Vì vậy, công tác đảm bảo an toàn hồ đập luôn được chú trọng đặc biệt.
Cuối tháng 8/2018, thực hiện kiểm tra về an toàn hồ đập tại Thái Nguyên, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi Nguyễn Văn Tỉnh đã trực tiếp thị sát công tác khắc phục tình trạng thấm chân đập chính hồ Núi Cốc.
Kiểm tra an toàn tại công trình hồ Núi Cốc |
Theo đánh giá, khối lượng công việc đã cơ bản hoàn thành, đảm bảo đáp ứng yêu cầu thiết kế được duyệt và vận hành an toàn theo quy trình của Bộ NN & PTNT. Để có được sự vững tin như vậy, cơ quan quản lý của địa phương đã thường xuyên thực hiện dự báo, quan trắc, xây dựng phương án để kịp thời khắc phục đối với các công trình hồ đập có nguy cơ mất an toàn.
Thái Nguyên có tổng số 251 hồ chứa lớn nhỏ. Theo phân cấp, 40 công trình cấp tỉnh được giao cho Cty TNHH MTV Khai thác thủy lợi quản lý; số có lại có 211 công trình được giao cho địa phương quản lý.
Ông Nguyễn Văn Bắc (Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Thái Nguyên) cho biết, hàng năm, Chi cục Thủy lợi là đơn vị được giao chủ trì tập huấn nghiệp vụ an toàn hồ, đập cho cán bộ trực tiếp quản lý công trình thủy lợi tại địa phương.
Vật tư, dụng cụ cứu hộ, cứu nạn tại các hồ đập luôn được chuẩn bị đầy đủ |
Ngoài chuyên môn nghiệp vụ, nội dung tập huấn tập trung nhấn mạnh việc thực hiện các quy định của pháp luật về quản lý an toàn đập, hồ chứa nước.
"Có thể nói, là địa phương có số lượng hồ đập lớn lại thuộc các địa bàn có độ dốc cao nên Thái Nguyên luôn thường trực đảm bảo an toàn cao nhất cho các hồ đập. Qua đó, hạn chế rủi ro thấp nhất khi thiên tai xảy ra", ông Ngô Văn Ban. |
Ngoài ra, Cty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Thái Nguyên đã phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức tuyên truyền lồng ghép về thực hiện các quy định trong quản lý, khai thác bảo vệ hồ chứa, quản lý an toàn đập, hành lang bảo vệ nguồn nước; Tổ chức để nhân dân tham gia xây dựng kế hoạch khai thác và phương án bảo vệ công trình.
Trong số 40 công trình hồ chứa lớn do tỉnh Thái Nguyên quản lý, đã hoàn thiện 100% hệ thống quan trắc đo mực nước hồ, 24/40 hồ có hệ thống đo mưa tại đầu mối.
Đơn vị quản lý đang tiến hành lắp đặt thiết bị đo lưu lượng thấm qua thân đập, đo lượng mưa tự động, thiết bị thông tin cảnh báo an toàn cho đập và vùng hạ du.
Trước đây, tỉnh Thái Nguyên sử dụng các trạm đo mưa thủ công, độ chính xác không cao. Qua thời gian sử dụng, một số trạm đã ngừng hoạt động và ảnh hưởng đến việc quan trắc, theo dõi số liệu mưa phục vụ cho công tác dự báo, cảnh báo thiên tai. Nhận rõ yêu cầu cấp thiết đối với khu vực tỉnh Thái Nguyên, Đài khí tượng thủy văn khu vực Việt Bắc đã đầu tư, lắp đặt thay thế một số trạm đo mưa tự động. UBND tỉnh Thái Nguyên cũng đầu tư lắp thêm 9 trạm đo mưa tự động, nâng tổng số lên 35 trạm đo mưa tự động, giao cho Đài khí tượng thủy văn Thái Nguyên quản lý.
Kiểm tra an toàn tại công trình hồ Núi Cốc |
Thái Nguyên cũng đang tích cực triển khai việc rà soát, quy hoạch và xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu đập, hồ chứa nước theo yêu cầu của Tổng cục thủy lợi.
Ông Ngô Văn Ban (Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Thái Nguyên) cho biết, công tác đảm bảo an toàn đập, hồ chứa nước theo phương châm 4 tại chỗ được quán triệt từ tỉnh đến cơ sở. Đó là việc phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên trong Ban chỉ huy để chỉ đạo, điều hành từng địa bàn; ban hành quy chế trực ban, xây dựng phương án đảm bảo an toàn công trình; chuẩn bị vật tư, dụng cụ cho các lực lượng nòng cốt tham gia cứu hộ, cứu nạn...