| Hotline: 0983.970.780

Tuyên Quang: Khai thác, quản lý hiệu quả các công trình thủy lợi

Thứ Ba 12/11/2019 , 08:04 (GMT+7)

Để quản lý, khai thác hiệu quả các công trình thủy lợi tỉnh Tuyên Quang chú trọng thực hiện phân cấp quản lý và bảo vệ cũng như phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi trên địa bàn. 

Tỉnh Tuyên Quang hiện có hơn 2.800 công trình thủy lợi, trong đó có hơn 1.400 công trình được kiên cố. Các công trình đảm bảo tưới chắc cho hơn 82% diện tích lúa.

Các công trình hồ, đập ở Tuyên Quang đảm bảo tưới chắc cho hơn 82% diện tích lúa.

Ông Bùi Chí Thanh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Tuyên Quang cho biết, đảm bảo an toàn các công trình thủy lợi, đặc biệt các hồ chứa nước, Sở NN-PTNT phối hợp với UBND các huyện, thành phố tập trung chỉ đạo các ban quản lý công trình tổ chức quản lý, khai thác theo đúng quy định; thường xuyên kiểm tra, đánh giá mức độ an toàn của các công trình.

Nhờ đó, hầu hết các công trình thủy lợi cơ bản đảm bảo công suất, ổn định so với thiết kế, đảm bảo nước tưới phục vụ sản xuất nông nghiệp, tiêu úng, phòng chống lũ.

Công trình hồ chứa nước Tân Dân, xã Thiện Kế, huyện Sơn Dương có dung tích thiết kế 815.097 m3 nước, đảm bảo cung cấp nước tưới cho 150 ha ruộng 2 vụ lúa của xã Thiện Kế. Đây là công trình sử dụng nguồn vốn từ trái phiếu Chính phủ với tổng nguồn vốn đầu tư công trình trên 23,5 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Văn Lợi, Chủ tịch UBND xã Thiện Kế cho biết, công trình gồm các hạng mục chính như, đập chính, đập phụ, tràn xả lũ, hệ thống kênh dẫn và hố tiêu năng. So với các hồ chứa nước trên địa bàn tỉnh, quy mô công trình thuỷ lợi không lớn, nguồn vốn đầu tư thấp, nhưng vị thế xây dựng và áp dụng biện pháp tường chắn sóng khá vững chắc. Công trình được hoàn thành góp phần nâng cao năng suất cây trồng, mở rộng diện tích tưới chắc, đảm bảo an ninh lương thực cho người dân trên địa bàn xã.

Hiện toàn tỉnh có 420 công trình bị hư hỏng xuống cấp, có nguy cơ gây mất an toàn. Đến nay tỉnh đã bố trí các nguồn vốn để tu sửa, nâng cấp và làm mới 48 công trình với tổng kinh phí là 156.438 triệu đồng. Tuy nhiên, toàn tỉnh vẫn còn 372 công trình thủy lợi bị hư hỏng, xuống cấp, có nguy cơ gây mất an toàn chưa được bố trí các nguốn để sửa chữa nâng cấp.

Cán bộ Chi cục Thủy lợi Tuyên Quang kiểm tra mức độ an toàn của các công trình thủy lợi tại huyện Sơn Dương.

Công trình hồ chứa nước Hoàng Tân, thôn Ninh Quý, xã Ninh Lai, huyện Sơn Dương đảm bảo cung cấp nước tưới cho hơn 430 ha lúa. Tuy nhiên, hiện công trình đang bị rò rỉ thẩm thấu thân bờ đập chính, ảnh hưởng đến việc tưới tiêu cho ruộng đồng.

Đảm bảo an toàn cho các hạng mục đầu mối và vùng hạ du cũng như việc tích nước phụ vụ sản xuất, UBND tỉnh Tuyên Quang đã có văn bản số 1320 UBND-ĐTXD ngày 17/5/2019 gửi Bộ NN-PTNT về việc hỗ trợ cấp bách về việc đảm bảo an toàn công trình hồ chứa trên địa bàn tỉnh.

Trong khi chờ kinh phí, UBND tỉnh Tuyên Quang đề nghị các ngành liên quan và UBND xã Ninh Lai thực hiện tốt việc quản lý, bảo vệ đảm bảo an toàn cho công trình.

Ông Đỗ Văn Thắng, Chủ tịch UBND xã Ninh Lai cho biết, khi chưa có kinh phí sửa chữa, nâng cấp UBND xã chỉ đạo Ban quản lý công trình thủy lợi xã thực hiện điều tiết hợp lý lượng nước từ kênh tiếp nước về hồ và lượng nước qua cống lấy nước phục vụ tưới tiêu; ổn định mực nước trong hồ đảm bảo cao trình dưới 93,5m; thường xuyên theo dõi hiện tượng thấm trên mái hạ lưu đập, kịp thời báo cáo khi có hiện tượng bất thường xảy ra.

Phát huy hiệu quả các công trình thủy lợi, các ngành chức năng của tỉnh Tuyên Quang sẽ tiếp tục bố trí kinh phí đảm bảo cho công tác quản lý vận hành, sửa chữa, nâng cấp, khắc phục những hư hỏng sau thiên tai. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức và trách nhiệm của người dân trong việc sử dụng, khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi. Để các công trình không chỉ đảm bảo tưới, tiêu cho việc canh tác mà còn góp phần đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh.

Xem thêm
Bình Phước sẽ là cực tăng trưởng vùng Đông Nam bộ

Đó là kỳ vọng của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại lễ công bố Quy hoạch tỉnh Bình Phước thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Hậu Giang hưởng lợi lớn từ thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé

Hậu Giang Hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé phục vụ hơn 384.120ha sản xuất nông nghiệp vùng ĐBSCL, trong đó Hậu Giang là địa phương hưởng lợi lớn thứ hai với diện tích 48.500ha.

Làng Nủ trước ngày khánh thành

40 ngôi nhà mới sẽ được bàn giao cho các hộ dân thôn Làng Nủ (xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, Lào Cai) vào ngày 15/12 sau gần 3 tháng thi công.