Phiêng Khoài là xã nằm ở phía Nam của huyện Yên Châu (Sơn La), cách trung tâm khoảng 40km. Nơi đây cũng là “thủ phủ mận hậu" của Yên Châu với trên 2.000ha. Loại cây trồng này đã gắn bó với người dân từ những năm 1990 cho đến nay.
Người trồng mận ở Phiêng Khoài rất tích cực học hỏi, mạnh dạn đầu tư hệ thống nước tưới, bởi đó là nguồn sống của cây. Chia sẻ về thời điểm khi HTX Sản xuất nông nghiệp hữu cơ Tây Bắc bắt đầu hình thành, anh Bùi Tuấn Anh, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX cho biết: “Lúc đó bà con chủ yếu sử dụng nước tự nhiên từ các mó, suối hoặc đào giếng khoan để tưới cho cây. Ai cũng tưới bằng vòi cầm tay, rất tốn nhân công mà hiệu quả đạt được không cao. Bởi, địa hình ở đây rất dốc nên dùng cách đó thường làm trôi cả đất cũng như phân bón, cây không hấp thụ được nhiều. Thậm chí vào mùa khô không đủ nước tưới, rất nhiều diện tích mận bị rụng quả hoặc chết cây”.
Trước thực tế đó, tỉnh Sơn La đã đầu tư xây dựng công trình thủy lợi tưới cây trồng cạn tại trung tâm xã Phiêng Khoài (còn gọi là Hệ thống tưới ẩm Sa Lép), đưa vào khai thác, cấp nước tưới vào năm 2020. Công trình này được ví như “cứu tinh” đối với những vườn cây ăn quả tại Phiêng Khoài nói chung và cây mận nói riêng.
Bắt đầu từ thời điểm có công trình thủy lợi, bà con tại Phiêng Khoài đã mạnh dạn đầu tư hệ thống đường ống nước tưới ẩm được đấu nối vào hố van tại các bãi tưới. Trung bình 1 ha có chi phí đầu tư từ 40 đến 50 triệu tùy loại ống nước. “Mặc dù chi phí còn khá cao nhưng nhận thấy hiệu quả của phương pháp tưới này nên bà con mạnh dạn đầu tư. Như HTX tôi có 33 thành viên thì có khoảng 80% đã đầu tư hệ thống tưới ẩm và sẽ nâng dần lên 100%”, anh Tuấn Anh chia sẻ.
Đi dọc theo các vườn mận ở Phiêng Khoài, ai cũng có thể dễ dàng nhìn thấy hệ thống ống dẫn “bò” trên những cành cây tựa như những con rắn dài hàng trăm mét mang nguồn nước về tới từng gốc mận. Nếu như trước đây, để tưới đủ 1 ha với khoảng 300 gốc mận phải mất tới 2 ngày. Thì nay, chỉ với vài thao tác vặn van đơn giản, bà con chỉ mất khoảng 4 giờ đồng hồ là hoàn thành việc tưới cho cây.
Anh Trần Văn Hiếu, Giám đốc HTX Tân Tiến chia sẻ: “Nhờ đầu tư hệ thống tưới ẩm, bà con có thể chủ động trong việc rải vụ, đảm bảo có thể thu hoạch mận từ sau Tết Nguyên đán cho đến giữa tháng 5 mới hết vụ. Như thời điểm này thì cây đã bắt đầu ra hoa, nở rộ dần và ra quả”.
Không chỉ thay đổi về phương pháp tưới cho cây mận, đa phần người trồng mận tại Phiêng Khoài còn chủ động nguồn nước bằng cách làm ao bạt để tích trữ từ các nguồn tự chảy hoặc giếng khoan. Với cách làm này, bà con hoàn toàn có thể chủ động nước tưới trong những tháng mùa khô.
Theo ông Lê Văn Thành, Phó trưởng Chi nhánh Công ty TNHH MTV Quản lý, khai thác công trình thủy lợi Sơn La tại Yên Châu, hệ thống tưới ẩm Sa Lép đang tận dụng đường ống chính từ hệ thống cũ được xây dựng từ năm 2000 nên trong quá trình vận hành đã có một số đường ống bị bục, vỡ, các mối nối thường bị bung bật làm giám đoạn quá trình tưới và chăm sóc cây trồng của nhân dân. Chúng tôi rất mong các cấp có thẩm quyền quan tnâng cấp, sữa chữa đường ống cũ.