| Hotline: 0983.970.780

Tiến bộ kỹ thuật mới trong canh tác sắn

Tưới nhỏ giọt cho sắn bằng năng lượng mặt trời

Thứ Bảy 27/07/2024 , 17:26 (GMT+7)

TÂY NINH Ở nhiều vùng sâu của tỉnh Tây Ninh, nông dân dùng năng lượng mặt trời để vận hành hệ thống tưới nhỏ giọt cho cây sắn, giúp để tăng năng suất, phủ xanh đất trống.

Sắn (khoa mì) dễ trồng và là cây chủ lực, đem lại thu nhập khá cho người dân Tây Ninh. Tuy nhiên, với điều kiện thời tiết ở Tây Ninh có mùa nắng kéo dài 6 tháng, thời gian trồng đến thu hoạch sắn phải mất 10 tháng. 3 tháng đầu, sắn rất cần nước tưới nên không phải khu vực nào của Tây Ninh cũng thích hợp trồng loại cây này.

Nhờ hệ thống tưới nhỏ giọt bằng năng lượng mặt trời, vườn sắn của anh Khanh tươi tốt trong suốt mùa nắng nóng. Ảnh: Trần Trung.

Nhờ hệ thống tưới nhỏ giọt bằng năng lượng mặt trời, vườn sắn của anh Khanh tươi tốt trong suốt mùa nắng nóng. Ảnh: Trần Trung.

Trong bối cảnh năng lượng tái tạo ngày càng được chú trọng, việc áp dụng năng lượng mặt trời trong sản xuất nông nghiệp tại tỉnh Tây Ninh đã và đang đem lại lợi ích thiết thực và cây sắn cũng không ngoại lệ. Nhờ lắp đặt pin năng lượng mặt trời kết hợt hệ thống tưới nhỏ giọt, giờ đây những mảnh đất từng bỏ hoang hóa do xa điện lưới, khó tiếp cận nguồn nước không chỉ được phủ xanh mà còn đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Anh Nguyễn Công Khanh tại xã biên giới Suối Dây, huyện Tân Châu được xem là người tiên phong ứng dụng năng lượng mặt trời kết hợp hệ thống tưới nhỏ giọt vào sản xuất sắn. Anh Khanh phấn khởi cho biết, vụ năm nay năng suất sắn vượt trội, đạt hơn 40 tấn/ha, đem lại lợi nhuận gần 60 triệu đồng/ha, tất cả là nhờ hệ thống tưới nhỏ giọt bằng pin năng lượng mặt trời.

Hệ thống tưới của anh Khanh được đầu tư bài bản gồm giàn đặt 6 tấm pin với công suất 175W/tấm, bộ inverter chuyên dụng cho bơm nước, dây dẫn, cảm biến mực nước, bộ châm phân venturi cùng van, lọc, đường ống dẫn nước, béc tưới… với tổng chi phí đầu tư khoảng 10 triệu đồng/ha.

Nhờ hệ thống tưới nhỏ giọt mà anh Khanh bớt được chi phí thuê nhân công tưới, bón phân và làm cỏ. Ảnh: Lê Bình.

Nhờ hệ thống tưới nhỏ giọt mà anh Khanh bớt được chi phí thuê nhân công tưới, bón phân và làm cỏ. Ảnh: Lê Bình.

Do khu vườn xa khu dân cư, trước đây anh Khanh thường phải sử dụng máy bơm dầu kết hợp hệ thống tưới thông thường với chi phí khoảng 300.000 đồng cho mỗi lần tưới. Mùa mưa mỗi tuần anh tưới một lần, vào mùa khô là 4 lần. Anh từng tính đến phương án kéo điện lưới nhưng bất lực nên sau đó chuyển sang điện năng lượng mặt trời.

“Qua gần 1 năm sử dụng hệ thống tưới nhỏ giọt, vườn sắn phát triển tốt, cây lên đều, trữ bột cao. Minh chứng mùa khô vừa qua, nhiều vườn sắn trong khu vực quay quắt trong nắng hạn thì năng suất vườn của gia đình tôi vẫn tăng từ 25 - 30% so với trước. Do pin mặt trời chỉ đầu tư 1 lần có thể sử dụng hàng chục năm, không phải chi phí thêm nên chỉ thêm 1 vụ nữa là tôi có thể thu hồi vốn đầu tư ban đầu”, anh Khanh phấn khởi.

Việc sử dụng hệ thống tưới nhỏ giọt bằng năng lượng mặt trời tạo điều kiện cho cây phát triển xanh tốt hơn nhờ gốc cây luôn giữ được độ ẩm, bổ sung liên tục một lượng nước vừa đủ cho cây phát triển.

Anh Khanh cho biết thêm, không chỉ tưới nước, hệ thống này còn có chức năng bón phân cho cây rất đồng đều và tiện lợi bằng cách lấy phân hòa lẫn với nước cho tan, liều lượng cân đối với diện tích rồi cho vào bình chứa bơm qua hệ thống dẫn nước tới từng gốc cây. Cách làm này không chỉ tạo điều kiện cho cây hấp thụ phân một cách triệt để mà còn giảm chi phí nhân công bón phân, phân không còn bị thất thoát lãng phí như trước.

Chỉ với 2 vụ trồng sắn, các chủ vườn có thể thu hồi vốn đầu tư hệ thống tưới nhỏ giọt bằng năng lượng mặt trời. Ảnh: Lê Bình.

Chỉ với 2 vụ trồng sắn, các chủ vườn có thể thu hồi vốn đầu tư hệ thống tưới nhỏ giọt bằng năng lượng mặt trời. Ảnh: Lê Bình.

“Sử dụng hệ thống này giúp gia đình tôi chủ động, tiết kiệm được việc tưới nước cho cây sắn hàng ngày, vì công suất chỉ đạt 2,4m3/giờ, trung bình mỗi ngày từ khi mặt trời mọc đến khi lặn (10 giờ) bơm chỉ tốn khoảng 24m3 nước. Đặc biệt, toàn bộ hệ thống tưới nước vận hành tự động, khi nắng lên máy sẽ tự động bật, khi hết nắng máy tự động ngắt nên không cần nhân công vận hành”, anh Khanh chia sẻ.

Theo Trung tâm Khuyến nông tỉnh Tây Ninh, những năm gần đây, việc ứng dụng mô hình điện mặt trời kết hợp sản xuất nông nghiệp đã không còn xa lạ với nông dân Tây Ninh. Đây là cơ hội giúp nông dân tăng thu nhập, chủ động được nguồn năng lượng phục vụ sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt. 

“Hệ thống tưới năng lượng mặt trời là giải pháp mới có hiệu quả cao trong nông nghiệp. Hệ thống này sử dụng nguồn năng lượng mặt trời vô tận phục vụ nhu cầu tưới. Trước những diễn biến bất thường về thời tiết, khí hậu, việc nhân rộng các mô hình ứng dụng giải pháp tiết kiệm nước, điện là hết sức cần thiết. Trong đó, mô hình sử dụng pin năng lượng mặt trời kết hợp với sản xuất nông nghiệp là giải pháp có ý nghĩa, chúng tôi đã và đang khuyến khích nhân rộng”, ông Hà Thanh Tùng, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Tây Ninh nhấn mạnh.

Xem thêm
Khó tháo nút thắt môi trường trong chăn nuôi tập trung

Nghệ An Huyện Yên Thành có thế mạnh về chăn nuôi tập trung với tổng đàn gia súc, gia cầm lớn, tuy nhiên điều này cũng làm gia tăng mức độ ô nhiễm môi trường.

Chuẩn bị chống rét cho gia súc khi trời vẫn còn ấm

THÁI NGUYÊN Ngay từ bây giờ, khi thời tiết còn ấm, người chăn nuôi gia súc đã cải tạo chuồng trại, chuẩn bị bạt để che kín chuồng, giữ ấm cho đàn gia súc trong mùa đông.

Phú Yên phát triển các vùng trồng dừa tập trung

Tỉnh Phú Yên sẽ hình thành các vùng dừa sản xuất tập trung ở thị xã Sông Cầu và huyện Tuy An, kết hợp phát triển cảnh quan, du lịch cộng đồng.