| Hotline: 0983.970.780

SRP gắn với cơ giới hóa: Hiệu quả thấy rõ, chờ cơ hội mở rộng

Thứ Sáu 10/03/2023 , 06:09 (GMT+7)

Sản xuất lúa theo tiêu chuẩn SRP kết hợp với thiết bị máy gieo sạ cụm giúp nông dân giảm lượng lúa giống hơn 50% và giảm chi phí đầu vào 8 - 10%.

Empty

Mô hình sản xuất lúa theo tiêu chuẩn SRP kết hợp với thiết bị máy gieo sạ cụm ở vụ đông xuân năm nay đã giúp nông dân giảm lượng lúa giống hơn 50% và giảm chi phí đầu vào 8 - 10%. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Giảm hơn 50% lượng lúa giống

Ngày 9/3 tại xã Đào Hữu Cảnh, huyện Châu Phú (An Giang) Trung tâm Khuyến nông An Giang tổ chức hội thảo tổng kết mô hình “sản xuất lúa theo hướng SRP, áp dụng cơ giới hóa thiết bị gieo sạ cụm gắn liên kết doanh nghiệp tiêu thụ” trong vụ đông xuân 2022 - 2023 tại HTX nông nghiệp Kim Thủy với 16 hộ tham gia.  

Mô hình thực hiện trên diện tích 50ha theo hình thức máy sạ cụm của Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Sài Gòn Kim Hồng, đồng thời bố trí 2ha làm đối chứng, mật độ sạ như sau: Ruộng trình diễn sử dụng lượng giống 60 kg/ha, còn ruộng đối chứng sử dụng 123 kg/ha. Qua đánh giá của cán bộ ngành chuyên môn về chỉ tiêu sinh trưởng và các thành phần năng suất như chiều cao cây lúa ruộng mô hình cao hơn ruộng đối chứng từ 0,7 - 1,1cm ở các giai đoạn sinh trưởng cây lúa. Ruộng mô hình có tỉ lệ số chồi hữu hiệu cao hơn ruộng đối chứng, cụ thể là ruộng mô hình có 417 bông/741 chồi tối đa (56,3% chồi hữu hiệu), ruộng đối chứng 441 bông/902 chồi tối đa (48,9% chồi hữu hiệu). Bông và cây lúa ruộng mô hình và ruộng đối chứng có sự chênh lệch đáng kể, số hạt/bông ruộng mô hình là 104 hạt, ruộng đối chứng 101 hạt. Số hạt chắc/bông ruộng mô hình là 92 hạt, ruộng đối chứng là 85 hạt. Năng suất thực thu ruộng mô hình là 8,76 tấn/ha, ruộng đối chứng 8,68 tấn/ha.

Empty

Sản xuất lúa theo hướng SRP, áp dụng cơ giới hóa thiết bị gieo sạ cụm gắn kết doanh nghiệp tiêu thụ trong vụ đông xuân 2022 - 2023 tại HTX nông nghiệp Kim Thủy với diện tích 50 ha/16 hộ tham gia. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Ông Ngô Hữu Thời, ở ấp Hưng Phú, xã Đào Hữu Cảnh, huyện Châu Phú là một trong 16 thành viên HTX nông nghiệp Kim Thủy tham gia mô hình  sản xuất lúa 5ha theo hướng SRP phấn khởi cho biết: Trong vụ đông xuân 2022 - 2023, Trạm Khuyến nông huyện có triển khai thực hiện mô hình sản xuất lúa theo hướng tiêu chuẩn SRP gắn liên kết doanh nghiệp tiêu thụ; từ đó mạnh dạn đăng ký tham gia thực hiện mô hình (trong đó có áp dụng cơ giới hóa như sạ cụm, máy phun phân thuốc bằng máy bay không người lái…). Trong mô hình sử dụng giống lúa OM 18 cấp xác nhận 1, lượng giống gieo sạ chỉ 60 kg/ha, vụ lúa này gia đình ông Thời thu hoạch năng suất trên 1 tấn, bán giá cho thương lái từ 6.200 - 6.300 đồng/kg.

Mô hình sản xuất lúa theo tiêu chuẩn SRP kết hợp với thiết bị máy gieo sạ cụm ở vụ đông xuân năm nay đã giúp nông dân giảm lượng lúa giống hơn 50% và giảm chi phí đầu vào 8 - 10%, từ đó gia tăng lợi nhuận cho nông dân hơn 4 triệu đồng/ha so với sản xuất thông thường.

Trong quá trình canh tác lúa SRP, các hộ nông dân được ngành nông nghiệp mở lớp tập huấn về cơ giới hóa trong sản xuất lúa, hướng dẫn đánh giá Bộ tiêu chuẩn SRP về sản xuất lúa gạo bền vững với 41 tiêu chuẩn, hướng dẫn cách chấm điểm, kinh nghiệm khắc phục các lỗi tiêu chí chưa đạt của SRP...

Theo các hộ dân sản xuất lúa, Bộ tiêu chuẩn SRP nhấn mạnh đến các yếu tố kinh tế - xã hội, môi trường, với tầm nhìn phát triển bền vững. Yếu tố kinh tế đảm bảo khía cạnh năng suất và giá thành, trong khi yếu tố môi trường sẽ chú trọng kiểm soát việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật phù hợp, giảm thiểu khí thải nhà kính. Yếu tố xã hội của bộ tiêu chuẩn tập trung đảm bảo các vấn đề an toàn thực phẩm, an toàn sức khỏe cho người lao động... Bộ tiêu chuẩn này còn kiểm soát các yếu tố khác, gồm cả vấn đề nữ quyền và nghiêm cấm sử dụng lao động trẻ em.

Empty

Trong quá trình canh tác lúa SRP, các hộ nông dân được ngành nông nghiệp mở lớp tập huấn về cơ giới hóa trong sản xuất lúa, hướng dẫn đánh giá Bộ tiêu chuẩn SRP về sản xuất lúa gạo bền vững với 41 tiêu chuẩn. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

“Qua thời gian canh tác lúa, được sự hướng dẫn của Trạm Khuyến nông Châu Phú về sản xuất lúa theo hướng tiêu chuẩn SRP (có áp dụng cơ giới hóa), tôi nhận thấy mô hình canh tác lúa theo hướng tiêu chuẩn SRP bón phân cân đối hơn và áp dụng triệt để quy trình “1 phải 5 giảm” nên chi phí đầu tư của ruộng mô hình thấp hơn ruộng đối chứng (khoảng 2 triệu đồng/ha) do giảm lượng giống gieo sạ và thuốc BVTV. Ngoài ra, canh tác lúa theo Bộ tiêu chuẩn SRP tôi nhận thấy còn giúp bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe người lao động, giúp tăng thu nhập và sản xuất lúa bền vững hơn, mang lại rất nhiều lợi ích về kinh tế, xã hội và môi trường nên rất cần được khuyến khích nhân rộng trong thời gian tới. Bên cạnh đó, tôi và các hộ tham gia còn được HTX Nông nghiệp Kim Thủy liên kết bao tiêu sản phẩm lúa giống, đảm bảo đầu ra ổn định, giúp an tâm sản xuất” ông Ngô Hữu Thời chia sẻ thêm.

Thay đổi tư duy sản xuất của người nông dân

Bà Ngô Thùy Mỹ Ngọc, cán bộ kỹ thuật Trạm Khuyến nông huyện Châu Phú cho biết, hiện nay, tập quán sản xuất lúa của người dân huyện Châu Phú còn sử dụng lượng giống quá cao từ 150 - 200 kg/ha dẫn đến lúa quá dày làm gia tăng áp lực sâu bệnh hại, lúa dễ đổ ngã khi gặp mưa bão ở giai đoạn thu hoạch, làm giảm năng suất lúa. Việc sản xuất lúa theo phương thức cũ, trong quá trình sản xuất đã làm tăng chi phí, giảm chất lượng hạt gạo, gây tác động xấu đến môi trường nước, không khí… làm mất cân bằng hệ sinh thái đồng ruộng và ảnh hưởng đến sức khỏe người lao động tham gia sản xuất.

Empty

Bà Huỳnh Đào Nguyên, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông An Giang. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Hiện nay, nhằm giải quyết thiếu hụt nhân công lao động, giảm từ 40 - 60% lượng giống gieo sạ, góp phần giảm chi phí sản xuất, đáp ứng yêu cầu cho quá trình sản xuất lúa theo kỹ thuật “1 phải 5 giảm”, tiêu chuẩn SRP được thuận tiện và dễ dàng hơn. Các máy móc phục vụ nông nghiệp dần ra đời như máy gieo sạ cụm, thiết bị bay không người lái (drone)…

Từ đó đòi hỏi cần phải cải tiến quy trình sản xuất, việc xây dựng mô hình sản xuất lúa theo hướng SRP có áp dụng cơ giới hóa gắn liên kết doanh nghiệp tiêu thụ là rất cần thiết nhằm để từng bước thay đổi tư duy của nông dân hiện nay, hướng đến sản xuất theo tiêu chuẩn của doanh nghiệp xuất khẩu, theo nhu cầu của thị trường, đảm bảo sức khỏe của người sản xuất và người tiêu dùng.

Theo bà Huỳnh Đào Nguyên, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông An Giang, đây là mô hình mới, vừa khả thi dễ thực hiện, vừa mang lại hiệu quả kinh tế cao, áp dụng máy sạ cụm giúp giảm lượng hạt giống gieo sạ, đổi mới phương thức canh tác lúa cho nông dân, nâng cao chất lượng hạt gạo từ việc áp dụng các quy trình kỹ thuật sản xuất lúa tiên tiến SRP. 

Việc sử dụng máy sạ cụm góp phần vào cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất lúa, giảm lượng giống gieo sạ. Lúa sạ cụm phát triển tốt, thông thoáng, nhẹ sâu bệnh góp phần giảm chi phí trong sản xuất. Ngoài ra, sạ cụm giúp bộ rễ phát triển mạnh, lúa cứng cây, hạn chế đổ ngã ở giai đoạn thu hoạch. Qua quá trình thực hiện đã cho thấy có sự thay đổi tư duy sản xuất của người nông dân bằng việc áp dụng các tiến bộ mới, mạnh dạn đưa cơ giới hóa vào sản xuất, các biện pháp kỹ thuật “1 phải 5 giảm” và hướng tiêu chuẩn SRP để giảm tối đa chi phí và tăng thêm lợi nhuận so với ngoài mô hình, mang lại lợi nhuận cao nhất, tăng lợi thế so sánh trên đơn vị diện tích. 

Empty

Việc sử dụng máy sạ cụm góp phần vào cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất lúa, giảm lượng giống gieo sạ. Lúa sạ cụm phát triển tốt, thông thoáng, ít sâu bệnh, góp phần giảm chi phí trong sản xuất. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Tuy nhiên, ngay trong mô hình vẫn còn các điểm yếu được bà Huỳnh Đào Nguyên, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông An Giang nêu ra như hệ thống thủy lợi nội đồng chưa hoàn chỉnh nên trong quá trình xuống giống gặp mưa liên tục, công tác rút nước còn chậm nên ảnh hưởng đến mầm lúa, mật độ cây lúa còn thưa nên tăng thêm chi phí cấy dặm. Cần tiếp tục hỗ trợ để hoàn thiện hệ thống thủy lợi nội đồng, nâng cao năng lực phục vụ nhu cầu tưới và tiêu thích hợp theo từng giai đoạn sinh trưởng của cây lúa để việc áp dụng cơ giới hóa và các biện pháp kỹ thuật được đồng bộ và hiệu quả hơn.

Xem thêm
Phương châm '3 đủ' trong phòng chống đói, rét cho gia súc

Thái Nguyên Tại huyện Phú Lương, công tác phòng chống đói, rét được thực hiện với phương trâm '3 đủ' là đủ ấm, đủ no, đủ vacxin và thú y phòng dịch.

Biên Hòa phát hiện, xử lý các lò mổ lậu

Đồng Nai Lực lượng liên ngành thành phố Biên Hòa đang tăng cường kiểm tra, xử lý các điểm giết mổ không phép trên địa bàn, nhất là trong giai đoạn cuối năm.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.