| Hotline: 0983.970.780

Từng bước nâng giá trị ngành nông nghiệp

Thứ Tư 22/12/2021 , 08:37 (GMT+7)

QUẢNG NINH Nông nghiệp Quảng Ninh bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 và dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi. Những khó khăn đó đang dần được khắc phục, để nâng giá trị ngành nông nghiệp tỉnh.

Vượt kế hoạch đề ra

Năm 2021, Sở NN-PTNT Quảng Ninh đã chủ động phối hợp với các địa phương chỉ đạo chặt chẽ mùa vụ, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, bố trí cơ cấu giống phù hợp với diễn biến thời tiết và tín hiệu của thị trường; tăng cường kiểm soát dịch bệnh. Vì vậy, sản lượng các loại nông sản tăng mạnh, đáp ứng dồi dào nhu cầu trong nước và xuất khẩu.

Theo số liệu ước tính của Cục Thống kê, tốc độ tăng trưởng (GRDP) trong lĩnh vực nông, lâm, thủy sản năm 2021 của tỉnh Quảng Ninh ước đạt 4,5%, tăng 1% so với kế hoạch đầu năm 2021, chiếm 5,5% trong cơ cấu GRDP toàn tỉnh.

Sản lượng nuôi trồng thuỷ sản của tỉnh Quảng Ninh đạt 149.900 tấn, tăng 5.400 tấn so với năm 2020. Ảnh: Nguyễn Thành

Sản lượng nuôi trồng thuỷ sản của tỉnh Quảng Ninh đạt 149.900 tấn, tăng 5.400 tấn so với năm 2020. Ảnh: Nguyễn Thành

Một số chỉ tiêu vượt kế hoạch như tổng số đàn gia cầm đạt trên 4,2 triệu con, tăng 350.000 con; sản lượng nuôi trồng thuỷ sản đạt 149.900 tấn, tăng 5.400 tấn, trong đó khai thác là 75.300 tấn, tăng 2.200 tấn, nuôi trồng đạt 74.600 tấn, tăng 3.200 tấn.

Thu nhập bình quân khu vực nông thôn ước đạt 51,8 triệu đồng/người/năm, tăng 1,7 lần so với năm 2015. Từ đó góp phần giảm tỉ lệ hộ nghèo toàn tỉnh từ 0,23% xuống còn 0,14%. Thống kê cho thấy, kết thúc năm 2021, ngành nông nghiệp Quảng Ninh đã đạt và vượt 9/9 chỉ tiêu đề ra, trong đó có nhiều chỉ tiêu tăng cao so với năm 2020.

Từ những quyết sách của tỉnh, cùng với việc triển khai hiệu quả của Sở NN-PTNT, các địa phương, doanh nghiệp và nông dân trong các lĩnh vực như đổi mới công nghiệp chế biến, áp dụng cơ giới hóa, khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tăng cường khâu tiêu thụ sản phẩm, đổi mới hình thức sản xuất, thu hút đầu tư nông nghiệp, đã tạo nền móng quan trọng, có tác động tích cực đến hoạt động sản xuất, tạo thành quả đáng khích lệ cho toàn ngành nông nghiệp.

Từng bước nâng giá trị ngành nông nghiệp

Ngày 21/12, Sở NN-PTNT tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2021, triển khai nhiệm vụ công tác năm 2022. Hội nghị có sự tham gia, chỉ đạo của ông Phạm Văn Thành, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, cùng đại diện các sở, ngành liên quan, các địa phương, các đơn vị chuyên môn và doanh nghiệp nông nghiệp trực thuộc.

"Năm 2021 vừa qua là một năm nhiều thách thức đối với ngành nông nghiệp tỉnh khi vừa phải chống dịch Covid-19 vừa phòng chống thiên tai, biến đổi khí hậu", ông Phạm Văn Thành chia sẻ tại hội nghị.

Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh ghi nhận những nỗ lực và kết quả đạt được của ngành nông nghiệp, sự cố gắng của các cấp, sở, ngành; đặc biệt, tốc độ tăng trưởng toàn ngành đạt được trong năm 2021 rất đáng khích lệ, nhất là khi nhiều vấn đề mới được đặt ra trong bối cảnh phát triển chung.

Theo ông Phạm Văn Thành, thời gian qua, tỉnh Quảng Ninh đã thực hiện tốt "mục tiêu kép", vừa chống dịch tốt, vừa có tốc độ tăng trưởng đạt trên 2 con số, trong đó, ngành nông nghiệp góp phần quan trọng trong việc phát triển kinh tế.

Ông Phạm Văn Thành, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Nguyễn Thành

Ông Phạm Văn Thành, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Nguyễn Thành

Bên cạnh những thành tựu đạt được, ngành nông nghiệp tỉnh vẫn còn tồn tại những hạn chế cần khắc phục trong thời gian tới. Cụ thể, vai trò của ngành nông nghiệp còn khá mờ nhạt, chưa phát huy được hết tiềm năng, thế mạnh đã có. Đặc biệt, trong thời kỳ dịch bệnh, việc tiêu thụ hàng hóa theo chuỗi đang được chú trọng nhưng chỉ 10-15% sản phẩm nông nghiệp của tỉnh được tham gia chuỗi liên kết tiêu thụ.

Đáng chú ý, tình hình dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi và tình trạng thu hẹp diện tích canh tác, biến động của thị trường về vật giá đầu vào, giá tiêu thụ sản phẩm đầu ra, là những vấn đề cần được giải quyết trong thời gian tới.

Do đó, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh đã yêu cầu sự vào cuộc, sự nỗ lực, quyết tâm của toàn ngành, người làm nông nghiệp phải đổi mới tư duy, cách tiếp cận nông nghiệp, làm nông nghiệp ở các khu vực bao gồm cả nông thôn và thành thị. Bên cạnh đó, sản xuất nông nghiệp theo chuỗi, thay vì coi khâu sản xuất là quan trọng thì phải quan tâm đến các khâu chế biến, thương mại, tiêu thụ...

Ông Nguyễn Minh Sơn, Giám đốc Sở NN-PTNT Quảng Ninh, chia sẻ tại hội nghị, ngành nông nghiệp sẽ tập trung vào chế biến sâu trong nông nghiệp, giải quyết được việc gỡ “thẻ vàng” EC trong năm 2022. Cùng với đó, Sở NN-PTNT là đầu mối nắm bắt vướng mắc về thu hút đầu tư trong nông nghiệp, thực hiện hiệu quả việc chuyển đổi số trong nông nghiệp, giữ nhân lực chất lượng cao cho ngành.

Được biết, ngành nông nghiệp tỉnh sẽ tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả các hình thức tổ chức sản xuất, thu hút doanh nghiệp đầu tư trực tiếp vào sản xuất nông nghiệp; khuyến khích phát triển sản xuất quy mô lớn, hợp tác liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ vào sản xuất. Nhờ đó, cơ cấu sản xuất tiếp tục được điều chỉnh theo hướng phát huy lợi thế của mỗi địa phương, vùng, miền gắn với nhu cầu thị trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, hội nhập quốc tế.

Ngoài ra, tất cả các đơn vị chuyên môn nông nghiệp của tỉnh cũng như các địa phương, các doanh nghiệp nông nghiệp cần rà soát, xác định lại và triển khai thực hiện một cách hiệu quả các nhiệm vụ đã đề ra, bao gồm cả những mục tiêu mới lẫn khắc phục những tồn tại trước đó, để từng bước nâng tầm giá trị ngành nông nghiệp tỉnh.

Cũng trong hội nghị, Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Ninh đã tặng giấy khen cho 51 tập thể và 174 cá nhân “Đã có thành tích công tác và phong trào thi đua năm 2021” nhằm động viên các tập thể, cá nhân góp phần hoàn thành nhiệm vụ chính trị của toàn ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ninh trong năm qua.

Xem thêm
Quốc hội miễn nhiệm Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ

Chiều 2/5, Quốc hội thống nhất miễn nhiệm chức vụ Chủ tịch Quốc hội nhiệm kỳ 2021 - 2026, cho thôi làm nhiệm vụ đại biểu Quốc hội khóa XV với ông Vương Đình Huệ.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Khát vọng Huổi Khon

13 năm trước, bản vùng cao này là một điểm nóng về trật tự xã hội, nhưng giờ thay da đổi thịt như một lời hứa nguyện theo Đảng, theo chính quyền của bà con.