| Hotline: 0983.970.780

'Bắt bệnh bốc thuốc' đào tạo nguồn nhân lực nông nghiệp

Từ ngành học chỉ có 6 sinh viên đến 4 mô hình tự chủ

Thứ Tư 09/08/2023 , 07:45 (GMT+7)

Khó khăn vẫn còn đầy rẫy ở Trường Đại học Nông - Lâm Bắc Giang nhưng chính nhờ sự thay đổi tư duy nguồn nhân lực đã mở ra nhiều con đường sáng.

LTS: Nguồn nhân lực là yếu tố quyết định đảm bảo phát triển kinh tế - xã hội bền vững, với ngành nông nghiệp lại càng mang ý nghĩa sống còn. Loạt bài này sẽ phần nào nêu thực trạng, kiến giải để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho ngành nông nghiệp.

Chưa năm nào tuyển sinh đủ chỉ tiêu

Đang ở giai đoạn cao điểm tuyển sinh nhưng Đại học Nông - Lâm Bắc Giang (huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang) vắng tanh vắng ngắt. Chỉ lác đác vài ba giảng viên, học sinh lọt thỏm giữa khuôn viên trường khá khang trang, rộng đến hơn 60ha.

TS Mai Thị Huyền, Phó Hiệu trưởng phụ trách Đại học Nông - Lâm Bắc Giang. Ảnh: Hoàng Anh.

TS Mai Thị Huyền, Phó Hiệu trưởng phụ trách Đại học Nông - Lâm Bắc Giang. Ảnh: Hoàng Anh.

TS Mai Thị Huyền, Phó Hiệu trưởng phụ trách trường chia sẻ, thực trạng như thế này đã kéo dài từ nhiều năm qua, nguyên nhân thế nào, giải pháp ra sao cũng đã bàn “nát nước” rồi, nhưng để thay đổi được không phải chuyện một sớm một chiều. Xu thế ở trường nông nghiệp nào cũng vậy cả, càng ngày càng ít sinh viên.

Từ hơn 7 năm trước, trong chiến lược phát triển Đại học Nông - Lâm Bắc Giang giai đoạn 2015 - 2020, tầm nhìn đến 2030 từng đặt ra mục tiêu đến năm 2020 số lượng ngành đào tạo hệ đại học từ 18 - 20 ngành theo định hướng ngành nghề chủ yếu về kỹ thuật nông lâm nghiệp, chế biến nông lâm sản, thực phẩm, quản lý tài nguyên và môi trường, quy mô đào tạo đạt mức 6.000 đến 8.000 sinh viên…

Thế nhưng thời thế thay đổi, mấy năm gần đây, chỉ tiêu mỗi năm nhà trường đặt ra từ 700 - 750 sinh viên nhưng chưa có năm nào đủ. “Có những ngành học như Quản lý tài nguyên rừng chỉ có 6 em nhưng nhà trường vẫn phải tổ chức lớp đàng hoàng”, TS Huyền bỏ lửng câu nói, chẳng biết buồn hay vui.

Công tác thu hút sinh viên của Đại học Nông - Lâm Bắc Giang hiện vẫn rất chật vật. Ảnh: Hoàng Anh.

Công tác thu hút sinh viên của Đại học Nông - Lâm Bắc Giang hiện vẫn rất chật vật. Ảnh: Hoàng Anh.

Nói chuyện đào tạo nguồn nhân lực cho ngành nông nghiệp, người phụ trách Đại học Nông - Lâm Bắc Giang chia 15 chuyên ngành đào tạo của trường thành hai nhóm. Nhóm thứ nhất là các chuyên ngành đào tạo nông nghiệp truyền thống từ xưa như Khoa học cây trồng, Chăn nuôi, Thú y, Quản lý đất đai, Quản lý tài nguyên và môi trường, Bảo vệ thực vật, Quản lý tài nguyên rừng...

Toàn những lĩnh vực căn cơ của ngành nông nghiệp cả, thế nhưng "phú quý giật lùi", dù có những ngành học nhà trường thu hút bằng cách miễn 100% học phí, các doanh nghiệp đặt hàng đào tạo với cam kết 100% sẽ có việc làm sau khi tốt nghiệp nhưng vẫn lâm vào cảnh thiếu chỉ tiêu triền miên.

“Trường nằm kẹt giữa 3 “ông lớn” là Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Đại học Lâm nghiệp, Đại học Nông Lâm Thái Nguyên, trong bối cảnh xu thế tuyển sinh sinh viên nông nghiệp như hiện nay khó lại càng thêm khó”, TS Mai Thị Huyền than vãn.

Nghiên cứu khoa học ở Đại học Nông - Lâm Bắc Giang. Ảnh: Hoàng Anh.

Nghiên cứu khoa học ở Đại học Nông - Lâm Bắc Giang. Ảnh: Hoàng Anh.

Cứ tưởng câu chuyện sẽ cứ mãi theo chiều hướng u ám, bi đát như vậy, nhưng rồi cô Huyền đột ngột “bẻ ghi”: Than chán than chê cũng không giải quyết được gì cả. Chung quy lại cũng có mấy nguyên nhân “biết rồi, khổ lắm, nói mãi” là ngành nông nghiệp chưa có sức hấp dẫn đối với người học, tâm lý theo học nông nghiệp vất vả, ra trường thu nhập thấp, rồi các trường chưa có chính sách đặc thù hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực, tự chủ còn khó khăn…

Thay vì ngồi yên than thở từ nhiều năm trước, nhà trường đặt quyết tâm phải đổi mới. "Chúng tôi xác định nếu không bắt đầu thay đổi từ tư duy của thầy cô, từ các chương trình đào tạo, thực trạng chắc chắn sẽ còn thê thảm hơn nữa. Đầu tiên là thay đổi từ đào tạo nghiên cứu dốc sức sang đào tạo ứng dụng thực hành. Thực tiễn thay đổi, nhu cầu nguồn nhân lực của các doanh nghiệp, các địa phương thay đổi thì bắt buộc nhà trường cũng phải thay đổi, phải tạo ra sự khác biệt riêng của trường, nếu không sẽ không thể cạnh tranh được với các “ông lớn” khác”, TS Huyền khẳng định.

Cơ chế đặt hàng nguồn nhân lực

Năm 2014, Đại học Nông - Lâm Bắc Giang là đơn vị tiên phong thành lập Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng và Chuyển giao công nghệ nông, lâm nghiệp với định hướng tự chủ. Ba biên chế cứng gồm giám đốc, phó giám đốc và kế toán, được đầu tư đất đai, hệ thống vườn ươm, cơ sở vật chất, nhà xưởng để vừa sản xuất vừa chuyển giao.

Lãnh đạo nhà trường chia sẻ, phải mất nhiều năm nuôi nấng, đến nay Trung tâm đã có thể tự chủ tài chính, trở thành một trong những đơn vị hiếm hoi trong hệ thống các trường có thể thành công với mô hình này.

Giống nho Hạ đen hiện đang trồng phổ biến ở các tỉnh đồng bằng sông Hồng chính là sản phẩm nổi bật của Đại học Nông - Lâm Bắc Giang nghiên cứu và chuyển giao. Ba đơn vị trực thuộc khác cũng đang được xây dựng để hướng tới mô hình tự chủ là Trường THPT Thân Nhân Trung, Trung tâm Ngoại ngữ - Tin học và Trung tâm Dịch vụ Du lịch trải nghiệm…

Tập đoàn Newhope đặt cả một phòng máy và bố trí nhân lực ngay trong trường để vừa đào tạo vừa thực hiện công việc xét nghiệm. Ảnh: Hoàng Anh.

Tập đoàn Newhope đặt cả một phòng máy và bố trí nhân lực ngay trong trường để vừa đào tạo vừa thực hiện công việc xét nghiệm. Ảnh: Hoàng Anh.

Thay đổi tư duy rõ nét nhất là các mô hình liên kết đào tạo với doanh nghiệp. Cô Huyền thống kê, hiện chính thức có khoảng 19 doanh nghiệp liên kết đào tạo với nhà trường thực sự hiệu quả. Đa phần là theo cơ chế đặt hàng, hỗ trợ học bổng. Tập đoàn Newhope đặt cả một phòng máy và bố trí nhân lực ngay trong trường để vừa đào tạo vừa thực hiện công việc xét nghiệm. Tập đoàn Dabaco Việt Nam mở các trang trại chăn nuôi lợn, gà ở trong trường để vừa là chỗ cho sinh viên thực hành vừa xây dựng thương hiệu sản phẩm.

“Chính cơ chế đặt hàng của các doanh nghiệp giúp nhà trường, học sinh giảm thiểu chi phí đào tạo, vừa đảm bảo 100% sinh viên sau khi tốt nghiệp có việc làm”, cô Huyền hào hứng.

Ngoài các doanh nghiệp trong nước, Đại học Nông - Lâm Bắc Giang cũng liên kết đào tạo quốc tế. Ngành học Ngôn ngữ Trung Quốc hiện đang được liên kết theo hình thức 3.1, nghĩa là sinh viên học 3 năm ở Việt Nam và 1 năm ở Trung Quốc. Tương tự với các quốc gia khác như Nhật Bản, Israel, Đan Mạch…

Nhiều sinh viên tham gia chương trình liên kết đào tạo kiểu vừa học vừa làm này đã được các doanh nghiệp, trung tâm nghiên cứu trong và ngoài nước tiếp nhận về thực tập và tham gia các hoạt động trải nghiệm cùng doanh nghiệp, được các kỹ sư có tay nghề hướng dẫn trực tiếp trong quá trình thực tập.

Liên kết với doanh nghiệp để đào tạo nguồn nhân lực là hướng đi của Đại học Nông - Lâm Bắc Giang. Ảnh: Hoàng Anh.

Liên kết với doanh nghiệp để đào tạo nguồn nhân lực là hướng đi của Đại học Nông - Lâm Bắc Giang. Ảnh: Hoàng Anh.

Doanh nghiệp hỗ trợ địa bàn thực tập, chi phí đi lại, sinh hoạt ăn ở, ngoài ra còn trợ cấp sinh hoạt phí cho người học. Sinh viên đi thực tập nước ngoài có thu nhập cao, sau khi về nước có kinh nghiệm làm việc ở môi trường quốc tế được các doanh nghiệp tìm kiếm, tuyển dụng với các vị trí và mức lương hấp dẫn…

Đại học Nông - Lâm Bắc Giang cũng là trường tiên phong thực hiện mô hình “trường cấp ba trong trường đại học”.

Năm 2019, Trường THPT Thân Nhân Trung ra đời với khoảng 230 học sinh. Dù khóa đầu tiên chỉ có 30 em tiếp tục học lên đại học tại chỗ nhưng những buổi trải nghiệm về nông nghiệp bên ngoài giáo trình thông thường đã dần thay đổi tư duy các em về nghề nông hiện nay. Hóa ra nông nghiệp hiện đại không chỉ là trồng lúa, nuôi lợn mà còn là máy móc công nghệ cao, logicstic…

Đến khóa tuyển sinh thứ hai này, trường cấp 3 của Nông - Lâm Bắc Giang có khoảng 1.200 em và sẽ thí điểm một lớp chuyên về nông nghiệp, dự kiến khoảng 60 em theo học. Trường cũng ký với tỉnh Bắc Giang chiến lược phát triển nguồn nhân lực, trong đó có khâu đột phá là tỉnh sẽ hỗ trợ tiếp cận với hệ thống trường cấp ba trên địa bàn để các thầy cô hướng nghiệp cho các em.

“Nói khó là khó thế thôi chứ nhu cầu nguồn nhân lực ngành nông nghiệp với Bắc Giang rất lớn, nhất là nguồn nhân lực nông nghiệp công nghệ cao. Nếu cả chính quyền và nhà trường đồng lòng, tổ chức quy củ từ đầu vào đến đầu ra, có cơ chế đặt hàng lẫn nhau thì cả hai bên đều được lợi”, TS Mai Thị Huyền khẳng định.

Nơi trường học trở thành điểm du lịch sinh thái

Năm học này có thể Trường Đại học Nông - Lâm Bắc Giang vẫn sẽ tiếp tục khó đáp ứng chỉ tiêu tuyển sinh 750 sinh viên, nhưng những thầy cô ở đây không quá nặng nề. Từ năm 2021, Sở Văn hóa - Thể thao - Du lịch Bắc Giang đã quyết định công nhận nhà trường là một trong những điểm du lịch sinh thái của tỉnh. Lẽ tất nhiên là còn nhiều cơ chế vướng mắc, con đường phía trước còn gập ghềnh nhưng đây cũng là hướng đi mới mẻ, giải phóng ngôi trường khỏi viễn cảnh ảm đạm.

Hệ sinh thái trong khuôn viên Đại học Nông - Lâm Bắc Giang. Ảnh: Hoàng Anh. 

Hệ sinh thái trong khuôn viên Đại học Nông - Lâm Bắc Giang. Ảnh: Hoàng Anh. 

Trong khuôn viên hơn 60ha của trường là cảnh quan thiên nhiên, khu bảo tồn sinh thái độc đáo hiếm nơi nào có được. Đó là hệ sinh thái chim nước được bảo tồn hàng chục năm qua với số lượng khoảng trên 10 nghìn cá thể và 14 loài. Diện tích hồ nước trong trường rộng khoảng 30ha có thể phát triển dịch vụ câu cá giải trí, thư giãn và du lịch trải nghiệm. Cạnh đó là diện tích rừng khoảng 3,5ha, trong đó diện tích rừng bảo tồn chim nước là 1,3ha, 2,2ha còn lại là rừng cây xanh, địa điểm lý tưởng cho các hoạt động trải nghiệm trong rừng, các hoạt động cắm trại, du lịch...

Cảnh sắc trong khuôn viên Đại học Nông - Lâm Bắc Giang. Ảnh: Hoàng Anh.

Cảnh sắc trong khuôn viên Đại học Nông - Lâm Bắc Giang. Ảnh: Hoàng Anh.

Ngay giữa khuôn viên trường là vườn nho sản xuất theo mô hình nông nghiệp công nghệ cao đầu tiên tại miền Bắc mỗi năm thu hoạch hai vụ, nhưng giá trị mang lại cho thầy cô, học sinh còn là địa điểm đón khách tham quan, chụp ảnh và mua bán các sản phẩm nho chất lượng cao để làm quà. Rồi đầm sen, vườn hoa trồng các loại hoa theo mùa, tới đây còn có công viên nước, vừa đón các phụ huynh tham quan, vừa đón học sinh đến đây trải nghiệm. Tình yêu với ngành nông nghiệp, với nghề nông cũng sẽ lan tỏa đến các em và những bậc làm cha làm mẹ nhiều hơn.  

Tất cả đều trở thành giá trị mới mẻ khiến những người lãnh đạo như cô Huyền tin tưởng ngôi trường ở nơi khuất nẻo này sẽ trở thành địa chỉ đào tạo nguồn nhân lực nông nghiệp hấp dẫn.

Xem thêm
Nâng cao chất lượng đào tạo ngành chăn nuôi thú y: [Bài 2] Sinh viên ngồi ghế nhà trường đã khỏi lo đầu ra

Đào tạo ngành chăn nuôi và thú y là yếu tố quan trọng trong nền kinh tế nông nghiệp, giúp doanh nghiệp phát triển bền vững với nguồn nhân lực chất lượng.

Giám sát sức khỏe đàn vật nuôi thời điểm giao mùa

ĐBSCL Ngành chuyên môn khuyến cáo người dân chú trọng tiêm phòng vacxin đầy đủ cho vật nuôi để an toàn trong thời điểm giao mùa và dịp người chăn nuôi tăng đàn phục vụ Tết.

Tiền Giang phát động Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp

Sau phát động, các ngành, các cấp cần cụ thể hóa thành kế hoạch với những nhiệm vụ, giải pháp linh hoạt, sáng tạo, tổ chức thực hiện thắng lợi Đề án.