Những cá thể loài voọc đen má trắng được phát hiện tại các khu rừng ở Na Hang, Lâm Bình |
Ông Dương Văn Xy, Chi cục phó Chi cục Kiểm lâm tỉnh Tuyên Quang cho biết, qua khảo sát thực tế đã phát hiện khoảng 90 cá thể loài voọc đen má trắng trên địa bàn 2 huyện Na Hang, Lâm Bình. Đây là loài động vật nằm trong danh mục quý hiếm cần được bảo vệ trên thế giới.
Tỉnh Tuyên Quang đang tích cực phối hợp với tổ chức phi Chính phủ Con người, Tài nguyên và Bảo tồn (PRCF) tuyên truyền vận động nâng cao ý thức bảo vệ loài động vật quý hiếm này.
Từ năm 2010 đến nay, tổ chức PRCF đã triển khai thực hiện các dự án như: Lập kế hoạch bảo tồn sinh cảnh cho loài voọc đen má trắng tại Lâm Bình; bảo tồn dựa vào quần thể loài voọc đen má trắng lớn nhất Việt Nam có nguy cơ bị tuyệt chủng toàn cầu; dự án hỗ trợ kỹ thuật bảo tồn loài voọc đen má trắng dựa vào cộng đồng tại huyện Lâm Bình và Na Hang… tổng vốn đầu tư là 686.382 USD.
Tổ chức PRCF đã thực hiện với tỉnh Tuyên Quang một biên bản ghi nhớ thể hiện sự ràng buộc trách nhiệm giữa các bên liên quan. Thông qua đó cũng thể hiện hành lang pháp lý mềm dẻo tại địa phương và tạo điều kiện cho các vùng miền giáp ranh khu bảo tồn của tỉnh được tiếp cận và có cơ hội phát triển. PRCF đã tổ chức hội thảo với toàn bộ các tổ quản lý tài nguyên cấp thôn vào tháng 12/2016 cho 42 người và đã đưa ra được những khó khăn và giải pháp ban đầu cho bảo tồn và phát triển kinh tế xã hội.
Ông Hoàng Văn Hào, Phó Chủ tịch UBND xã Sinh Long, huyện Na Hang cho biết, để bảo vệ loài voọc đen má trắng, tổ chức PRCF đã thành lập 2 tổ tuần rừng trên địa bàn xã. Các thành viên trong mỗi tổ đều được tuyên truyền, tập huấn những kiến thức trong việc nhận diện nguồn thức ăn của loài voọc, các kỹ năm giám sát, bảo vệ... Qua một cuộc khảo sát mới đây, tổ tuần rừng chưa phát hiện điểm ngủ của loài voọc này. Tuy nhiên, nhóm tuần rừng đã đo đếm thêm 3 khoảnh thảo quả mới có diện tích là 11,1 ha nâng tổng số diện tích thảo quả tại khu vực này lên 68,55 ha. Đây là nguồn thức ăn chủ yếu của loài voọc đen má trắng.
|
Cán bộ kiểm lâm và tuần rừng khảo sát địa điểm sinh sống của loài voọc đen má trắng trên địa bàn huyện Lâm Bình |
Nếu năm 2017, tỉnh Tuyên Quang công bố phát hiện khoảng 70 cá thể voọc đen má trắng thì đến nay đã là gần 90 cá thể. Ông Nguyễn Hải Anh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang cho biết, tỉnh sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi về thủ tục hành chính cho tổ chức PRCF khi có các hoạt động làm việc tại tỉnh nhằm bảo tồn loài voọc đen má trắng cũng như bảo tồn đa dạng sinh học trên địa bàn tỉnh.