nuôi và thị trường.

Ông Nguyễn Văn Hưng, Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh Thừa Thiên – Huế cho biết: Dịch tả lợn sau khi công bố hết dịch đã tái phát ở Thừa Thiên-Huế, hơn 11% số hộ chăn nuôi, 10% tổng đàn lợn ở Huế nhiễm dịch. Nguyên nhân dịch tả Châu Phi diễn biến phức tạp ở Huế chủ yếu do nguồn thức ăn, nguồn giống và môi trường... Chính vì vậy, những mô hình chăn nuôi hữu cơ của Tập đoàn Quế Lâm có thể xem là cứu cánh của người chăn nuôi. Bằng chứng là sau thời gian dài kể từ khi dịch xuất hiện nhưung chưa có bất cứ hộ chăn nuôi liên kết với Tập đoàn nào bị nhiễm bệnh. Nguyên nhân có thể là do nguồn thức ăn chăn nuôi của những hộ dân này không lẫn từ ngoài vào. Men vi sinh trong thức ăn tăng sức đề kháng cho các đàn lợn tốt hơn nên chưa nhiễm bệnh.
 

Cứu cánh của chăn nuôi nông hộ

Sau khi đi khảo sát thực tế tại các mô hình chăn nuôi liên kết của Tập đoàn Quế Lâm, ông Nguyễn Xuân Dương, quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi khẳng định: Đây là mô hình chăn nuôi rất tốt, rất phù hợp với tình hình chăn nuôi Việt Nam giai đoạn hiện nay, đặc biệt nhất là trong bối cảnh dịch tả lợn Châu Phi hoành hành và thị trường biến động.

Thực tế, những mô hình chăn nuôi nông hộ khó có khả năng miễn dịch được nên mô hình chăn nuôi của Tập đoàn Quế Lâm phù hợp với hoàn cảnh mới, xu thế mới để chăn nuôi Việt Nam tiếp tục phát triển, góp phần quan trọng vào hạn chế dịch bệnh.

Theo ông Dương, tất nhiên quy trình chăn nuôi vẫn phải thực hiện nghiêm túc các biện pháp thú y, phòng dịch thông thường, tuy nhiên những mô hình chăn nuôi hữu cơ tuần hoàn như thế này góp phần tích cực để nâng cao khả năng kháng bệnh. Mặt khác sản phẩm chăn nuôi của Quế Lâm cũng đang được bán với giá cao, hiện đang thu mua của dân 46 nghìn đồng/kg, trong khi đó giá lợn bình quân của Huế lúc này chỉ 30-35 nghìn đồng/kg.

“Chúng tôi cho rằng, nguyên nhân chính là nhờ sử dụng vi sinh trong ủ thức ăn chăn nuôi đã có tác dụng tích cực làm tăng sức đề kháng cho lợn. Bằng chứng là từ trước khi có dịch tả lợn Châu Phi, sức đề kháng của lợn hữu cơ cũng được thể hiện qua việc sử dụng men vi sinh và miễn dịch với nhiều loại bệnh khác mà không cần dùng kháng sinh.

Thứ hai, chăn nuôi hữu cơ tận dụng được các nguồn phụ phẩm trong nông hộ như thóc, cám, ngô, sắn... Người chăn nuôi chỉ cần đưa men vào ủ có thể trở thành thức ăn hỗn hợp, vừa đảm bảo dinh dưỡng cho vật nuôi vừa đảm bảo vấn đề nâng cao sức đề kháng. 

Thứ ba là vấn đề môi trường. Chăn nuôi hữu cơ sử dụng đệm lót sinh học. Vừa không phải tắm cho lợn, nước tiểu của lợn, phân của lợn thấm vào đệm lót sinh học đảm bảo môi trường không mùi, không ô nhiễm, sau mỗi chu kỳ nuôi lại tận dụng phân hữu cơ này trở thành phân vi sinh bón cho cây trồng.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến dẫn đầu đoàn công tác Bộ NN-PTNT thị sát các mô hình chăn nuôi hữu cơ an toàn. Ảnh: Kiên Cường.

Đây là công nghệ chăn nuôi tuần hoàn nhất cử tam tiện. Có thể giảm chi phí trong chăn nuôi, đặc  biệt nhất, khi xẩy ra dịch thì không phải đi mua thức ăn ở bên ngoài, có thể đảm bảo, kiểm soát tốt nguồn nguyên liệu, hạn chế nguy cơ đem mầm bệnh từ bên ngoài vào khu chăn nuôi. Chính vì vậy, trong thời gian tới phải tuyên truyền người dân thay đổi thói quen, tập quán chăn nuôi, để khi người dân nhận thức đầy đủ lợi ích của phương thức chăn nuôi này sẽ tự nguyện áp dụng. Nhà nước sẽ có chính sách khuyến khích thông qua các doanh nghiệp, các mô hình hợp tác xã để nhân rộng mô hình. Tổ chức chăn nuôi theo chuỗi liên kết để đưa quy trình chăn nuôi vào và thu mua sản phẩm và bán ra với phương thức doanh nghiệp và người nông dân cùng có lãi”, quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi phân tích.
 

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến: Đủ cơ sở khẳng định chế phẩm của Quế Lâm tăng sức đề kháng cho lợn

Trực tiếp thị sát các mô hình chăn nuôi, Thứ trưởng Bộ Nn-PTNT Phùng Đức Tiến khẳng định:

Với thời giạn dịch tả lợn Châu Phi xuất hiện và việc tất cả các mô hình chăn nuôi liên kết của Tập đoàn Quế Lâm đến thời điểm này chưa nhiễm bệnh có thể đủ khẳng định chế phẩm sinh học của Tập đoàn Quế Lâm đã tăng cường sức đề kháng cho lợn giúp các đàn lợn chưa bị xâm nhiễm dịch tả lợn Châu Phi.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến: Đủ cơ sở khẳng định "chế phẩm ông Lam" tăng sức đề kháng cho lợn. Ảnh: Kiên Cường.

Theo Thứ trưởng Tiến, dịch tả lợn Châu Phi hiện nay vẫn chưa có vắc xin, chưa có thuốc chữa, đã tiêu hủy hơn 100 triệu con lợn trên toàn thế giới. Là vấn nạn toàn cầu, nguy cơ của tất cả các quốc gia.

Ở Việt Nam, đến thời điểm hiện tại số lợn tiêu hủy đã chiếm khoảng 7% trên tổng đàn. Dịch tả lợn Châu Phi có sức sống rất mãnh liệt. Ở ngoài môi trường 56 độ C, các loại vi rút khác có thể chết nhưng vi rút dịch tả lợn Châu phi vẫn có thể tồn tại 7 phút. Trong thời gian tới diễn biến dịch sẽ tiếp tục phức tạp, chính vì vậy, những mô hình chăn nuôi như của Tập đoàn Quế Lâm là cứu cánh của chăn nuôi nông hộ.

Thứ trưởng chỉ đạo, trong thời gian tới,mô hình này phải được nhân rộng. Đề nghị Cục Chăn nuôi và Tập đoàn Quế Lâm tổng kết kết quả, phân tích xem chế phẩm này là cái gì, cho ăn như thế nào, tăng trọng ra sao, giá thành và chất lượng thịt như thế nào, để từ đó có căn cứ xây dựng đề cương đề tài nghiên cứu khoa học, đánh giá cơ chế tác động tăng sức đề kháng.

“Đề tài này sẽ thực hiện trên các đối tượng khác nhau, đưa vào sử dụng ngay những đàn lợn đang bị dịch, xem có giữ vững được không để nay mai có cơ sở khoa học, cơ sở thực tiễn nhằm công nhận một công trình khoa học nghiên cứu đầy đủ và lan tỏa”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến chỉ đạo.
 

Quy trình chăn nuôi lợn hữu cơ của Tập đoàn Quế Lâm như thế nào?

Mô hình liên kết chăn nuôi hữu cơ ngày càng được nhân rộng. Ảnh: Kiên Cường.

Tập đoàn Quế Lâm thực hiện quy trình chăn nuôi hữu cơ trên nền tảng áp dụng chế phẩm sinh học đã tập trung từ khâu giống: Phải có con giống sạch bệnh, xuất phát nuôi từ cơ sở ATDB, giống F2 có ¾ máu ngoại. Phải có thức ăn chất lượng tốt, phù hợp và đạt hiệu quả kinh tế cao thông qua chỉ số tiêu tốn thức ăn (FCR), cụ thể là 2 loại thức ăn QL1 cho lợn 15-30 kg và QL2 cho lợn từ 30kg đến xuất chuồng, thức ăn được phối hợp với men vi sinh cho từng giai đoạn đủ dinh dưỡng cho lợn ăn khỏe. 

Chuồng trại, các hộ dân liên kết phải thiết kế phải theo thiết kế của tập đoàn qua nhiều lần điều chỉnh đã được đăng ký độc quyền với cục sở hữu trí tuệ Bộ KHCN đảm bảo chuồng nuôi phải an toàn, bố trí hợp lý nơi lợn ăn/uống và nơi thải chất thải phát huy hiêu quả hoạt động của men vi sinh phân giải tốt đả bảo yêu cầu đông ấm hè mát, lợn thích nằm, chuồng nuôi phù hợp để lợn làm sao tăng được năng suất, vừa ATDB do không có chất thải ô nhiễm trong chuồng. 

Về quản lý dịch bệnh, ngoài thứ ăn và chuồng trại, việc sử dụng công nghệ vi sinh để làm gia tăng sức đề kháng, tăng hiệu suất sử dụng thức ăn, lợn ăn hết khẩu phần, vừa đạt hiệu quả kinh tế, vừa giảm phát thải tối đa khí độc và chất thải ra môi trường làm lây lan dịch bệnh như nuôi truyền thống phải đặt ra. 

Về chuỗi liên kết chăn nuôi lợn hữu cơ là một quá trình từ sản xuất đến tiêu dùng phải là một khâu hoàn chỉnh, truy xuất được nguồn gốc ATVSTP.

Xem thêm
Truy tố những trường hợp để chó, mèo gây hậu quả nghiêm trọng

Đắk Lắk sẽ điều tra, truy tố, xử lý nghiêm những trường hợp không tuân thủ quy định trong việc nuôi, quản lý chó, mèo để xảy ra hậu quả nghiêm trọng.

Lúa đông xuân sớm được mùa, nông dân lãi 20 triệu đồng/ha

QUẢNG BÌNH Các diện tích lúa đông xuân sớm tại Quảng Bình hiện đã thu hoạch, năng suất bình quân khoảng 65 tạ/ha, nông dân lãi hơn 20 triệu đồng/ha…

Đốt rơm rạ là... đốt tiền

ĐỒNG THÁP Chưa khi nào nông dân thấy giá trị của rơm rạ như bây giờ, thu hoạch xong không đốt bỏ mà bán cho hợp tác xã, xử lý thành các sản phẩm đa dụng...

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm