Đất cằn, năng suất cà phê vẫn tăng gấp đôi nhờ tưới tiết kiệm
Xã Quảng Hiệp, huyện Cư M’gar (Đắk Lắk) là vùng đất khô cằn, đa số đất ở đây là đất sỏi đỏ nên việc canh tác gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên theo những hộ dân tại đây, nhờ chủ động được nước tưới cho cây cà phê nên năng suất vẫn cao gấp gần 2 lần những nơi khác.
Năm 2018, ông Nguyễn Ngọc Triều (ngụ xã Quảng Hiệp, huyện Cư M’gar, Đắk Lắk), thành viên HTX Nông nghiệp Dịch vụ Quyết Tiến đầu tư hệ thống tưới tiết kiệm cho 2ha cà phê.
Theo ông Triều, hệ thống có giá trị hơn 100 triệu đồng, trong đó gia đình bỏ tiền đối ứng hơn 40 triệu đồng, số còn lại được một dự án hỗ trợ. Hệ thống được hỗ trợ đầu tư năm 2018, đến nay đã hơn 6 năm nhưng hệ thống tưới tiết kiệm của gia đình ông Triều vẫn hoạt động tốt. Từ khi được hỗ trợ hệ thống tưới tiết kiệm, gia đình ông Triều giảm được rất nhiều tiền công thuê lao động.
“Khi thời tiết khắc nghiệt, nắng nóng mà cây cà phê trỗ hoa lại gặp mưa sẽ dễ dẫn đến bị bông chanh. Lúc này, người dân có thể sử dụng hệ thống tưới tiết kiệm để bổ sung lượng nước cho cây, đỡ mất tiền công, tiền dầu. Đối với hệ thống tưới tiết kiệm, người dân có thể tưới cả ngày lẫn đêm, chỉ cần xử lý chỗ van tổng. Nhìn chung công trình tưới tiết kiệm mà dự án hỗ trợ đầu tư rất hiệu quả”, ông Triều đánh giá.
Theo ông Triều, hệ thống tưới này rất thuận tiện và lợi cho người dân. Nếu bảo dưỡng, duy tu tốt, có thể sử dụng lâu dài. Trước đây, khi chưa đầu tư hệ thống tưới tiết kiệm, mỗi ca tưới gia đình ông Triều phải bỏ ra gần 2 triệu đồng thuê người. Bây giờ có hệ thống tưới tiết kiệm, ông có thể tự tưới cho hơn 2ha mà không phải thuê nhân công. Ngoài ra, trong thời gian tưới có thể nhặt chồi, cắt cành khô…
Tưới tiết kiệm cũng giúp giảm công lao động bón phân, vì phân bón được hòa tan, đưa vào hệ thống rồi tưới vào gốc giúp cây cà phê hấp thụ tốt hơn so với việc rải phân như truyền thống.
Ông Nguyễn An Sơn (huyện Cư M’gar) cho biết, gia đình có 7ha cà phê, bắt đầu sử dụng hệ thống tưới tiết kiệm từ năm 2011. Theo ông Sơn, việc lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm không chỉ tiết kiệm nước, giảm công lao động, giảm chi phí tưới mà xa hơn là giải pháp rất phù hợp để thích ứng trong bối cảnh mạch nước ngầm Tây Nguyên ngày càng cạn kiệt.
“Nếu thế hệ chúng ta không biết bảo vệ tài nguyên nước thì sẽ cực kỳ nguy hiểm. Do đó tôi khuyến kích người dân tưới nhỏ giọt, tiết kiệm nước. Trước đây, để đủ nước cho cây cà phê ra bông nông dân phải tưới ít nhất 600 lít cho một gốc nhưng với hệ thống tưới tiết kiệm lượng nước sử dụng rất ít.
Đối với công lao động, như vườn cà phê 7ha của tôi trước đây phải tốn 7 công lao động cho mỗi đợt tưới nhưng nay chỉ cần một công lao động để vận hành hệ thống tưới. Trước đây gia đình phải bón phân 5 lần/năm cho cà phê nhưng hiện nay việc bón phân được chia ra 30 lần/năm và đều sử dụng thông qua hệ thống tưới tiết kiệm. Đặc biệt lượng phân chỉ bằng 2/3 so với trước đây”, ông Sơn chia sẻ.
Theo ông Sơn, sử dụng mô hình tưới tiết kiệm giúp năng suất hiện nay của vườn cà phê tăng gấp 1,5 lần so với việc canh tác theo truyền thống, trong khi chi phí thấp nên giúp tăng lợi nhuận rất lớn.
“Mô hình tưới tiết kiệm giúp hòa tan các loại phân bón, giúp cây cà phê hưởng trọn chất dinh dưỡng chứ không bị thất thoát. Phân bón nói chung, nhất là đạm nếu bón không khoa học, gây thất thoát sẽ vừa lãng phí về kinh tế, vừa ảnh hưởng đến môi trường. Với hệ thống tưới tiết kiệm, gia đình tôi không phải đào hố mà trồng cà phê bằng trên mặt đất nên cũng tiết kiệm được công ban đầu”, ông Sơn nói thêm.
Những năm gần đây, ngành chức năng tỉnh Đắk Lắk đã hỗ trợ, giúp bà con nông dân tiếp cận, nhân rộng những mô hình tưới tiết kiệm như tưới nhỏ giọt, tưới phun mưa… Kỹ thuật tưới nước tiết kiệm là giải pháp “nhất cử lưỡng tiện”, vừa tốn ít nước, hạn chế sự thất thoát nước do bốc hơi, có thể điều chỉnh phù hợp với sự phát triển của cây trồng. Hệ thống tưới cũng được tự động hóa, hạn chế tình trạng tưới thừa tạo thành dòng chảy khiến đất bị xói mòn.
Bên cạnh đó, phương pháp tưới tiết kiệm giúp người dân chủ động về thời gian bón phân mà không phải phụ thuộc vào điều kiện thời tiết. Việc kết hợp bón phân qua hệ thống tưới tiết kiệm giúp tăng hiệu lực sử dụng phân bón, giảm suy thoái và ô nhiễm môi trường…
Tưới tiết kiệm, lợi đủ đường
Theo ông Nguyễn Ngọc Giao, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Cư M’gar, diện tích cây ca phê tại huyện rất lớn (trên 37.000ha). Trong bối cảnh biến đổi khí hậu, diện tích rừng ngày càng thu hẹp, nguồn nước ngầm ngày càng cạn kiệt, nếu người dân tiếp tục sử dụng phương pháp tưới truyền thống sẽ không đủ nước cung cấp. Do đó hiện nay, hiệu quả nhất là sử dụng phương pháp tưới nhỏ giọt để kiểm soát lượng nước tưới để không gây lãng phí.
“UBND huyện đang khuyến cáo người dân xây dựng mô hình tưới tiết kiệm. Trong năm nay, huyện cũng sẽ tổ chức một hội thảo khoa học về tưới tiết kiệm trên cây cà phê ứng phó với biến đổi khí hậu. Việc này nhằm nâng cao nhận thức cho người dân để giảm thiểu chi phí, góp phần bảo vệ môi trường”, ông Giao nói thêm.
TS Phan Việt Hà, Phó Viện trưởng Viện Khoa học kỹ tuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên cho biết, càng ngày lượng nước ngầm càng suy giảm, việc áp dụng tưới tiết kiệm sẽ giúp cho nền nông nghiệp phát triển bền vững hơn. Theo TS Hà, trong thời điểm bình thường, mô hình tưới tiết kiệm với những diện tích nhỏ không cho thấy hiệu quả rõ rệt, nhưng trong điều kiện thời tiết khô hạn, ở quy mô diện tích lớn thì hiệu quả sẽ rất lớn.
“Nếu được đầu tư, mô hình tưới tiết kiệm sẽ giúp giảm được rất lớn lượng nước tưới và công lao động. Trước đây, 10ha cần tới khoảng 10 người tưới nhưng hiện nay chỉ cần một người vận hành hệ thống.
Hiện nay biến đổi khí hậu đang diễn ra khốc liệt. Với tình hình hiện nay có thể chưa phải là thách thức quá lớn nhưng trong tương lai, với tình hình biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp, thiếu công lao động, vật tư nông nghiệp tăng cao thì việc sử dụng các mô hình tưới tiết kiệm là yêu cầu tất yếu. Hiện nay, việc áp dụng tưới tiết kiệm giúp giảm công lao động ít nhất 30%, những vườn cây áp dụng tưới tiết kiệm bài bản thì mùa khô cây cối vẫn xanh mướt”, ông Hà nói.
"Hiện nay, Viện có 2 giống cà phê có khả năng chịu hạn tốt, giúp tiết kiệm nước nước so với giống truyền thống là TR14 và TR15. Đặc điểm của 2 giống cà phê này là chín muộn, do đó người dân chưa trồng rộng rãi. Ngoài ra, Viện đang có chương trình hợp tác với Nestle để tạo ra những dòng cà phê chống chịu được với hạn hán. Hiện chúng tôi đã có những dòng cà phê cực kỳ tiềm năng, đã được đưa vào đề tài cấp Bộ. Hi vọng 2 - 3 năm nữa các giống này sẽ được triển khai ra sản xuất đại trà”, TS Phan Việt Hà, Phó Viện trưởng Viện Khoa học kỹ tuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên thông tin.